Bạn đọc viết:

Đừng làm vẩn đục ánh mắt con trẻ!

(Dân trí) - Mới đây tôi ghé vào một cửa tiệm ở thị trấn T, gần nơi tôi sinh sống. Gặp một chú thợ học việc bé nhỏ, thậm chí dắt xe còn chưa vững. Trong lúc chờ đợi, hỏi chủ tiệm mới biết gia cảnh éo le, rất đáng thương của cậu bé mồ côi...

(minh họa từ internet)
(minh họa từ internet)

 

Nghe tôi hỏi vì sao cậu bé phải học nghề sớm,  chủ tiệm cho biết: do gia đình khó khăn không có tiền đi học nên cậu phải nghỉ để đi học nghề. Đến giờ nghỉ trưa, tôi rủ em ngồi uống nước và hỏi thăm mới biết được hoàn cảnh em thật đáng thương.

 

Em kể tên V, nhà nghèo có 4 anh em, V là anh cả. Chưa học xong lớp 7 V đã phải nghỉ  để đi học nghề và làm phụ tại tiệm từ hơn một năm nay. “Nhà em nghèo lắm, còn 3 đứa em nữa đều đang đi học” – V kể.

 

Cách đây 7 năm, khi đứa em út vừa chào đời thì cha của các em mất vì bệnh nặng, bỏ lại 5 mẹ con trong cảnh cơm không có ăn, áo không đủ mặc. Từ đó đến nay mẹ của em lang thang bán vé số nuôi con, và rồi cách đây mấy năm bà còn kiêm thêm nghề bán…

 

Nhắc đến điều này, mắt em rưng rưng khiến tôi bùi ngùi định không hỏi nữa. “Lẽ ra em không nói nhưng vì em ghét mẹ lắm mà lâu nay không biết nói với ai. Em cứ sống lủi thủi, sáng đi học nghề tối về ngủ. Hàng đêm, 4 anh em nằm ngủ trên một chiếc giường cách nơi mẹ và những người đàn ông đó chưa đến 10 bước chân. Từng âm thanh, từng hành động, chúng em đều nghe hết nhưng quan tâm làm gì… phải ngủ thôi, ngủ để có sức ngày mai còn đi làm, đi học…” – V kể tiếp.

 

Cậu cũng cho biết, mỗi ngày mẹ thường tiếp khoảng 5 đến 7 khách, ban ngày khách thường chở đi nơi khác, còn buổi tối thì mọi việc diễn ra ngay trong căn nhà chật hẹp không có phòng riêng, chỉ có bức màn mỏng làm… vách ngăn. Ngày qua ngày những đứa trẻ trong nhà phải dửng dưng xem như không có chuyện gì. Nhiều khi khách đến thấy mấy đứa nhỏ thì rút ví cho các em vài ngàn…đi mua kẹo, nhưng cũng có người thấy các em liền quát mắng, xua đuổi.

 

 “Chúng em hận mẹ và ghét những người đó lắm. Vì căm giận nên nhiều lần em đã tháo bánh xe, đổ đường vào bình xăng, bình nhớt xe máy của khách nhưng rồi đâu lại vào đó, mẹ vẫn làm và khách cứ đến…” - V thở dài nói tiếp: - Không biết mỗi lần khách vào như vậy được bao nhiêu tiền nhưng chẳng bao giờ “mụ” cho em 2.000đ để ăn sáng vì em hay nói, hay quậy nên mấy năm nay “mụ” không mua được cho em một cái áo. Mọi chuyện nhờ vào bà nội, dù nghèo nhưng ông bà rất thương các cháu phận mồ côi mà mẹ lại chẳng ra gì. Mỗi khi đi chợ, bà thường ghé qua chỗ làm cho em tiền để ăn sáng, mua dép, mua mũ…

 

Có lẽ trong mắt V không còn hình ảnh của người mẹ nữa bởi khi nói chuyện hiếm khi em nhắc đến từ “mẹ” mà toàn là “bà”, “mụ”. Nhiều khi tức giận vì nhiều đàn ông đến nhà ồn ào không ngủ được, em quậy phá, la lối… thì bị mẹ đánh đập, đuổi ra khỏi nhà…

 

Chỉ nghe đến chừng đó thôi tôi đã phần nào hiểu được cuộc sống cùng số phận của 4 anh em mồ côi. Mà sao trên đời này còn có những người mẹ như vậy? Đã ngoài tứ tuần rồi sao không kiếm một công việc nào khác đàng hoàng, trong sáng hơn để làm mà nuôi con? Lại  gieo rắc vào tâm hồn thơ trẻ của chính những đứa con mình những hình ảnh xấu xa như vậy?

 

Đáng ra ở tuổi này và trong hoàn cảnh đó các em càng cần được yêu thương, được giáo dục để hình thành nhân cách tốt. Đã bất hạnh vì không còn cha, gia đình nghèo khó, vậy mà các em còn phải lớn lên trong sự kì thị của bà con xóm giềng, rồi mai đây tương lai các em sẽ ra sao? Có học hành được không hay lại phải nghỉ học sớm như anh đầu để lao vào kiếm sống khi tuổi còn quá nhỏ...???

 

Tôi tạm biệt V với bao băn khoăn, suy nghĩ… Cũng chỉ  biết cầu mong cho 4 anh em  có một ngày thoát khỏi những ám ảnh nặng nề để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, ít ra là trong suy nghĩ, trong tưởng tượng của những ánh mắt trẻ thơ đáng thương đó…

 

Phạm Ngọc (Vinh Thái, Phú Vang, TT Huế)