Bạn đọc viết

Đê xuất về quy hoạch và giải pháp giao thông Hà Nội

Khó nhưng không phải không có giải pháp. Khó mới cần trí tuệ nhiều người, nhiều tầng lớp, suy nghĩ và sáng tạo.

Đê xuất về quy hoạch và giải pháp giao thông Hà Nội - 1

Cũng như hầu hết mọi người dân Hà Nội, người viết bài luôn mơ ước Hà Nội có một hệ thống giao thông công cộng, phủ khắp, đồng bộ và tiện nghi, có thể đi từ bất kỳ điểm nào đến bất kỳ điểm nào trong nội đô, đều có thể sử dụng phương tiện công cộng. Lúc đó, chúng ta sẽ chỉ thấy các phương tiện giao thông công cộng, ô tô con và lác đác một vài xe máy trên đường. Văn minh và đẹp đẽ biết bao!

Nhìn vào hiện trạng quy hoạch và giao thông Hà Nội, mật độ dân số quá đông, nhà cao tầng mọc lên san sát, việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng vô cùng khó khăn, tốn kém rất nhiều so với chi phí thực do đội giá giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ, mất an toàn, v.v. Đặc biệt với hiện trạng kinh tế hiện nay, tìm nguồn vốn cho các dự án lớn như vậy rất khó, tính hiệu quả thấp.

Khó nhưng không phải không có giải pháp. Khó mới cần trí tuệ nhiều người, nhiều tầng lớp, suy nghĩ và sáng tạo.

Từ bản thân mình, người viết bài cũng suy ngẫm và có những ý tưởng giải pháp của mình. Trước tiên, chúng ta cùng thấy rằng, hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, không ùn tắc của Hà Nội cần thỏa mãn các vấn đề, điều kiện sau:

1. Quy hoạch hợp lý: Quy hoạch có thể làm tăng hoặc giảm nhu cầu đi lại trung bình hàng ngày trên đầu người. Quy hoạch hợp lý chính là việc quy hoạch, bố trí dân cư, các dịch vụ công cộng, các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, xí nghiệp, văn phòng, v.v. sao cho nhu cầu đi lại trung bình của từng dân cư trở thành nhỏ nhất mà vẫn được thỏa mãn trong cuộc sống của họ.

2. Hệ thống phương tiện giao thông công cộng phủ khắp, đồng bộ. Nghĩa là, chỉ bằng phương tiện công cộng và một chút đi bộ, mọi người có thể đi được hầu như khắp thành phố một cách thoải mái, tiện lợi, dễ dàng. Nếu chỉ có vài tuyến đường sắt trên cao, xe bus nhanh (BRT), vài tuyến metro khá tiện lợi, nhưng sau đó vẫn phải đi taxi, xe ôm từ các bến metro, đường sắt trên cao, thì người dân vẫn có xu hướng sử dụng xe máy, tiện và nhanh hơn.

Chính vì vậy, hệ thống giao thông công cộng phải phủ gần khắp thành phố. Lúc đó, không cần cấm, người dân cũng sẽ tự chọn phương tiện công cộng, chẳng dùng xe máy nữa.

3. Ý thức nhà quản lý và Ý thức người tham gia giao thông.

Giải quyết ba (03) vấn đề trên chính là giải pháp dài hạn, lâu dài cho giao thông Hà Nội. Người viết bài chỉ tập trung suy nghĩ về mục 2. Giải quyết mục 2 cũng sẽ phần nào có tác động tích cực lên mục 1 và 3.

Thời gian thực hiện có thể kéo dài trong 20, 25 năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn tiếp tục, không thể chỉ chờ giải pháp lâu dài, mà cần có ngay giải pháp tức thời, ngắn hạn giúp tạm thời giải quyết vấn đề giao thông cấp bách hiện nay, trong khi thực hiện giải pháp dài hạn.

Chúng ta đều rõ, để xây dựng một hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, cần có khoảng không và mặt bằng. Nói cách khác, mật độ dân số phải ít đi rất nhiều so với hiện tại. Nói cách khác, cần phải chuyển bớt lượng dân đáng kể hiện nay ra khỏi Hà Nội.

Nghe có vẻ bất ngờ, vô lý, ai chịu di dân, ra khỏi Hà Nội? Rất khó.

Tuy nhiên, nhìn một cách thực tế, người dân nói chung luôn có xu hướng chuyển đến sinh sống tại những nới đầy đủ tiện nghi, văn minh, hiện đại và nhất là nếu nơi đó tạo ra nhiều cơ hội làm ăn, kiếm tiền. Việc cư dân khắp nơi đổ về các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM là minh chứng thuyết phục cho nhận định đó. Tại Hà Nội, khu Trung Hòa Nhân chính, khu Mỹ Đình khoảng 10 năm trước vẫn là làng mạc, ruộng đồng vắng vẻ, mà nay đã đông đúc, trù phú. Người dân đổ về Hà Nội không chỉ là tình yêu của họ đối với Hà Nội, mà chủ yếu cuộc sống tốt hơn, tiện nghi hơn, có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn nơi ở cũ của họ. Đó là điều rất bình thường, ai cũng vậy.

Chính vì vây, để thu hút dân số tự nguyện chuyển đi ra khỏi nội thành Hà Nội (chứ không phải bằng biện pháp hành chính, bắt buộc nào đó), cần tạo ra một khu hiện đại, kể cả giao thông công cộng lẫn cơ sở hạ tầng, ngay bên cạnh Hà Nội hôm nay. Người dân sẽ tự kéo về đó sinh sống mà chẳng cần bất kể một biện pháp hành chính hay hô hào nào khác.

Khi mật độ dân số nội thành đã giảm (chỉ còn khoảng một nửa), tiến hành xây dựng một hệ thống giao thông công cộng, phủ khắp, đồng bộ, tiện nghi và hiện đại, có kết nối với hệ thống giao thông công cộng của khu mới. Lúc này, cả khu mới và cả khu cũ đều có hệ thống giao thông công cộng phủ khắp, đồng bộ, tiện nghi và hiện đại. Lúc đó, ra đường, chúng ta sẽ chỉ thấy các phương tiện công cộng, ô tô con và rất ít xe máy, vì người dân đã thích đi phương tiện công cộng hoặc xe con hơn là xe máy. Vừa tiện nghi lại an toàn hơn rất nhiều.

Đó là ý tưởng về giải pháp dài hạn mà chúng tôi sẽ trình bày kỹ hơn tại mục I. Ý tưởng về giải pháp dài hạn (bên dưới).

Đương nhiên, song song thực hiện giải pháp dài hạn, cần có giải pháp ngắn hạn cho giao thông Hà Nội. Giải pháp ngắn hạn sẽ được trình bày tại mục II. Giải pháp tức thời, ngắn hạn (bên dưới).

Từ khá lâu, nhận thức được vấn đề quy hoạch và giao thông Hà Nội, người viết bào này đã tìm hiểu, nghiên cứu lúc độc lập, lúc kết hợp với một số sinh viên marketing Đại học Thăng Long, và đã có một số kết quả, ý kiến đóng góp cho vấn đề quy hoạch và giao thông Hà Nội [0,1, 2, 5,6, 7, 8], kể cả các giải pháp mang tính dài hạn và ngắn hạn.

Trong khuôn khổ bài viết này, trong giới hạn của một bài báo, người viết bài chỉ muốn tóm tắt lại các ý chính của các giải pháp đã trình bày rải rác trước đây.

(Còn tiếp)

Nguyễn Tuấn Anh