Bạn đọc viết:

Đôi lời góp ý về giao thông Hà Nội

(Dân trí) - Theo tôi, thực hiện sáng kiến thay đổi giờ làm giờ học là một quyết định mạnh, đang ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, sinh hoạt nhiều người.Đây cũng là một thử thách lớn đối với những người đã đưa ra quyết định này.

Đôi lời góp ý về giao thông Hà Nội - 1

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)

 
Theo tôi, thực hiện sáng kiến thay đổi giờ làm giờ học là một quyết định mạnh, đang ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, sinh hoạt nhiều người. Nó chính là việc thay đổi hành vi, thái độ, quan điểm, liên quan đến tổ chức, quản lý, điều hành, chỉnh sửa hướng dẫn/chính sách liên quan hiện hành. Vì là một thay đổi lớn trong sinh hoạt cuộc sống thường ngày, nên sẽ phải cần thêm thời gian (có thể 1-2 tuần nữa) mới thấy kết quả rõ hơn. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi này, tôi xin chia sẻ thông tin về giờ làm việc của một cơ quan tôi đang làm việc, một tổ chức Liên Hiệp Quốc để qúy vị tham khảo.
 
Theo hướng dẫn về giờ làm việc đối với các nhân viên Liên Hiệp quốc tại các nước sở tại, trong đó có Việt Nam, áp dụng 'Core working hours'. Nghĩa là các nhân viên làm việc đủ 8 giờ/ngày, một cách linh hoạt tùy theo điều kiện sinh hoạt của các nhân viên. Nhân viên cần có mặt tại văn phòng từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều (nghỉ ăn trưa 1 tiếng từ 12 giờ đến 1 giờ chiều). Với hoàn cảnh sinh hoạt làm việc cụ thể của tôi, tôi đã đăng ký làm việc từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Cơ quan tôi, mỗi nhân viên đăng ký giờ làm việc khác nhau, mọi người đều được biết giờ làm của nhau, và không quá lo việc tắc đường.
 
Qua việc nhỏ này, tôi thiết nghĩ chúng ta cần linh hoạt hơn giờ học và giờ làm việc. Cụ thể là, mỗi cơ quan, mỗi trường học, tuỳ từng địa bàn, theo mùa với ý kiến thống nhất của tập thế, của cơ quan mà xác định giờ làm, giờ học cho phù hợp.  Giờ học, giờ làm có thể thông báo cho nhiều người cùng biết. Trong mỗi cơ quan, giờ làm việc của một số nhân viên cũng có thể linh hoạt, nếu được bàn bạc và thống nhất. Những nhà máy có đông công nhân làm theo ca thì gia làm theo ca càng phải cân nhắc hơn. Quản lý thời gian, giờ làm giờ học cũng nên phân cấp.  Nhà nước không nên can thiệp quá mạnh vào việc quản lý thời gian của cơ quan, tố chức. 
 
Theo tôi, để có giải pháp tốt hơn cho giảm ùn tắc giao thông hiện nay cần:
 
Chủ động lấy ý kiến của chuyên gia, của nhiều người hơn. Trong xã hội có nhiều người có trình độ và kinh nghiệm có thế đóng góp những ý kiến tốt;
 
Đánh giá nhanh lại tình hình, chất lượng dịch vụ của hệ thống xe công cộng, xe bus. Cần lấy ý kiến của nhiều người thường xuyên sử dụng dịch vụ này ý kiến của họ về thực chất chất lượng và kỳ vọng của họ về dịch vụ xe bus;
 
Rà soát chất lượng hiệu quả và quy hoạch lại hệ thống xe Taxi. Cần phân tích và dự kiến lượng khách có khả năng sử dụng taxi mà quy hoạch;
 
Đánh giá lại và cập nhật mật độ dân sống và sinh hoạt thường ngày, chất lượng/khả năng đường đáp ứng của từng khu, từng tuyến phố. Khuyến khich xây dựng các bãi trông giữ ôto nhiều tầng trong thành phố;
 
Tăng cường sự hỗ trợ chỉ dẫn/giúp đỡ của công an giao thông, công an phường vào những tuyến đường trọng điểm. Nhân đây nâng cao hình ảnh tốt của công an giao thông. Nên có giao thông công an nữ. Xây dựng hình ảnh công an giao thông thân thiện với dân;
 
Tăng cường trách nhiệm hơn đối với công an và cơ quan phường trong địa bàn phụ trách. Ví dụ, cá nhân được phân công và người đứng đầu cơ quan đơn vị ở địa bàn được giao (ví dụ mỗi ngã tư, mỗi tuyến phố) phải chịu trách nhiệm một phần về  để ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Có thể cá nhân và đơn vị chịu trách nhiệm sẽ có năng động hơn và tăng tính chịu trách nhiệm hơn;
 
Giải pháp lâu dài tốn tiền vẫn là di chuyển các trường cao đẳng, đại học, các bệnh viện ra ngoại thành (chỉ để lại các trung tâm cấp cứu trong nội đô). Dùng tiền bán đấu giá các khu đất của các trường đại học và bệnh viện phải di ra ngoại thành để làm kinh phí xây dựng trường học và bệnh viện mới. Nâng cấp hệ thống đường giao thông. Tăng phương tiện xe ô tô Bus loại đẹp và tốt, cho công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực dịch vụ giao thông công cộng có kiểm soát và tạo sự cạnh tranh lành mạnh về dịch vụ;
 
Tiếp tục và tăng cường truyền thông, giáo dục về an toàn và hành vi tham gia giao thông; Có chuyên mục hàng ngày, ngắn gọn, nhưng đưa được những hình ảnh cụ thể về hành vị giao thông có văn hóa và kém văn hoá. Lấy hình ảnh từ người dân tham gia giao thông cung cấp kết hợp với của nhà đài. Kết hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc chia sẻ thông tin giữa công an giao thông và cơ quan truyền thông đại chúng. Những gương mặt của nhiều công an giao thông tốt nên xuất hiện trên truyền hình;
 
Rà soát và chỉnh sửa các văn bản pháp luật về giao thông có liên quan cho phù hợp hơn với từng thời kỳ, không nên cứng nhắc, không nên để có những lỗ hổng để dễ bị lách luật và phải được chỉnh sửa trên cơ sở lấy ý kiến của đông đảo nhân dân (cần >80% ý kiến tán thành qua điều tra, là có thế đưa ra quyết đinh áp dụng). Tạo sự đồng thuận và khuyến khích mọi người cùng tham gia giao thông đóng góp ý kiến tốt hướng xã hội cùng xây dựng văn hoá giao thông. 
 
Tất cả các giải pháp đều cần có sự nghiên cứu kỹ của chuyên gia và sự chỉ đạo của chính quyền địa phương cấp cao, và nhất trí thực hiện và theo dõi thực hiện của các cấp chính quyền địa phương. Có giai đoạn làm thử, trước khi thực hiện rộng và có lộ trình rà soát đánh giá sau từng thời kỳ thực hiện để điêu chỉnh.
 
 Trên đây là một số ý kiến nhỏ, hy vọng đọc thấy có ích để tham khảo.
 

 Cảm ơn qúy vị đã dành thời gian đọc.

Xuân Hồng

hong@unfpa.org