Giữ lại hay gỡ bỏ loa phường - Dân nói gì?

(Dân trí) - Người nói nên bỏ cũng có lý, người nói cần giữ lại, cũng có lý, vậy theo bạn nên bỏ hay nên giữ lại hệ thống loa phường, xã?

 

Loa công cộng ở một phường (ảnh minh họa)
Loa công cộng ở một phường (ảnh minh họa)

Gần đây, có nhiều ý kiến bàn sôi nổi về nên giữ hay nên bỏ hệ thống loa phường xã.

Ý kiến nên bỏ loa phường xã, nhìn các tác động từ mọi góc độ của chiếc loa với cuộc sống thường nhật. Trước hết là sự ô nhiễm về tiếng ồn quá sức con người chịu đựng. Bạn đọc Chichchoe  Chichchoe@gmail.com từ Hà Nội, viết:

Loa phường (Đồng Tâm, HBT, HN) phát âm thanh cực lớn ngày nào cũng mấy bài phát thanh cũ, mở đầu và kết thúc luôn là hai bài hát. Âm thanh khi đọc đã lớn, khi phát bài hát thì khủng khiếp luôn, chói tai, long óc. Người dân không biết trú ẩn đi đâu tránh tiếng ồn. Sáng từ 7h15, chiều từ 16h45, hai cái loa trắng thi nhau giã ong ong đầu người dân sống xung quanh, sáng thứ 7 có hôm 6h30 đã "lên sóng" hát váng lên không tha cho ngày nghỉ của người dân. Hàng ngày, sáng ra đã bực bội vì loa làm váng óc, chiều đi làm về muốn yên tĩnh chút thì lại tức vì loa lại ra rả đọc bài cũ , nghe đã thấy choáng người vì bị khủng bố âm thanh, ô nhiễm tiếng ồn quá mức. Cứ cách một đoạn lại treo hai cái loa mới tinh, âm thanh siêu lớn, người dân nói chuyện không nghe thấy tiếng nhau. Cứ phải chịu đựng cho hết giờ lên sóng, bực hết biết.

Bạn đọc nguyen van su minhtam8@gmail.com từ TP HCM cũng viết

Tôi đang ở phường An Phú Đông quận 12, chỗ tôi ở cách trung tâm TPHCM chưa đầy 10km vậy mà ít nhất một tuần 6 ngày chúng tôi phải chịu sự tra tấn của loa phường. Cứ 5h30 sáng là 3 cái loa mắc trên cột điện chĩa ra ba hướng ngay gần nhà, mở nhạc ầm ĩ hết cỡ, sau đó là đến các chương trình khác. Trẻ con, người lớn, người già, người bệnh, người làm việc đêm cần nghỉ ngơi cũng phải giât mình thức dậy để nghe loa phường. Các thông tin mà loa phường phát ra thì ai cũng có thể biết ( nếu muốn) qua các phương tiện ttin của nhà mình mà không làm ảnh hưởng đến người khác. Ôi ! Nghe loa phường đúng là một cơn ác mộng. Tôi ước gì một ngày nào đó không còn phải giật mình tỉnh dậy để phải nghe cái thứ âm thanh kinh khủng ấy nữa. Loa phường còn tiếp tục phát nữa chắc tôi phải bán nhà bỏ đi nơi khác mất.

Không chỉ ở thành phố, bạn đọc Nguyễn Tuấn Anh aoi.koufuku.jp@gmail.com từ nông thôn, viết:  

Mình ở xã Hồng Thái huyện An Dương Hải Phòng. cứ cách khoảng 200m lại có một loa treo trên cây cột điện. cứ 5 giờ 30 sáng là nó nói  ầm ĩ, đầu tiên là hô tập thể dục 1...2...3...4 sau đó là nhạc ầm ầm. có hẳn một bài hát về xã Hồng Thái "anh hùng" cứ phát đi phát lại, rồi đọc lời cảm tạ của gia đình tiễn đưa cụ A bà B về nơi an nghỉ cuối cùng... thông báo thân bằng cố hữu được biết rồi abc xyz... nói thật những nhà gần cái loa này chỉ muốn ném cho rụng loa mà sợ quy vào tội phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa, chống đối chính quyền. hiện nay đa số thanh niên là đi làm công nhân ca kíp cứ thử nghĩ mình cũng đi làm ca rồi về nghỉ ở nhà gần cái loa công cộng thử xem

