Đến lúc hoa lan phải thay hoa cải

Bạn đến rủ tôi tìm một quán rượu trong phố vắng lặng, trẻ con và chó tha hồ chạy rông. Quán chỉ có ba ông khách biến mất một phần trong khói thuốc lá của họ. Bạn tôi đắc ý: “Trốn vào đây quá hợp lý, chứ ra ngoài kia chỗ nào cũng Đoàn Văn Vươn!”.

Tôi chưa kịp nâng cốc để tỏ sự đồng tình, thì ba khuôn mặt đỏ như món cá ngừ nướng đã đồng loạt quay sang tôi: “Các ông bảo Vươn có bị tù không?”. Bạn tôi ngán ngẩm: “Tù chứ! Bắn công an sao không tù!”. “Chưa chắc!” – “Cá ngừ” sôi nổi: “Công lý đâu chỉ có sự phán xét! Công lý cũng phải có lòng cảm thông, có tình con người nữa chứ. Thủ tướng bảo phải xem xét giảm nhẹ cho Vươn, chỉ phạt nặng “những đứa” như anh em nhà chủ tịch huyện Tiên Lãng đấy thôi. Làm quan nhất thời, làm dân vạn đại, sao bọn này không biết nhỉ?”.

Bi kịch của sự xa dân

Trong một chiều khá u ám, vòm trời rơi rớt màu xanh lạnh lẽo, tại trụ sở UBND xã Vinh Quang, Chủ tịch xã Lê Thanh Liêm ngồi nghe cấp trên đọc quyết định tạm đình chỉ công tác. Đôi mắt của ông vô hồn như cặp mắt làm bằng nhựa của một con thú nhồi bông. Lát sau, lớp vỏ bảo vệ tan chảy dưới sự căng thẳng, ông đưa tay lên ôm mặt, dấu hiệu lâm sàng của sự sợ hãi.
 
Vài ngày sau đó, anh trai ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền, một người bây giờ nổi tiếng cả nước, phải làm việc với cảnh sát điều tra CA Hải Phòng tại phòng làm việc của mình, xưa nay là nơi ông gặp gỡ nhiều người đến với những nụ cười cầu cạnh. Chủ tịch huyện đứng phắt dậy khi nhác trông thấy ống kính máy ảnh của đám phóng viên từ nhiều ngày nay ông đã cố tình trốn tránh, xua đuổi. Ông phản xạ còn nhanh lắm, nhưng mắt lờ đờ đầy vẻ thất bại.
 
Hai anh em ông huyện, xã thất bại trong một kế hoạch chiếm đất của dân. Thất bại vì làm nô bộc của dân mà hai ông không hiểu dân. Các ông chỉ nghĩ đến những nông dân hiền lành, sẽ đứng tại chỗ mỉm cười cam chịu khi bị chà đạp. Thực tế, chủ tịch huyện đã thành công trong việc lừa dối lòng tin của gia đình Đoàn Văn Vươn bằng lời hứa hẹn có hạn sử dụng ngắn hơn quả chuối, trong một bản thỏa thuận tại tòa án. Thế nên anh em ông bị bất ngờ khi những người dân hiền lành “xù lông” chống trả. Phát súng của Đoàn Văn Vươn được bắn ra từ hậu quả của sự cưỡng bức và lừa dối họ từ phía người đứng đầu huyện Tiên Lãng, mặc dù phải khẳng định rằng pháp luật không cho phép sử dụng súng để giải quyết những vấn đề như thế. Anh Vươn sẽ bị phán xử tại một tòa án. Và tòa sẽ chỉ lối thoát nào cho gia đình anh Vươn khi mọi cánh cửa của huyện đã đóng chặt trước mũi họ?

