Gốc là nhân cách

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đã hun đúc tạo nên tâm hồn và cốt cách của người Việt Nam. Do đó, mọi người chúng ta cùng chung tay gạt bỏ đi cái xấu, xây nên cái đẹp, để nhân cách, đạo đức và lòng vị tha của người Việt Nam mãi mãi tỏa sáng.

Gốc là nhân cách - 1

Bác sĩ trao bé Gấu, con trai của Thiếu úy Công an Đậu thị Huyền Trâm cho bố cháu là Trần Mạnh Hà trong ngày xuất viện. Ảnh: Ngọc Dung (nld.com.vn)

Một kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi, cách đây gần ba chục năm, vào một buổi chiều, tôi ra quán uống ly cà phê, gặp một em bé hơn chục tuổi, người mảnh mai, ngực đeo tấm thẻ “Tổ bán báo xa mẹ”, cắp một bìa các-tông trên có một tập báo các loại. Em lễ phép nói với tôi: “Chú mua cho cháu một vài tờ báo đi”.

Tôi là nhà báo cho nên những loại báo mà em bán tôi đã được đọc. Tôi đưa cho em bốn nghìn đồng và nói:

- Chú là nhà báo, nên những loại báo mà cháu bán chú đã có và đọc rồi.

Em bé bần thần và không nhận tiền:

- Cháu chỉ nhận tiền khi chú mua báo của cháu thôi.

Thế là tôi mua của cháu 2 tờ báo. Hỏi chuyện, mới biết cháu quê ở Thanh Hóa, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hai em cháu ở với bà nội, còn cháu ra Hà Nội, tham gia “Tổ bán báo xa mẹ” để kiếm sống, hàng tháng dành dụm gửi về cho bà nội chưa đầy hai chục nghìn thêm vào nuôi em. Điều làm tôi suy nghĩ và trăn trở mãi là một em bé có hoàn cảnh éo le và khó khăn, mà có lòng tự trọng đến thế!. Kiếm tiền bằng sức của mình. Ấy thế mà trong xã hội hiện còn biết bao những kẻ “có chức, có quyền”, giàu sang, phú quý mà vẫn tìm mọi cách tham ô, tham nhũng.

Nhớ lại những ngày chúng tôi còn học cấp 1, trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề vì đất nước còn chiến tranh. Vào chiều mồng hai Tết, tôi thì vác chiếc bánh chưng, còn mấy đứa bạn đem dăm quả cam góp vào đến Tết nhà thầy giáo. Nhà thầy giáo tôi nghèo lắm, “mái rạ, cột tre, nền đất”. Chúng tôi ngồi quanh mâm cỗ ngày Tết rất đạm bạc, trên chiếc giường tre, vẫn nghe thấy tiếng “ken két” của mọt mà vẫn tràn đầy sự ấm áp của tình thầy trò. Ông cha ta thường có câu: “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Điều đó nói lên sự “tôn sư, trọng đạo”, chứ không phải theo cách hiểu của một số người, cứ đi mừng thầy, Tết thầy là phải “phong bì”.

Tôi được biết về một thầy giáo dạy đại học, khi cô sinh viên mang luận văn cho thầy đọc, nhận xét và chấm điểm, thầy lật cuốn luận văn, thấy trong đó có “phong bì”, thầy đã nổi giận, mắng học sinh. Cô sinh viên đứng như “Từ Hải”:

- Em xin lỗi thầy, em cứ tưởng thầy cũng thế.

Nghe cô sinh viên nói vậy, thầy bàng hoàng và sự giận dữ cũng nguôi dần. Vì đã có những người thầy giáo nhận luận văn của học sinh phải kèm theo “phong bì”.

Có biết bao thầy giáo, cô giáo quê ở miền xuôi phải dạy học ở vùng núi đá Đồng Văn (Hà Giang), khó khăn thiếu thốn đủ đường, nhưng vẫn tận tụy đem “cái chữ” cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thương thầy giáo, cô giáo lắm!. Vào mùa khô phải đi 4-5 cây số mới lấy được nước sinh hoạt. Sử dụng nước phải theo một quy trình: Sáng rửa mặt, đánh răng rồi phải hứng lại để chiều rửa chân.

Thiếu úy Công an Đậu thị Huyền Trâm mang thai tuần thứ 19 thì phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối, nhưng chị đã kiên quyết từ chối điều trị để bảo vệ mầm sống của mình. Đó là sự hy sinh cao cả của người mẹ dành sự sống cho con. Chị đã viết nên câu chuyện xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng.

Fomorsa Hà Tĩnh gây nên sự cố ô nhiễm môi trường biển đặc biệt nghiêm trọng ở bốn tỉnh miền Trung, để lại hậu quả khủng khiếp, cá nhiễm độc chết hàng loạt, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân, những hộ gia đình “ăn theo” nghề biển, du lịch, môi trường đầu tư. Đồng thời, làm tiêu hao thời gian, tiền bạc họp hành, chỉ đạo của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước phải dồn trí lực để nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục.

Sự việc “động trời” là thế, mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh kiểm điểm thì chỉ có một người nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Còn những cán bộ liên quan khác, trong đó có Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ tự nhận hình thức kỷ luật cứ trơn tuồn tuột như nước đổ… không một chút ngượng ngùng!

Chúng ta vui và tôn trọng biết bao về những tấm gương tử tế, nhân cách như em bé bán báo ở “Tổ bán báo xa mẹ”, tấm gương “mẫu tử” như chị Đậu thị Huyền Trâm làm rúng động hàng triệu con tim. Và cũng buồn khi cuộc đời này “còn lẫn” cả mấy vị quan chức thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ để Formosa gây nên hậu họa cho biết bao gia đình ở bốn tỉnh ven biển miền Trung, không còn tự trọng khi tự nhận hình thức kỷ luật là rút kinh nghiệm…

Chỉ có lòng tự trọng mới giúp mỗi con người vượt qua “sự cám dỗ” để sống, làm việc theo các chuẩn mực đạo đức, pháp luật và dũng cảm nhận lỗi, nhận tội khi mình làm sai hoặc vi phạm pháp luật, rồi đứng lên ngay ở nơi mình vấp ngã. Chính vì thế, vẫn cần thiết phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, để xã hội ngày càng đẹp hơn, tốt hơn./.

Đào Ngọc Dũng

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)