Bạn đọc Nguyễn Hoàng   nguyenhoang27@gmail.com kiến nghị:

Đã đến lúc nên dẹp bỏ hệ thống loa phường, xã vì thực sự không cần thiết trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Sự tồn tại của hệ thống này trong những năm qua thực sự rất gây phiền toái, gây ô nhiễm tiếng ồn nặng nề trong các khu dân cư, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người già và trẻ nhỏ, những đối tượng cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và học hành. Tôi kiến nghị nhà nước cần xem xét dẹp bỏ hệ thống này.

Thêm một  lý do bỏ loa phường, bạn đọc Hao Dong Duc phân tích chính chiếc loa làm cho cán bộ chính quyền xa cách, không sát với dân:  

Tác hại của những chiếc loa phường ngoài việc tra tấn âm thanh mổi ngày,chúng còn là phương tiện tạo nên sự ỷ lại của các vị công quyền cấp cơ sở, họ sử dụng loa để truyền tải các chính sách,quy định của cấp trên đến các hộ dân, nhưng âm thanh chỉ đạt hiệu quâ 60 %, những hộ ở xa không thể nghe được, họ lại không tổ chức sinh hoạt với dân (trừ các kỳ bầu cử).Những người không có những công việc cần quan hệ chính quyền hầu như chẳng biết mặt ai, kể cả quận huyện phường xã. Nên tháo bỏ loa để quan gần dân hơn.

Còn bạn Nguyen Dong Hanh nguoidonghanh01@hotmail.com phân tích về sự lãng phí ngân sách nhà nước cho một việc kém hiệu quả:

Nước ta có khoảng 10.000 xã phường. Gần như xã phường nào cũng có loa phường phát inh ỏi ngày 2 lần, sáng từ 5g00 và chiều từ 17g00. Cứ tính xem, dân phải trả lương cho 10.000 cán bộ phụ trách, 10.000 hệ thống thiết bị, 10.000 phòng ốc, rồi chi phí bảo trì... thì mỗi năm ngốn tiền thuế của dân là bao nhiêu? Vô cùng lãng phí mà hiệu quả không có. Mong tác giả và các Luật sư biết luật lệ đã lên tiếng để nhà nước dẹp bỏ loa phường, vừa tiết kiệm ngân sách vừa thể hiện tính văn minh. Cảm ơn.

Riêng Bạn đọc Võ Tá Luân vo12luan@yahoo.com lại đề cập đến quyền tiếp nhận thông tin:

Tôi là một cư dân sinh sống tại huyện Bình Chánh, TPHCM cũng thường ngày hai lần chịu sư tra tấn này nên thấu hiểu nỗi khổ sở này biết bao nhiêu. Phải chi người dân được quyền lựa chọn nghe hay không nghe loa phường thì tốt nhỉ? Đàng này đều phải nghe điều mà mình đã biết và không cân nghe nữa cũng bị ép nghe. Hy vọng sau loạt bài này thì hệ thống loa phừờng xã trên phạm vi cả nước từ thành thị đến nông thôn phải dẹp bỏ đi cho dân nhờ. Bây giờ sống điện thoại phủ kháp nơi rồi, đâu đâu cũng có TV, báo đài và Internet rồi thì việc dùng loa này trở thành  rác âm thanh làm ô nhiễm môi trường sống lành mạnh của người dân, chính quyền làm ơn hãy biết tiếp thu để người dân còn được yên tâm nghỉ ngơi sau giờ làm việc mệt mỏi. Quyền tiếp nhận thông tin để người dân tư chọn lựa bằng cách thích hợp nhất của từng người, đừng ép người dân những thứ đã nghe và đã biết rồi khổ quá nói mãi.