Người dân Tiên Lãng nói rằng trước khi được làm chủ tịch, ông Lê Thanh Liêm mở quán bán bia, ông Lê Văn Hiền đi gõ đầu trẻ. Tức là các ông đã có lúc được làm dân. Tại sao các ông lại chóng quên cội nguồn vậy? Các ông tự đánh mất mình dễ dàng như đánh mất cái khuy áo. Quyền lực không phải là điều kiện dẫn đến sự tha hóa. Có chăng là các ông đã sẵn mầm tha hóa trước khi được giao quyền lực.
 
Vòng xoáy của sự lấp liếm
 
Người xưa đã dậy: Khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Hai ông đã không khôn ngoan lại chẳng thật thà. Nếu khôn ngoan thì các ông đã không đối xử với dân như thể cái thảm chùi chân, giẫm qua không thèm để ý. Sử dụng bạo lực với dân thì sẽ để lại trên đường nhiều vết thương khó liền sẹo. Nếu thật thà thì trong suốt một tháng, người dân đã không phải nghe từ miệng các ông những lời nói dối sống sượng hoặc lươn lẹo tránh trách nhiệm sau cái công thức: “Không thấy báo cáo - Tôi không bình luận” về những sự việc trong vùng quản lý, kiểm soát của mình.
 
Đương nhiên hai ông đã bị sa vào hiệu ứng đô-mi-nô của nói dối. Đã nói dối ít sẽ phải nói dối nhiều hơn để khỏa lấp sự dối trước. Bởi vì ngày nay người dân không dễ bị đánh lừa để gật gù với sự ngụy biện. Cứ thế càng ngày họ càng phải tốn thời gian, công sức để uốn lượn sự dối trá cũng ngày càng xa sự thật. Và khi đã tuột tay khỏi sự thật, hai ông sẽ trượt dốc đến điểm dừng là hai bản án kỷ luật.
 
Trong vụ án khá ầm ĩ về đất đai ở Đồ Sơn, Hải Phòng, có một nhà báo vô tình đăng sai chỉ một chi tiết mà gây sóng gió dư luận: “Bị cáo Chu Minh Tuấn phải nộp phạt (thực ra là nộp án phí - NV) 50.000 đồng”. Và ngày 17/01/2012, lại một lần nữa, dư luận nổi cơn sóng gió khi nghe ông Đỗ Trung Thoại, vị PCT UBND thành phố Hải Phòng cố tình phát biểu ngay giữa thủ đô: “Nhà của anh Vươn đã bị người dân bức xúc đập phá”. Sau này, ông có thanh minh: Các nhà báo đã cắt xén phần đầu câu nói của ông “theo báo cáo của huyện, xã…” Một nhà báo đặt câu hỏi: Vậy thì ông PCT UBND thành phố Hải Phòng trước khi phát biểu với các nhà báo, tức với dư luận xã hội, có được bỏ qua trách nhiệm đánh giá, thẩm định sự đúng đắn trong báo cáo của cấp dưới mình hay không? Nếu nói rằng ông quan liêu thì hóa ra ông không hiểu người dân. Một độc giả ở Cà Mau cách Hải Phòng gần 2.000km còn không ngần ngại thốt lên rằng: “Bậy! Dân nào lại đi phá nhà của dân!”, huống hồ người dân của ông Thoại chỉ cách ông có 30km. Tâm hồn ông xa dân quá. Văn hóa đổ lỗi là rất tiêu cực. Nó nguy hiểm vì khi cấp trên không muốn nghe sự thật, cấp dưới sẽ hiểu ngay rằng họ đã nhận được thông điệp: “Cứ nói dối đi!”. Thế là những lời nói dối từ chính quyền huyện Tiên Lãng cứ kéo dài như một chuỗi tràng hạt bất tận. Nó chỉ dừng lại sau kết luận của Thủ tướng - người không muốn nghe nói dối.
 
