Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5-1954

Hò kéo pháo – bản hùng ca còn mãi

Trong dòng nhạc cách mạng Việt Nam, có những bài hát mà khi hát lên khiến người ta nghĩ ngay đến dấu mốc lịch sử ấy. Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, ta không thể không nhắc đến “Hò kéo pháo” – một sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân.


Kéo pháo ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Kéo pháo ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Những người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa kể lại rằng: những khẩu pháo nặng hàng tấn ấy đều được kéo lên trận địa trên núi cao chỉ bằng đôi vai, đôi tay của người lính cùng với lòng quyết tâm của họ. Kéo pháo vào đã khó, nhưng khi ta thay đổi chiến thuật từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc thì mật lệnh “kéo pháo ra” được truyền xuống. Để chuyển được những khối thép nặng hàng tấn ấy lại phải dùng sức người quay những cuộn tời kéo ra ngoài, bố trí theo phương án mới. Nhiều tấm gương đã anh dũng hy sinh để bảo vệ pháo, bảo vệ công sức của biết bao người, và trên hết để trận đánh đảm bảo bí mật, thắng lợi đến cùng.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Vân là một văn công, cũng đã cùng các chiến sĩ “khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”, nên ông hiểu thế nào là nỗi vất vả, cùng sự hy sinh to lớn của các anh để đưa được khẩu pháo đến nơi an toàn. Ông khâm phục tận đáy lòng những người lính quả cảm ấy. Những tiếng “hò dô ta nào” của bộ đội ta mỗi khi bắt nhịp để kéo pháo lên khiến ông nảy ra một “tứ”. Ông dự định sẽ sáng tác một bài hát về lối vận chuyển khí tài độc đáo có một không hai này, mặc dù lúc tham gia chiến dịch, vốn âm nhạc của Hoàng Vân chỉ là những kiến thức học được thời phổ thông, biết sơ qua một vài loại đàn thông dụng, nhưng ông đã viết “hò kéo pháo” bằng cả tấm lòng.

Bài hát được viết theo giọng son trưởng, thể hành khúc 2 đoạn. Đoạn 1 chậm rãi, chắc nịch như mô phỏng từng nhịp kéo pháo của chiến sĩ Điện Biên gan dạ mình đồng vai sắt. Ca từ được lặp lại như từng bước, từng bước chắc chắn nhích dần khẩu pháo: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi.” và thể hiện quyết tâm bằng mọi cách phải đưa được pháo vào trận địa “Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyêt tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”. Xen giữa lời của 2 câu là tiếng hô “Hai ba nào!” rất gần gũi bình dị mà trong sáng, giản dị mà thiết thực đi vào lòng người.

Sang đoạn 2, giai điệu như một tiếng reo vui khi pháo đã gần tới đích “Gà rừng gáy trên nương rồi, vững bước ta đi lên nào, kéo pháo ta ngang qua đèo trước khi trời hửng sáng”. Một niềm tin sắt đá vào quyết tâm chiến thắng: “Kéo pháo lên, trận địa của chúng ta, tin chắc thắng ta tin tưởng ở trên”. Rồi như một tiếng reo vui vỡ òa khi thành quả lao động bao đêm ngày vất vả đã được đến đích: “Tới đích rồi, đồng chí pháo binh ơi!” và khẳng định “lòng quyết tâm sắt gang nào bằng”.

Nhắc đến kỷ niệm viết ca khúc “Hò kéo pháo”, nhạc sĩ Hoàng Vân nhớ lại: Khi viết được đoạn đầu của bài hát với nét nhạc hào hùng và ca từ “hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù…” thì ông đi ngủ. Đang bí chưa biết phát triển tiếp như thế nào, ông thao thức mãi đến hơn 3 giờ sáng, chợt nghe tiếng gà gáy văng vẳng trên nương. Tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới, báo hiệu một cuộc sống thanh bình ấy đã giúp tác giả hoàn thành nốt bài hát ngay sau đó. Giai điệu cứ thế tuôn chảy tự nhiên “Gà rừng gáy trên nương rồi, vững bước ta đi lên nào, kéo pháo ta băng qua đồi, trước khi trời hửng sáng. Kéo pháo lên, trận địa của chúng ta, tin chắc thắng ta tin tưởng ở trên…”. Mạch cảm xúc tuôn trào, Hoàng Vân đã nghĩ đến niềm vui sướng của các chiến sĩ kéo pháo động viên nhau “Sắp tới nơi còn một đoạn nữa thôi, vai ướt đẫm sương đêm cùng mồ hôi”. Rồi tiếng reo vang bật ra sung sướng “Tới đích rồi, đồng chí chúng ta ơi. Mai đây nghe pháo gầm vang trời, cùng bộ binh đánh tan đồn thù” và kết luận “lòng quyết tâm sắt gang nào bằng”.

