“Đại biểu QH có thể không nói hết sự thật nhưng không thể nói sai”

(Dân trí) - “Có thể không nói hết sự thật nhưng không bao giờ nói sai, nói trái với ý nghĩ của mình, không hùa theo số đông” - GS. Nguyễn Minh Thuyết nêu một trong những nguyên tắc làm việc với báo chí trên cương vị 1 đại biểu Quốc hội.

Là một diễn giả trong hội thảo về quan hệ với báo chí trong hoạt động của Quốc hội do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Văn phòng Nghị viện Đan Mạch tổ chức đang diễn ra tại Quảng Ninh, GS. Nguyễn Minh Thuyết đã chia sẻ với hội thảo kinh nghiệm xây dựng hình ảnh qua báo chí qua công thức "8 chữ T".

Nguyên tắc đầu tiên được ông Thuyết nhắc đến bằng từ “thân thiện”. Ông chia sẻ, báo chí nhiều khi hỏi cũng rất "xóc" nhưng dù thế nào thì cũng không nên bực bội mà cần chăm chú lắng nghe, không quên nở nụ cười đúng lúc và hỏi lại khi cần thiết.

Một nguyên tắc được nhấn mạnh khi tiếp xúc, làm việc, trả lời phỏng vấn, theo GS. Thuyết là “thẳng thắn”. “Có thể không nói hết sự thật nhưng không bao giờ nói sai, nói trái với ý nghĩ của mình, không hùa theo số đông và không để bị lái theo ý của người đối thoại” – ông Thuyết đúc kết.

Với vấn đề không biết rõ, có thể từ chối trả lời, đó là “tỉnh táo”, song không phải lúc nào đại biểu cũng có quyền từ chối, nếu câu hỏi đó đúng lĩnh vực mình đang phụ trách. Khi đó, tạo được một phong thái “tự tin”, hài hước khi có thể là một lợi thế.
 
“Đại biểu QH có thể không nói hết sự thật nhưng không thể nói sai”
Các đại biểu phát biểu, tranh luận tại hội thảo.

Cũng trên cương vị một đại biểu dân cử, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn thành thật nói về tâm lý “ngại”, “sợ”. Xây dựng quan hệ tốt với báo chí là một kỹ năng ông Sơn cho rằng không chỉ bản thân mà rất nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn. Với những yêu cầu đặt ra cho nội dung truyền thông khi thực hiện, ông Sơn cho rằng sẽ có đến 2/3 đại biểu lúng túng.

“Ngay cả đại biểu chuyên trách như chúng tôi để thực hiện được nội dung truyền thông với đối tượng giám sát là “hiểu sâu vấn đề, lập luận sắc sảo, có chứng cứ, không ngaị đụng chạm” cũng rất là khó” - ông Sơn lo lắng.

Chia sẻ tâm lý e ngại khi tiếp xúc với báo chí của một số đại biểu Quốc hội Việt Nam, bà Eva Flyvholm – một chuyên gia đến từ Đan Mạch kể, tại nghị viện bà làm việc cũng có chuyện này. Tuy nhiên, Bà Flyvholm quả quyết: “Duy trì mối quan hệ tốt giữa báo chí và Quốc hội rất quan trọng, nhà báo có quyền đi lại tự do và có quyền vào phòng làm việc của chúng tôi. Đại biểu Quốc hội đều là chính khách làm việc chuyên nghiệp nên gần như có thể gặp báo chí bất kể thời gian nào, sẵn sàng trả lời phỏng vấn ngay cả thứ 7, chủ nhật”.

Đã từng trải qua cương vị quản lý ban thư ký chuyên trách về mối quan hệ với báo chí tại Quốc hội Đan Mạch, bà Lis Gronnegaard Ramussen nói rằng, ở đất nước này nếu nói tam quyền (Quốc hội, Chính phủ, tòa án) là chưa hẳn chính xác mà còn có một nhánh quyền lực nữa là các cơ quan báo chí.

Chính khách của Đan Mạch luôn sẵn sàng cung cấp chi tiết thông tin về hoạt động của mình cho báo chí. Và báo chí cần trung thực, công bằng. Một trong những vấn đề được báo chí Đan Mạch quan tâm theo vị chuyên gia Đan Mạch này là tiền thuế của người dân được chi tiêu như thế nào. “Báo chí có quyền theo dõi, là cơ quan giám sát hoạt động của chúng tôi”, bà nói.

Tán thành quan điểm này, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến khái quát: “Đã là nghị sĩ thì cánh cửa phòng làm việc phải luôn rộng mở với báo chí. Nhà báo cần mình có nghĩa là công chúng đang cần mình, dư luận xã hội đang cần mình, chỉ có thể hẹn chứ không thể từ chối”.

P.Thảo