Bạn đọc viết:

Lời nhắn gửi bác Thăng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân...”

(Dân trí) - Kính gửi bác Đinh La Thăng! Lá thư này cháu viết cho bác, không phải ủng hộ hoặc phản đối bất kỳ chính sách nào của bác, đây chỉ là một lá thư bày tỏ quan điểm của mình với những gì bác đã tạo nên trong thời gian vừa qua.

Lời nhắn gửi bác Thăng:  “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân...”

 

Cháu hi vọng dù tích cực hay tiêu cực, thì bác vẫn để cho lòng mình chùng lại và lắng nghe, dù chỉ một lần...

 

Lần đầu tiên thấy một vị Bộ trưởng "trảm" những cấp dưới của mình vì không làm được việc, bố cháu và cháu đã nói với nhau rằng: "Việt Nam chúng ta sắp có thêm một nhân tài rồi, chúng ta sắp chứng kiến những thay đổi vượt bậc rồi, phải như thế mới là ‘quan’ chứ".

 

Bác biết không, các bạn cháu cũng rất thần tượng bác. Mọi người đều tin rằng trong thời gian sắp tới mọi thứ hình thức, mọi công trình trì trệ sẽ được xây dựng thành một chuỗi những điều tốt đẹp hơn, nhờ Bộ trưởng Thăng, nhờ một vị cứu tinh cho giao thông, công trình Việt Nam.

 

Sau đó không lâu, những quyết định liên quan đến việc thắt chặt quy trình thi công, những quy định về thời gian thi công... càng làm chúng cháu ngưỡng mộ bác hơn. Thậm chí khi  trò chuyện với một bạn nước ngoài, cháu đã khẳng định: "Giao thông Việt Nam sẽ khác, bạn hãy tin đi! Lần sau khi đến Việt Nam, bạn sẽ thấy Bộ trưởng Thăng của chúng tôi đã làm được gì".

 

Nhưng (ở đời người ta sợ nhất chữ này bác nhỉ) tiếp theo đó, chúng cháu lại thấy khá là khó khăn trong việc tiếp cận giờ học mới. Dù sao, chúng cháu vẫn nghĩ đây là một trong những chính sách mà bác Thăng tốn rất nhiều thời gian để suy nghĩ và vì tin bác là người có tầm nhìn xa, nên chúng cháu không hề dám phản đối khi nhà trường thông báo khung giờ học mới.

 

Nhưng Thủ đô vẫn khá lộn xộn bác ạ, thậm chí qua một thời gian cũng đã khá lâu rồi mà chúng cháu vẫn khó có thể hòa nhập được với khung giờ mới. Từ bố cháu phải đi làm về sớm để rước em, đến mẹ cháu phải đi làm sớm hơn để đưa em đi học, còn cháu thì tới lúc về được đến nhà bụng đói tới mức rũ cả người ra. Nói chung, vào những tiết cuối, cháu chỉ muốn buông xuôi tất cả thôi, học không thể vào được nữa đâu bác ạ.

 

Có thể nói gia đình cháu rối bời từ lúc thay đổi giờ học, giờ làm ấy.

 

Vậy mà cháu vẫn thấy những điểm kẹt xe thay vì diễn ra trễ, thì giờ nó lại xả ra sớm hơn. Theo cháu nghĩ, phải nói đúng hơn là chúng ta chỉ đang đổi thời gian kẹt xe, tắc đường từ giờ này sang giờ khác, từ nơi này sang nơi khác, chứ chúng ta có giải quyết được triệt để không? Và chúng ta liệu có phải chỉ làm cho nhiều người dân lại tốn thêm vài tiếng đồng hồ để cha mẹ phải thức dậy sớm, ra về sớm để đưa đón con em đi học hay không...? 

 

Có một câu chuyện về lãng phí thời gian đã bị Bác Hồ quở trách, cháu còn nhớ rất rõ. Đó là khi có một thanh niên đi trễ 10 phút, Bác đã nói: "Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây." Vậy chuyện lấy đi vài tiếng của mỗi người tại Thủ đô như vậy có nên nhân lên với hàng vạn người đang đưa đón con đi học mỗi ngày không, thưa bác?

 

Dẫu vậy, chúng cháu và gia đình vẫn dẹp bỏ những cái riêng tư của mình với hi vọng rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, mọi thứ sẽ ổn hơn và chính sách của bác luôn luôn không bao giờ sai, thậm chí dù người ta có phản đối thế nào đi nữa.

 

Nhưng rồi chúng cháu lại vẫn khó nghĩ khi phải chịu thêm những khoản phí đường bộ, trong khi đường đi thì vẫn đầy những ổ gà, ổ trâu… nạn “đinh tặc” vẫn diễn ra, tai nạn giao thông có thật sự đã giảm?...

 

Vậy bác hãy cho chúng cháu hỏi: người dân sẽ phải đóng phí bảo trì, phí lưu hành... để làm gì? cho ai? và tương lai có phải chúng cháu lại "lơ đi" và tự tưởng tượng rằng cuộc sống vẫn đang tiến triển theo chiều hướng đẹp lên?

 

Mỗi ngày hiện nay nhà cháu đã phải bớt đi thịt, cá vì lương bố mẹ không đủ nuôi hai đứa con như xưa nữa. Bố cháu phải nhận việc làm thêm mỗi đêm để trang trải cho các chi phi phát sinh. Phí dồn phí, điện dồn điện, xăng dồn xăng... cuộc sống của chúng ta hiện tại có phải là quá mệt mỏi không, thưa bác?

 

Đôi lúc có lẽ cũng hơi tiêu cực, cháu cứ nghĩ không biết có ai đếm được số xe đi mỗi ngày mỗi giờ, và số tiền ấy liệu có sẽ chắc chắn được dùng đúng mục đích? Số tiền mà bố mẹ cháu phải bớt đi từ phần ăn mỗi ngày của cả gia đình, số tiền phải bớt đi nên em cháu giờ chỉ còn được uống một bịch sữa mỗi ngày, số tiền mà cha mẹ phải chắt bóp hơn nên không thể mua thêm áo trắng cho cháu trong năm học mới...

 

Cháu được học một câu trong Bình Ngô Đại Cáo "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" và thấy hiện tại đại đa số người dân đều có vẻ không yên tâm lắm với những chính sách, quy định của bác. Dù cháu vẫn cố gắng để tin rằng thời gian nữa có lẽ nó sẽ phát huy hiệu quả.

 

Bác ạ! Cháu sẽ đi xe bus, nếu xe bus không làm cháu trễ đến hơn nửa tiếng, nếu cháu không có lúc bị ai đó sàm sỡ, nếu cháu có thể đến trường với một bộ dạng bình thường như trước khi lên xe, nếu cháu có đủ sức khỏe để không bị ngất... Và cháu tin ai cũng thế bác ạ. Phương tiện công cộng ở nước ta, cháu xin nói thẳng suy nghĩ của mình, chủ yếu chỉ có thể coi như phải “sống chung với lũ” thôi…. Hi vọng bác nghĩ lại, ít nhất là cho một người là cháu.

 

Sẽ có thêm những điều gì mới? Hay cuộc sống nay lại phải khổ hơn? Hay mọi thứ sẽ rối bời hơn nữa?

 

Chúng cháu tin vào bác, chúng cháu sẽ tin vào bác, vì hiện chúng cháu có muốn không tin cũng không được bác ạ. Hi vọng, mọi thứ đều đẹp, hy vọng những dòng viết non nớt này có thể được bác đọc, dù chỉ là lướt qua... Cháu còn trẻ, nông nổi và chưa hiểu chuyện, có thế nào mong được bác Thăng bỏ qua cho cháu.

 

Mr R Kraz

emai: krazmrr@gmail.com