Phiếm đàm

Đành dạy trẻ theo kiểu đại học sao?

(Dân trí) - Lời khuyên đầu tiên, cũng là lời khuyên quan trọng nhất của bố đối với con là con hãy dạy các học sinh trung học cơ sở theo kiểu giáo sư đại học.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Con tôi hỏi:

- Chỉ một tháng nữa, con tốt nghiệp trường sư phạm tỉnh, sẽ đi dạy học. Bố cả đời làm nghề giáo, tâm huyết với nghề, liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp thành phố, con xin bố những lời chỉ bảo.

Tôi bảo:

- Lời khuyên đầu tiên, cũng là lời khuyên quan trọng nhất của bố đối với con là con hãy dạy các học sinh trung học cơ sở theo kiểu giáo sư đại học.

Con tôi giật mình:

- Con quả thật chưa biết kiểu dạy của giáo sư đại học là thế nào?

Tôi giải thích:

- Đó là kiểu dạy đến giờ lên lớp, các vị giáo sư bước lên bục là giảng, những bài giảng trí tuệ, thâm thúy tuyệt vời, nhưng thày không cần để ý nhìn xuống lớp mình đang dạy có đông hay ít sinh viên, việc báo cáo sĩ số của lớp với thày là chuyện thừa, vì thày chằng cần quan tâm đến sinh viên nào bỏ tiết học, sinh viên nào trong lớp nói chuyện riêng hay làm việc khác. Dạy xong, thày  cắp cặp ra khỏi lớp, xong. Cuối năm thi, sinh viên nào chăm học thì đỗ, không chăm học thì trượt. mỗi sinh viên tự chịu trách nhiệm về bản thân mình.

Con tôi phản bác:

- Không được đâu bố ơi. Dạy kiểu ấy chỉ thích hợp với sinh viên là những người đã 18 tuổi trở lên, biết nghĩ, có đầy đủ ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình. Còn đối tượng con dạy sắp tới là học sinh trung học sơ sở, thủa bố học gọi là học sinh cấp 2 phổ thông, chúng còn đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, phải rèn cặp chúng đủ thứ về kỹ năng sống mới nên người chứ!

Tôi lườm:

- Rèn cặp chúng chỉ thích hợp với thời nhỏ bố đi học hoặc thời bố dạy học, khi phạt học sinh, bố mẹ các em còn đến cám ơn thầy đã dạy bảo con mình đến nơi đến chốn. Còn thời buổi bây giờ khác rồi anh ạ. Thế anh không biết chuyện cháu Phạm Nguyễn Thành Long, 12 tuổi, học sinh lớp 6 Trường THCS An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng sao? cô giáo Lê Thị Cẩm Vân trong giờ dạy của mình ở lớp Long, phát hiện Long cùng 2 bạn ngồi chung bàn đang làm việc riêng, không chú ý nghe giảng bài. Cô giáo khiển trách, Long cãi. Cô giáo bèn yêu cầu ngày mai Long lên phòng Đội, cô giáo sẽ mời cô giáo viên chủ nhiệm, lớp trưởng, lớp phó để Long có lời xin lỗi về thái độ nói chuyện không lễ phép với cô giáo. Điều cô giáo làm là đúng, nhưng về nhà Long đã uống thuốc Rabxone là thuốc diệt cỏ lưu dẫn để tự sát. Cái chết của Long dù công an địa phương điều tra đã kết luận cô giáo không có lỗi trong cái chết của Long nhưng dư luận xã hội và gia đình em Long “ném đá” cô giáo này, gây nên bao phiền phức trong sự nghiệp giáo dục hiện tại và sau này của cô. Giáo viên mà cứ mắng rồi học sinh tự sát, đem cái tự tử ấy để doạ giáo viên để giáo viên là người mắc lỗi thì tốt nhất các giáo viên như anh hãy cẩn thận nhé. Từ nay chúng có học hay không mặc kệ chúng, giỏi hay yếu mặc kệ chúng, ngoan hay láo mặc kệ chúng, phải đảm bảo an toàn cho mình cái đã. Đây cũng đâu phải là chuyện cá biệt. Trước đó ở một tỉnh khác cũng đã xẩy ra chuyện giáo viên thể thao khiển trách một học sinh hư, em đó về uống thuốc sâu tự tử, may không chết nhưng cũng đã gây bao chuyện này nọ cho giáo viên này. Vì vậy, bố mới khuyên anh hãy coi học sinh của anh như những sinh viên đã mười tám đôi mươi rồi, đã trưởng thành rồi, không phải là con nít nữa, chúng làm gì kệ chúng, chúng phải tự chịu trách nhiệm với bản thân và xã hội. Cũng giống như cách dạy của các giáo sư đại học vậy, anh hiểu chứ? Thực tình bố cũng chẳng muốn dạy trẻ nhỏ theo kiểu vậy đâu, lương tâm nhà giáo bị cắn rứt lắm, nhưng gặp thời thế thế thời phải thế, con ạ. Hu . hu…

Nguyễn Đoàn