Còn nhiều cầu “mong manh” như Ghềnh

Nếu như nỗ lực tối đa, thời gian khắc phục sửa chữa cầu Ghềnh từ 3-5 tháng, đó là kết luận của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải ngày 21.3. Đó là lời nói, còn việc làm thì chưa chắc. Với trình độ thi công của VN hiện nay, khó có thể đảm bảo hoàn thành sửa chữa cầu Ghềnh trong 5 tháng.

Còn nhiều cầu “mong manh” như Ghềnh - 1

Bắt được tài công và tài phụ của sà lan đụng sập cầu Ghềnh. Thông tin tiếp theo là vậy, nhưng có bỏ tù trăm năm hai người này thì cũng chẳng liên quan gì đến khắc phục chiếc cầu bị sập. Điều liên quan nằm ở chỗ khác.

Lập “đường xe nóng” vận chuyển hành khách và hàng hóa từ Biên Hòa vào TPHCM và ngược lại là cách duy nhất để cứu ứng cho hành khách đi tàu Bắc - Nam. Thời gian của “đường xe nóng” gấp ba lần đi tàu, và có thể nhiều hơn khi ùn tắc giao thông xảy ra. Bình thường, đường bộ đã đông nghẹt, nếu tăng thêm số phương tiện tham gia giao thông phục vụ hành khách đi tàu, thì ùn tắc là điều khó tránh khỏi. Người dân mất thời gian, doanh nghiệp cõng thêm chi phí cho cuộc khủng hoảng này.

Cái giá của cú đụng chân cầu này có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng. Cho đến ngày xảy ra tai nạn, địa phương mới công bố lại lời cảnh báo bảo vệ các trụ cầu Ghềnh nhưng ngành đường sắt bỏ ngoài tai. Không ai quan tâm tính đến chuyện lập hàng rào chắn bảo vệ các trụ cầu. Các hàng rào bảo vệ đó chỉ vài tỉ đồng, để khỏi phải mất hàng trăm tỉ đồng. Đường sắt đương nhiên thuộc ngành đường sắt quản lý, cầu Ghềnh nằm trên địa bàn Đồng Nai. Ai chịu trách nhiệm đây?

Cú đụng tốn kém này đủ để cho ngành đường sắt và các địa phương mở to mắt nhìn lại tất cả các cầu có đường sắt đi qua chạy dài từ Bắc đến Nam. Trao đổi với Lao Động, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa VN - ông Phạm Minh Nghĩa - khẳng định còn có nhiều cầu mong manh như cầu Ghềnh. Các cầu đường sắt xây dựng từ thời Pháp vẫn tồn tại, nhiều năm Bộ GTVT chưa sờ đến, cho nên nguy cơ với những cầu này rất cao, nhất là yếu tố tĩnh không chưa đảm bảo.

Nghe mà toát mồ hôi, cầu “mong manh” nhiều như vậy, chỉ cần một cú đụng của sà lan sẽ đứt mạch vận tải đường sắt toàn quốc. Cứ so sánh sẽ thấy, dù quá “xui xẻo” nhưng dù sao sập cầu Ghềnh cũng còn may chán vì gần cuối phía Nam. Nếu sập cầu ở các đoạn giữa thì thiệt hại cho vận tải đường sắt nặng nề hơn.

Sửa cầu Ghềnh là việc làm gấp. Nhưng ngay sau đó, nên có phương án bảo vệ những cây cầu mong manh còn lại. Đừng để cho đến khi sập cái rầm mới bỏ tiền tấn ra sửa chữa.

Lê Thanh Phong

(Theo báo Lao động)