Phiếm đàm

Lại một ý tưởng phòng chống tham nhũng gây choáng

(Dân trí) - Đề cập đến cái nhỏ mà không tập trung ráo riết vào cái lớn, nhấn mạnh cái tiểu tiết mà không thực sự quan tâm đến cái cơ bản, coi trọng cái hình thức mà bỏ qua cái nội dung thực chất, như kiểu bàn về in tiền mệnh giá nhỏ để kẻ hối lộ ngại mang đên đưa, kẻ nhận hối lộ cũng ngại nhận, mà không tập trung bàn đến những bất cập dân đang quan tâm trong công cuộc phòng chống tham nhũng thì việc phòng chống tham nhũng ở nước ta vẫn còn gian nan lắm thay.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Tại cuộc Hội thảo về một số vấn đề lớn cần sửa đổi của Luật Phòng chống tham nhũng vừa được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 24-5 tại Quảng Ninh,có phát biểu của một quan chức đã gây choáng dư luận khi vị này đề xuất “nghiên cứu không in các loại tiền có mệnh giá lớn, nếu chỉ in loại tiền có mệnh giá 20.000 đồng thôi, không cho phép giao dịch bằng ngoại tệ thì người ta rất khó đưa phong bì bởi khi đó phong bì sẽ rất dày”.

Cái choáng thứ nhất là Nhiệt tình chống tham nhũng của người phát biểu thì có thừa, nhưng hiểu biết về thực tế thì lại có ít, rất ít. Vì vị này nghĩ rằng ai đó muốn mua một “lốt” công chức cỡ 200.000.000 đồng chẳng hạn, nếu áp dụng sáng kiến của vị này, thì thì kẻ hối lộ đó phải cần đến 10.000 tờ 20.000 đồng, tức là 100 “cục gạch” mỗi cục 100 tờ và cũng tức là cần cả một chuyến xe cỡ… xích lô để chở. Thế thì người hối lộ và người nhận hối lộ sẽ ngại mang vác nặng quá, từ đó họ bỏ ý định đưa và nhận hối lộ. Nhưng vị này quên rằng nếu chuyển số tiền mệnh giá nhỏ đó thành vàng, mỗi cây vàng 33 triệu đồng, 10 cây như một nắm tay đã 330 triệu gọn lắm. Hoặc họ dùng tiền USD cũng chỉ như một cuốn sổ tay bỏ túi có gì khó đút lót đâu.

Vì vậy, đề xuất cách chống tham nhũng – tức chống giặc nội xâm như vậy lại na ná giống một câu chuyện chống giặc ngoại xâm trước đây, khi thấy giặc Pháp sắp vào làng càn quét, có làng đã thu hái ổi của các nhà dân nào có ổi, đem giải trên đường vào làng, với lập luận, “thằng Tây” nó đi chân cứ cứng đơ (vì thấy chúng đi ủng) nên các cụ suy luận chủ quan là chúng không có đầu gối, khi đi trên đường dẫm vào ổi bị trượt ngã chì có cách nằm quay cu lơ không dậy được, ta chỉ việc ra bắt trói cả lũ.” Chẳng ai là không kính trọng nhiệt tình hăng hái chống giặc ngoại xâm của các cụ, nhưng khó chấp nhận cái giải pháp xuất phát từ sự thiếu hiểu biết.

Nhưng đó là hồi trước 1945, dân trí của ta còn thấp, người dân vùng quê hẻo lánh nào đó không có điều kiện tiếp xúc giao bang với người nước ngoài nên hiểu biết hạn hẹp, còn thời buổi bây giờ mà đề xuất của vị quan chức trên về giải pháp in tiền mệnh giá thấp để kẻ hối lộ và kẻ nhận hối lộ ngại mang vác tiền nặng, sẽ từ bỏ ý định tham nhũng, gây nên choáng cho dư luận là phải.

Cái cần là trong hội nghị này, là dân mong bàn vào một giải pháp quan trọng và hữu hiệu để chống được tham nhũng có hiệu quả đó là thực hiện một cách nghiêm túc và ráo riết, không chừa một ai việc mọi quan chức phải kê khai tài sản cá nhân công khai và minh bạch cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân kiểm tra, những đối tượng nào có số tài sản vượt quá cao với mức thu nhập chính đáng đều phải giải trình…

Cái cần trong hội nghị này cũng là bàn về tình trạng phản cảm dân làm sai, trộm con vịt thì xử tù, còn quan làm sai, gây thất thoát tiền tỷ của nhà nước cũng chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm hoặc cảnh cáo, khiển trách…

Cái cần trong hội nghị này cũng là bàn về tính răn đe trong nội dung BLHS có hiệu lực từ 7/2016 đã đưa ra quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ…

Đó là những vấn đề nổi cộm mà mỗi khi có một vụ việc tham nhũng được phanh phui dân lại quan tâm.

Vì thế, để cập đến cái nhỏ mà không tập trung ráo riết vào cái lớn, nhấn mạnh cái tiểu tiết mà không thực sự quan tâm đến cái cơ bản, coi trọng cái hình thức mà bỏ qua cái nội dung thực chất, như kiểu bàn về in tiền mệnh giá nhỏ để kẻ hối lộ ngại mang đên đưa, kẻ nhận hối lộ cũng ngại nhận, mà không tập trung bàn đến những bất cập dân đang quan tâm trong công cuộc phòng chống tham nhũng thì việc phòng chống tham nhũng ở nước ta vẫn còn gian nan lắm thay.

Nguyễn Đoàn