Hà Nội cấm trông giữ xe: Câu hỏi về tình khả thi

(Dân trí) - Sau ngày đầu Hà Nội thực hiện cấm trông giữ phương tiện giao thông ở 262 tuyến phố trong 9 quận nội thành, lời chê trách, phản ứng đã lại rộ lên khá nhiều. Ngược lại, sự ủng hộ cùng những góp ý thêm về phương pháp thực thi cũng không ít.

Hà Nội cấm trông giữ xe: Câu hỏi về tình khả thi - 1
Đường Bà Triệu đoạn trước cổng Vincom, lúc gần 17h ngày đã 15/2 vắng bóng bãi xe (ảnh: Quang Phong)
 
Phương tiện thay thế phù hợp?
 

Phía phản đối “như thường lệ” nêu ngàn lẻ một trở ngại, nhưng tựu trung lại vẫn là không muốn bị xáo trộn nếp nghĩ, nếp sinh hoạt và những thói quen đã hình thành theo dòng chảy của cuộc sống bấy lâu nay. 
 

Bên cạnh đó người dân cũng nhấn mạnh sự công bằng xã hội phải được bảo đảm, nghĩa là nếu để khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì các giới chức cần làm gương, để có câu trả lời chính xác cho câu hỏi: Chọn phương tiện khác là phương tiện nào, sự thay thế đó có thực sự khả thi và phù hợp với thực tế hiện nay không?

 

“Thay đổi liên tùng tục thế này thì chết mất. Đi xe buýt thì chết ngạt,  xe máy không có chỗ để... Đi "căng hải" chăng?” - Ludu:  thuyquynh2510@gmail.com

 

“Tôi thật sự thấy bức xúc. Đúng ra chính quyền phải lắng nghe dân nói, từ đó tìm phương án giải quyết sao cho hợp lòng dân. Cứ thử nghĩ xem, Bộ GTVT đưa ra bao nhiêu phương án rồi, thế đã có phương án nào dựa trên trưng cầu ý kiến người dân chưa? Đã thử lắng nghe những bức xúc của người dân trước khi thực hiện chưa? Phương án đưa ra đã tính toán kỹ chưa? Ai là người kiểm định tính hợp lý của các phương án? Bây giờ cuộc sống khó khăn, đi làm rồi còn lo kinh tế gia đình,  giờ cả việc đi lại cũng khổ sở… Thấy thương cho người dân quá thôi…” - Hien:  hahienhp89@gmail.com

 

“Việc cấm để xe trên vỉa hè là đúng, nhưng tôi thấy bây giờ chưa phải lúc để làm điều đó. Hành động này không thể làm giảm ùn tắc khi phương tiện công cộng đang rất hạn chế: tàu điện ngầm còn chưa có, xe  bus thì dịch vụ chẳng ra đâu vào với đâu, quản lí còn quá lỏng lẻo... Không lẽ bắt người dân bây giờ đi taxi và xe ôm hết? Mà xe ôm thì lộm cộm, taxi thì vẫn có tình trạng sửa đồng hồ để moi tiền khách hàng, mà có phải ai cũng có tiền đi taxi đâu.  Muốn hỏi Giám đốc Sở GTVT HN chọn phương tiện nào là phù hợp đây? Hay cuối cùng chịu khổ vẫn là người dân?” - Nguyễn Huy Hoàng:  hoanguntoppable@gmail.com

 

“Tôi thấy, các giới chức ngành GTVT đang tìm mọi cách để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, mà không cần quan tâm đến nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người dân. Đề nghị các vị hãy làm gương sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại, đừng sử dụng xe công hoặc phương tiện cá nhân. Bao giờ các vị cảm thấy thoải mái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thì hãy bàn đến việc hạn chế phương tiện cá nhân. Hãy tìm giải pháp hợp lý, căn cơ để cải thiện tình hình giao thông. Việc cấm đoán nếu chỉ gây thêm khó khăn cho người dân thì theo tôi, chỉ chứng tỏ sự thiếu trách nhiệm và kém năng lực” - Nguyễn Văn Thông:  thongntic@gmail.com

 

“Ùn tắc giao thông phần nhiều vẫn là do ý thức của mọi người. Nhưng theo tôi thấy việc cấm đỗ xe như vậy là làm khó và khổ người dân rồi. Chỉ có đi bộ thì mới không cần gửi xe thôi. Đi xe buýt thì làm sao đảm bảo công việc. Hỏi với tình hình xe buýt hiện nay có đủ phục vụ cho người dân hay không? Tôi nghĩ đây không phải biện pháp tránh ùn tắc giao thông có hiệu quả” - Kiều Linh:  khlinh9xht@gmail.com

