1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kỳ vọng giá vàng vỡ tan tành

Dù có thêm tới gần 160 nghìn lượng vàng được cung ra thị trường, kỳ vọng giảm chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế chính thức “phá sản” vào cuối tuần qua, khi giá vàng thế giới rơi ''thủng đáy'' 1.480 USD/ounce.

Chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới hiện đang ở mức 5,5 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới hiện đang ở mức 5,5 triệu đồng/lượng.
 
Cho đến chiều tối ngày 14/4, khoảng chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường trong nước với quốc tế không còn đứng ở mức 3,2-3,6 triệu đồng mỗi lượng như hồi giữa tuần. Sự sụt giảm thê thảm của giá vàng tới hơn 82 USD/ounce chỉ sau đúng 3 ngày (từ mức 1.559 USD vào ngày 11/4 xuống còn 1.477 USD trong ngày 13/4) khiến giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Mức giảm theo không tương xứng của giá vàng trong nước là lý do khiến khoảng chênh lệch giá giữa hai thị trường liên tục bị nới rộng.

 

Số liệu được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cập nhật đến tối ngày hôm qua cho thấy, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện chỉ còn tương đương 37,23 - 37,31 triệu đồng/mỗi lượng. So với biểu giá vàng SJC được Doji Hà Nội niêm yết vào sáng cùng ngày (41,9 -42,15 triệu đồng/lượng), mỗi lượng vàng trong nước theo đó đắt hơn giá vàng thế giới tới 4,67 triệu đồng ở chiều mua vào và 4,84 triệu đồng ở chiều bán ra.  

 

“Nhận định chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế có xu hướng thu hẹp dần được NHNN đưa ra cuối tuần qua (hôm 12/4) dường như là hơi vội vàng” - một NĐT vàng tại Hà Nội hóm hỉnh.

 

Cũng theo NĐT này, diễn biến trên một lần nữa cho thấy sự biến động liên tục của giá vàng thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các thành viên tham gia đấu thầu vàng miếng với NHNN.

 

Ở một góc khác, sau 6 phiên đấu thầu tính từ cuối tháng 3 đến nay, số liệu cho thấy có 76 lượt TCTD và DN trúng thầu với tổng khối lượng vàng miếng trúng thầu lên tới 158.200 lượng, tương đương trên 6 tấn vàng.

 

“Một phần vàng bán ra được TCTD dùng để bù đắp trạng thái âm trước đó” - một đơn vị kinh doanh thuộc BIDV nhận định.

 

Cơ quan NHTƯ ngày 12/4 cũng xác nhận, lượng vàng miếng trúng thầu của các đơn vị đã được sử dụng để bán ra thị trường và một phần dùng để tất toán số dư vàng huy động của một số TCTD. Qua đó “góp phần giảm áp lực mua vàng trên thị trường của các TCTD”.

 

Nhận định thị trường vàng trong nước đến cuối tuần qua khá ổn định với mức chênh lệch mua và giá bán vàng miếng giảm đáng kể, NHNN cũng cho rằng: “Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế có xu hướng hẹp dần”. Song chỉ sau đúng một phiên buổi sáng ngày 13/4, sự mất giá mạnh của giá vàng thế giới nhanh chóng bác bỏ nhận định của NHNN về chênh lệch giá. Thị trường dường như vỡ òa ra rằng, giá vàng trong nước với các “tính toán” hiện nay khó có thể tiến tới gần giá vàng quốc tế và càng không thể trông mong vào các phiên đấu thầu của NHNN trong việc xóa khoảng chênh quá cao ấy.

 

Thay vì kỳ vọng mua được vàng với giá rẻ, có ý kiến cho rằng các TCTD đang âm trạng thái vàng mới là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ các phiên đấu thầu vàng của NHNN. Do đó, nếu bỏ qua một loạt các kỳ vọng của người dân về ổn định giá và xóa chênh lệch giá giữa hai thị trường, có chăng các phiên đấu thầu vàng của NHNN thời gian qua chỉ thực hiện được việc tăng cung vàng miếng và từng bước cân bằng cung-cầu vàng miếng trên thị trường.

 

Theo Văn Nguyễn

Lao động