Chuyện Thầy – Trò và kỹ năng sống

(Dân trí) - Giáo dục vốn là chủ đề rất nhạy cảm, nên có chuyện gì xảy ra đều như góp gió thành bão, tăng sức ép dư luận với những ai (không may) bị cuốn vào tâm bão. Vụ việc tại trường THPT Trần Kỳ Phong (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng không là ngoại lệ.

Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền (ảnh minh họa: Khánh Hiền)
Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền... (ảnh minh họa: Khánh Hiền)

 

Trường học, trường đời

 

Phản ứng mạnh mẽ chiếm đa số trong hàng trăm phản hồi của bạn đọc, theo chúng tôi, cũng là điều dễ hiểu. Vì cũng như trong vụ việc “canh gà Thọ Xương” vừa xảy ra trước đó, nhiều độc giả nêu rõ: những vụ việc này chỉ như thêm những giọt nước tràn ly, khi nỗi bức xúc với những bất cập của ngành giáo dục VN đã kéo dài quá lâu mà vẫn không được chấn chỉnh, sửa đổi…

 

Cũng bởi thế, chúng tôi đồng tình và mong độc giả cùng có cách nhìn nhận vấn đề một cách bình tĩnh hơn như Vũ Lan lanvukhanh@gmail.com nêu: 

 

“Theo tôi, mọi người hãy bình tĩnh đừng làm lớn chuyện nữa vì sự việc trên đã trở nên "có hậu". Cô học sinh nông nổi đã nhận ra thiếu sót bồng bột của mình. Nên thông cảm với em vì lứa tuổi chuẩn bị thành người lớn này thường là "ăn chưa no, lo chưa tới", dễ có những phản ứng bộc phát tiêu cực khi bị bức xúc.... Mặt khác, các thầy cô cũng cần rộng lượng thương yêu và thông cảm với các em ở lứa tuổi này hơn. Cần tìm hiểu thêm về tâm sinh lý lứa tuổi thanh thiếu niên để có những ứng xử phù hợp, tránh gây bộc phát những hành vi tiêu cực từ các em”.

 

Nhiều bài học đường đời, bài học nghề nghiệp cũng được chính các giáo viên chia sẻ, nhắn gửi, nhắc nhở cùng với cả những lời phê cần thiết (thay vì cách nghĩ “đóng cửa bảo nhau” vẫn thường được áp dụng).

 

“Tôi cũng là giáo viên nhưng cũng muốn nhắc nhở đến các đồng nghiệp: Đừng tự cho mình nhiều quyền uy quá. Tại sao có nhiều GV nghiêm khắc với HS nhưng HS nào cũng quý mến, bởi vì họ làm việc nhiệt tình và phân minh rạch ròi đâu là việc công, đâu là việc tư” - Lê Hiếu:  lthieuvn@yahoo.com

 

“Tôi cũng là một giáo viên, nhưng thấy cô Em vì mâu thuẫn học sinh mà không nhận vào học thêm là điều không bình thường rồi. Cộng vào đó là việc kiểm tra ngoài sách giáo khoa thì làm sao các em học được? Có lẽ chúng ta cũng nên xem xét lại tư cách và đạo đức nghề giáo của chính mình nữa nhé!” - Trần Bảo Phát: tbphat.dthoangf.tuyan@phuyen.edu.vn

 

“Tôi cũng là giáo viên nhưng chưa bao giờ tôi hành xử theo kiểu ấy với HS của mình. Đề nghị làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm nghiêm khắc với thái độ, hành vi sư phạm của GV này…” - Lê Lan:  lantran9182@gmail.com...

 

Về cô giáo Em, chúng tôi trích dẫn 3 ý kiến tự giới thiệu là những người đã trực tiếp học nên hiểu rõ hơn về cô, để bạn đọc có thể tham khảo thêm:

 

“Tôi đã học trường này cách đây khá lâu, cũng đã được cô Em dạy. Nghĩ lại cô là người có tính cách mạnh, nên cách dạy học của cô cũng đầy cá tính. Đồng ý là thế nhưng ở trường hợp này thì đúng là không thể chấp nhận được vì hậu quả gây ra khá lớn, ảnh hưởng đến tinh thần và thể xác không chỉ cho chính em học sinh đó, mà còn đến nhiều người khác nữa. Từ sự việc đáng tiếc này, là học sinh cũ của trường tôi có ý kiến: Ban Giám hiệu cùng với các thầy cô giáo nên họp rút kinh nghiệm và quán triệt lại cách dạy học, không thể dạy học một cách chệch choạc và lệch lạc như thế này được” -  Nguyễn Đình Văn: dvans3@gmail.com

 

“Tôi cũng là 1 học sinh tại trường Trần Kỹ Phong, đã từng học cô Em. Tôi nhận thấy cô là 1 giáo viên có năng lực và trách nhiệm với học sinh, nên tôi tin không bao giờ có chuyện cô ép học sinh phải đi học thêm như lời bình luận của nhiều người nêu trên. Có thể nói hành động của bạn học sinh trên là thiếu suy nghĩ, bạn có thể quá nông nổi, không hiểu rõ cách dạy của cô. Tôi đã từng học cô và hiện đang học đại học, thật sự giờ đây tôi thầm cảm ơn cô. Nhờ cách cô đã dạy mà em vừa nắm vững kiến thức, vừa học được cả cách làm người...” - Nguyễn Thị Duyên: cobedautay_cobemituot@yahoo.com

