Ý kiến chuyên gia

Hạnh phúc của trò ở trường học ?

Làm thế nào để mỗi ngày đi học là một ngày vui ? Khẩu hiệu ta thấy ở hầu như tất cả các trường tiểu học. Thế nhưng lối dạy nhồi nhét, quá tải của chương trình, bắt trẻ thụ động, làm cho khẩu hiệu ấy chỉ là những chữ chết.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Trẻ cần hạnh phúc ở trường. Thật vậy, trẻ phải đi học từ năm lên ba tới lúc trưởng thành – ngần ấy năm “giam” mình trong bốn bức tường của trường học – nếu trẻ không cảm thấy hạnh phúc ở đó thì trường học thành nơi chúng không có cảm hứng nhưng miễn cưỡng phải tới.

Làm thế nào để trẻ hạnh phúc ở trường. Có những phương thức tối cần: bỏ chấm điểm chế tài, xếp hạng cao thấp, cho ngồi lại lớp hay phạt dưới mọi hình thức.

Ai cũng biết rằng chấm điểm xếp hạng hay thi cử tạo cho học trò nhiều stress – mà một cuộc sống đầy stress không là một cuộc sống hạnh phúc.

Nhưng đó chỉ là những phương thức ...tiêu cực. Đồng ý, thay vào đó ta sẽ dùng chấm điểm đào tạo, tự chấm điểm, không xếp hạng mà xem quá trình của từng em, không ngồi lại lớp mà giải quyết các khó khăn tức thời khi các em gặp khó khăn để tất cả mọi em đều xong chương trình.

Bỏ phạt nhưng không bỏ thưởng.

Vì thưởng là một phản hồi của một công trình vừa hoàn tất. Thưởng lại còn là một kích động – stimuli – giúp các em thêm động cơ để tiếp tục … vượt suối qua đèo,

Một cách tích cực hơn, các nhà giáo dục Âu Tây đã nghiên cứu nhiều về vấn đề này từ gần ba mươi năm nay.

Trước nhất cần chú ý đến cách dạy. Trẻ chỉ học những gì có ý nghĩa với chúng – Thế mới là HỌC vì nếu không thì là “nhồi nhét” chứ không còn là học nữa. Nhiều khi chỉ cần những dẫn nhập khéo léo giáo viên có thể “rót hứng thú” vào bài học cho trẻ.

Học là một nhu cầu của tất cả mọi trẻ. Thầy cô mà nắm được nhu cầu này thì trẻ ...”vào cuộc”, “nhập vai”. Toán và Văn thành những bài học trơn tru như những trò chơi.

Cái khó là tất cả các trò trong cùng một lớp không có cùng một nhu cầu vào một thời điểm nào đó mà thầy muốn đưa một đề tài ra cho các em. Ở đây, ta có thể bắt chước những nhà truyền thông tiếp thị: họ chuyên môn gợi ý các nhu cầu cho người tiêu dùng và như thế họ bán được hàng. Bằng những hình ảnh, bằng lợi ích của bài học, bằng một công việc cụ thể mà cái vốn tri thức của bài học tối cần cho công việc ấy, …

Học là một quá trình. Có lúc chuẩn bị, có lúc căng thẳng, có lúc nghỉ ngơi, có lúc kiểm điểm trước khi đi tiếp

Trò rất cần những feed back – phản hồi, để biết mình đúng hay sai, để nhìn thấy tóm tắt con đường đã qua. Những phản hồi này giúp trò tự đánh giá – tự đánh giá chứ không bị đánh giá.

Có khi cùng một lời phê nhưng nó có giá trị tích cực nếu giáo viên biết dùng câu chữ “trung tính” thay vì một phê phán đi từ quyền lực của mình.

Học với thầy, chắc chắn rồi, nhưng học với bạn nữa. Sự tương trợ đồng hàng làm cho trò hăng say hơn và vượt khó tốt hơn. Như thế trò tập tành sống với xã hội nữa.

Tương trợ cùng đi đồng hướng khác với ganh đua. “Đồng hành” khác “đối thủ” là như thế. Có bạn đồng hành thì có phân công chia việc, công việc sẽ nhẹ hơn. Lại ngọt bùi cùng nhau: thành công có giá trị cao hơn còn thất bại thì ít “đau” hơn vì có bạn đồng hành cùng chia sẻ.

Học theo nhóm có lợi là như thế.

Tôn trọng cảm xúc của trò cũng là một cách giúp trò hạnh phúc. Ta không nên nghĩ rằng đi học là một ưu đãi và trò phải tự bằng lòng với ưu đãi mà mình nhận được. Không đâu, dù là nhỏ tuổi, trò cũng có những “hĩ nộ ái ố” như người lớn. Cho phép trò phát biểu cảm xúc của mình giúp các em vun trồng tư cách chủ thể, một chủ thể thành viên của nhóm, tức là được quyền phát biểu trong tinh thần tôn trọng cấu trúc và sinh hoạt của nhóm. Có được hành động như thế, các em sẽ cảm thấy được kính trọng và ngược lại các em tự có trách nhiệm kính trọng người khác. Học sống cùng nhau là như vậy.

Hạnh phúc của trò ở trường học là một vấn đề quan trọng. Một trò hạnh phúc là một trò tiếp thu tốt, học nhanh, tự tin nhiều hơn và từ đó học giỏi hơn, ít thất bại hơn.

.Nguyễn Huỳnh Mai