Dân có quyền đuổi những công bộc hư hỏng

“Chính phủ cộng hòa dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.*

Từ “sự kiện Tiên Lãng”, hơn lúc nào hết cần nhắc lại lời Bác Hồ.

 

Nhiều nhà lãnh đạo, tướng lĩnh, đại biểu Quốc hội, các chính khách có tên tuổi đã kịp thời tỏ thái độ rất minh bạch và công khai. Xin chỉ dẫn ra đây sự phân tích của nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh: “Thứ nhất, nếu Đoàn Văn Vươn là một người lương thiện được người dân địa phương quý mến, thì lý do gì khiến anh ta phải có hành vi tiêu cực như vậy? Điều này cần khẩn trương làm rõ”.    

 

“Thứ hai, tại sao sự việc lại để kéo dài nhiều năm, tại sao có sai sót mà không quản lý được, phải chăng chính quyền địa phương có sự buông lỏng quản lý?”.“Mặt khác, việc cơ quan công an tiến hành cưỡng chế mà không có sự kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để nảy sinh phức tạp cũng là một thiếu sót. Nếu mình làm được tốt thì những hành vi chống trả lực lượng chức năng đã không xảy ra”.

 

Thế nhưng, các “công bộc” của dân ở Hải phòng đã tiếp thu như thế nào? Ông Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Lãng dõng dạc tuyên bố với 300 đảng viên của thị trấn Tiên Lãng vào sáng ngày 3.2.2012 như sau: “Qua việc thông tin về vụ cưỡng chế thu hồi đất hết thời hạn của ông Đoàn Văn Vươn, đề nghị các cán bộ đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức trách nhiệm, thống nhất về mặt tư tưởng tin tưởng sự lãnh đạo của huyện ủy, sự chỉ đạo điều hành của UBND và cơ quan chức năng giải thích theo thông báo như trên đây. Rất mong các đồng chí là đảng viên của huyện giữ vững lập trường”.

 

Lập trường của các công bộc của dân trong “sự kiện Tiên Lãng” nên hiểu là lập trường của ai? Còn nhớ “Sự kiện Thái Bình” năm 1997, sau khi nghe tác giả viết bài này trình bày: “Ở đây không hề có chuyện “địch ta”, ở đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ thẳng ra: “Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất đè nén, áp bức để dân không còn chịu được nữa và bên kia là người dân phải vùng dậy đấu tranh. Có phân tích như vậy mới tìm ra được giải pháp đúng”!   

 

* Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. NXBCTQG. Hà Nội 1995, tr.60.

 

Theo GS Tương Lai
Lao Động