 

“Cấm trông xe thì cũng có cái hay, nhưng mà như thế thì hơi khó cho người dân. Giả sử đi chợ đêm hoặc có những ngày lễ chẳng hạn, nếu không có chỗ gửi xe thì đi taxi (nếu kinh tế dư giả) hoặc đi xe bus, nhưng có lẽ xe bus cũng chỉ là giải pháp nhỏ. Tôi nghĩ nên dẹp bỏ các bãi đỗ xe trái phép hoặc chỉ cấp phép cho 1 số nơi thôi, chứ bỏ hết các chỗ gửi xe thì quả thật rất khó cho nhiều người dân” - Nguyễn Thu Hương:  toi_la_muoi@yahoo.com...
 
Hà Nội cấm trông giữ xe: Câu hỏi về tình khả thi - 2

Hình ảnh quen thuộc trước đó - Người đi bộ buộc phải đi dưới lòng đường (ảnh: Đạt Lê, theo Lao Động) 

 

Trả lại đúng chức năng cho con đường

 

Những độc giả “bỏ phiếu” cho biện pháp này cũng đồng tình với lý giải của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng: Nhu cầu đỗ xe của nhân dân là rất chính đáng và bao giờ cũng cao hơn cung. Tuy nhiên, vẫn phải ưu tiên hè và đường phục vụ cho giao thông. Song song với cấm đỗ xe ở 262 tuyến phố, Sở cũng đã đề xuất với thành phố cho phép đỗ xe ở một số tuyến phố đủ điều kiện và không ảnh hưởng đến giao thông...

 

“Đây là một đề xuất vô cùng sáng suốt ! Chúng tôi mong  thành phố sớm ra quyết định thi hành” - Lý San:  san_lsan@yahoo.com

 

“Tôi thấy đây là sáng kiến khả thi nhất để giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội” - Trần Giao Thông:  giathong@gmail.com

 

“Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Đường giao thông phải trả về đúng mục đích của nó. Để làm tốt giảm ùn tắc giao thông, giữ gìn cảnh quan phố phường đẹp thì các cấp huyện, xã, phường phải chỉnh đốn lại công tác quản lý hành lang giao thông, không cho lấn chiếm vỉa hè. Trước đến giờ tôi thấy làm được vài hôm rồi lại đâu vào đấy, phải chăng chế tài chưa đủ mạnh, hay có sự bao che? Kiến nghị nếu cấp nào quản lý không được thì lãnh đạo tại địa bàn đó phải bị xử lý. Có vậy thì mới đâu vào đó được” - Hung:  quanghung41255@yahoo.com.vn

 

“Phải trả lại đúng nghĩa cho con đường, chứ hiện tại con đường là nơi gửi xe, nơi bày bán kinh doanh, tổ chức sự kiện… Chính quyền chỉ duy trì được vài hôm không cho lấn chiếm vỉa hè, sau đó lại đâu vào đấy - Làm thiếu trách nhiệm hay chế tài chưa đủ mạnh, hay bao che?! Chất lượng thi công kém: ổ gà đầy rẫy, nắp cống thì cao, xe đạp không đi được bên trong, họ phải lao ra ngoài, ra giữa đường để đi. Hạ tầng chưa đáp ứng được đã cho xe buýt hoạt động, không có làn đường riêng xe cứ vào bến lại nhào ra. Thế là tắc. Đi không có hàng lối gì, đường quá bé lại cho xe buýt hoạt động. Hai xe buýt to đùng gặp nhau là tắc, thậm chí gây nên tai nạn…” - Binh:  hungdq@yahoo.com

 

“Việc này thực ra rất bình thường ở những nước phát triển. Điều kiện đường sá của Việt Nam chưa đủ, nên việc đỗ xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông rất lớn. Ở nước ngoài, khu vực đỗ xe dưới lòng đường thường ở những nơi có bề rộng đường lớn, ngoài 4 làn xe ô tô thì người ta mới cho đỗ bên cạnh vỉa hè. Còn khu vực ngoại ô thì không tính vì lượng xe rất ít. Đường Việt Nam mình nhỏ hẹp, cộng với lượng xe máy, xe đạp vô cùng lớn nên dễ gây ách tắc giao thông. Tôi thấy người dân Việt Nam mình rất… buồn cười: khi người ta ngồi tính toán phương án thì kêu ‘sao làm gì mà tính kỹ thế, sao không làm gì đi?’ Đến lúc làm thì chỉ thấy phê phán, chẳng có mấy người đưa ra ý kiến đóng góp gì. Thay vì việc phê phán phương án đó không hợp lý, sao không thử đề nghị các phương án khả thi để đóng góp cho nước nhà?” - Duong:  ngotrongduong@gmail.com
 

Trách nhiệm toàn xã hội

 

Nhiều đóng góp cụ thể được bạn đọc đưa ra với mong muốn được các nhà chuyên môn tham khảo thêm, để sao cho giải pháp được thực thi không rơi vào cảnh “đầu voi đuôi chuột” hoặc “đánh trống bỏ dùi” như… lâu nay thường thấy.

