Giải pháp Phí của ngành GTVT: Dễ ta - khó người

(Dân trí) - Tranh luận về Phí có vẻ đã “nát nước”, nhưng tình thế xem ra vô vọng khi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ đã cận kề. Song liệu mấy ai có thể an tâm khi lại vừa có thêm những minh chứng về chuyện thất thoát “tiền tấn” ở nơi này, nơi kia…

Giải pháp Phí của ngành GTVT: Dễ ta - khó người
Vẫn còn biết bao câu hỏi: Thu phí bảo trì đường bộ rồi liệu đường sá có được mở rộng hơn?... (ảnh minh họa: Quang Phong)

 

Khi vẫn còn đó những nghịch lý...

 

Lý do đầu tiên và được bạn đọc viện dẫn nhiều nhất, theo chúng tôi nhận thấy, không phải như đánh giá của một số người (bao gồm cả chuyên gia trong ngành GTVT và bạn đọc) rằng: dân ta đã quen xài miễn phí các loại dịch vụ công, giờ cứ thấy phải đóng tiền là kêu ca. Mà đó là bởi vẫn còn đó những nghịch lý ai cũng biết, chỉ có một số vị giới chức hình như không biết bởi họ nói đến những con số tiền triệu, tiền trăm mà cứ nhẹ như không. Trong khi đa số người dân ta còn nghèo, còn phải chắt chiu từng ngàn lẻ mỗi ngày để thêm thắt lo cho bữa cơm, cho con cái ăn học, để phòng thân khi ốm khi đau… Và thực tế là ai có chiếc xe để thuận tiện hơn khi đi lại, cũng đã phải cõng trên lưng bao loại tiền thuế và phí rồi.

 

Trước hết đó vẫn là nghịch lý giữa mức thu nhập với đủ các loại chi phí, bao gồm cả thuế và phí áp với các phương tiện giao thông cá nhân mà người dân đã phải gánh:

 

“Ở nước ta thu nhập bình quân đầu người còn quá thấp nhưng chi phí dịch vụ và nộp thuế thì quá cao. Tôi chỉ tính đơn giản lương bình quân của tôi một tháng 4 triệu, trong khi đó phải chi đủ thứ tiền. Các ông thử tính hộ tôi xem có đủ để nộp các loại thuế mà các bộ hữu quan đang đề xuất hay không. Các sếp lương tháng mấy trục triệu, còn người nông dân một tháng tính bình quân chưa chắc đã được 1 triệu nhưng họ vẫn phải cố gắng để có xe máy đi lại cho thuận tiện công việc. Song với mức thu nhập thấp như họ thì tiền đâu mà nộp thuế với phí?” - Nguyen Van Truong:  nguyenvantruong@gmail.com

 

“Phí và thuế đánh vào ôtô để làm gì và được sử dụng như thế nào ở nước ta? Thuế nhập khẩu ít nhất 70%/ chiếc, phí trước bạ, thuế sang tên đổi chủ, phí bảo hiểm, phí đường bộ. Rắc rối nhất là phí đường bộ, vé cầu đường là loại gì? Trên cả nước có bao nhiêu trạm thu vé cầu đường? Lại còn phí đăng kiểm, các loại xe có thời gian sử dụng khoảng 7 năm cứ 3 tháng đăng kiểm 1 lần, như vậy 1 năm  chủ xe nộp ít nhất 1,2 triệu. Nếu xe đi nhiều chủ xe chi phí cho vé đường bộ khoảng 200 nghìn một ngày nữa ... Tôi không biết chắc lắm, nhưng ngồi tính sơ sơ chủ xe đã và đang góp cho nhà nước từng đó loại phí rồi. Bây giờ theo Bộ trưởng Thăng thêm 2 loại phí nữa, liệu có hợp lý và đó có phải là giải pháp không? Và liệu nếu chỉ tăng phí để hạn chế được phương tiện giao thông cá nhân thì có đúng không? Tôi xin khẳng định: Giải pháp kiểu này không được đâu, Bộ trưởng ạ. Người dân chúng tôi nghe không thấy thuyết phục được đâu” - Thanh:  tanthnhl@gmail.com

 
Tiếp đó là băn khoăn về việc sinh thêm biện pháp thu phí, ắt lại sinh thêm người, thêm nguồn phải trả lương... Mà tất cả lại vẫn phải lấy ra từ ngân sách, cũng là từ tiền đóng thuế của dân: 
 

“Tôi đề nghị Quốc hội và BT Thăng tổng kết xem các khoản chi cho giao thông là bao nhiêu, bao gồm cả trả lương cho các cán bộ  hành chính làm công việc cho ngành giao thông (cả công an giao thông). Bởi vì đây cũng là từ tiền thuế của dân đóng cho Nhà nước để nuôi bộ máy này, nên rất cần minh bạch. Song song với các khoản thu liên quan đến giao thông, bao gồm các loại phí, thuế…  Đồng thời, đề nghị BT Thăng nên đóng giả thường dân vi hành nhiều hơn để biết thật rõ các thực trạng về giao thông, từ đó chúng tôi mới tin tưởng BT và ngành GTVT sẽ ra được những quyết sách mới đúng đắn hơn” - Tưởng Duy Vũ:  wuberlin1953@gmail.com

 

... và những khoảng cách

 

Liệu có thể dễ dàng chấp thuận hay không, khi vẫn còn những khoảng cách quá xa giữa cách lý giải của ngành chức năng với của người dân về cùng một chuyện: cơ sở hạ tầng giao thông của chúng ta nói chung còn quá kém.

 

“Đường xuống cấp đâu phải chỉ do dân di nhiều? Hãy xem lại số tiền để thực hiện các công trình có được sử dụng hết đúng như nó vốn có không?Rồi so sánh thêm với các vụ PMU18, VINASHIN... đã làm thất thoát bao nhiêu ngàn tỷ đồng? Dân chúng tôi vẫn nghi ngờ rằng phải chăng Bộ GTVT đề xuất thu thêm hết phí này tới phí khác như vậy, thực ra là để bù lỗ vào số tiền đã mất đó?” - Huynh:  duchuynhntts@gmail.com

 

“Chất lượng các công trình cầu đường thi công kém, nay Bộ GTVT viện lý do này để có vốn bù lại khoản đã bị rút ruột mất để sửa chữa, mai lại thêm lý do khác... Cứ vậy bao giờ cũng là lý do rất chính đáng? Còn chúng tôi thì cho rằng: nếu các vị vẫn không tự nhìn lại chính mình, để mạnh tay bài trừ các tham nhũng, tiêu cực trong các công trình GT thì có thu trăm thứ phí nữa cũng không bao giờ đủ được đâu” - Phan Anh Đào:  anhdaophan21@yahoo.com.vn

 

Kể cả với những người ủng hộ việc thu phí, thì các điều kiện tiên quyết cũng vẫn được nêu ra, nhất là về tính công khai, minh bạch, biện pháp tránh lãng phí…

 

“Thu phí bảo trì đường bộ là hợp lý, tuy nhiên tôi có một số ý kiến như sau:

 

1. Cần công khai các khoản phí thu được sử dụng vào mục đích gì.

 

2. Các phí này đã có trong xăng, vậy cần thay đổi lại chính sách cho giá xăng.

 

3. Thu phí theo cách mà Bộ GTVT đề xuất tôi thấy không khả thi, và chắc sẽ lại dẫn đến nhiều tiêu cực.

 

Đấy là chưa nói đến việc người dân lại phải mất một khoản thuế cho việc bố trí người làm việc này. Vì vậy tôi đề xuất thu phí bảo trì đường bộ bằng cách đánh thuế vào lốp, xích xe được bán trong nước. Việc này nếu được thực hiện, theo tôi nghĩ, sẽ là biện pháp tối ưu và công bằng hơn rất nhiều. Đối với cách thu theo lốp xe sẽ làm giảm chi trả một lúc cho dân, vì nếu số tiền truy thu trong nhiều năm được thu 1 lần là không nhỏ. Hơn nữa, để thời gian dài mới thu sẽ nảy sinh vấn đề phức tạp về quản lý, thu phí đối với xe cũ, xe được mua đi bán lại...” - Nguyễn Văn Sang: sangsmit@yahoo.com

