Hình ảnh Kiểm lâm hôm qua, hôm nay...

(Dân trí) - Trong tôi vẫn còn in đậm hình ảnh những chàng trai khỏe mạnh, đầy sức sống và tình yêu rừng mà chúng tôi từng gặp trong chuyến công tác lên Sơn La năm nào. Giờ vẫn còn đó những tình cảm được người dân dành cho họ, nhưng lời ong tiếng ve cũng nhiều hơn.

Hình ảnh Kiểm lâm hôm qua, hôm nay...
Một chuyến tuần rừng của kiểm lâm (ảnh:ThienNhien.Net)

 

Lại chuyện  lương và… lậu

 

Hình ảnh các chiến sĩ Kiểm lâm trong màu áo xanh điệp với màu cây rừng đã trở nên thân thương với bao thế hệ người dân VN, đúng như tác giả Nguyễn Thương viết trong bài “Bao giờ kiểm lâm sống được bằng lương?” đăng trên ThienNhien.Net ngày 28/11/2011:

 

Rõ ràng nếu không có đủ đam mê, không yêu rừng, ai đó sẽ chẳng thể nào trở thành kiểm lâm, hoặc nếu có lỡ lựa chọn thì cũng chẳng thể trụ lâu. Mỗi ngành nghề xã hội đều có đặc thù riêng, nhưng kiểm lâm vẫn luôn là một nghề rất đặc biệt. Nó yêu cầu hội tụ những yếu tố quý giá nhất của một con người: Tình yêu – Sức khỏe – Trí tuệ – Lòng dũng cảm….

 

Tác giả cũng thử định nghĩa về “nghề kiểm lâm” theo cách hình dung đơn giản thế này: “Rừng là vàng”, kiểm lâm giữ rừng nghĩa là họ làm cái công việc bảo vệ những “kho vàng” cho đất nước. Tài sản quý ắt có lắm kẻ nhòm ngó, vì vậy công việc của kiểm lâm hiểm nguy, vất vả là điều dễ hiểu. Đồng thời trích dẫn một tài liệu định hướng lựa chọn nghề nghiệp của một trường đại học nọ, trong đó các thầy cô đã cảnh báo những sinh viên lâm nghiệp tương lai: “Cán bộ kiểm lâm không chỉ cần có những kiến thức chuyên môn về rừng, lâm sản mà còn cần có một trái tim thép và tinh thần thép.”

 

Cũng từ cuối năm 2011, trước tin có tới 2/3 số cán bộ kiểm lâm (129 trên tổng số 180 kiểm lâm viên làm việc theo dự án bảo vệ rừng 661) của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đồng loạt ký đơn xin nghỉ việc, Nguyễn Thương đã bật lên những câu hỏi day dứt: “Danh hiệu di sản thế giới có cứu được rừng Quảng Bình hay không?”   Không có kiểm lâm thì lấy ai bảo vệ rừng?”

 

Vâng, với mức lương chỉ có 700.000 đồng/tháng dù là ở thời điểm cuối năm ngoái, mà lại phải sống và làm việc trong những điều kiện nơi rừng xanh,  núi đỏ khắc nghiệt rồi lại luôn phải chịu sức ép lớn từ nhiều phía như thế, liệu còn được bao nhiều cán bộ kiểm lâm giữ được tình yêu nghề và cái tâm trong công việc nữa đây?

 

Trước vụ việc 3 cây sưa cổ thụ vừa bị đốn hạ tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng làm rộ lên nghi vấn có sự “chống lưng” của cả ngành chức năng và giới chức địa phương, một số bạn đọc vẫn bày tỏ thông cảm với hoàn cảnh  ngặt nghèo của những con người đã dấn thân vào một nghề rất gian khổ là Kiểm lâm:

 

