Có nên thu phí lưu hành xe máy vào lúc này không?

(Dân trí) - Mấy ngày nay, thông tin Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ xem xét việc thu phí lưu thông xe máy đã “lấn át” cả việc cháy nổ xe máy và tạo nên luồng dư luận đa chiều trong xã hội.

 
 Có nên thu phí lưu hành xe máy vào lúc này không? - 1

Đề xuất thu phí lưu hành xe cá nhân của Bộ GTVT đã gặp phản ứng từ nhân dân
và một số chuyên gia giao thông (ảnh minh họa, nguồn ảnh: internet)

         

Vào Google tìm kiếm, tôi thấy có những ý kiến đồng tình nhưng cũng có không ít ý kiến biểu lộ sự không tán đồng việc thu thêm phí đối với xe máy.

Riêng cá nhân, tôi đứng về phía nhân dân lao động để nói lên những nguyện vọng chính đáng của họ đối với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng.
 
 Số tiền không nhỏ đối với cả Nhà nước và nhân dân
 

Trong tờ trình số 8868 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ về việc thu phí xe máy như sau:

Thu phí đối với các loại xe mô tô (2 và 3 bánh) đang lưu thông ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng. Đối với xe mô tô, có dung tích xi-lanh dưới 175 cm3 là 500 nghìn đồng/năm và từ 175 cm3 trở lên là 1 triệu đồng/năm.

So với đề nghị thu phí với các loại phương tiện khác (xem bảng) thì đề nghị thu phí xe máy được dư luận chú ý và quan tâm nhiều nhất.

Tại sao dư luận lại nổi “sóng gió” và “bão táp” như vậy?

Bởi xe máy đã trở thành phương tiện lưu chuyển thông dụng của cả xã hội. Và “đánh” vào xe máy chính là đã “đánh” vào nhu cầu lẫn quyền lợi của toàn thể xã hội Việt Nam.
 

TT

Loại phương tiện

Mức thu
(đồng/năm)

I

Ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả ôtô vừa chở người, vừa chở hàng)

 

1

Loại có dung tích xilanh từ 2.000cm3 trở xuống

20.000.000

2

Loại có dung tích xilanh trên 2.000cm3 đến 3.000cm3

30.000.000

3

Loại có dung tích xilanh trên 3.000cm3

50.000.000

II

Xe môtô (môtô hai bánh, môtô ba bánh) của các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Ðà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng

 

1

Loại có dung tích xilanh dưới 175cm3

500.000

2

Loại có dung tích xilanh từ 175cm3 trở lên

1.000.000

 

So với các đề nghị khác trong tờ trình 8868 thì đề nghị thu phí xe được dư luận chú ý và quan tâm nhiều nhất

Theo thống kê năm 2010, Việt Nam có khoảng 24 triệu chiếc xe máy tham gia lưu thông trong cả nước.

Và theo thông tin từ Hội thảo quốc tế "Phát triển và quản lý xe máy tại Việt Nam" do Diễn đàn phát triển Việt Nam tổ chức vào năm 2007 thì trong giai đoạn 2007-2015, lượng xe máy mới sẽ ước đạt khoảng 1,7 triệu chiếc mỗi năm.

Như vậy, lượng xe máy của năm 2011 đã đạt 26 triệu chiếc. Và năm 2012 sẽ là 28 triệu xe máy. Nghĩa là hiện nay cứ 4 người Việt Nam sẽ có một người sử dụng xe máy.

Nếu việc thu phí xe máy được áp dụng trên cả nước thì Nhà nước ta sẽ thu được một khoản ngân sách rất lớn.

Thử làm một phép tính đơn giản. Nếu bắt đầu áp dụng thu phí xe máy vào năm 2012 thì với gần 28 triệu chiếc xe máy, Chính phủ thu “trung bình” 1.000.000 đồng/xe/năm thì số tiền nộp vào ngân sách sẽ ước khoảng 2 ngàn 800 tỉ đồng.

Số tiền đó tương đương với 132 triệu USD (nếu 1 USD ăn 21 ngàn đồng như trong thời điểm này) và bằng 0,0013 % GDP Việt Nam vào năm 2010.

Và những năm sau đó (tính đến năm 2015), Chính phủ sẽ thu vào thêm được mỗi năm 85 tỉ đồng khi lượng xe máy mối năm tăng thêm 1,7 triệu chiếc.

Cũng theo Hội thảo nói trên, sau năm 2015, dù phương tiện vận tải công cộng và xe ôtô con tăng, thì nhu cầu xe máy sẽ ở mức 3 người/xe và những năm sau đó mới bắt đầu giảm lượng xe máy mới.