 

Nguyen T  ntd_62@yahoo.com nhắc nhở:

 

“Tôi hoàn toàn đồng ý với các vị về quyết định cấm để xe trên vỉa hè. Tuy nhiên, các vị phải quy hoạch cho nhân dân chỗ để xe phù hợp và khoa học trong địa bàn các vị quản lý. Vì khi hệ thống phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, thì nhân dân phải sử dụng phương tiện cá nhân, vì vậy cần phải có chỗ cho họ gửi.

 

Theo tôi, các vị nên quy hoạch và cấp phép xây dựng các điểm giữ xe ở các địa điểm đất công hoặc của tư nhân, với cách làm như sau:

 

Quy hoạch các điểm trông giữ xe máy trong một mạng lưới hệ thống điểm giữ xe được cấp phép (nguyên tắc là không nằm trên lòng đường hay vỉa hè) cách nhau 1 km trong phạm vi thành phố. Như vậy, khoảng cách đi bộ tối đa của một người có nhu cầu làm việc, mua bán ... là 500m. Điều đó giảm được lượng xe máy lưu thông trên đường, giảm ùn tắc và các công sở, cửa hàng ... không còn hiện tượng xe máy để tràn lan trên vỉa hè. Và khi đó đồng thời áp dụng việc xử phạt thật nặng việc để xe máy trên vỉa hè. Giải pháp đồng bộ đó sẽ giảm được số lượng xe máy chạy không cần thiết ngoài đường rất nhiều”.

 
Hà Nội cấm trông giữ xe: Câu hỏi về tình khả thi - 3
Cũng hôm 15/2, bãi trông xe trên phố Đinh Tiên Hoàng vẫn tồn tại (ảnh: Quang Phong)

 

Nguyễn Duy Phóng duyphong18b@yahoo.com.vn nêu rõ:

 

 “Đây là việc bức xúc nhiều năm của người dân HN rồi. Các vị trí trông giữ xe máy, ô tô đều được tổ chức trông giữ phương tiện giao thông thì còn đâu chỗ cho người dân đi nữa. Sáng nay, tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm chúng tôi thấy chưa bao giờ nó rộng và thoáng đến thế, các cụ có chỗ đi bộ tập thể dục. Không biết nó kéo dài được bao nhiêu ngày như thế này đây. Chúng tôi mong các ông đã đặt ra thì làm kiên quyết, chứ nếu lại vẫn kiểu ‘đầu voi, đuôi chuột’ thì uổng công lắm. Chúc ngành GTVT thành công !”

 

Nick Đúng hướng  khoivietvn@yahoo.com lưu ý:

 

 “Đây là quyết định đúng về mọi mặt của UBND Thành phố. Lâu nay tôi thấy Hà Nội buông lỏng quản lí, dẫn dến mọi người dân coi lòng dường, vỉa hè là nơi dể xe máy, ôtô, xe đạp, làm cản trở lưu thông của các phương tiện. Thêm nữa, nay vì không được để bừa bãi, mọi người sẽ đi bằng xe công cộng.Theo tôi, dần dần nên tăng thêm các tuyến phố không để cho gửi xe. Chính quyền thành phố nên kiểm tra đôn đốc, không nên ‘đánh trống bỏ dùi’ như mấy lần trước”

 

Nguyễn Văn Bảo  nguyenvanbao62@yahoo.com  có hẳn một bài phân tích khá sâu:

 

“Tôi nhiệt liệt ủng hộ phương án của ông Hùng, vì ông đã mạnh dạn loại bỏ các điểm trông giữ xe (cũng có nghĩa đã loại bỏ một phần lợi ích của chính ngành  giao thông - một điều ít ngành nào dám làm). Theo suy nghĩ của tôi có tính logic, không có điểm trông giữ xe thì người dân đi ôtô hay xe máy sẽ không có chỗ để gửi, đương nhiên họ sẽ chọn phương tiện khác để đi (xe buyt hoặc taxi...). Một cách làm hay mà lại không bị coi là vi phạm pháp luật  (cấm đoán hay hạn chế quyền tự do đi lại của người dân). Tôi tin rằng cách làm của ông sẽ giảm phương tiện cá nhân một cách tự động mà không cần phải dùng đến các mệnh lệnh hành chính để điều tiết giao thông.