“Các bạn cũng nên có phần thông cảm với kiểm lâm, vì lương và phụ cấp mỗi tháng cũng chỉ từ 2 tới 3 triệu thì làm sao nuôi nổi gia đình. Cái chính là cần cải cách chế độ tiền lương cho anh em, thêm phụ cấp để họ yên tâm công tác. Nếu không thì sớm muộn cũng sẽ như câu chuyện trên mà thôi, mà nói như một lãnh đạo trước kia thì nếu cứ kỷ luật rồi "lấy ai làm cán bộ"?” - Duẩn:  duanmn_85@gmail.com
 

“Theo tôi thì hoàn toàn có thể thông cảm cho các kiểm lâm viên, vì hiện nay chế độ đãi ngộ, lương thưởng của họ có cao đâu, nên có lẽ cũng không thể yêu cầu họ phục vụ 1 cách tận tình được. Mà đã nhiều khi có những trường hợp chống lại lâm tặc chính kiểm  lâm lại bị nguy hiểm tới tính mạng đó thôi. Tôi nghĩ cũng không thể yêu cầu gì cao hơn ở họ được” - Nguyễn Nam:  namct_1990@yahoo.com

 

“Theo tui nghĩ thì đời sống cán bộ nhân viên kiểm lâm còn khó khăn, nên có lẽ cũng cần có phần thông cảm với anh em KL. Quan trọng hơn là cần có chính sách phù hợp để người ta có thể lo cho cuộc sống tốt hơn bằng nghề của mình” - Trần Văn Vui:  vuive68@yahoo.com

 

“Đó là chuyện nhỏ, các bạn ơi. Không làm vậy thì mấy ổng sống bằng gì? Có điều kiện các bạn ghé vào thăm nhà của các ông giữ rừng mà coi, nhà gì mà toàn gỗ là gỗ, cái gì có thể làm bằng gỗ là các ổng tận dụng tối đa để khỏi phải xây mà. Xây thì tốn gạch ngói xi măng, còn làm bằng gỗ thì có mấy đệ của mấy ổng phá rừng đem về cho các sếp làm khỏi tốn tiền…” -  Lê Ngọc Toan:  t.lengoctoan@yahoo.com.vn

 

“Tôi cho rằng với cơ chế lương và làm việc như thế này, thì dù Nhà nước có giao rừng cho ai quản thì họ chắc cũng làm vậy cả thôi, không riêng gì kiểm lâm đâu. Không tin các vị cứ đi khắp cả nước xem, những nhà nào của ai thì thường có nội thất gỗ xịn là hiểu liền...” - Trần Kiên:  condungtolua1183@yahoo.com

 

 “Các bạn biết đấy, trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay khi mà hai chữ Kim Tiền có lẽ luôn được đặt lên hàng đầu, thì không có gì đảm bảo cho sự chắc chắn nào cả.  Không riêng gì ngành kiểm lâm, mà còn trong cả các ngành khác thì tệ tham nhũng, tham chức, tham quyền vẫn đang gây ra những rào cản đối với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước và gia tăng bức xúc với người dân….

 

Vậy xin hỏi lương của cán bộ kiểm lâm được bao nhiêu tiền/tháng? Nhưng nếu kiểm tra rõ ràng và minh bạch tài sản của họ, chắc sẽ cho kết quả bất ngờ. Nhà của hầu hết cán bộ kiểm lâm toàn bằng gỗ. Đúng, không sai. Các bạn nếu có điều kiện có thể tới tham quan nhà ông Trần Đức Tiến & ông Hoàng Văn Quế sẽ rõ. Họ là những cán bộ kiểm lâm, là những người thay mặt đất nước và nhân dân bảo vệ rừng. Nhưng tới nhà họ mà coi thì các bạn sẽ có được  kết quả nên gọi họ là “lâm...gì”?

