1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá xăng dầu bị bóp méo vì điều hành thuế?

(Dân trí) - Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương, Hiệp hội Xăng dầu cho rằng, việc cơ quan quản lý sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ bình ổn giá xăng dầu không những làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách mà còn bóp méo giá bán lẻ xăng dầu.


Những quy định chính sách trong điều hành thị trường xăng dầu đang có nhiều bất cập.
Những quy định chính sách trong điều hành thị trường xăng dầu đang có nhiều bất cập.

Đề xuất tăng giá 8%, doanh nghiệp được tự quyết

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đề cập đến những vấn đề chưa thống nhất giữa Ban soạn thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 84 và VINPA.

Tổ chức này đưa ra đánh giá, việc cơ quan quản lý đã sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ bình ổn giá xăng dầu không những làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách mà còn bóp méo giá bán lẻ xăng dầu, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội.

Vì vậy, Hiệp hội đề xuất: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương ổn định mức thuế nhập khẩu tuyệt đối trong một năm hoặc ổn định mức thuế nhập khẩu trong một năm đối với từng chủng loại xăng dầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong năm và các cam kết quốc tế”.

Theo VINPA, nếu mức thuế nhập khẩu được ổn định trong một năm sẽ tạo khoản thu ổn định cho nguồn ngân sách nhà nước giảm bớt yếu tố biến động trong giá cơ sở, minh bạch hơn mỗi khi tăng hoặc giảm giá bán lẻ xăng dầu. Qua đó, tránh được những bất cập trong hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu để dần từng bước đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Ngoài ra, về nguyên tắc xác định giá bán lẻ xăng dầu, VINPA cho rằng, khi giá xăng dầu tăng dưới biên độ khung 8%, các doanh nghiệp đầu mối có quyền tăng hoặc giảm giá bán lẻ theo đúng tinh thần Nghị định 84/2009/NĐ-CP trước đây.

Chỉ khi giá xăng dầu tăng quá biên độ khung 8%, các thương nhân đầu mối mới phải báo cáo các cơ quan chức năng thực thi các biện pháp cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Không một đầu mối nào đủ khả năng cung hàng trước, nhận tiền sau!

Tại công văn gửi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, mặc dù cho biết đồng ý với Ban soạn thảo rằng, một tổng đại lý chỉ được phép ký hợp đồng làm tổng đại lý với một thương nhân đầu mối, tuy nhiên, VINPA cũng lưu ý, về mức thù lao chi trả khác nhau giữa các thương nhân đầu mối cung ứng xăng dầu cho các tổng đại lý cũng như sự khác nhau về khả năng đảm bảo nguồn hàng. 

Có một nghịch lý được VINPA chỉ ra là, những thương nhân đầu mối có khả năng cung ứng ổn định nguồn hàng thì mức thù lao lại thấp thậm chí ở một số thời điểm không đủ bù đắp các chi phí khiến cho Tổng đại lý bị lỗ. Trong khi đó, những thương nhân đầu mối có mức thù lao cao thì khả năng cung cấp xăng dầu lại không ổn định.

Đây cũng chính là lý do khiến các Tổng đại lý phải ký kết hợp đồng làm Tổng đại lý với nhiều thương nhân đầu mối vì điều đó sẽ giúp các Tổng đại lý hoạt động kinh doanh có lãi và đủ lượng xăng dầu cung ứng cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ của mình.

Một vấn đề được đặt ra, nếu quy định Tổng đại lý chỉ được phép ký với một thương nhân đầu mối thì họ sẽ chỉ ký với thương nhân đầu mối có mức thù lao cao nhất. VINPA lo ngại, trong những thời điểm thương nhân đầu mối đó không đủ hàng để cung cấp cho tổng đại lý sẽ xảy ra tình trạng mất nguồn hàng làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của một số địa phương.

Trên thực tế, VINPA cho biết, mối quan hệ giữa các thương nhân đầu mối và các Tổng đại lý hiện nay chủ yếu là “mua đứt bán đoạn” thay vì chi trả thù lao.

Do đó, nếu thay thế phương thức thanh toán, VINPA quan ngại “trong điều kiện hiện nay, không một thương nhân đầu mối nào có khả năng cung ứng xăng dầu cho các Tổng đại lý theo phương thức trả thù lao (hay nói cách khác là trao hàng trước nhận tiền sau). Vì với phương thức thanh toán này, đòi hỏi các thương nhân đầu mối phải có một lượng vốn cố định rất lớn và khâu thanh toán công nợ sẽ vô cùng phức tạp và dễ gặp rủi ro.”

Bích Diệp