 

“Tôi là một "thần dân" đây. Dù có danh nhưng không có quyền, tôi vẫn sẽ vui vẻ đóng phí bảo dưỡng đường nếu như thu đúng đắn và công bằng, không có cào bằng. Nguồn thu được sử dụng đúng mục đích, không  bù cho bội chi vì được quản lý tốt và có trách nhiệm. Nếu như công trình giao thông thiết kế và thi công đúng chất lượng, nếu như công trình không bị rút ruột để tư túi. Nếu như tôi không thấy tình trạng mặt đường đưa vào sử dụng chưa đầy một năm mà đã hư và lại phải sửa chữa; cầu đưa vào sử dụng vài năm với mật độ xe lưu thông thấp nhưng đã  hư hỏng khiến xe không lưu thông được....Và nếu như có một cuộc tổng thanh tra ngành giao thông, xử lý những người đục khoét công trình giao thông trước khi áp dụng thu phí bảo trì thì hay quá....” - Nguyễn Văn Việt:  vietvan2012@yahoo.com

 

“Theo tôi, Bộ GTVT  hãy quản lý tốt chất lượng xây dựng các công trình giao thông trước, rồi hãy thu phí bảo trì của dân. Chất lượng không đảm bảo vì thất thoát do tham nhũng quá nhiều, giờ lại bắt dân đóng phí bảo trì, rồi phí quản lý không tốt lại tham nhũng vào đấy thì chúng tôi sẽ đóng đến bao giờ đây? Xin ông Bộ trưởng Thăng hãy điều trị nguyên nhân trước, chứ không nên điều trị triệu chứng như hiện nay để cho dân còn có được sự tin tưởng” - Mai Tố Tâm:  maitotam1982@yahoo.com
 
Giải pháp Phí của ngành GTVT: Dễ ta - khó người
Và liệu có giảm tắc đường? (ảnh minh họa: Quang Phong)

 

Đẩy khó cho dân?

 

Với những lý lẽ được ngành GTVT đưa ra để bác đề xuất của nhiều người dân và cả giới chuyên môn về sự thuận tiện hơn khi thu phí qua xăng dầu, bạn đọc nêu rõ:

 

"… Thật ra tôi thấy cách thu phí qua xăng dầu rất đơn giản: Các đối tượng sử dụng xăng dầu vào hoạt động vận chuyển đường bộ hay vận hành tàu thuyền đường thủy, chỉ cần được truy thu theo quý, căn cứ vào hóa đơn mua xăng dầu” – Khapmien:  khapmien@yahoo.com

 

"Biết là thu qua xăng dầu là hợp lý, nhưng vì khó...." - Nói vậy là không lẽ ngành GTVT đẩy cái KHÓ cho dân chịu. Là cơ quan chức năng của Nhà nước lẽ ra phải vì dân và phục vụ dân chứ...” - Lê Mạnh Hùng:  lemahu126@gmail.com

 

“Hẳn là có những phương án tối ưu hơn. Dễ nghe, dễ thấy và người tham gia giao thông sẽ ủng hộ tích cực. Vậy tại sao các chuyên gia không được trình bày ý kiến?...” - Mr.Hieu:  tuonggung@yahoo.com.vn

 

Và cũng như đa số ý kiến bạn đọc đã nhấn mạnh trước đây, yếu tố tác động xã hội lại một lần nữa được lưu ý các nhà hoạch định chính sách:

 

