Đừng xem Giáo dục công dân là “môn phụ”

(Dân trí) - Môn “Giáo dục công dân” được đưa vào chương trình dạy học từ rất lâu (ở cấp tiểu học gọi là môn Đạo đức). Có thể khẳng định rằng, môn học này có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.

Tầm quan trọng đặc biệt của môn học này trong hệ thống các môn học ở trường phổ thông là ở chỗ nó góp phần hình thành thế giới quan lành mạnh ở học sinh, giúp học sinh biết phân biệt lẽ phải, trái; biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác; biết sống trung thực, khiêm tốn, dũng cảm, biết yêu thương và vị tha.

 

Đặc biệt, những kiến thức của môn giáo dục công dân giúp học sinh hình thành những kỹ năng sống cơ bản để vững vàng bước vào đời: ý thức tổ chức kỷ luật, có thái độ đúng đắn trong việc nhận thức và chấp hành pháp luật. Mặc dầu có tầm quan trọng như vậy, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, chất lương dạy và học môn học này trong thời gian qua còn có nhiều bất cập.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Đã đến lúc phải có những đánh giá, nhìn nhận thực sự nghiêm túc cả từ phía người dạy lẫn người học để từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn học có vị trí đặc biệt quan trọng này, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

 

Về phía người học có một thực trạng dáng buồn là có rất nhiều học sinh không nhận thức được hết tầm quan trọng của môn Giáo dục công dân và cho rằng đây là môn học phụ nên ít quan tâm, đầu tư thích đáng cho việc học. Cá biệt, có một số học sinh tỏ ra thực sự hờ hững, thiếu nghiêm túc đối với môn học này. Với suy nghĩ phiến diện, lệch lạc, phần lớn học sinh chỉ học tủ, học vẹt nhằm đối phó với giáo viên. Đến khi kiểm tra thì quay cop, sử dụng tài liệu…

 

Hiện tượng học sinh không mặn mà trong việc học môn giáo dục công dân đã tồn tại từ lâu, trở thành “nếp”, tạo nên sức ì về mặt tâm lí mà muốn khắc phục  không phải dễ dàng.

 

Về phía người dạy, qua thực tế có thể nhận thấy, phần lớn giáo viên vẫn lên lớp bằng phương pháp xưa cũ: thầy đọc, trò chép, tạo cảm giác mệt mỏi, thụ động đối với học sinh trong việc tiếp nhận kiến thức. Một số giáo viên lên lớp với tâm lý cho rằng môn của mình là môn phụ nên ít có sự quan tâm, đầu tư trong việc soạn giáo án, chuẩn bị bài lên lớp.

 

Bên cạnh đó, việc thiếu những dẫn chứng sinh động trong thực tế cũng như thiếu những dụng cụ trực quan làm cho các tiết học trở nên khô khan, nhàm chán, không gây được sự hứng thú đối với học sinh. Hệ quả tất yếu là chất lượng tiết học có nhiều hạn chế có tính.

 

Nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng dạy và học môn Giáo dục công dân trong nhà trường hiện nay, trước hết cần nghiêm túc nhìn nhận lại vai trò, vị trí của môn học này trong hệ thống các môn học trong trường phổ thông từ đó đề ra các giải pháp cụ thể và có tính khả thi.
 
Đừng xem Giáo dục công dân là “môn phụ” - 1

(ảnh minh họa - nguồ ảnh: internet)

 

Đối với người học, cần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá vai trò của môn học này trong việc trau dồi nhân cách, hoàn thiện bản thân, từ đó xác địinh đúng động cơ và thái độ học tập.

 

Đối với giáo viên, cần có những nỗ lực trong việc cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy. Có những cách thức cụ thể trong việc làm “mềm” hoá môn học vốn được xem là khô khan, trừu tượng này bằng những thí dụ sinh động trong đời sống thực tế. Có thể thay cách thuyết giảng một chiều bằng việc nêu những câu hỏi gợi mở, nêu vấn đề thảo luận nhằm phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh. Trong một số tiết học, trong những tình huống cụ thể, để tạo sự hào hứng và cuốn hút học sinh vào bài học, có thể dàn dựng những vở kịch ngắn do chính học sinh thể hiện. Mặt khác, cần đầu tư hơn trong việc sưu tầm tư liệu, tranh ảnh minh hoạ, cùng các dụng cụ trực quan tạo ra sự sinh động cho mỗi giờ lên lớp.

 

Trước tình trạng học sinh vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng hiện nay, việc nâng cao chất lượng dạy và học đối với môn giáo dục công dân cần phải được chú trọng. Mặt khác, những tri thức rút ra từ môn học này là hành trang vô cùng cần thiết để học sinh có thể trở thành những công dân tốt trong tương lai.

 

Bùi Minh Tuấn

(Giáo viên trường THPT Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An)

 

LTS Dân trí-Muốn trở thành người công dân tốt, ai cũng cần được giáo dục về quyền lợi và nghĩa vụ của mình để tự giác thực hiện cho đúng.

 

Môn học “Giáo dục công dân” tự tên gọi đã nói lên vị trí quan trọng của nó trong nội dung giáo dục toàn diện của nhà trường, góp phần tích cực vào việc hình thành và hoàn thiện nhân cách học sinh để trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội.

 

Nhưng trên thực tế, môn học này còn bị xem nhẹ như bài viết trên đây nêu ra và đề xuất những giải pháp khắc phục. Điều đáng quan tâm trước hết là cần đổi mới nội dung chương trình cũng như cách giảng dạy sao cho sát với những vấn đề mà cuộc sống hiện nay đang đặt ra, giải đáp đúng những điều mà học sinh đang băn khoăn và muốn tìm hiểu, từ đó tạo ra sức hấp dẫn của môn học cũng như sự hứng thú của học sinh.

 

Môn học Giáo dục công dân cần có vị trí xứng đáng trong hệ thống các môn học nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng “Học để làm người”