Dân vẫn lo cho "cái sự giàu"

(Dân trí) - Ngắm những biệt thự “khủng”, những khối tài sản… trong mơ của nhiều cán bộ giới chức hôm nay, lòng dân có quá nhiều xao động. Mừng cho quan chức ngày nay giàu gấp nhiều lần cán bộ xưa, nhưng vẫn rất nhớ một thời cán bộ với dân như cá với nước…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Làm giàu chính đáng
 

Thực ra người dân nước ta cũng rất muốn luôn được nhìn mọi sự việc theo hướng tích cực, cũng là để đầu óc được thanh thản, tâm trạng vui vẻ, niềm tin được củng cố…Chứ chắc không ai muốn mình luôn bị đẩy vào trạng thái ngờ vực, hội chứng bức xúc… nhất là trước cái có thể gọi là "nghịch lý giàu – nghèo kiểu VN" thời nay.

 

“Ai cũng có quyền có tài sản, dẫu giàu như các vua dầu hỏa cũng không sao, đó là dấu hiệu đáng mừng cho dân tộc. Nhưng điều quan trọng là tài sản ấy do đâu mà có? Hãy tra xét lương bổng, doanh thu, nếu đúng là làm ăn chân chánh thì dù trăm lần nhiều hơn vẫn là chính đáng. Chỉ e, dân VN có người ngay cả gạo cũng không có mà ăn (xem các chương trình từ thiện Nhân ái thì biết), thu nhập ngày mười lăm ba chục nghìn mà bệnh hoạn triền miên… Bên cạnh đó các sếp thì xe cộ tất bật như lễ hội, dinh thự hơn cả các bộ trưởng Tây phương, con cái se sua, hống hách... Đất nước cần vững mạnh, muốn vậy cần phải quét sạch những loại “sâu dân mọt nước” đi để lấy lại niềm tin dân tộc” - Lê Anh:  lqtr1994@gmail.com

 

“Theo tôi, không phải cứ nhà to, xe đẹp… hay cứ làm quan chức là… tham nhũng! Muốn đánh giá chính xác điều này, người ta phải căn cứ vào nguồn thu nhập chính và cả các thu nhập “ngoài luồng” hợp pháp, để đánh giá khách quan và có cái nhìn đúng. Như vậy chống tham nhũng mới đem lại hiệu quả tốt cho sự phát triển đất nước, vì tiêu chí của VN chúng ta là: Dân giàu, nước mạnh, XH công bằng, dân chủ và văn  minh. Cho nên dân hay quan chức giàu cũng là góp sức thay đổi bộ mặt XH.

 

Tôi phân tích 1 vấn đề nhỏ: nếu  nói mức lương của các giới chức cao cấp thì cũng chẳng đủ để có được những tài sản lớn như vậy. Song những thu nhập “ngoài luồng” hợp pháp của họ vẫn thừa để có được tài sản đó, vì họ làm chính trị, quan hệ với các đối tác quốc tế. Nhiều tổ chức của các đối tác nước ngoài tặng quà hợp pháp vì những cống hiến của họ cho XH. Đó là tài sản hợp pháp bất khả xâm phạm, được quốc tế công nhận. Đây chỉ là phân tích sơ qua để qua đó chúng ta có thể thấy: đấu tranh chống tham nhũng phải nhìn sâu sắc vấn đề, tránh làm xấu đi những hình ảnh đẹp của chủ trương này” - Dang Huu Viet:  danghuuviethp@yahoo.com.vn

 

“Nói chung cán bộ có tiền "bề nổi" như ông Tr, tôi thấy là... phổ biến. Tôi có đọc bài trả lời trên mạng của ông LKT đại ý là có cán bộ cấp vụ nói: "Trước đây nghe nói triệu đôla to lắm, nhưng nay cũng bình thường thôi!"... để thấy cán bộ giờ nhiều người giàu cỡ nào. Theo tôi, chung quy lại cũng tại chúng ta cứ tô hồng cán bộ là "đầy tớ nhân dân" này nọ, nên cán bộ giàu là bị... nọ kia. Tôi nghĩ, đó là cán bộ ngày xưa thôi, chứ ngày nay làm cán bộ không phải... để làm giàu... chết liền!!!” - Trung Đài: Trungdai.brvt@gmail.com

 

“Bao giờ cho đến… ngày xưa! Chỉ có những giới chức thời xưa mới thực sự thương và biết đến nỗi cực khổ của nhân dân. Còn bây giờ thì các bạn cũng thấy đó: nhà lầu, xe hơi… mà lương có đủ để có những thứ đó không? Cán bộ làm giàu hợp pháp dễ vậy, sao không hướng dẫn cho nhân dân cùng làm cho đồng bào bớt khổ? Để không còn những đứa trẻ vì nghèo, không có tiền chữa bệnh mà phải chết oan, vì nghèo mà không được cắp sách tới trường…Theo tôi, không phải người nghèo lười lao động đâu, mà vì làm nông nghiệp, có làm ra sản phẩm cũng không đủ với tiền vốn đầu tư… Làm giới chức tốt nhất nói phải đi đôi với làm thì dân mới được nhờ…” – Ngo Van Tinh:  daingoquang@yahoo.com.vn
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Nguyên lý và thực tế

