Bạn đọc viết:

Điều vô lý chỉ có ở giao thông Việt Nam

(Dân trí) - Nhà nước càng đầu tư kinh phí để xây mới cầu, đường thì đồng thời cũng càng phải đầu tư “đồng bộ” luôn kinh phí duy tu, bảo dưỡng cho cây cầu và con đường vừa đầu tư xây mới. Theo tôi, đó là điều vô lý hình như chỉ có ở Việt Nam.

Mặc dù mới nhận chức vụ mới không lâu, nhưng BT Đinh La  Thăng cũng đã làm được một số việc khiến dư luận chú ý. Nhất là động thái “trảm tướng” chậm tiến độ một số công trình giao thông bị tai tiếng. Quyết định mạnh tay của BT Thăng đã tỏ ra có kết quả. Những công trình bị “trảm tướng” đã về đúng tiến độ thời gian, có công trình vượt trước thời gian quy định.
 

Với những thành công ban đầu như vậy, lẽ ra BT Thăng sẽ được sự ủng hộ lớn hơn khi  tìm tòi những giải pháp mang tính chiến lược cho những vấn đề nổi cộm của ngành GTVT. Tiếc thay, có lẽ do công tác tham mưu cho BT chưa được tốt, nên người dân lại cảm thấy hình BT Thăng bị mất phương hướng trong việc tìm giải pháp khắc phục hệ thống đường sá bị hư hỏng, cũng như nỗ lực giảm ùn tắc giao thông tại những thành phố lớn…

 

Nói riêng về nhu cầu duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ VN, theo tôi đâ là một nhu cầu chính đáng và bức thiết. Không cần nhìn đâu xa, chỉ trong phạm vi thành phố Hà Nội thôi đã có thể thấy. Như đoạn đường quốc lộ 6 từ Ba La Bông Đỏ đến Xuân Mai chỉ khoảng 20 km, nhưng có thể nói là con đường hư hỏng, tồi tệ nhất trong hệ thống giao thông phía Bắc.

 

Mấy năm trước, trạm thu phí Chương Mỹ trên quốc lộ 6 “làm ăn” khá hiệu quả. Một năm trạm này thu hàng trăm tỷ đồng. Nhưng rồi tiền thu phí giao thông không biết đi đâu mà không được đầu tư nâng cấp con đường, khiến đường số 6 xuống cấp một cách tồi tệ. Ô tô đành chọn đường Láng - Hoà Lạc để lên Hoà Bình và Tây Bắc, mà không qua đường số 6 nữa. Thành ra trạm thu phí Chương Mỹ không hiệu quả, đành phải dẹp bỏ.

 

Vì hệ thống đường sá xuống cấp nên việc duy tu, bảo dưỡng cầu, đường là đương nhiên. Nhưng mỗi năm nhu cầu duy tu bảo dưỡng cầu đường bộ lại gia tăng một cách chóng mặt, tại sao vậy?

 

Hàng năm Nhà nước đã đầu tư cho ngành GTVT hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông của cả nước. Lẽ ra có thể giảm được nhu cầu duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ, nếu Bộ GTVT kiểm soát chặt chất lượng thi công.

 

Vẫn có đều đều những biên bản nghiệm thu “đảm bảo yêu cầu” đối với những cây cầu, những con đường thi công mới đấy. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn cầu, đường vừa xây dựng xong đã hư hỏng. Thậm chí, có những cây cầu, những con đường xây mới tuổi thọ chỉ vài tháng là đã hư hỏng rồi.

 

Có thể nói không ngoa rằng, Nhà nước đầu tư kinh phí để xây mới cầu, đường thì đồng thời cũng phải đầu tư “đồng bộ” luôn kinh phí duy tu, bảo dưỡng cho cây cầu và con đường vừa đầu tư xây mới. Nhà nước càng đầu tư xây dựng mới hệ thống giao thông, thì càng phải đầu tư kinh phí để duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông vừa xây dựng. Đó là điều vô lý chỉ có ở Việt Nam.
 
Điều vô lý chỉ có ở giao thông Việt Nam
Một đoạn QL 5 (ảnh minh họa của Phạm Văn Điển. Lớp Báo in K28A1, Khoa Báo chí, Học viện báo chí và Tuyên truyền)

 

Hãy nhìn sang đất nước bạn Lào mà xem. Con đường 13 chạy dọc đất nước Lào được đưa vào sử dụng đã gần 10 năm rồi mà rất ít đoạn đường phải duy tu bảo dưỡng. Đó là vì con đường này khi xây dựng không bị ăn bớt, rút ruột như ở Việt Nam.

 

Nếu kiểm soát chặt chất lượng thi công. Nếu ngăn chặn tốt việc ăn bớt, rút ruột trong quá trình thi công thì chắc chắn cầu, đường của chúng ta có chất lượng không như hiện nay. Cầu, đường có chất lượng thì nhu cầu duy tu, bảo dưỡng sẽ giảm rất nhiều.

 

Tôi tin chắc BT Thăng cũng nhìn thấy thực trạng này. BT chắc chắn biết rõ nguyên nhân của nhu cầu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng đường bộ Việt Nam chính là xuất phát từ chất lượng các công trình giao thông của Việt Nam quá tồi.

 

Song cũng có thể nói Bộ GTVT từ lâu đã không kiểm soát được chất lượng xây dựng các công trình giao thông. Nếu kiểm soát chặt chẽ chất lượng xây dựng công trình giao thông thì sẽ hạn chế rất nhiều việc ăn rút ruột tiền của của Nhà nước đầu tư xây cầu, xây đường và lẽ đương nhiên kinh phí đầu tư cho duy tu bảo dưỡng giao thông đường bộ sẽ giảm. BT Thăng chắc chắn biết rõ điều này.

 

Tuy nhiên, siết chặt kiểm soát chất lượng xây dựng các công trình giao thông là một việc khá nhạy cảm và rất khó!? Bởi thế, có lẽ BT Thăng đã tìm giải pháp khác và đơn giản nhất là việc thu tiền của dân qua phí giao thông. Thế cho nên, theo tôi nghĩ, chúng ta có thể “thông cảm” với BT Thăng đã phải “vất vả” với đề án “Thu phí duy tu đường bộ qua phương tiện xe máy và ô tô” vừa qua như thế nào.

 

Như vậy, tôi nghĩ người ta có thể chỉ ra bản chất của “đề án” thu phí duy tu bảo trì đường bộ qua phương tiện giao thông của BT Đinh La Thăng là: Buộc người dân nộp tiền để bù cho những khoản tiền mà các đơn vị xây dựng cầu đường đã rút ruột  trong quá trình xây dựng – nguyên nhân trực tiếp làm cho chất lượng cầu đường Việt Nam xuống cấp tồi tệ, khiến cần phải duy tu bảo dưỡng khẩn cấp!

 

Nghịch lý biết bao!

 

Phạm Hồng Châu

(Số 7D, ngách 24, ngõ 97 Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội)