Khi Bộ trưởng Y tế lo chuyện... rượu chè

​Ngay trước Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn bày tỏ nỗi bức xúc trước tình trạng uống rượu, sản xuất rượu giả. Bà kiên quyết rằng: Không thể để xảy ra tình trạng xã hội ngày càng văn minh nhưng năm nào cũng có người chết đau đớn vì rượu trong những ngày lễ, tết.


Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.

Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.

Nỗi lo của Bộ trưởng hoàn toàn không thừa. 203 người đã chết vì TNGT trong “3 ngày tết” năm ngoái - không ít trong đó vì rượu. 4.500 người nhập viện vì... đánh nhau - có nguyên nhân từ rượu.

Có thể, con số bình quân 5.000 người ngộ độc và 26 người chết vì ngộ độc methanol mỗi năm không mấy ấn tượng. Nhưng những cái chết trực tiếp chỉ là một khía cạnh hậu họa của rượu.

Bởi bên cạnh, là những thống kê khủng khiếp dưới khía cạnh tác động xã hội: Chẳng hạn rượu là nguyên nhân của 31% các vụ đánh giết nhau, 33% các vụ hiếp dâm hay 18% nguyên nhân các vụ TNGT. Rượu cũng là “đầu vào” của khoảng 60% các loại bệnh tật.

Một bộ trưởng y tế lo chuyện rượu chè, suy cho cùng, cũng là phải, là chuẩn trách nhiệm thôi.

Nhưng cũng xin chia sẻ với Bộ trưởng, với ngành y tế. Sẽ chẳng giải quyết được điều gì nếu chỉ lo, chỉ chuẩn bị cho việc cấp cứu tai nạn từ rượu, sẽ chẳng giảm bớt hay chấm dứt được nếu chỉ chuẩn bị thuốc men, vật tư y tế cho việc cấp cứu ngộ độc rượu.

Một thống kê của ngành công thương cho thấy mỗi năm, có tới 270 triệu lít rượu được sản xuất và tiêu thụ, trong đó, không nhỏ là lượng rượu “ba không”: Không nhãn mác, không rõ nơi sản xuất, không biết chất lượng. Và chính những loại rượu ba không với không ít trường hợp pha bằng cồn công nghiệp methanol mang tính chất “thuốc độc” này đang là nguyên nhân trực tiếp gây ra ngộ độc và bệnh tật.

Thay đổi thói quen trà lá, rượu chè trong những dịp lễ tết là việc khó, cần thời gian. Nhưng kiểm soát chặt thị trường hạn chế các loại rượu thuốc độc, cấm tuyệt đối bán rượu cho người vị thành niên là việc có thể làm và làm ngay.

Có một chi tiết trong vụ 10 sinh viên ngộ độc rượu ngay tại thủ đô là có những trường hợp nồng độ methanol trong máu cao gấp cả trăm lần so với mức cho phép... và là nguyên nhân trực tiếp gây ra tử vong. Và để tránh tình trạng cồn công nghiệp biến thành rượu gây ra những hậu họa rất lớn, lại chỉ đơn giản bằng một quy định: Cồn công nghiệp được pha chất chỉ thị màu xanh, để người ta có muốn cũng không thể pha thành rượu.

Mỗi dịp lễ, tết lại tràn lan những cái chết vì rượu thì đúng là không thể chấp nhận được.

Theo Anh Đào

Báo Lao động