“Tôi thấy khi đưa ra 1 chính sách thì phải đánh giá tác động xã hội thông qua điều tra, phản biện cụ thể xem là: nếu chính sách đó được áp dụng thì thời gian áp dụng là bao nhiêu lâu, thời điểm xem xét đánh giá lại (phụ thuộc tầm quan trọng của chính sách đó)…Bởi vì mỗi chính sách đều có ảnh hưởng trực tiếp như gây thiệt hại hoặc đem lại lợi ích tới số lượng là bao nhiêu người trong xã hội. Xin hãy nêu bằng con số và tiêu chí cụ thể mà áp dụng… Và khi đánh giá cũng cần lấy ý kiến của nhiều thành phần trong XH (cách lấy thế nào cho chính xác thì cần xem xét), chứ nếu chỉ lấy từ các chuyên gia không thôi thì e là quá nghiêng về lý thuyết, chưa thể đúng cả đâu !...” - Hh.link:  hh.link@yahoo.com

 

“Tôi thấy những việc làm còn thiếu tính đại chúng và có vẻ như nôn nóng của BT Thăng gần đây sẽ có thể góp phần làm cho một số ngành công nghiệp VN tiến tới phá sản. Như vậy sẽ có thêm những người dân nghèo đi, kinh tế lại tiếp tục suy thoái. Mà nếu vậy thì không những không giải quyết được vấn đề gì cả, lại còn làm cho đất nước kém phát triển, dân sẽ giảm lòng tin…” - Le Thong:  lethong325@gmail.com

 

“Mình nhận thấy thời gian gần đây Bộ trưởng Thăng khá quyết liệt với những quyết định của mình trong giao thông, đầu tiên là việc "trảm tướng"... Nhưng còn các vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông, mình cảm thấy các quyết định đó là quá vội vàng, hấp tấp gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sổng của nhân dân quá nhiều. Giao thông cần có sự điều chỉnh phù hợp với các đề án, giải pháp lâu dài chứ không thể làm như thời gian vừa qua được!” - Bom:  minh_honmklc@yahoo.com

 

Hai yếu tố Tâm và Tầm một lần nữa được bạn đọc nhấn mạnh, nhất là với những người gánh trên vài những nhiệm vụ quan trọng mà mỗi quyết sách đưa ra đều ảnh hưởng tới toàn xã hội, tới mọi người dân: 

 

“…Cần nhìn vào đời sống thực tế của đại đa số người dân, cũng như nhìn đúng vào thực tại của đất nước thì mới ban hành được chính sách hợp lòng dân, mới giải quyết từng bước các vấn đề khó khăn của đất nước. Nếu làm việc có Tâm nhưng thiếu Tầm  thì hậu quả rồi lại chỉ đổ vào người dân mà thôi. Đất nước phát triển, đời sống người dân được cải thiện và một trong những sự thể hiện được phần nào điều đó là qua việc người dân giờ đã có những người sắm được xe hơi. Nhìn vào phương tiện đi lại, cơ sở hạ tầng của một đất nước, tôi nghĩ, cũng có thể đánh giá được đời sống của người dân và nền kinh tế của đất nước phát triển như thế nào…. Mong rằng Bộ trưởng Thăng nói riêng và các cán bộ ngành GTVT hãy thể hiện rõ hơn nữa TẦM bên cạnh cái TÂM của mình với dân, với nước...” - Nguyen Thai Son:  thaisonnguyen@yahoo.com
 
Giải pháp Phí của ngành GTVT: Dễ ta - khó người
Sao xe phải gánh nhiều phí thế? (minh họa: Ngọc Diệp)
 
Quả đúng là nói về tình trạng ách tắc giao thông ngày càng trầm trọng như hiện nay ở VN, thì nguyên nhân về cơ sở hạ tầng yếu kém cũng như do ý thức của người dân là chính. Nhưng góp phần vào cả hai nguyên do này đều có cả những người của chính ngành GTVT. Vậy lẽ nào lại cứ chọn những biện pháp dễ ta mà lại khó người? Và cứ thế thì sao người dân có thể dễ dàng chấp thuận được... 

Thanh Nguyễn