 

Tuy nhiên, nếu ông chỉ hạn chế các điểm trông giữ xe nói chung thì vẫn chưa đủ. Mà còn những điểm trông giữ xe của các cơ quan hành chính, của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội và kể cả các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Ông xóa được những nơi trông giữ xe của các cơ quan này thì cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông sẽ được giải quyết. Mọi người dân và các cán bộ công chức sẽ dần dần bỏ phương tiện cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.

 

Nhưng trong bài báo này mới chỉ thấy nêu cấm các điểm trông giữ xe tức là hạn chế phương tiện cá nhân, vậy thì người dân đi lại bằng gì mà chưa thấy ông đưa ra giải pháp nào để xử lý? Theo tôi, trước mắt ông cho tăng cường xe buýt. Đồng thời tăng chất lượng phục vụ, mở thêm nhiều tuyến mới, mở thêm dịch vụ xe ôtô điện trong các quận để cho người dân sử dụng đảm bảo môi trường sạch...

 

Ý kiến của tôi có thể có những sai sót vì tầm suy nghĩ của tôi có hạn. Chúc ông thành công trong giải pháp này. Mong cho người dân Hà Nội ủng hộ giải pháp của ông Hùng, nếu không ủng hộ thì mọi người sẽ bị… BT Thăng bắt đóng phí giao thông đấy!”

 

Hung  quanghung41255@gmail.com lý giải cho sự ủng hộ của mình:

 

“Tôi ủng hộ phương án cấm gửi xe, đỗ xe tại tất cả các tuyến đường và cấm lấn chiếm vỉa hè. Nếu địa phương nào vi phạm, lãnh đạo khu vưc đó phải bị xử lý. Trước giờ chúng ta chỉ ‘đánh trống bỏ dùi’, không làm nghiêm nên chẳng ra đâu vào đâu. Các cấp chính quyền nơi để xảy ra vi phạm vẫn không bị sao, mà đường sá ngày càng tắc nghiêm trọng. Nay cần đảm bảo:

 

1/. Đường là để phục vụ giao thông đi lại, cần sử dụng đúng mục đích.

 

2/.  Bất kỳ cá nhân nào sử dụng phương tiện phải có nơi gửi xe, không được dùng đường sá (của xã hội) phục vụ mục đích riêng.

 

3/. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh khi kinh doanh, tổ chức sự kiện phải có vị trí để xe riêng, không lấy đường làm nơi gửi xe.

 

4/. Thành phố phải có kế hoạch xây dựng các bãi trông xe theo đúng qui định.

 

Rất mong các lãnh đạo chỉ đạo làm thật quyết tâm vì Thủ đô HN văn minh, sạch đẹp?”

 

Nguyen Van Phuong phuong9827@yahoo.com.vn đề xuất:
 

 “Những tuyến phố còn lại nên giao cho các công ty nhà nước, công ty khai thác điểm đỗ xe, không nên giao cho các công ty TNHH  vì thường đứng đằng sau các công ty này là các… vị “bảo kê”. Nên diện tích thuê mập mờ, không xuất hoá đơn cho khách, trốn thuế, lậu thuế ở các công ty này, theo tôi, phải tới 90%”

 

Phong Ngo Xuan  phongbacha@gmail.com lập luận:

 

 “Tôi nhất trí với quan điểm của Giám đốc Sở GTVT HN. Và để tránh ùn tắc cũng cần có các điểm trông giữ xe đủ điều kiện và được phép hoạt động. Đồng thời giá vé có thể cao và quản lý đảm bảo có lợi cho ngân sách nhà nước. Thu đúng, đủ,  đảm bảo trả công cho người thực hiện xứng đáng, thì nhà nước cũng có khoản thu thêm đầu tư cho cơ sỏ hạ tầng. Tôi nghĩ, những nơi hay ùn tắc giao thông là do:

 

+ Một là, các phương tiện phục vụ đi lại của người dân tập trung ở các khu vực trung tâm.

 

+ Hai là, quá nhiều điểm đỗ bất hợp pháp (chỉ phục vụ cho lợi ích một nhóm người, vì khoản thu không vào ngân sách nhà nước).

 

+ Ba là, mục tiêu chống ùn tắc không nên đánh đồng theo phương tiện giao thông trong cả nước vì: Có những phương tiện giao thông như ở vùng sâu vùng xa chỉ để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thậm chí nhà nước đầu tư làm đường có khi cũng chỉ để cho ngựa đi là chính…

 

+ Bốn là, nếu áp dụng phí giao thông đường bộ cũng nên xem xét theo từng vùng, miền để phát triển tăng trưởng kinh tế.