 

Tôi thấy đây âu cũng là bài học để răn đe những cán bộ thoái hóa biến chất. Tuy nhiên có lẽ cũng theo như qui luật của xã hội, tiếng gọi của đồng tiền sẽ vẫn thôi thúc họ và những người như họ… Để rồi tới khi đó có lẽ tham nhũng sẽ sang một bước ngoặt mới, đó là người có hành vi tham nhũng ngày càng tỏ ra khôn hơn, có nhiều chiêu trò hơn…

 

Nhìn từ Việt Nam tôi lại nghĩ sang đến nước ngoài và thấy họ có những chính sách hữu hiệu hơn như sau:

 

1. Lương cán bộ nhà nước được trả cao hơn nhằm ngăn chặn tham nhũng.

 

2. Thu hút được đầu tư và tạo nhiều công ăn việc làm hơn, vì thế nên người dân có việc làm ổn định, không phải tính tới việc đi phá rừng để bị cho là “lâm tặc”...

 

3. Nhà nước cần sử dụng các quy định Pháp luật mạnh mẽ hơn để trừng trị những kẻ phá rừng, hoặc tiếp tay cho phá rừng, tiếp tay cho tham nhũng...

 

4. Thay vì quá nhiều chương trình giải trí tràn ngập trên truyền hình, hãy bớt chút thời gian cho các chương trình kêu gọi chống tham nhũng, chống phá rừng, kêu gọi ý thức tham gia giao thông...nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết của người dân…” - Trong Tin:  hoanggia@hotmail.com
 
Hình ảnh Kiểm lâm hôm qua, hôm nay...
Chốt kiểm soát của kiểm lâm vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (ảnh: Lam Giang, nguồn: Tuổi Trẻ)

 

Hoàn cảnh không biện hộ được cho lòng tham

 

Đúng thế, phân tích rộng ra thì ở VN ta cho tới tận hôm nay có mấy ai dám khẳng định: mình sống được chỉ bằng lương? Chắc cũng có nhưng tỉ lệ còn rất ít so với số đông CBCNVC nhà nước.

 

Trước thông tin có bạn đọc nói là lương kiểm lâm giờ trung bình chỉ từ 2-5 triệu đồng/tháng, không đủ cho họ sống trong những điều kiện cực khổ như vậy, Hoàng Phú Cường cuongluckly@yahoo.com phản bác lại: “Các bạn nhầm rồi. Theo mình biết, lương cán bộ kiểm lâm bữa nay bình quân không dưới 10 triệu”.

 

Hoàng Minh minhhoang2411@yahoo.com thì vạch rõ vấn đề là ở chế tài: “Các bạn nói sai hết rồi! Vì theo tôi nghĩ thì cho dù có tăng lương và cả quyền lực đi kèm cho các cán bộ kiểm lâm, chắc chuyện ‘tiếp tay’ vẫn sẽ tiếp diễn, mà có khi sẽ còn nguy hại và táo bạo hơn nữa. Theo tôi nghĩ, điều quan trọng là luật của ta vẫn chưa đủ chế tài để xử lý nghiêm (phạt tiền, phạt tù thật nặng vào, tịch thu tài sản phạm pháp, nếu đối tượng đã tẩu tán thì quy ra tiền và tịch thu lại hết). Các cơ quan chức năng cũng chưa cùng phối hợp giám sát chặt chẽ, nên đạo đức của không ít cán bộ kiểm lâm hiện giờ là quá thấp”.

 

Ho Hanh votudi111@yahoo.com liên hệ với những người nông dân để đi tới kết luận – cái chính vẫn là do lòng tham: “Thế những người nông dân một nắng hai sương, họ đâu có lương và thu nhập cũng được là bao? Vậy  mà họ vẫn cố gắng sống sao cho đàng hoàng và vẫn chấp hành tốt mọi quy định của pháp luật đó thôi. Theo tôi, có chuyện này cũng chỉ vì lòng tham của các ông đó thôi”.

 

Nguyễn Nam saylove_u22@yahoo.com.vn phân tích và khẳng định: “Không thể viện cớ là nhà nước trả lương thấp để kiểm lâm lại tha hóa, tiếp tay cho lâm tặc được. Cứ cho là nhà nước chưa trả lương cao và chưa có những ưu đãi thích đáng đi, nhưng khi anh đã nhận việc làm rồi thì phải có trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu không thì ngay từ đầu đừng có nhận làm, vì làm vậy xấu hổ cho người dân VN trong con mắt bạn bè quốc tế lắm!”

