Đảng làm gương việc công khai hóa nhiều nội dung quan trọng

Không công khai, chúng ta không thể “phòng” mà chỉ lúng túng “chống” tham nhũng. Mất cán bộ, mất niềm tin, mất rất nhiều. Vậy lý do gì, chúng ta không minh bạch thông tin như các cơ quan cao nhất của Đảng đã và đang làm?

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Có thể nói, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định cụ thể và mọi thứ được minh bạch như vậy. Đây là bước tiến quan trọng nhằm hạn chế tối đa những khoảng tối chạy chức, chạy quyền và những quan tham, những nhóm lợi ích muốn thao túng chính sách, làm ô dù cho nhau cũng khó thực hiện.

Chắc chắn, áp dụng đúng các tiêu chuẩn được công khai này, những cán bộ mắc sai phạm lớn khó thăng chức như thời gian qua bị phanh phui. Từ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng… đến ông Đinh La Thăng. Và nếu công khai sớm các tiêu chí, chúng ta cũng không bị mất cán bộ nhiều như vừa qua. Bởi lẽ, không ai dám đỡ cho họ, bản thân họ cũng khó dám làm liều và cũng khó hình thành hơn các nhóm lợi ích.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII (UBKTTƯ) cũng quyết định công khai tất cả các quyết định kỷ luật của các kỳ họp của UBKTTƯ là một bước tiến rất dài. Bất cứ công dân nào cũng có thể cập nhật cổng thông tin điện tử của UBKTTƯ để biết nội dung các kỳ họp, biết những ai đã bị kỷ luật và hình thức, mức độ kỷ luật đến đâu. Nếu ai tổng hợp, phân tích cả 16 kỳ họp (tính đến ngày 27.7.2017) của cơ quan này, họ không chỉ thấy công suất làm việc của Ủy ban này lớn đến mức nào mà còn thấy, tất cả những ai có sai phạm, không kể ở địa phương hay trung ương đều bị nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất. Chính cường độ làm việc căng, nhiệt huyết đó góp phần tạo cái “lò” nóng tới mức “củi tươi vào cũng cháy” và “muốn đứng ngoài cuộc” chống tham nhũng cũng không được - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định như vậy. Nhờ vậy, người dân đang dần lấy lại niềm tin và ngày càng có những hành động thiết thực hưởng ứng công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Và gần đây nhất, ngày 16 tháng 3 năm 2017, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình ký nghị quyết “về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án”. Đây là việc làm rất thiết thực, dũng cảm của cơ quan tư pháp này. Với nhiều nước, việc công khai các bản án là đương nhiên, nó cũng là lẽ tự nhiên như tòa xét xử công khai vậy. Nhưng, người viết dùng từ dũng cảm bởi, với chúng ta, việc này chưa có tiền lệ, đặc biệt trong bối cảnh, còn nhiều nhiều ngành, cơ quan, kể cả việc công khai được quy định, nhưng thực tế muốn cập nhật cực khó, kể cả báo chí.

Còn với TANDTC, các bản án này được lập hẳn một trang riêng (congbobanan.toaan.gov.vn). Khi truy cập vào, chúng tôi cũng không ngờ, kể cả các bản án cấp huyện cũng được truy cập vào hàng ngày. Tuyệt, trên cả tuyệt với người dân, đặc biệt với những người làm nội chính như chúng tôi.

Chắc rằng, nội dung bản án, hoặc cách hành văn trong bản án sẽ được công luận mổ xẻ một cách dễ dàng hơn, đó cũng là áp lực lớn với đội ngũ thẩm phán các cấp. Nhưng, nó cũng là điều kiện để các thẩm phán phải tự hoàn thiện hơn. Sau này, các bản án oan sai, hay các bản án phải hủy, sửa được công bố thì, không chỉ các thẩm phán mà cả luật sư, nhà báo và người dân có thể so sánh với nguyên cả bán án để hiểu thêm pháp luật, thấy được phần nào những sai sót của HĐXX do nguyên nhân chủ quan hay khách quan…

Tuy nhiên, còn khá nhiều những vấn đề rất thiết thực vẫn chưa được công khai. Chẳng hạn, các bản quy hoạch chi tiết các khu đô thị vẫn luôn là khoảng tối bịt bùng với người dân. Dù rằng, nếu được cập nhật, người dân có thể tham khảo để đầu tư, hoặc xây dựng đúng phép, hoặc đấu tranh với cơ quan cấp phép xây dựng nếu họ gây khó dễ và giám sát các dự án xem có được triên khai đúng quy hoạch không. Thậm chí, dù quy định luôn nói, quy hoạch phải công khai, nhưng ngay cả nhà báo muốn tham khảo quy hoạch chi tiết cũng không hề đơn giản. Bởi khi người nắm giữ thông tin đó không muốn cho biết, họ có muôn vàn lý do bịt lại đều “đúng quy trình”. Hoặc như, các dự án sẽ được triển khai đấu thầu khi nào, điều kiện ra sao vẫn được không ít các chủ đầu tư tìm cách để ít doanh nghiệp biết càng ít càng tốt. Nhiều khi biến tướng, họ tìm đủ mọi cách, mọi lý do để chỉ định thầu. Chỉ khi bị tố cáo, các cơ quan chức năng phát hiện thì mới … “cháy nhà ra mặt chuột”. Hoặc như, dư luận đòi hỏi công khai hóa các bản tự kê khai tài sản của cán bộ, nhưng vì sao nó vẫn cứ được cất vào “ngăn kéo” … là chính? Vì vậy, phần lớn lúc phát hiện sai phạm thì việc đã to chuyện: Cán bộ mất chức, dân mất niềm tin.

Do đó, không công khai, chúng ta không thể “phòng” mà chỉ lúng túng “chống” tham nhũng. Mất cán bộ, mất niềm tin, mất rất nhiều. Vậy lý do gì chúng ta không minh bạch thông tin như các cơ quan cao nhất của Đảng đã, đang làm gương?

Vương Hà

Nguồn tham khảo:- https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Nghi-quyet-03-2017-NQ-HDTP-cong-bo-ban-an-quyet-dinh-tren-Cong-thong-tin-dien-tu-Toa-an-343156.aspx http://news.zing.vn/cong-khai-ban-an-ai-so-ai-khong-post765085.html