Vậy là, chỉ cần thu phí xe máy là Chính phủ sẽ có một nguồn ngân sách vững mạnh để chi và bù chi cho nhiều hoạt động khác. Chẳng hạn: nâng cấp đường xá, cầu cống, xây dựng cầu cảng…

Tôi ấn tượng vì viễn cảnh sáng lạn nói trên. Nhưng ngay sau đó, tôi lại trở nên trầm buồn.

Vì nếu với mức thu phí xe máy như trên thì những người dân ta sẽ có thêm nỗi  lo vào cuối năm để có 25-50 USD nộp vào ngân sách Nhà nước trong khi thu nhập bình quân của nhân dân ta mới đạt 1200 USD/đầu người.

            Sao không xem lại nguyên tắc thu phí?

Theo điều 12, điều 13 chương III của Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28-8-2001 thì việc xác định mức thu phí căn cứ vào các nguyên tắc sau đây:

1 - Mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ.

2 - Mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp.

3- Mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc, không nhằm mục đích bù đắp chi phí, phù hợp với thông lệ quốc tế; riêng mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ.

Như vậy, nếu GDP/người như hiện nay là 1.200 USD thì việc thu 25 - 50 USD mỗi năm/chiếc xe máy thật sự là một khó khăn đáng kể đối với túi tiền luôn hụt hẫng của nhân dân lao động do tình trạng lạm phát gây nên.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã cho rằng việc thu một khoản tiền lớn như thế vô hình trung biến xe máy trở thành đối tượng chịu khá nhiều loại phí. Bởi theo ông: “Chưa kể phí đăng ký, biển số, trước bạ (cả ô tô và xe máy) đều đã tăng rất cao so với trước đây, kể từ ngày 1-1-2012, hai phương tiện này còn tiếp tục chịu thuế bảo vệ môi trường được tính vào giá xăng dầu và có thể cả phí bảo trì đường bộ đã được Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt”.

Đối với người dân lao dộng, ngoài việc phải “lo” đóng các loại phí nói trên cho chiếc xe máy, nay còn phải đóng thêm phí lưu hành. Trong khi họ có mối lo thường trực về cái ăn, cái mặc, chỗ ở, sự học hành của con cái và cả tiền… sửa xe khi hỏng hóc. Rồi các khoản chi trong dịp lễ Tết, cưới xin, ma chạy, đau ốm… đều là… tiền triệu.

Thử hỏi, với 1.200 USD ít ỏi thu nhập hằng năm và các khoản chi cá nhân đã “dốc cạn” hầu bao thì người dân lao động lấy đâu ra 25-50 USD để đóng phí lưu hành xe máy.

Vì vậy, việc đề nghị thu thêm một loại phí mới đối với xe máy của Bộ trưởng Đinh La Thăng cần được xem xét kỹ lưỡng, có phù hợp với nguyên tắc thu phí nói chung hay không, có đúng là một thông lệ mà đa phần các nước trên thế giới áp dụng hay không, hay chỉ một số nước có mức thu nhập cao áp dụng mà thôi.

Đối với tình hình thu nhập còn thấp của nhân dân ta hiện nay,tốt nhất là không nên thu thêm một loại phí mới đối với xe máy hoặc nếu  thu thêm loại phí này  thì phải đảm bảo các nguyên tắc:  không thu phí toàn bộ xe máy trên toàn quốc, nhất là những địa phương nghèo. Chỉ thu ở một số địa phương có lưu lượng xe máy cao, nhưng hệ thống giao thông yếu kém, xuống cấp và không có đủ kinh phí để nâng cấp, tôn tạo và mở rộng. Hoặc chỉ nên áp dụng thu phí đối với các xe máy có giá trị từ 40 triệu đồng trở lên mà những người sở hữu thường có thu nhập khá và cao.

                  Nguyễn Văn Toàn

     287 Chi Lăng, phường Phú Hiệp, Thành phố Huế

 

LTS Dân trí - Từ khi lên nhậm chức, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có những lời nói và hành động chứng tỏ là một vị Bộ trưởng sốt sắng với công việc, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Vì vậy, đa số nhân dân  ủng hộ ông. Nhưng đề xuất mới đây về việc thu thêm một loại phí mới đối xe máy thì xem ra nhân dân còn do dự và chưa đồng tình.

    Nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí lưu hành đối với xe máy là “phí chồng lên phí” vì người dân đã phải đóng nhiều loại phí cho chiếc xe máy của mình. Hơn nữa, việc đề xuất thu thêm loại phí mới vào lúc tình lạm phát còn ở mức cao, đời sống nhân dân đang gặp nhiều khó khăn, không nên vét kiệt những đồng tiền ít ỏi còn lại trong túi họ.

   Mong rằng Nhà nước ta cân nhắc kỹ đề xuất này của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng.