Lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bị chê: Cũng là động lực để thay đổi?

(Dân trí) - Rất nhiều nhận xét gay gắt phản hồi thông tin một số doanh nghiệp ở Bình Dương không tiếp nhận lao động đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…Đồng thời cũng có những ý kiến tỏ ra bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh để cùng rút kinh nghiệm.

Gia đình chị P. mấy ngày đi tìm việc cho chồng nhưng vẫn chưa có (ảnh: Lê Tuyết, Lao Động)
Gia đình chị P. mấy ngày đi tìm việc cho chồng nhưng vẫn chưa được (ảnh: Lê Tuyết, Lao Động)

 

Tiên trách kỉ, hậu trách nhân
 

Lọc ra từ hàng ngàn phản hồi của bạn đọc gửi tới sớm nhất, chúng tôi xin được chỉ  trích đưa lên những ý kiến có thể coi là nhẹ nhàng nhất, có phân tích dễ tiếp thu nhất trong chừng mực có thể (theo nhận xét chủ quan của chúng tôi). Dù có lẽ những gì được bạn đọc nêu ra cũng chưa phải là khả thi hoặc được cho là đúng đắn, bởi ai cũng có thể nhìn nhận vấn đề theo quan điểm riêng của mình. Song trước bất kỳ lời chê nào, có lẽ sẽ là người khôn ngoan hơn khi ta suy nghĩ xem: nên chăng trước tiên hãy tự trách mình?

 

“Tôi thật buồn khi đọc bài báo này. Tại sao những doanh nghiệp ở Bình Dương lại có suy nghĩ thiển cận đến như vậy nhỉ? Tôi đã học tập và làm việc cùng với rất nhiều người quê ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, thật tình tôi lại có suy nghĩ hoàn toàn khác về họ. Tôi thấy những người lao động từ các vùng này thường rất trung thực, chăm chỉ và đặc biệt rất cần cù, chịu khó. Trong công ty tôi, những việc làm cần sức lao động hoặc việc lặt vặt, những người ở Hà Nội như chúng tôi rất ngại làm, nhưng với họ thì không có việc gì mà họ không làm cả. Nhờ họ là họ vui vẻ giúp ngay tức khác, thật là nhiệt tình.

 

Ở đâu cũng có người này người nọ, nhưng nếu không tuyển những người lạo động ở những tỉnh này, thực sự là một sai lầm rất lớn. Bố tôi vừa đọc bài báo này, ông đã ứa nước mắt. Ông nói rất buồn khi nhớ lại hồi chiến tranh chống Mỹ, đoàn xe bộ đội khi đi qua Thanh Hóa bị sa lầy, không đi được. Thế là có người dân sẵn sàng phá luôn ngôi nhà gỗ để lấy ván chèn bánh cho xe qua. Bộ đội chờ xe thì được cả làng góp khoai, gạo để nấu cơm cho bộ đội ăn. Bản thân bố tôi đã được một người lính ở Thanh Hóa cõng suốt 15 km từ trong rừng về trạm xá khi bị thương để cứu bố tôi. Lần đầu tiên cả gia đình tôi thấy bố khóc, tiếng khóc sau đó càng to hơn...” - Đỗ Tấn Hoàng

 

“Không riêng gì dân các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh bị từ chối khi xin việc, mà nói chung công nhân Việt Nam bây giờ cũng bị tiếng xấu ở một số thị trường lao động nước ngoài. Mới đây nhất Hàn Quốc vừa chính thức tuyên bố tạm không nhận lao động mới từ Việt Nam rồi đó. Đến bao giờ thì người lao động Việt Nam mới được tôn trọng theo đúng nghĩa đây?” – TMC

 

“Mình không hề kỳ thị người dân TH-NA-HT, những người bạn mình biết đa phần đều rất thông minh, chịu khó. NHƯNG xin lỗi phải nói chữ NHƯNG này, vì mình cũng nhận thấy là đa phần những người bạn của mình vẫn còn bị tính cục bộ, địa phương quá cao. Do vậy, họ có thể là 1 tập thể đoàn kết nhưng lại không đoàn kết với những người xung quanh. Vì vậy đôi khi họ tự bị tách ra khỏi 1 tập thể đông hơn rất nhiều. Mong các bạn TH-NA-HT cũng tự xem lại mình trước khi trách cứ các nhà tuyển dụng nhé. NHỮNG HÀNH ĐỘNG ĐẸP CỦA CÁC BẠN SẼ LÀM THAY ĐỔI CÁCH SUY NGHĨ CỦA NHIỀU NGƯỜI!” - Tuan Anh

 
LĐVN làm thủ tục dự thi tiếng Hàn trên máy tính sáng 20/9 (ảnh: Ngọc Bảo, Lao Động)
 
LĐVN làm thủ tục dự thi tiếng Hàn trên máy tính sáng 20/9 (ảnh: Ngọc Bảo, Lao Động)
 

“Đóng cửa bảo nhau”

 

Quan niệm từ xa xưa này xét trên phương diện nào đó nhiều khi vẫn có được tác dụng tốt hơn, bởi lời người nói dễ được người nghe tiếp thu vì giữa họ dễ có được lòng tin vào sự đồng cảm và thiện chí của nhau hơn là với… những người “ngoài cửa”.

 

“Đừng trách ai cả, trước tiên hãy xem lại mình, hỡi những người con Thanh Hóa quê tôi. Tôi là người gốc Quảng Xương, Thanh Hóa, rất đau lòng khi phải chứng kiến những thành kiến của một số người Nhật Bản, Hàn Quốc đối với người dân quê tôi. Trước đây tôi làm cho công ty xuất khẩu lao động sang Nhật, phía Nhật tuyệt đối không chấp nhận người có hộ khẩu từ Nghệ An - Hà Tĩnh trở ra. Phía Hàn Quốc tuy không triệt để như vậy, nhưng họ cũng ngấm ngầm không tuyển. Nhưng mà vẫn có những người làm giấy tờ giả để sang đó, và hậu quả thế nào thì mọi người thấy đấy,  mà ví dụ  mới  nhất là Hàn Quốc không nhận LĐXK của VN nữa….

 

Còn ở Bình Dương, tôi cũng nghe mọi người truyền tai nhau rằng: ra đường thấy xe số 36 thì dạt ra chớ có đụng vào, vì hễ có chuyện gì là bị đánh hội đồng như chơi….Xin mọi người hãy cùng suy nghĩ lại để hành động đúng, vì Thanh Hóa thân yêu của chúng ta. Đừng để ảnh hưởng đến những người chân chính khác” – Quảng Xương

 

 “Tôi là một người sinh ra từ Nghệ An. Tôi dã và đang chứng kiến bạn bè, anh em vào Nam lập nghiệp nhưng cuối cùng cũng phải quay về vì không thể có một cơ hội được làm việc đúng  mong muốn của họ. Họ có sức lực, có khả năng nhưng bị tẩy chay một cách công khai chỉ vì cái hộ khẩu. Thú thực nếu ở trong tình trạng đó tôi không chỉ buồn, bức xúc mà còn tủi. Mất cơ hội làm việc vì chính nơi mình sinh ra .... Đó là một thành kiến mà không dễ gì có thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Có lẽ giải pháp ra Bắc kiếm việc đang là cách hay nhất, hi vọng các nhà tuyển dụng phía Bắc không có cái nhìn cực đoan như vậy” - Nguyễn Hoài Thu

 

“Người miền Trung nói chung rất thông minh, cần cù và chịu khó. Vì vậy cũng có khi họ bảo vệ cái đúng trong công việc, nhưng lại tạo ra xích mích lợi ích với những người cùng cấp hoặc cấp trên. Tất nhiên phương châm sống “trong nhà đóng cửa bảo nhau” cũng có cái hay. Nhưng mình nghĩ nền kinh tế Việt Nam nói riêng và XHVN nói chung không thể phát triển nhanh và bền vững được, nếu chúng ta vẫn cứ không dám nói lên sự thật, hay nói cách khác là cứ che đậy cho nhau những cái dở để… cùng chết. Đây có lẽ chính là một lý do mà nhiều nhà tuyển dụng không muốn lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh vào làm việc.  Mình nghĩ vậy” - Nguyễn Chung  

 
LĐVN làm thủ tục dự thi tiếng Hàn trên máy tính sáng 20/9 (ảnh: Ngọc Bảo, Lao Động)
 
Rất đông người lao động tập trung trước các điểm thi tiếng Hàn tại Hà Nội (ảnh minh họa: Q.Thế, Tuổi Trẻ)
 

Động lực để thay đổi

 

Đúng là ai cũng có cái lý của mình, song suy nghĩ thái quá hoặc luôn đổ lỗi cho người khác rõ ràng là điều không nên. Nhưng để dũng cảm tự thấy được những nét “xấu xí” ngay trong bản thân mình để “tấy chay” chúng, với ý thức nói chung còn bị đánh giá là chưa cao của đa số người VN hiện nay thì xem ra còn cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm nữa chúng ta mới đạt được mục tiêu: tự tạo dựng hình ảnh đẹp cho mình.

 

 “Ai cũng có cái lý của họ. Mình thấy người tuyển dụng họ có cớ để làm điều này, còn người lao động thì chả biết kêu ai, vì đơn giản là mình đi xin việc chứ không phải họ xin mình đi làm. Nhưng mình cũng thấy người Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh thường cũng rất tốt, họ là người chịu khó và biết cố gắng rất nhiều. Nghị lực của những con người đi lên từ gian khó nhiều người đã biết. Vợ mình cũng là người Nghệ An mà….

 

Thế nhưng có một điều không thể phủ nhận là đôi khi họ rất nóng tính, cũng hay kết bè cánh trong công ty và là nguồn cơn gây nên những sự bất ổn: đánh nhau với công nhân khác, kết thành nhóm để gây rối đòi quyền lợi, kể cả với bên ngoài họ cũng hay gây sự và oánh lộn lẫn nhau. Nếu là người sử dụng lao động thì họ nghĩ sao, trong khi hiện giờ lao động nhìn chung thì thừa mà việc thì không nhiều, kiếm sống khó khăn hơn. Có lẽ chính bản thân các bạn miền Trung hãy tự thay đổi để vươn lên, tự làm đẹp hình ảnh của người Nghệ An – Thanh Hóa – Hà Tĩnh trong mắt những người sử dụng lao động” - Cường

 

“Dĩ nhiên việc vơ đũa cả nắm là sai. Bản thân người Nam tôi nhận thấy đa số khá dễ tính, nên cũng chưa chắc các công ty đó chủ là người Nam, nên không thể kết luận người Nam thế này, thế nọ. Đôi khi chính những người miền ngoài đã ở trong Nam lâu ngày lại là những người kì thị đồng hương. Đồng bào lao động chân chính Thanh - Nghệ - Tĩnh không nên vì đó mà kích động giận dữ. Nên trả lời bằng thái độ làm việc chuyên nghiệp, hòa đồng. Ngay cả danh thủ Kiatisak ngày trước cũng phải mất vài năm mới làm thay đổi sự không ưa thích của một số người VN với người ngoài (Thái) đấy, bằng phương pháp: thi đấu tận tình, chuyên nghiệp, hòa đồng, kiên nhẫn” - nick Hãy xem đây là động lực để thay đổi!

 

“Theo tôi thì vấn đề là nằm ở chỗ  nền văn hóa và bản chất của mỗi vùng miền. Nếu như chúng ta không có kế hoạch lâu dài cho vấn đề này thì quả là rất thiệt thòi cho thế hệ sau. Hy vọng các cấp lãnh đạo có thẩm quyền cùng với nhà trường, gia đình ....cùng có cái nhìn nhận sâu và rộng hơn trên mọi lĩnh vực. Không chỉ ở vấn đề xin việc trong Nam hay xuất khẩu lao động ở nước ngoài mới như vậy đâu, mọi người thử đặt câu hỏi tại sao nhiều nhà đầu tư lại vẫn không dám đầu tư vào chính quê hương mình? Chúng ta đoàn kết là rất tốt, nhưng hay suy nghĩ kỹ hơn trước khi làm một việc đề gì đó, sao cho dù có phải cạnh tranh thì cũng trên tinh thần lành mạnh, mọi người ạ . Tôi hy vọng những người miền Trung đã và đang làm việc tại miền Nam cùng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho những người đi sau. chúng ta phải thay đổi để mọi người thấy rằng mọi chuyện không như mọi người nghĩ. Chúc toàn thể đồng hương mạnh khỏe và bình tĩnh trong mọi trường hợp .....Tôi yêu miền Trung!”- nick Diễn giả tương lai

 

Những câu tỏ bày tha thiết như “Tôi yêu miền Trung!”, “Miền Trung  luôn trong trái tim tôi”… vẫn được người dân cả nước nhắc đi nhắc lại mỗi khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, tai nạn…Chứng tỏ tấm lòng của người dân cả nước vẫn luôn hướng về dải đất miền Trung đầy nắng lửa, về những con người miền Trung kiên cường, dũng cảm đương đầu với khó khăn, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.
 
Và điều mong muốn chung lớn nhất của mọi người con đất Việt là miền Trung sẽ ngày càng phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, vững chắc hơn. Muốn vậy, cần lắm những bàn tay góp sức từ chính lực lượng lao động trẻ - những chủ nhân tương lai của miền Trung trong trái tim cả nước! 

Khánh Tùng