Giải pháp nào để tháo gỡ tình trạng tắc đường?

Câu chuyện ùn tắc giao thông vẫn là nỗi ám ảnh. Đây là nỗi lo của mỗi người dân sống ở các thành phố lớn như: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tắc đường cộng với không gian chật chội, bụi bặm, khói xe đầy ngập, nhất là ở những thời điểm mùa hè oi bức khiến cho mọi người dân bức xúc. Vẫn biết ùn tắc giao thông đô thị là một hiện tượng xã hội phản ánh sự quá tải về giao thông không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Sự quá tải này là do mức độ phát triển của hệ thống giao thông ở đô thị không đáp ứng kịp với tốc độ tăng dân số, không đáp ứng được nhu cầu về giao thông của người dân.

Ùn tắc giao thông với tần suất xảy ra thường xuyên, liên tục và kéo dài triền miên đã gây ra rất nhiều hệ lụy như: Lãng phí thời gian; ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ con người; giảm năng suất lao động; tai nạn giao thông; làm mất cảnh quan đô thị và nhiều tệ nạn xã hội khác... Những ảnh hưởng đó luận chung lại là gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân đô thị. Vẫn biết cuộc sống là phải vận động và giao thông như vậy là phần nào cũng hợp với quy luật, song nếu cứ để mãi tình trạng này thì sự bức xúc sẽ tác động không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin xã hội.


Ảnh minh họa (Ảnh:Phạm Cường)

Ảnh minh họa (Ảnh:Phạm Cường)

Và để giải cứu tình trạng này, trong nhiều năm qua, đã có nhiều cơ quan chức năng, chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp. Rồi đã có những giải pháp, ý tưởng, sáng kiến được đưa vào triển khai, thực hiện. Song vấn nạn ách tắc giao thông vẫn chưa chuyển biến đáng kể.

Với góc nhìn của người tham gia giao thông hàng ngày, thiết nghĩ, chúng ta cần có cuộc khảo sát và đánh giá một cách căn cơ một số tiêu chí, đưa ra các giải pháp hữu hiệu để dư luận có cách nhìn đúng mực và sẻ chia.

Trong những năm vừa qua, hạ tầng giao thông đã được các cấp lãnh đạo Hà Nội đặc biệt quan tâm, song vẫn mang tính đối phó, chắp vá, chưa đồng bộ, không đáp ứng kịp áp lực gia tăng dân số và các phương tiện. Không ít người ví von “giống như một bát cơm, 1 người ăn đủ nhưng giờ có tới 3 người ăn. Chỉ một bát cơm làm sao 3 người ăn đủ...”. Quỹ đường giao thông thì cơ bản vẫn không được cải thiện bao nhiêu, trong khi các phương tiện giao thông như: Ô tô, xe máy... lại gia tăng đến chóng mặt. Sự gia tăng từng ngày, từng giờ của các chung cư cao tầng, trung tâm thương mại... trong nội đô, dẫn đến gia tăng dân số, phương tiện... Vì thế, tắc đường là không tránh khỏi!

Phát triển hạ tầng giao thông cần có tầm nhìn, quy hoạch phải mang tính đồng bộ. Phải chăng, đã đến lúc chính quyền các thành phố lớn cần có những giải pháp căn cơ, khoa học hơn. Trước mắt, cần cân nhắc giải pháp hạn chế đăng ký ô tô, xe máy, dừng cấp phép cho xây dựng các nhà chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng trong khu vực nội đô. Tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng rất cần chung tay với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có các biện pháp giảm thiểu nguồn lao động đến làm việc tại hai thành phố lớn, giúp giảm ùn tắc giao thông như: Có chính sách ưu tiên đối với lao động, nhất là lực lượng lao động phổ thông của địa phương tại các khu công nghiệp; ưu tiên các sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc tại địa phương theo phương châm “ly nông không ly hương".

Tại các trường đại học, cao đẳng cần thiết thiết lập lại các ký túc xá dành cho sinh viên ở tại trường. Đây là hình thức vừa quản lý tốt sinh viên, vừa giảm thiểu ùn tắc giao thông. Tại các bênh viện cần dành một phần quỹ đất để xây các khu nhà cho người bệnh thuê nhằm được hai mục tiêu là giúp đỡ người nhà bệnh nhân một cách đầy tính nhân văn và giảm việc đi lại gây ách tắc giao thông. Đối với các trường học THPT, THCS, tiểu học, cần có giải pháp thay đổi giờ học, giờ tan trường để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các thời điểm có nhiều chủ phương tiện tham gia giao thông. Về lâu dài, cần có giải pháp di chuyển một số trụ sở làm việc của các cơ quan bộ, ngành, doanh nghiệp.... đến khu vực ngoại ô để giảm thiểu người tham gia giao thông tại nội đô.

Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, các trường đại học… Trong xu thế vận động và phát triển, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục gia tăng các phương tiện giao thông, nhất là ô tô. Điều đó tất yếu sẽ phải đối mặt với nạn ùn tắc giao thông. Kỳ vọng lãnh đạo hai thành phố sẽ quan tâm, nghiên cứu để giải cứu căn bản tình trạng ùn tắc giao thông nhằm xây dựng phát triển đô thị hài hoà, văn minh, hiện đại, xứng với tầm vóc của đất nước./.

Theo TC

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam