Công việc phức tạp và thách thức

Hội nghị Trung ương 6 đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, quyết định nhiều chính sách quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, xây dựng Đảng.

Công việc phức tạp và thách thức
Hội nghị Trung ương 6 khóa XI diễn ra từ ngày 1 - 15/10/2012 (Ảnh VGP/Nguyễn Hoàng, nguồn: Chinhphu.vn)
 
Có 3 vấn đề rất đáng quan tâm đang đặt ra:
 

Một là tình hình KT-XH còn nhiều tiêu cực, chưa khắc phục được như: Áp lực lạm phát và bất ổn vĩ mô còn lớn; thị trường tiền tệ diễn biến phức tạp, nợ xấu ngân hàng ở mức cao; một số ngân hàng thương mại cổ phần thiếu minh bạch, tiềm ẩn rủi ro; lãi suất ngân hàng quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN; số DN giải thể, ngừng hoạt động ở mức cao làm cho nhiều lao động mất việc; các thị trường BĐS, chứng khoán, vàng chưa được cải thiện; các đề án tái cấu trúc đầu tư công, DNNN và ngân hàng thương mại chưa hoàn thiện…

 

Hai là, hội nghị đưa ra những định hướng và mục tiêu cần phải đạt được trong các vấn đề rất lớn như: Sửa đổi Luật Đất đai, nhằm khắc phục cho được “ tình trạng đầu cơ, lãng phí, tham nhũng, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư, góp phần ổn định chính trị- xã hội”; “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; “Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ, đãi ngộ người tài là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc”.

 

Để thực hiện điều đó, “đổi mới công tác quản lý nhà nước, đổi mới tổ chức, hoạt động và cơ chế chính sách là khâu đột phá”. Như vậy là  Hội nghị T.Ư 6 đặt ra hàng loạt công việc phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để hoàn chỉnh các văn bản luật, các đề án  đáp ứng không hề dễ dàng cho yêu cầu cấp bách  thực hiện các mục tiêu lớn đang đặt ra trong cuộc sống nhân dân.

 

Ba là Hội nghị T.Ư 6  giải quyết một vấn đề nghiêm trọng chưa từng có tiền lệ: “Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị”. Và “Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị, và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm”.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng kinh nghiệm lịch sử cho thấy, “một khi Đảng tự nhận sai lầm khuyết điểm và tự nghiêm khắc quyết tâm khắc phục, sửa chữa thì sức mạnh của Đảng càng được nâng lên; nhân dân càng tin yêu và ủng hộ Đảng”. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là làm sao để tạo ra được điều kiện, môi trường đảm bảo chắc chắn cho “quyết tâm khắc phục, sửa chữa” của Đảng thành công. Bởi vì nhiều khuyết điểm là từ các khóa trước để lại, mà thực ra lãnh đạo các khóa trước cũng rất quan tâm, đã có nhiều nghị quyết chỉ ra cách  khắc phục mà không đạt kết quả. Ngay trong hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhận định “tham nhũng, tiêu cực còn nhiều phức tạp”. 

 

Hội nghị T.Ư 4 đã rút ra một bài học rất quý cần phải tích cực vận dụng: “Không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi có sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm”.

 

Trong hội nghị này, Tổng Bí thư và nhiều người  nhấn mạnh đến yêu cầu hội nhập. Thiết tưởng đó cũng  là một phương hướng để học hỏi, tìm giải pháp cho chính mình. Muốn lành mạnh nền kinh tế thì phải vận dụng những bài học xóa bỏ độc quyền, thực hiện cạnh tranh bình đẳng. Không thể vừa đối xử với  quốc doanh như con đẻ, tư doanh như con nuôi, lại vừa muốn có cạnh tranh bình đẳng. Khuyến khích phê bình, tự phê bình là đúng, nhưng đồng thời phải trao cho tòa án uy lực để gọi bất cứ ai, dù ở cương vị nào lạm quyền, tham nhũng đều phải chịu hình phạt. Rất nhiều cái khó chúng ta có thể giải quyết bằng những bài học hay của toàn cầu!

 

Theo Tống Văn Công

Lao Động