Bạn đọc Lê Thắng thelang623@yahoo.com đề nghị:

Vấn đề này đề nghị Bộ thông tin TT cần xem xét lại một cách nghiêm túc và cầu thị để đề nghị bãi bỏ hệ thống này đi. Loa phóng thanh công cộng cùng thời với Radio mà thử hỏi bây giờ có mấy ai dùng radio nữa? Bây phương tiện, thiết bị truyền thông hiện đại, kỹ thuật số... mà chúng ta đang phấn đấu phổ cập đến 2020. Vậy tại sao vẫn giữ một hệ thống tuyên truyền quá cổ lỗ sĩ như vậy?

Và bạn đọc nguyen hoc hai nguyenhaisuong@gmail.com nêu 1 giải pháp thực tế:

Ở tổ dân phố 1 phường La khê, quận Hà đông, Hà nội chúng tôi không sử dụng loa công cộng (mặc dù phường có ) để báo họp: họp chi bộ, họp cán bộ, ... đều dùng hình thức nhắn tin ĐT, trừ các trường hợp đặc biệt hoặc phổ biên rộng thì chia nhau đi báo từng nhà.

Ở trên là những ý kiến muốn bỏ hệ thống loa phường. còn những ý kiến muốn tiếp tục giữ hệ thống  loa phường cũng rất có lý.

Bạn đọc long bien langbaccaungayay@gmail.com khẳng định tác dụng của loa phường:

Thế mà loa phường bên tôi lại có tác dụng nhé, mỗi lần hỏng chưa kịp sửa các bác cao tuổi của tổ dân phố có số điện thoại của bác Bí Thư alo luôn loa hỏng không nghe được anh cho người xuống sủa ngay chứ không nghe được thông tin phát thanh của phường hàng ngày. Hay tiếp xúc cử tri các bác còn phản ánh hệ thống loa truyền thanh của tổ dân phố không nghe được giờ đi họp dân, hay không nghe được giờ đưa đám hiếu, chính tỏ mình vẫn thấy có tác dụng cần phát triển thêm.

Cũng vậy, bạn đọc quangthang dienmayquangthang@gmail.com.vn viết:

Tôi nghĩ ko nên dỡ bỏ .loa phường xã hãy phát huy về mặt tích cực như cảnh báo trộm cắp, tìm rơi giấy tờ và tuyên truyền luật pháp ...nhưng cũng phải chọn thời điểm nào trong ngày để phát cho hơp lý.tần số cũng như âm lượng phát vừa phải thôi

Bạn đọc Còi Tin Hin viết:  

Nói thế chứ mình thấy loa phường cũng có ích đấy chứ Tìm trẻ lạc, người già lạc này, thông báo lịch cắt điện, lịch tổng vệ sinh v.v.... Các cụ lớn tuổi thì làm sao lướt nét đc như các bạn. Nói thật mình trẻ nhưng lâu lâu không nghe loa phường mình thấy thiếu thiếu cái gì đó. Hay mùa này nghe phát nhạc "Mùa thu HN" cũng hay.

Bạn đọc Phan Hiển abc12345@gmail.com phản ánh sự gắn bó thân thiết của loa phường với người dân: 

Tôi khá bất ngờ khi đọc bài báo này. Phường tôi đang sinh sống cũng có loa phường và cũng phát đều đặn sáng và tối. Nhưng thật tâm, gia đình tôi luôn cảm thấy háo hức, vui vẻ đón nhận những thông tin của Loa phường, mặc dù nhà tôi cũng xem internet, cũng xem tivi, cũng nghe đài... Nhưng có những thông tin cảnh giác về cháy nổ, về lừa đảo, về ma túy, về an ninh trật tự, về bệnh tật... hay những thông tin về cắt nước, cắt điện... đều là những thông tin cần thiết, bổ ích và dễ đi vào đầu của mỗi người nhất khi truyền qua hệ thống loa phường. Vì vậy, tôi có ý kiến khá khác xa với bài viết này.

Và Bạn đọc Nguyễn Minh Cường  

Ở chỗ tôi loa phường mà hỏng một ngày là dân người ta kêu. Ông đã bao giờ phải hóng loa xem ngày nào trả lương hưu, ngày nào đi tiêm phòng cho con chưa mà ông phán như đúng rồi. Cái đó mới là cái thiết thực,chứ không phải như các ông chỉ biết GDP của Việt Nam năm nay bao nhiêu,nước ta tăng trưởng kinh tế như thế nào...