 

“Chào các bạn. Có lẽ nhiều bạn rất bức xúc khi đọc bài báo trên, nhưng mình mong các bạn cũng nên nhìn nhận một cách khách quan hơn. Mình từng là học sinh của trường Trần Kỳ Phong và em mình được cô giáo Em chủ nhiệm (hai chị em mình cũng không đi học thêm môn Sinh của cô Em). Có thể nói so với thời bình yên và "mộc mạc" của những khóa đầu, thì giờ đây mình thấy những bạn lớp sau đã có nhiều thay đổi. Hay có những vụ đánh nhau như trong phim, vô lễ với giáo viên, nhất là có các bạn nữ mà giáo viên cũng phải... "sợ". Ai đã từng là học sinh của trường và từng học cô Em có lẽ đều biết cô rất thân thiện và có nhiều "chiêu độc" để trị học sinh cá biệt (chắc cả trường chỉ có mỗi một cô giáo có cá tính mạnh mẽ như cô). Kiến thức khá sâu và rộng của cô thì có lẽ không ai trong số các học sinh của trường còn phải bàn cãi. Cô có thể nhớ từng chi tiết của sách ở trang nào, mục nào.... Tự ra đề cho học sinh chỉ sau ít phút tính nhẩm... Cô cũng là người khuyến khích những học sinh khối B tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi của trường để nâng cao kiến thức, mà không cần phải tham gia kỳ thi.

 

Cô cũng có cách kiểm tra bài rất "lạ". Đôi khi trong 5 câu cô hỏi sẽ có câu "đề của bài học". Có nhiều bạn vì học thuộc nội dung nên đâu biết đề bài là gì, chuyện này thường thôi.  Người cô bà con mình là học sinh giỏi của trường mà ban đầu cũng bị vài cây gậy (điểm 1) của cô đó thôi. Nhưng đâu phải  vì vậy mà thành tích học tập kém đi. Cô chỉ muốn học sinh của mình phấn đấu trong thời gian dài, chứ không phải học đối phó qua một hai lần trả bài. Vì vậy mà nhiều bạn có tới cả chục “cây gậy”. Việc xảy ra như trên là một điều rất đáng tiếc, nhưng cũng cần xem xét lại cẩn thận hơn. Có lẽ̉ phải là học sinh và giáo viên của trường mới biết được rõ nhất. Mình không bênh vực ai mà chỉ muốn mọi người hiểu rõ hơn về những gì mà những học sinh cũ như mình cảm nhận về cô mà thôi. Mình cũng xin chúc bạn Y. mau bình phục và trở lại trường. Thân chào” - Hà Vi: havi.nguyen87@gmail.com

 
Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền (ảnh minh họa: Khánh Hiền)
Trường THPT Trần Kỳ Phong
 

Mẹ của em ở trường…

 

… là cô giáo mến thương… Lời ca ấm áp tình người đó giờ đây (thật trớ trêu) vẫn rất đúng ở nhiều nơi khác trên thế giới, song lại bị nghi ngờ rất nhiều qua bình luận của đại đa số bạn đọc cả nước.

 

Không ai phủ nhận rằng vẫn có những thầy cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu, được trò yêu quý như cha mẹ thứ hai của mình ở trường. Nhưng số Thầy Cô đáng kính đó rõ ràng không đủ “sức mạnh” để kéo lại những suy nghĩ ngày càng tiêu cực nhiều hơn trong xã hội với ngành giáo dục nói chung và với đội ngũ giáo viên nói riêng.

 

Bởi thế, góp ý với cả cô và trò trong vụ việc ở trường Trần Kỳ Phong có thể xem như cũng là độc giả nhắm tới cả những căn “bệnh”  trầm kha của ngành giáo dục VN hiện nay, để cùng luận bàn hòng tìm ra những phương thuốc đặc trị.

 

“Phương pháp giáo dục của Việt Nam rõ ràng là không đúng, cụ thể như trong trường hợp của cô giáo Em. Tôi đã trải qua thời gian học từ phổ thông lên đại học ở VN, rồi học tiếp đại học ở Mỹ, nên tôi hiểu khá rõ những vấn đề bức xúc của học sinh Y. Tâm lý chung là nhiều thầy cô giáo ở VN lúc nào cũng cho mình cái quyền "sống, chết" trong tay mình, còn ý kiến của học sinh không quan trọng. Ở Mỹ ngay trong lúc đang giảng bài, học sinh vẫn có quyền đứng lên đề nghị đổi giáo viên nếu thấy “thầy giảng không thuyết phục”. Dẫu vậy, khi đáp lại thầy giáo vẫn rất lịch sự giải thích phương pháp giảng dạy của mình và thầy sẽ đáp ứng yêu cầu của sinh viên nếu phương pháp đó đúng là không phù hợp. Tất cả đều cư xử rất tôn trọng nhau và vấn đề được giải quyết rất tích cực, không có việc thầy cô xử sự mà lại khiến học sinh phải tự cắt tay mình vì bức xúc như vậy” - Hugh Nguyễn:  nguyenhuy@ymail.com gửi một lời góp ý từ xa.