Lỗ hổng hành động

Trong cuộc gặp mặt cuối năm (27 Tết âm lịch) giữa lãnh đạo Hải Phòng và đại diện báo chí, đáp lời kêu gọi các nhà báo hãy ủng hộ Thành phố để giải quyết cuộc khủng hoảng Tiên Lãng, một nhà báo đã phát biểu đại ý: đôi lúc, vì đại sự phải hy sinh tiểu tiết, nhất là khi cái “tiểu tiết” ở huyện ấy đầy khuyết điểm. Rất tiếc các nhà lãnh đạo Hải phòng nói “không”, hay nhẹ hơn là “hãy từ từ đã”, như một thứ phản xạ có điều kiện trước các yêu cầu mang tính quyết đoán. Cái sự thận trọng thái quá đã đưa họ tới “lỗ hổng hành động” – chỉ nói mà không hành động. Nhiều khi con người phải đứng trước việc lựa chọn thỉnh thoảng có thể mắc phải sai lầm do những hành động của mình hay luôn luôn mất cơ hội vì không hành động. Cả hai thứ đều dở cả, thế nhưng thứ nào dở hơn? Lênin nói rằng: Thà thất bại còn hơn chẳng làm gì. Trong trường hợp cụ thể tại Tiên Lãng, rõ ràng vì thiếu hành động quyết đoán, khiến Thủ tướng phải vào cuộc, lãnh đạo Hải Phòng đã để tuột mất cơ hội thể hiện bản lĩnh, sự nhạy cảm về chính trị của mình trong mắt nhân dân cả nước. Nguyên tắc là do con người đặt ra và để phục vụ con người. Sự bảo thủ đã giam cầm tư tưởng và cản trở giới lãnh đạo Hải Phòng xác định chính xác tình hình thực tế. Hậu quả là gì? Án kỷ luật ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng cũng vẫn phải đem đóng dấu, nhưng nó sẽ mang hiệu quả vô cùng tích cực nếu được công bố trước Tết, chứ không phải đợi đến trước kết luận của Thủ tướng có vài ngày.

Tôi người Hải Phòng. Rất buồn, mỗi sáng đọc các comment của cư dân mạng viết về thành phố của mình. Nhưng từ đáy sâu tâm hồn xin được cảm ơn các bạn vì các bạn cũng xót xa, cũng phẫn nộ giống đại đa số người dân Hải Phòng trước sự vô cảm và thiếu trung thực của những người như anh em ông chủ tịch huyện Tiên Lãng… Dẫu có thế nào thành phố Hoa Phượng Đỏ của chúng tôi, dù có bạn đã gọi nó là thành phố Hoa Cải Đỏ, vẫn khát khao một cuộc sống thanh bình và luôn phát triển. Điều tưởng là đơn giản ấy hóa ra rất khó ở thời điểm này. Nhiều hoạt động của thành phố bị ngừng trệ, bởi lẽ các nhà lãnh đạo Hải Phòng đang trong tâm trạng rối bời. Họ cũng là những con người bị tác động của hoàn cảnh. Thiết nghĩ, phán quyết của Thủ tướng đã rõ ràng. Bây giờ là lúc chờ xem các nhà lãnh đạo Hải Phòng nghiêm túc đến đâu thực hiện những yêu cầu của Chính phủ. Tôi đặt hy vọng vào tinh thần cầu thị của các nhà lãnh đạo Hải Phòng. Bi kịch của sự xa dân cùng với vòng xoáy khốc liệt của sự lấp liếm không thể dễ quên. Bây giờ họ rất cần một khoảng lặng để lấy lại sự tĩnh tâm cần thiết. Sáng ngày 22/2, một người Hải Phòng đề nghị tôi viết một bài phóng sự về người Hải Phòng và hoa phong lan. Anh ta nói rằng: “Đến hôm nay đã có hơn 1.000 bài báo viết về anh Đoàn Văn Vươn và thành phố mình. Ở Hải Phòng đâu chỉ có những người như hai anh em ông chủ tịch huyện Tiên Lãng. Báo chí cũng nên giành ít chữ cho hoa lan của chúng tôi nở với chứ! Chẳng gì thì tên thành phố này đã gắn liền với một loài hoa, hoa phượng đỏ chứ không phải hoa cải!”.
 
Theo Hà Linh Quân
Lao động