 

Đỗ Lam Giang daungocanhkl@gmail.com nêu quan điểm: “Một sự thật đau lòng đang xảy ra, đó là không ít cán bộ kiểm lâm chính lại bị người dân coi như "lâm tặc hợp pháp" (?) Thử hỏi nếu không có sự tiếp tay, bảo kê của những cán bộ kiểm lâm đó thì làm sao gỗ được tuồn ra thị trường nhiều đến thế? Hãy đi vào nhà riêng của nhiều cán bộ kiểm lâm thì biết họ đang xài sang đồ gỗ như thế nào. Theo tôi, không nên chỉ trách lâm tặc, mà có lẽ cũng đừng gọi họ là lâm tặc vì họ hầu hết là dân nghèo, không việc làm phải lên rừng kiếm sống mà thôi. Nếu luật pháp nghiêm và được thực thi đúng đắn thì tôi tin rằng họ không bao giờ dám phá rừng”.

 

Rừng cây – đời người

 

Day dứt với những cán bộ kiểm lâm quay lưng với rừng bao nhiêu, dư luận càng đau xót trước thực trạng còn yếu kém trong công tác gìn giữ nguồn vàng xanh này cho Tổ quốc bấy nhiêu, với bao hậu quả nhỡn tiền mà chính con người chúng ta vẫn đang phải gánh chịu.

 

"Nói là 'Sẽ kiên quyết loại bỏ những cán bộ sai phạm trong vụ 3 cây sưa cổ thụ bị nhóm lâm tặc đốn hạ ở khu vực Hung Trí' – Nhưng dù có xử tử hình ai đi chăng nữa, thì ba cây sưa cũng bị hủy diệt mất rồi và muốn có lại được ba cây như thế thì chắc phải đợi… 200 năm nữa nhé!” - But tre butre@yahoo.com

 

“Tội này phải truy tố chứ không thể cho thôi việc là xong được. Phải nghiêm khắc để làm gương cho người khác. Trong vụ này không thể chỉ có vài ba người tham gia, mà  tôi nghĩ là có nhiều cán bộ móc nối với lâm tặc. Đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ” - Nguyễn Văn Bắc:  vietbaclaptops@yahoo.com

 

“Đây mới chỉ là phần chìm của vụ án thôi. Tôi được nghe 1 thông tin đáng tin cậy là nhóm lâm tặc đã hối lộ cho cán bộ kiểm lâm khoảng 30 tỷ đồng và còn hứa "nếu trót lọt toàn bộ sẽ biếu thêm các vị 1 bộ ngựa bằng gỗ huê (sưa)" - Hoàng Phú Cường:  cuongluckly@yahoo.com

 

“Báo chí nên tiếp tục đưa tin về những cán bộ mà thực chất lại là những “con sâu mọt”  đang phá hoại đất nước này. Theo tôi biết là hình như còn thêm vụ giới chức nào đó của tỉnh được hứa tặng 1 tấm phản bằng gỗ huê (sưa) nếu xong vụ này nữa kìa... Cơ quan điều tra cần làm thật triệt để vụ này... Dù là ai to hay nhỏ mà có liên quan đều phải bị xử lý hết, chứ không nên xử lý kiểu họ thí vài con tốt là xong được!” - Nhật:  n24kt1@yahoo.com

 

“Nếu các cán bộ kiểm lâm nghiêm túc sẽ không "một que củi "lọt khỏi rừng, chứ dừng nói gì đến gỗ sưa trăm tỷ. Đây không phải là trường hợp cá biệt, chúng ta đã chứng kiến hàng trăm phi vụ "con voi chui qua lỗ kim" và tôi thấy hầu như tất cả đều "vừa trộm vừa la làng". Vấn đề là các cơ quan có trách nhiệm có điều tra đến nơi đến chốn hay không mà thôi” - Vodinh:  vodinh@yahoo.com

 

“Theo tôi nghĩ, từ xưa đến nay hầu như tất cả các vụ lâm tặc phá hủy rừng đều liên quan đến cán bộ kiểm lâm. Nếu cứ tình trạng này thì chỉ mươi, mười lăm năm nữa những cánh rừng cổ thụ của chúng ta sẽ bị chính những người được giao nhiệm vụ bảo vệ bán hết. Để bảo vệ rừng khẩn cấp, cần phải thanh lọc ngay khỏi lực lượng kiểm lâm những kẻ thoái hóa biến chất...” - Nguyễn Thế Thắng:  oanhkbhanam@gmail.com

 

“Không chỉ nói "Sẽ kiên quyết loại bỏ những cán bộ sai phạm trong vụ 3 cây sưa cổ thụ bị nhóm lâm tặc đốn hạ ở khu vực Hung Trí", mà  tôi thấy cần phải khởi tố vụ án, điều tra làm rõ số gỗ huê, tiền mà các ông kiểm lâm đã nhận, chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều con số 15 kg… Tôi tin trong vụ này phải có sự tiếp tay của ông Tiến, ông Quế và có thể còn nhiều ông khác nên lâm tặc mới khai thác, vận chuyển trót lọt phần lớn khối lượng gỗ huê ra khỏi rừng. Nếu các cơ quan chức năng, công an Quảng Bình vào cuộc nhanh quyết liệt thì vụ án gỗ sưa này có lẽ đã kết thúc từ lâu rồi” - T.C: trancuong379@gmail.com

 
Hình ảnh Kiểm lâm hôm qua, hôm nay...
Khu vực Hung Trí, nơi ba cây sưa trị giá hàng trăm tỉ đồng bị đốn hạ (ảnh: Quốc Nam, nguồn: Tuổi Trẻ) 
 

Nơi gửi gắm niềm tin

 

Chắc chắn không phải vì đã mất hết niềm tin vào lực lượng kiểm lâm, nhưng dư luận cho rằng với nhiều bất cập vẫn tồn tại như hiện nay, lực lượng kiểm lâm với quân số mỏng, trang bị còn chưa đáp ứng được yêu cầu sẽ khó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng được giao. Vì vậy, những gợi ý và đề xuất khác cũng được người dân đưa ra, trong đó có nhiều ý kiến muốn có sự tham gia của cả  lực lượng quân đội trong nhiệm vụ rất quan trọng là bảo vệ rừng này.

 

Có lẽ tất cả cũng đều với mong muốn làm sao để không ai còn ý nghĩ tiêu cực như Quốc Hoằng  quochoangnbtv@gmail.com: “Tôi nghĩ, rừng nào chưa bị phá mà cứ giao cho Kiểm lâm quản lý thì e rằng chỉ 1 năm sau sẽ không còn…Vì hầu như toàn kiểm lâm tiếp tay chứ không thì  sao lâm tặc có được nguồn thông tin nhanh, rộng và có tổ chức được như thế ???!!!”

 

Mai Anh Maianh_dn@walla.com bày tỏ tin tưởng vào sức mạnh của dân hơn bởi còn nghi ngờ vào ý thức trách nhiệm của nhiều cán bộ ta hiện nay: “Tôi thấy ta đang quản lý rừng theo kiểu "giao khoán". Nhưng nếu giao cho dân thì họ có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, khai thác theo quy định. Còn giao cho Kiểm lâm thì gần như điều dĩ nhiên là có những người trong số họ lại thông đồng với lâm tặc thu lợi. Họ dám làm như vậy, theo tôi, bởi chữ "trách nhiệm" ở nước ta thường vẫn chưa có được thực chất, chủ yếu chỉ thấy có trên công văn, báo cáo mà thôi”….

 

Vẫn chờ mong lực lượng áo xanh bảo vệ rừng sớm xóa đi những hình ảnh xấu, lấy lại những hình ảnh đẹp để gia tăng hơn nữa niềm tin với người dân, với đất nước.

 

Khánh Tùng