 

“Chia sẻ với em học sinh này. Mình từng ở trường hợp như vậy. Cứ mỗi khi vào tiết học đó là tâm lý lại nặng nề, không học hành gì được. Giáo viên bày đặt cấm học thêm, nhưng thử hỏi không dạy dỗ gì nhiều trên lớp mà lại cho kiểm tra những thứ “trên mây”, học sinh bình thường làm sao theo cho kịp. Những bạn làm được cũng là những bạn có đi học thêm (toàn con nhà… không nghèo). Trừ khi là thiên tài thì mấy cô giáo này không làm gì được thôi. Mà lúc nào cũng áp lực tâm lý như thế mỗi khi vào lớp thì ai mà học cho được. Đề nghị nhà trường xem xét thật kỹ…” - Nguyen: tram_610@dent.kyushu-u.ac.jp kể về một trải nghiệm tâm lý thủa học trò mà chắc nhiều người từng hiểu rõ. 

 

“Một hiện tượng hiện nay trong xã hội của giới trẻ: sự thiếu kiên nhẫn và bốc đồng thái quá dẫn tới các hành động dại dột, không làm chủ bản thân. Chỉ trong phút chốc không hài lòng, họ sẵn sàng coi thường tính mạng của mình mà không mảy may suy nghĩ. Họ quên rằng cuộc sống của chính họ do cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng. Trong đời một con người tội lớn nhất chính là bất hiếu. Các bạn trẻ đã nghĩ gì khi may mắn sống được sau phút sai lầm đó? Hãy biết trân trọng cuộc sống, vì mỗi người chỉ sống có một lần!” – Le Dung: dldtha@yahoo.com.vn nhìn nhận vấn đề từ hướng khác, đồng thời cũng gửi một thông điệp tới các bạn ở lứa tuổi còn “trẻ người, non dạ”.

 

“Qua sự việc nữ sinh cắt cổ tay để phản đối cô giáo, tôi muốn đặt vấn đề: nhà trường cũng cần có những buổi ngoại khóa dạy thêm cho các em các kỹ năng trong cuộc sống, cách ứng xử giải quyết mọi tình huống trong học tập và cả đời sống như thế nào cho hài hòa mà vẫn đạt được mục đích của bản thân. Tránh những hành động quá tiêu cực chỉ do mục đích của bản thân không thực hiện được. Thực tế có nhiều người vì không giải quyết được vấn đề theo ý nguyện của mình mà mắc những sai lầm nghiêm trọng tiếp theo, thậm chí gây phương hại đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và còn có thể gây hại cho những người khác nữa” – Bùi Ngọc Minh:  bngocminh@gmail.com một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết dạy kỹ năng sống cho học sinh.

 

“Tui thấy lo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ham học. Nhà trường cần có cách quan tâm hơn tới các em. Ngay cả cách cư xử của cô giáo Em cũng cần xem xét lại, bởi các em đang còn ở tuổi vị thành niên mà. Dạy chữ phải kèm theo cả dạy người, hơn hết giáo viên cần hòa nhập với lứa tuổi các em thì mới đạt được mục đích Dạy Làm Người” - Tran Hieu:  thquang@gmail.com lưu ý.

 

“Đành rằng hành động của em Y là dại dột và bốc đồng, nhưng cũng cần xem lại cách đứng lớp của cô Em. Khi học sinh có góp ý thì nên để cho em ấy nêu lên ý kiến của mình. Lớp 11 cũng gặp rất nhiều áp lực trong học tập, là giáo viên thì nên giúp đỡ các em chứ không nên tỏ thái độ khiến các em cho là bị “trù dập” theo kiểu "dạy thêm" và "kiểm tra" như thế này. Trường học là ngôi nhà thứ 2 của các em, các giáo viên là cha, mẹ thứ 2 của các em. Hành động của cô Em khác nào cô muốn bảo rằng cô chỉ là "người dưng" với học sinh? Không phủ nhận giáo viên cũng là con người, cũng có những áp lực của riêng mình về cơm, áo, gạo, tiền. Nhưng XIN các thầy cô - những người cha, người mẹ thứ 2 của học sinh - hãy sống đúng với tư cách giáo viên khi đứng trên bục giảng!” - Duy Nam:  nam_duy23@yahoo.com

 

Từ những chuyện trong mối quan hệ Thầy – Trò như thế này, hơn lúc nào hết lại càng thấy rõ mối liên hệ với những kỹ năng sống rất cần được trang bị như hành trang vào đời cho mỗi con người. Mà đâu chỉ con trẻ, người lớn chúng ta cũng cần lắm sự Học, học nữa, học mãi bởi những bài học từ trường đời là vô tận...
 

Kiều Anh