 

+ Năm là, phưong tiện giao thông sẽ bị hạn chế vì giá phương tiện đã quá cao so với các nước, lại thêm phí lưu hành sẽ dẫn tới lưu thông hàng hóa bị hạn chế, làm tăng sự chênh lệch giá giữa các vùng miền.

 

Trên đây cũng chỉ là suy nghĩ của cá nhân tôi là một người dân bình thường, kính mong những nhà hoạch định xem xét”.

 

Bimbo chin.bimbo@yahoo.com: “Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này của Sở GTVT Hà Nội. Mục đích sâu xa cũng là để hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy lúc đầu sẽ thấy khó khăn, bất tiện nhưng tác dụng tích cực đối với cộng đồng là to lớn. Điều quan trọng là làm sao duy trì được mãi, đừng để "đầu voi, đuôi chuột" như nhiều lần ra quân trước đây. Bà con hãy vì tương lai đô thị văn minh mà ủng hộ Sở GTVT!”

 

Đặng Hữu Trí huutrib1_2507@yahoo.com: “Cùng nhau giải quyết vấn nạn giao thông là vấn đề chung của toàn xã hội, không chỉ riêng một ban ngành đoàn thể nào.Như ông Nguyễn Quốc Hùng nói là hoàn toàn chính xác. Chúng ta có thể cấm những điểm coi xe để hạn chế lượng xe cá nhân tham gia giao thông và hướng người dân tới cách để giảm bớt ách tắc giao thông. Tuy nhiên, để người dân có thể di chuyển dễ dàng hơn, chúng ta cần nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng để phục vụ người dân. Nếu không, cấm xe máy chẳng khác nào ‘chặt’ đi đôi chân của người dân.Tôi tin rằng hiệu quả của biện pháp này không cao mà còn có thể gây ra bức xúc cho người dân, và nó cũng không thể tồn tại lâu dài theo thời gian. Có thể nói đây chỉ là biện pháp tình thế trong thời gian ngắn.

 

Chúng ta cần tìm phuơng án mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng, khai thác tối đa hiệu quả của các công trình giao thông thay vì biện pháp nửa vời như thế này. Mong rằng ngành giao thông sẽ có những biện pháp công trình hiệu quả hơn trong tương lai!”
 
Hà Nội cấm trông giữ xe: Câu hỏi về tình khả thi - 4
Và đây, vẫn cảnh đỗ xe tràn lan trên tuyến phố cấm (ảnh: Đạt Lê, theo Lao Động)

 

Nick Vấn đề nan giải  giaiqvhbeco@yahoo.com:  “Đành rằng việc cấm đỗ xe này là gây khó khăn cho người dân, nhưng nhìn một cách sâu xa,  không có những biện pháp mạnh tay thì cái cám cảnh giao thông này chả biết bao giờ mới tháo gỡ được. TÔI ỦNG HỘ PHƯƠNG ÁN TẠM THỜI NÀY của sở GTVT. Vấn đề mấu chốt nữa là ý thức người tham gia giao thông cần được nâng cao. Mong Sở có thêm những phương án hợp lý hơn để nâng cao cái ý thức đang xuống cấp nghiêm trọng này”.

 

Nguyễn Hiền  anduc09@yahoo.com.vn:  “Tôi hoàn toàn tán thành việc cấm giữ xe trên lòng đường và vỉa hè, vì khi xây dựng đường là để giao thông chứ không phải để giữ xe. Muốn giữ phải có bãi. Tôi đề nghị từ nay khi cấp đăng ký xe nên có xác nhận nơi để xe. Chỉ cần không có chỗ gửi, người dân sẽ giảm ngay lượng xe tham gia giao thông chứ không cần tăng phí trước bạ. Cảm ơn UBND thành phố Hà Nội và cũng mong UBND thành phố HCM có hành động tương tự để giảm ùn tắc giao thông trong thành phố”.

 

Anthony Tran  khanhphil@gmail.com tóm lại:  “Mục đích như vậy là rất tốt, tôi ủng hộ. Nhưng nhà nước phải triển khai đồng bộ các vấn đề như: triển khai mạng lưới xe buýt rộng khắp, thay xe buýt mới, sạch sẽ, hiện đại, lái xe, phụ xe văn minh, chống cướp giật trên xe buýt, triển khai mạnh các phương tiện giao thông công cộng khác như tàu điện ngầm…”

 

Khánh Tùng