Bạn đọc viết

Kính già, già để tuổi cho

(Dân trí) - Có cha mới sinh ra ta/Làm nên thì bởi mẹ cha vun trồng/Khôn ngoan nhờ đức cha ông/Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ/Đạo làm con chớ hững hờ/Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Đầu Xuân Bính Thân, con cháu của một gia tộc nọ họp lại với nhau bàn chuyện mừng thọ cho các cụ bô lão. Mở đầu, vị chủ tọa nói:

- Xuất phát từ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", biết ơn tổ tiên, các bậc sinh thành... năm nay chúng ta phải tổ chức thật chu đáo lễ mừng thọ các cụ, đồng thời có những phần quà, những việc làm thiết thực phụng dưỡng các bậc cao tuổi của gia tộc ta. Với tinh thần "Kính lão đắc thọ", "kính già, già để tuổi cho", tôi đề nghị tất cả mọi người cùng bàn bạc, có sáng kiến... để thực hiện.

Một ông giơ tay phát biểu trước:

- Trẻ – già là một quy luật cuộc sống mà ai cũng phải trải qua. Các cụ có câu: "Ông bảy mươi học ông bảy mốt" là nói người ít tuổi phải biết khiêm tốn, cầu thị để học hỏi người lớn tuổi, vì người lớn tuổi thường có sự hiểu biết, sự từng trải và kinh nghiệm sống phong phú hơn, sâu sắc hơn, "già quen việc, trẻ quen ăn" mà! Chúng ta cần phải giáo dục cho con cháu không bao giờ được quên công ơn của ông bà, cha mẹ...

- Tôi nhất trí! Trong xã hội hiện nay, đó đây đã xuất hiện những hiện tượng "phi truyền thống" như con cháu đối xử không tốt với ông bà, cha mẹ, các bậc cao niên. Nhiều tranh chấp, cãi cọ, thậm chí gây án xảy ra trong gia đình, họ hàng xung quanh những vấn đề về tài sản, đất đai, ruộng vườn… Thật xót xa!

- Những kẻ đó thường hay nói các cụ là: "Già hay trở (trái) chứng", "Gần đất xa trời", "Già kề miệng lỗ", "Già lừa đạp dưa thối"... nhưng có biết đâu rằng: "Già sinh tật, đất sinh cỏ" là lẽ tự nhiên, "Già mạ, tốt lúa", "Già sức khỏe, trẻ bình yên"...

- Tuổi già cũng mang đến cho con người những thay đổi đặc biệt về trí não cũng như sự kính trọng của mọi người xung quanh. Nhiều người đã coi tuổi già là những năm tháng tuyệt vời vào buổi xế chiều của đời người. Tại sao vậy? Có những lý do để thấy sự tuyệt vời của tuổi già mà các nhà nghiên cứu đã đúc kết được.

- Lý do thế nào? Ông nói rõ hơn đi!

- Vâng! So với các lứa tuổi thì tuổi già ngủ ít nhất, nói cách khác, người cao tuổi cần ngủ ít hơn. Đồng thời người cao tuổi cũng mất nhiều thời gian để bắt đầu đi vào giấc ngủ và có ít thời gian để ngủ sâu hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người cao tuổi có nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống hơn.

- Thú vị đấy, vì nếu ngủ nhiều thì sẽ không tận hưởng cuộc sống được! – Một người thốt lên với giọng tán thưởng.

- Tiếp nữa, người cao tuổi có thể nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc của quá khứ trong một ký ức sinh động. Những người cao tuổi thường tập trung vào những gì làm cho họ cảm thấy lạc quan hơn những điều tiêu cực và điều đó khiến họ nhìn đời tích cực hơn, bao dung hơn. Khi đã trở thành ông bà, người cao tuổi không phải bận tâm nhiều về những cơn nóng giận bất thường, những lo lắng vì thiếu kinh nghiệm khi những đứa cháu bị ốm đau. Họ có thể vô tư vui đùa, chăm sóc cháu mà không bị vướng bận bởi những nỗi kỳ vọng hay thất vọng vì chúng. Có người còn cho rằng, ông bà có thể làm tăng cơ hội sống sót của những đứa trẻ sơ sinh và trẻ em trong suốt thời gian chúng phải đối đầu với những nguy cơ liên quan đến sức khỏe.

- Tuyệt vời! Đúng là "gừng càng già càng cay"! Thật giống như thùng rượu vang càng để lâu càng ngon! Ca dao có câu: "Càng già càng dẻo càng dai/Già râu già tóc, lòng ai có già", "Gừng già, gừng rụi, gừng cay/Anh hùng càng cực, càng dày nghĩa nhân". Chính vì vậy mà "Mỗi năm mỗi thắp đèn trời/Cầu cho cha mẹ sống đời với con/Người còn thì của cũng còn/Để người ban bảo vuông tròn nhân duyên"...

Ông chủ tọa cuộc họp của gia tộc nói:

- Ý kiến của mọi người rất xác đáng, yêu cầu thư ký phải ghi lại thật đầy đủ. Để kết thúc phần này, tôi xin kết luận bằng câu ca xưa: "Có cha mới sinh ra ta/Làm nên thì bởi mẹ cha vun trồng/Khôn ngoan nhờ đức cha ông/Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ/Đạo làm con chớ hững hờ/Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm". Và: Tu đâu cho bằng tu nhà/Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu"...

Đặng Việt Thủy

(Hà Nội)