 

Về nguyên tắc thì đúng là ai cũng có quyền và nên phấn đấu làm giàu vì dân có giàu, nước mới mạnh. Nhưng nhìn vào thực tế VN vẫn là nước nghèo, mức sống chung của người dân vẫn còn thấp, vậy mà các cán bộ của ta đại đa số xuất thân cũng từ những gia đình nghèo mà ra, sao có thể có những cách làm giàu nhanh (theo kiểu "tay không bắt giặc") khiến dư luận luôn phải nghi ngờ, suy diễn, tự lý giải theo “kiểu VN”… như vậy???

 

“Đã làm "đày tớ" của dân thì phải không ham phú quý, vinh hoa mới phải. Với lại nếu làm đúng lương tâm thì cũng khó giàu lắm, nên người ta rất dễ suy diễn khi thấy "đày tớ" giàu” - Phong Lan:  phuongnt888@yahoo.com

 

“Nếu như chúng ta cứ '' soi mói '' cái biệt thự ''khủng '' và cơ ngơi của ông Tr như thế có công bằng và khách quan không nhỉ? Trong khi đó nhiều cán bộ to, nhỏ của chúng ta cũng có biệt thự, cũng có nhiều tài sản khác không kém ông Tr là bao và thậm chí còn hơn nhiều. Như vậy thì tôi thấy không có lí do gì mà không  ''kiểm tra, kiểm kê '' tài sản của cán bộ mình cho dân chúng biết, công khai lên cho minh bạch. Được như thế thì dân mới tin, và uy tín của Đảng và Chính phủ càng được nâng cao. Nếu chần chừ thì sự suy luận của công chúng sẽ không ngừng... phát triển” - Lê Xuân Thuỷ:  lexuanthuy1962@yahoo.com

 

“Đã đến lúc cần phải lấy lại lòng tin trong nhân dân về sự thanh liêm của tất cả cán bộ của dân,  đến lúc cần phải ra văn bản quy định về giải trình công khai định kỳ hàng năm về kê khai tài sản của tất cả cán bộ. Chứ nếu chỉ khi nào có vấn đề hoặc báo chí nêu mới giải trình thì không thể ngăn chặn tham nhũng. Phải xử lý nghiêm người vi phạm bất kể là ai. Phải làm cho cán bộ thực sự thanh liêm, phải làm sao cho cán bộ không dám tham nhũng, không thể tham nhũng” - Quang:  nguyenvan@gmail.com

 

“Chắc cũng còn nhiều người có dinh thự lớn khi đang chức đang quyền chứ. Xét một người để ngẫm nhiều người chứ. Và cũng còn nghi vấn về những người con trai, con gái của cán bộ cấp cao giàu có bất ngờ nữa chứ. Sao họ làm giàu nhanh như vậy, có người có đến hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng, đầu tư vào những khu chung cư cao cấp, khách sạn, khu du lịch... Những người con của giới chức không có chức có quyền, nhưng có nhiều tiền thế, vậy ở đâu ra?... Nghịch lý thế thì đừng hỏi vì sao mà đất nước ta cứ nghèo mãi” – Nguyen Cong Tam:  haisuong5270@yahoo.com
 

“Khi viết lý lịch ai cũng khai là gia đình bần nông, rồi thì bố mẹ làm ruộng, đi kháng chiến… thì lấy tiền đâu cho con? Rồi thì nói: anh em cho? Hãy xem anh em gia đình nhà ông Tr có bao nhiêu người giàu hơn ông ấy? Vậy thì ai đời là người nghèo hơn lại có của cho người giàu. Cỡ ông ấy mà phải đi nhận đồ của người khác cho thì… xấu hổ cho các vị quá! Nhưng chắc sẽ còn rất nhiều vị “được anh em cho” như thế nữa?!” - Khanh Duy:  lekhanhduy2013@gmail.com

 

Những câu hỏi trong dân còn nhiều lắm, nhưng đa phần chỉ là tự trả lời bởi đường đời muôn nẻo…

 

“Không biết làm “quan” thời nay sướng hay khổ nhỉ?! Làm “quan” thanh liêm thì sống thanh đạm nhưng được mọi người quí trọng, lưu danh. Còn làm “quan tham” thì người dân coi thường, rẻ rúng... và cũng được "lưu danh". Rồi những “quan tham” dù có "hạ cánh" an toàn thì tôi tin cũng không thoát khỏi luật nhân - quả đâu…” - Hải Phòng:  thenam999@yahoo.com

 

Kiều Anh