Bạn đọc viết

Luận về tham lam

Xin hỏi các ông nhé: "Tham lam" là gì?

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Một buổi tối, mấy ông bạn thân ngồi uống trà tâm sự với nhau. Một ông nói:

- Người ta thường nói: "Tham thì thâm" tham lam thì gặp tai vạ sâu, tham lam sẽ gặp đen đủi, rủi ro, tai họa. Nhưng chữ "tham" kia cũng có ba bảy đường. Ngoài những từ "tham" như: tham biện, tham tri, tham mưu, tham nghị, tham gia, tham khảo, tham dự, tham chính, tham chiến, tham tá, tham tán, tham tụng, tham quan, tham luận, tham công tiếc việc... mình rất ghét những người nào có máu tham, ham muốn một cách thái quá, không biết chán, chẳng hạn như tham ăn, tham của, lòng tham không đáy, máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê...

- Ai mà chẳng ghét những kẻ tham lam! Chúng mình thử vạch rõ một số loại hình tham xem nào.

- Trước hết nói về tham ăn, người ta có câu: "Tham ăn giữ nết, chết không ai thương" nếu hiểu theo nghĩa rộng là một thói hư tật xấu, cứ giữ cái thói này thì lúc gặp khó khăn, hoạn nạn chẳng có ai thương xót.

- "Tham ăn mắc bẫy": Kẻ nào có lòng tham thường hành động thiếu suy nghĩ, không biết giữ gìn cân nhắc nên dễ bị mắc bẫy, dễ bị lừa gạt.

- "Tham bát bỏ mâm": Là để chỉ tham cái nhỏ, cái cục bộ, cái trước mắt mà bỏ phí cái lớn, cái lợi ích toàn cục, cái lâu dài.

- Đúng vậy! Ở đây còn có những câu "Tham bóng bỏ mồi", "Thả mồi bắt bóng"...

- "Tham bữa cỗ, lỡ buổi cày": Tham cái nhỏ để lỡ mất cái lớn hoặc được cái này thì phải mất cái khác chứ không chỉ có được mà không có mất và ngược lại.

- Người xưa có câu "Tham quan ô lại" là để chỉ bọn quan lại tham nhũng vơ vét, đục khoét của dân. Tham nhũng là để chỉ những kẻ lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của. Tham ô là chỉ những kẻ lợi dụng quyền hạn hoặc chức trách để ăn cắp của công. Ngày nay, tham nhũng đã là một quốc nạn mà nhân dân ta đang chống.

- Đã có quyền lực thì rất dễ dẫn đến "tham quyền cố vị", chỉ những kẻ cố giữ quyền hành, địa vị nhằm trục lợi cá nhân, không chịu rời bỏ.

- Trở lại câu chuyện "tham thì thâm", tục ngữ nói: "Tham thì thâm, đa dâm thì chết" là chỉ kẻ tham lam thường có hành động mù quáng, liều lĩnh nên rất dễ gặp phải rủi ro, tai họa. Kẻ hoang dâm vô độ sẽ bị ốm đau, bệnh tật để rồi chết yểu. Tham lam và đa dâm là hai điều xấu mà con người nên tránh.

- Lại có câu "Tham thì thâm, nhầm thì thiệt": kẻ tham lam thái quá thường gặp phải rủi ro, tai họa; kẻ thiếu tỉnh táo, thiếu sáng suốt để xảy ra nhầm lẫn thì phải chịu thiệt thòi.

- Nói về tham ăn còn có câu: "Tham thực cực thân", tham thực ở đây là chỉ ăn tham, ăn nhiều, ăn bừa bãi, cực thân là dễ sinh bội thực và là cội nguồn của nhiều căn bệnh.

- "Tham tiền bỏ nghĩa" là chỉ những kẻ lấy việc làm giàu là mục đích sống, bất chấp cả luân thường đạo lý. Tục ngữ còn có câu: "Tham tiền bỏ ngãi anh ơi/ Vàng thì ăn hết ngãi tôi vẫn còn" là để giáo dục rằng: Của cải dù có nhiều đến mấy, ăn tiêu mãi rồi cũng hết, nhưng cái tình, cái nghĩa ở đời thì không bao giờ cạn kiệt.

- "Tham ván bán thuyền" có hai nghĩa: Tham tiếc cái nhỏ, cái bộ phận nhưng lại bỏ phí cái lớn, cái tổng thể; chỉ những người thiếu thủy chung, chạy theo mối tình mới mà phụ bạc mối tình cũ. Lại có câu "Tham chuông phụ mõ", "Tham đó bỏ đăng"...

- Mình xin bổ sung một loạt tham nữa nhé: "Tham bong bóng, bỏ bọng trâu" là chê người coi trọng cái bề ngoài mà coi thường cái thực chất; "Tham bùi đánh cả bộng (bộng là cái nồi đất to, đánh có nghĩa là ăn): chê kẻ ăn tham hoặc kẻ tham một điều gì mà mình thích; "Tham cơm nguội, cá kho, bỏ cơm vua áo chúa" nói nhà Nho ngày xưa khẳng khái trong chế độ cũ, thà sống giản dị còn hơn phục vụ bọn vua chúa mà mình không trọng; "Tham có, tham giàu, đâm đầu vào lưới" tỏ ý chê kẻ vì tham tiền mà bị lừa; "Tham vui chịu lận" (lận là lừa gạt) chê người vì thích vui thú mà bị người ta lừa gạt; "Tham con giếc, tiếc con rô" nói người tham lam, cái gì cũng muốn; "Tham thì thâm, bụt đã bảo thầm rằng chớ có tham".

- Lại còn có những người "Tham sống sợ chết"; "Tham tài tham sắc"; "Tham thanh, chuộng lạ"...

- Ngoài ra còn có "tham tàn" là để chỉ gian tham, tàn bạo, tham lam, tàn ác; "tham sinh úy tử" chỉ kẻ tham sống sợ chết đến mức hèn nhát; "tham vọng" là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, vượt xa khả năng thực tế, khó có thể đạt được,

- Cuối cùng mình xin hỏi các ông nhé: "Tham lam" là gì?

- Là người có lòng tham đến mức muốn lấy hết về cho mình.

- Thế có lấy hết được không?

- Làm sao lấy hết được, thiên hạ người ta để yên chắc?

- Sao vẫn có nhiều người tham lam thế?

- Có nhiều người như thế nên hôm nay, chúng mình mới phải ngồi luận về tham lam đây!

ĐẶNG VIỆT THỦY

(Hà Nội)