Đối thoại và cưỡng chế

Chỉ hơn 2 tháng, đã có 2 vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng và Văn Giang rúng động cả nước. Nhà chức trách của Hưng Yên khi chỉ đạo cưỡng chế ở Văn Giang chỉ chú ý rút kinh nghiệm vụ Tiên Lãng về mặt tổ chức bạo lực…

…mà không chú ý đến các mặt đạo lý, pháp lý và thuyết lý.
 

Cả ba cái lý đó gói gọn bằng mấy câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Dân vận: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với  hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Ngày nay, nội dung đó được diễn đạt là “Đối thoại với dân”. Tiếc thay, có những trường hợp công bộc của dân chưa thực sự làm được điều này.

 

Trong vụ Tiên Lãng, một quan chức nhận xét, người dân vùng này trước đây rất hiền hòa. Dường như ông nghĩ rằng, bỗng dưng người dân bị biến chất hóa ra hung dữ! Lẽ ra, phải đặt câu hỏi: Vì sao có hàng ngàn vụ khiếu nại tố cáo, trong đó 70% liên quan đến đất đai và việc cưỡng chế đã  xảy ra khắp nơi, kể cả  Hà Nội và TPHCM? Câu trả lời không quá khó: Luật Đất đai 1993, Điều 27 quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”. 
 
Điều luật tiếp theo có những điều kiện ràng buộc ngăn chặn các nhà chức trách lạm quyền. Đến Luật Đất đai sửa đổi 2003, Điều 39, các công trình đầu tư có mục đích “quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” được định nghĩa là “những dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”. Định nghĩa này  giúp các nhà đầu tư không còn cần trực tiếp thương lượng với nông dân. Bộ máy công quyền có nhiệm vụ làm việc này thay cho họ.
 
Đối thoại và cưỡng chế
Thu dọn sau vụ cưỡng chế tại Văn Giang, Hưng Yên (ảnh: báo Pháp luật TPHCM)

 

Nói chung, người dân bị giải tỏa, tiền đền bù không đủ cho họ tái định cư và  tạo ra được việc làm mới. Việc trao cho bộ máy công quyền giúp nhà đầu tư đền bù (chứ không phải mua lại) đất thu hồi không cần được nông dân thỏa thuận, còn là một kẽ hở lớn trong việc phòng, chống tham nhũng.

 

Hiến pháp 1992 hiện hành, Điều 18 quy định: “Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài”. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Điều 23 của Hiến pháp quy định trưng mua, trưng dụng theo luật và trả cho người dân theo giá thị trường. Vì vậy, các dự án đầu tư phải đền bù trên tinh thần của luật định.

 

Đồng nghiệp Báo Dân Trí có bài viết: “Phải cưỡng chế không thể gọi là thành công”. Ý kiến đó rất đúng. Được biết, luật pháp thời xưa, việc “cưỡng chế chấp hành” chỉ áp dụng với đối tượng phải thi hành những điều tòa án đã phán quyết. Hiện nay, biện pháp cưỡng chế quá rộng, chỉ cần một quyết định hành chính của chính quyền cấp huyện.

 

“Nếu dân sai phải thuyết phục”, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng gợi mở hướng suy nghĩ, tìm cách bỏ hình thức cưỡng chế như hiện nay, hoặc chí ít là những vụ gây ra khiếu kiện đông người thì không nên cưỡng chế. Bởi nó không hợp với bản chất của chính quyền của dân, do dân, vì dân, trái hẳn với tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Theo Tống Văn Công

Lao Động