Và Bạn đọc Mai Hoa nguoimientrung2@gmail.com:  

Nghe tiếng loa phường là niềm vui của ông bà nhà cháu đấy ạ. Ông bà lớn tuổi rồi, vẫn thích nghe tin tức, chuyện làng chuyện xã qua loa chứ ông bà không lướt web vèo vèo, đọc báo chữ in chi chít được đâu ạ.

Và Bạn đọc An Nam annam198@gmail.com :

Con người ta sinh ra có 2 mắt, 2 tai nhưng lại chỉ có 1 cái miệng. Khi nghe người ta nghe cả 2 tai, khi nhìn người ta nhìn từ 2 phía. Đối với bản thân tôi, gia đình tôi, mỗi buổi sáng, 5h30 phút, tiếng loa cũng là tiếng chuông báo thức để cả gia đình dậy lao động và sản xuất. Sau đó là những thông tin tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn, các chính sách chế độ cho đối tượng là người lao động, sát với đời sống hàng ngày của chúng tôi, chứ không phải là thông tin trên trời, dưới biển.. Vì thế quan điểm của tôi là không thể xóa hệ thống loa công cộng được. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tôi biết không phải là loa phường nào cũng mới mẻ, loa phường nào cũng sáng tạo, loa phường nào cũng mang tính thời sự... có được điều đó hay không cũng là do người lãnh đạo, người làm chương trình, chương trình còn hạn chế một phần lớn là do sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền còn chưa sâu sát, chưa cụ thể, chưa đổi mới. Đừng vì lý do chủ quan của con người mà cho rằng nên xóa hệ thống loa công cộng, đó là truyền thống, là tuổi thơ gắn liền với mỗi chúng ta và hiện tại nó vẫn mang lại nhiều lợi ích. Đừng vội đánh giá thấp hệ thống loa phường. Mong rằng mỗi người hãy có cái nhìn từ hai phía, nghe bằng hai tai, và cân nhắc trước khi đưa ra ý kiến.

Suy nghĩ tách bạch về hệ thống  loa phường ở thành phố và nông thôn trong thực tế hiện nay, bạn đọc Senkaku senkaku_japan@yahoo.com cho rằng:

Ở thành phố có lẽ nên bỏ. Nhưng ở nông thôn chúng tôi loa xã tác dụng rất lớn. Hàng ngày chỉ phát 2 buổi, 6h sáng và 5h chiều, mỗi buổi tầm 45 phút. Các nội dung rất phong phú như thông tin trong ngày, thông tin về an ninh, thông báo cáo phó, thông báo lịch cấy cầy, bón phân, diệt chuột đồng loạt toàn huyện. Thông báo cấp phát lương hưu cho các cụ. Chiều thứ 6 và sáng thứ 7 là giáo dục pháp luật. Sáng chủ nhật là giáo dục dân số... Nếu có công việc đột xuất như thay đổi lịch diệt chuột, các cháu bé, trâu bò đi lạc, có bão thì tùy ứng, có thể phát thêm vào 9h, 13h với thời lượng tầm 2 phút ngay không cần theo lịch nữa. Khi vào năm học, 8h các buổi tối loa xã nhắc nhở các gia đình vặn nhỏ tivi, các em vào bàn học. Nói chung nếu không có loa xã thì không có cách nào có thông báo cho mọi người một cách đồng loạt hiệu quả được.

Bạn đọc son sonchukinh@yahoo.com cũng nghĩ vậy:

Những vùng đô thị thì nên dẹp bỏ còn nông thôn thiết nghĩ rất cần thiết cho bà con để nắm tình hình tin tức mùa màng, họp hành làng xã...tùy từng địa điểm, tùy từng điều kiện con ng kinh tế mà bỏ hay k bỏ. Dường như tác giả quá chú tâm vào 1 khu vực riêng là Hà Nội mà quên rằng hơn 70% dân VN là người nông thôn?

Qua những ý kiến trên cho thấy người nói nên bỏ cũng có lý, người nói cần giữ lại, cũng có lý, vậy theo bạn nên bỏ hay nên giữ lại hệ thống loa phường, xã?

Nguyễn Đoàn (tổng hợp)