Bạn đọc viết:

Giải bài toán nghịch giúp giảm ùn tắc giao thông

(Dân trí) - Bài toán nghịch, theo tôi, là phải tìm cách để giảm lưu lượng với những tuyến giao thông đã có và hiện không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, nhưng cũng không đủ điều kiện để mở rộng.

Giải bài toán nghịch giúp giảm ùn tắc giao thông
Nạn kẹt xe ở Thủ đô đã trở nên nghiêm trọng, rất cần có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ (ảnh: Đại đoàn kết) 
 

Nếu là kỹ sư giao thông hay kiến trúc sư quy hoạch, hẳn chúng ta ai cũng biết bài toán lưu lượng và mặt cắt ngang các tuyến đường giao thông. Nhưng một thực tế khó

kiểm soát ở các đô thị lớn đó là sự gia tăng dân số cơ giới. Chính điều này làm cho các tính toán về lưu lượng trên các tuyến giao thông không còn chính xác nữa, dẫn đến ùn tắc là điều khó tránh khỏi.

 

Trong điều kiện kinh tế hiện nay, giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông không thể khả thi, vì số tiền giải phóng mặt bằng mất rất nhiều kinh phí so với số tiền làm đường. Mà ở VN ta ùn tắc trên trên nhiều tuyến đường, chứ không phải một hay hai  tuyến đường, vì thế nếu nâng cấp hạ tầng sẽ rất tốn kém.

 

Vậy giải pháp nào khả thi nhất trong điều kiện kinh tế hiện nay? Đó chính là điều mà rất nhiều người đang quan tâm.

 

Giải pháp mà  Bộ GTVT đưa ra là thu phí hạn chế xe cá nhân và bảo trì đường bộ đã và đang bị phản đối của người dân cũng như nhiều đại biểu Quốc hội. Bản thân tôi cũng cho rằng giải pháp này không khả thi. Vậy điều quan trọng bây giờ là chúng ta cần đưa ra được một giải pháp khác khả thi và ít tốn kém kinh phí hơn.

 

Tôi đã xem và đọc nhiều ý kiến của các bạn đọc về vấn đề này, nhưng thấy hầu hết các ý kiến đều không khả thi và rất khó thực hiện trong điều kiện hiện nay. Bởi vì theo tôi nghĩ, những ý kiến đó quá dễ hiểu và chắc hẳn Chính phủ và Bộ GTVT cũng đã xem xét đến.

 

Giải pháp mà tôi đưa ra là: chúng ta phải giải bài toán nghịch. Bài toán đưa ra là với những tuyến giao thống đã có và hiện không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời cũng không đủ điều kiện để mở rộng. Vậy ta sẽ phải tìm cách để giảm lưu lượng trên các tuyến đường này.

 

Để làm được điều đó, chúng ta cần nghiên cứu thành phần tham gia giao thông trên những tuyến đường bị ùn tắc. Theo tôi nhận thấy, thì hầu hết là công nhân viên chức, người lao động phổ thông, học sinh, sinh viên… Hầu hết họ phải đi một quãng đường rất xa để đến nơi mình công tác và học tập.

 

Nếu đưa ra được phương pháp sắp xếp lại vị trí làm việc cũng như học tập của họ, hẳn lưu lượng tham gia giao thông sẽ giảm rất nhiều, từ đó không gây ùn tắc giao thông trên đường.

 

+ Đối với công nhân viên chức, người lao động phổ thông: Một thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp, các công ty khi tuyển dụng họ không quan tâm đến điều kiện đi lại của người lao động. Mà họ chỉ chú trọng vào năng lực và bằng cấp của người lao động đó (và phần lớn là do người quen giới thiệu vào làm việc). Vì thế rất nhiều người chấp nhận phải đi làm ơ xa nơi mình ở, không phải vì không có năng lực mà thường vì có người quen giới thiệu nên vào làm việc, mà không cần giai đoạn thử việc hay học việc.

 

Vậy nếu chúng ta khuyến khích các doanh nghiệp khi tuyển dụng quan tâm đến điều kiện đi lại cho người lao động, ưu tiên những đối tượng ở gần nơi làm việc thì sao? Điều này mang lại lợi ích cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp, khi người lao động được làm gần nơi ở hơn thì họ sẽ đi làm đúng giờ giấc, làm việc hiệu quả hơn, từ đó mang lại lợi ích nhiều hơn cho doanh nghiệp.

 

+ Đối với học sinh, sinh viên:

 

  • Thứ nhất là cần quản lý chặt chẽ mặt bằng giá thuê nhà trọ, bởi có nhiều sinh viên chấp nhận đi một quãng đường xa để thuê được một căn phòng giá rẻ.  
  • Thứ hai sinh viên trường nào thì phải đăng ký tạm trú ở địa phương nơi trường đó xây dựng hoặc khu vực lân cận. Cũng cần tăng cường quản lý các khu nhà trọ, nếu phát hiện các sinh viện không có đăng ký tạm trú thì yêu cầu đăng ký tạm trú và về khu vực gần trường học để thuê nhà. 

Số lượng các sinh viên tham gia giao thông rất lớn vào những giờ cao điểm, vì thế giải quyết được vấn đề này, tôi tin sẽ giảm đáng kể lưu lượng tham gia giao thông.

 

Một số các hệ quả tích cực khi chúng ta giải được bài toán tôi đưa ra:

 

Thứ nhất: Khi  người lao động làm việc gần nơi ở của mình, phần lớn sẽ không chọn phương tiện xe cá nhân để đi làm mà họ sẽ chọn giải pháp đi bộ hoặc xe buýt. Như thế chúng ta hạn chế được xe cá nhân.

 

Thứ hai: Về vấn đề môi trường, khi chúng ta đi làm gần nhà thì lượng khí thải phương tiện của mình thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể.  Nếu tính với toàn bộ đô thị thì sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường rất nhiều.

 

Thứ ba: nhu cầu về xăng dầu sẽ giảm, tiết kiệm cho nhà nước rất nhiều kinh phí vì không phải nhập khẩu nhiều xăng dầu…

 

Một vấn đề cuối cùng là kinh phí để giải quyết bài toán nghịch này là 0 đồng, bởi vì chúng ta chỉ tập trung khuyến khích các doanh nghiệp, các công ty khi tuyển dụng nên quan tâm đến điều kiện đi lại của người lao động. Ưu tiên những người ở gần nơi làm việc bằng cách yêu cầu người xin việc nộp bản sao hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú trong bộ hồ sơ xin việc. Bên cạnh đó chúng ta cũng khuyến khích người lao động nên tìm cho mình một công việc ở gần khi các doanh nghiệp dành ưu tiên cho mình.

 

Nguyễn Thái Bình (cựu sinh viên đại học Kiến Trúc Hà Nội)