Bạn đọc viết:

Giáo viên muốn thật cũng không xong, nói gì đến thử nghiệm…

(Dân trí) - Nội dung bài viết quá đúng! Bản thân tôi là một giáo viên nên tôi rất hiểu. Ban Giám hiệu khi dự giờ thường căn cứ vào kết quả tiết dạy để đánh giá, xếp loại năng lực chuyên môn của giáo viên. Như vậy thì làm sao mà không "lên gân" cho được chứ.

Giáo viên muốn thật cũng không xong, nói gì đến thử nghiệm…
Một tiết thi dạy của giáo viên THPT trong hội thi Giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2011 - 2012 tỉnh Hà Tĩnh

 

Giáo viên muốn thật cũng không xong, nói gì đến chuyện thử nghiệm phương pháp này, phương pháp khác. Mọi ngày mình dạy tốt không ai biết, nhưng chỉ một tiết dự giờ tiết dạy bị đánh giá chưa tốt là coi như xong. Thi đua bị trừ điểm. Họp bị phê bình vì "chuyên môn đi xuống".

 

Còn thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện thì tập dượt cả hơn tuần lễ, tất cả giáo viên trong trường có trách nhiệm hỗ trợ giáo viên dự thi từ khâu góp ý đến chuẩn bị giáo cụ. Nói chung có thể gọi giáo viên dự thi chỉ là người  diễn viên "biểu diễn". Còn kịch bản, đạo diễn là tất cả giáo viên trong trường. Đương nhiên khi dự thi thì những học sinh "yêu yếu" về mặt này hay mặt kia thường bị "gởi" sang lớp khác (nếu có lớp bên cạnh) và nói khéo để phụ huynh cho nghỉ ở nhà (nếu điểm dạy chỉ có một lớp).

 

Giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi chấm tiết dạy đạt thì coi như năm học ấy được xếp chuyên môn loại tốt. Các giáo viên không dự thi mặc định chỉ được xếp loại từ khá trở xuống. Đây chính là nghịch lí. Họ không dự thi vì nhiều lí do khác nhau, nhưng không thể chỉ với 1-2 tiết dạy mà đánh giá cả một quá trình. Mà 1-2 tiết dạy ấy có sự góp sức, góp trí của nhiều người.

 

Việc đánh giá năng lực giáo viên của các nhà quản lý chỉ dựa vào sự trình diễn tiết dạy  như thế, vô hình trung đã khiến cho đội ngũ giáo viên phải thích ứng bằng các cách như vậy đấy.

 

Mong rằng các nhà quản lý hãy nghĩ đến thực trạng này và sớm có sự đổi mới, để quyết tâm chống bệnh thành tích là sự thực.

 

Lê Thị Huệ