Khi viết xong, tác giả lấy que găm lên vách hầm như một bài báo tường. Liền sau đó, bài hát được thu thanh, các chiến sĩ văn công hát trên miệng giao thông hào và Hoàng Vân trực tiếp kéo ac-cooc đệm. Bài hát nhanh chóng lan truyền trong chiến dịch như một lời khích lệ động viên người lính quyết tâm đánh thắng cho dù có phải “máu trộn bùn non” nhưng “gan không núng, chí không mòn”. Bài hát đã được trao giải nhất tại Đại hội liên hoan toàn quân. Sau chiến dịch Điện Biên, Hoàng Vân được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba và huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên. Rồi ông được Tổng cục cho đi học âm nhạc 5 năm tại Trung Quốc, và trở thành Nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sau này.

Hôm nay, toàn dân tộc ta đang hướng đến kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Hòa trong không khí tưng bừng khắp nơi, cùng với nhiều hoạt động thiết thực về miền Tây Bắc, những giai điệu của chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm xưa lại cất vang, gợi trong ta nhớ về những hoạt động sôi nổi của chiến dịch: Nào dân công tải đạn, xe đạp thồ lương thực, gánh gạo bằng đôi vai, nào công binh đào công sự… Nhưng một công việc mà có lẽ chỉ trong chiến dịch Điện Biên của Việt Nam mới có, đó là kéo pháo vào trận địa hoàn toàn bằng sức người. Đồng hành với hoạt động ấy là giai điệu ca khúc “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Hôm nay, những người lính kéo pháo năm xưa tự hào ôn lại kỷ niệm một thời gian khổ của cuộc kháng chiến thần kỳ đã làm nên một huyền thoại Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngay cả những người bên kia chiến tuyến cũng phải thốt lên lời khâm phục ý chí sắt đá của quân và dân Việt Nam. Ý chí ấy đã tạo nên sức mạnh, ý chí ấy cùng sự đoàn kết đã làm nên một chiến thắng lịch sử. Và chiều mồng 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của ta đã tung bay trên nóc hầm Đờ Cát. Góp vào chiến thắng đó, ngoài công lao của người dân công tải đạn bằng xe thồ, gánh lương thực bằng đôi vai sắt chân đồng, bên cạnh những người lính bộ binh “khoét núi ngủ hầm”, có công lao không nhỏ của người lính kéo pháo vào trận địa.

Điện Biên bây giờ đã thay da đổi thịt. Những hố bom năm xưa đã thay thế bằng màu xanh ngút ngàn của cây rừng. Chỉ có những chiến công của quân và dân ta vẫn mãi còn đó, là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Mỗi khi nhắc đến Điện Biên, ta không thể quên giai điệu hào hùng của những khúc ca. Bên cạnh “Giải phóng Điện Biên” , “Trên đồi Him lam”, “Hành quân xa” (Đỗ Nhuận), “Qua miền Tây bắc” (Nguyễn Thành)… ca khúc “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân khiến ta không thể quên Điện Biên một thời máu lửa và Điên Biên hôm nay rực rỡ cờ hoa.

Nhiều năm qua đi, tác giả của “Hò kéo pháo” đã là một ông già, những chiến sĩ kéo pháo năm xưa người còn người mất, nhưng giai điệu hào sảng của “Hò kéo pháo” thì còn trẻ mãi, như chiến công của các anh còn vang dậy “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thế hệ trẻ ngày hôm nay vẫn hát tiếp mãi bản hùng ca bất tận, để tự hào, và mãi noi theo.

Nguyễn Thị Diệp

(Hiệu trưởng THCS Đức Thượng – Hoài Đức - Hà Nội)