Chưa xong bài toán ô tô, lại nan giải xe máy cũ

(Dân trí) - Quy chế lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy nhằm giảm TNGT và ô nhiễm môi trường vừa mới được UBND TPHCM giao cho Công an TPHCM chủ trì xây dựng dự thảo để kiến nghị Chính phủ xem xét, nhưng đã làm dấy lên những luồng dư luận khác nhau.

Chưa xong bài toán ô tô, lại nan giải xe máy cũ
Hàng triệu xe máy cũ ở TPHCM có nguy cơ bị cấm lưu hành dù chất lượng nhiều chiếc còn rất tốt (ảnh: LT, báo Tiền Phong)

 

“Tội đồ” bất đắc dĩ

 

Trước đây mỗi khi bàn tới diện mạo giao thông VN, cũng đã có không ít bạn đọc đề cập tới sự cần thiết loại bỏ “kẻ tội đồ” xe “mù”, xe “cà tàng”, xe “hết đát”  như một trong những việc cần làm ngay để giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

 

Trái lại, những người không ủng hộ (chiếm tỉ lệ đông hơn rất nhiều) nhấn mạnh sự không khả thi bắt đầu ngay từ cái cách “cứ thấy không quản được là cấm”. Đặc biệt đối tượng phải gánh chịu hậu quả ở đây lại chính là dân nghèo – những người luôn cần được sự quan tâm, chăm sóc nhiều hơn của toàn xã hội.

 

Cũng bởi thế, tuy vấn đề mới ở giai đoạn “xây dựng dự thảo” nhưng đã lập tức được dư luận rất quan tâm và bày tỏ nghi ngại, bởi vốn dĩ với những người nghèo thì đa phần bị cái khó bó cái khôn. Thêm vào đó, chuyện chạy chọt cửa sau, rồi cơ chế “xin – cho”… ai có thể khẳng định là sẽ không nảy sinh thêm để “lách lệnh cấm”? Cũng lại có sự so bì rằng đối tượng cần nhắm đến hơn chính là các “tội đồ”  khác đáng tội hơn như xe buýt, xe tải, ô tô quá đát vẫn như những “hung thần” ầm ầm chạy trên đường… khiến người dân thấy mà kinh hồn bạt vía!

 

“Đồng ý theo quan điểm này. Tuy nhiên, đó cũng là bài toán khó với người nghèo”- Anh:  anhnt.anh90@gmail.com

 

“Tôi e là lại sẽ có thêm một cửa xin – cho để đưa và nhận hối lộ đấy. Vì thế, tôi nghĩ trước tiên nên loại trừ những chiếc xe buýt cũ rích xả khói kinh hoàng trên đường phố TPHCM đi đã…” -  Pham Tuyen:  tuyennam@gmail.com

 

“Nói đâu xe máy chi cho xa xôi, xử lý trước mấy cái xe buýt đi đã. Ai có dịp đi sau lưng mấy cái xe buýt đời cũ đều thấy ô nhiễm và khó chịu thế nào: thân xe thì hư và mục nát, chở biết bao nhiêu người, lại chạy ẩu nữa. Tóm lại theo tôi, trước khi nghĩ áp dụng việc này cho xe máy, cần áp dụng cho xe buýt trước xem có khả thi không đã” - Dung:  dungnguyen@yahoo.com

 

“Đi đường thấy bao nhiêu xe buýt, xe ôtô… xả khói mù mịt đó. Sao giờ lại nhắc đến xe máy gây ô nhiễm nhỉ?... Người nghèo không đi xe máy cũ kiếm kế sinh nhai thì đi xe đạp bao giờ mới tới nơi, mới được việc? Thế thì con họ lấy gì mà ăn?” - Hoai:  hoai2290@gmail.com

 

“Tôi thấy đây là cách nhìn sai. Không biết được cơ quan chức trách cố né tránh hay là vì họ "không nhận ra", nhưng như tôi thấy thì 99% tắc đường ở VN mình là do xe buýt với taxi  là chính. Họ thường chạy xe lấn tuyến khắp nơi, nhiều đoạn đường 12m mà có đến 3, 4 xe buýt dàn hàng hay taxi vượt đường dàn hàng, thì thử hỏi xe máy muốn vượt lên kiểu gì? Thế là lại tắc đường thôi. Đã thế, người đi đường còn thường xuyên phải ngửi khói đen của xe buýt mà khiếp sợ. Đã tới lúc cơ quan chức năng cần hiểu rõ nguyên nhân chính của tắc đường mà tìm biện pháp phù hợp, chứ đừng cứ thử nghiệm rồi sau đó lại viện lí do này, lý do kia để không thực hiện đến đầu đến đũa. Xe máy ở Việt Nam tuy nhiều nhưng chắc chắn không phải là nguyên nhân chính gây tắc đường và tai nạn giao thông” - Đinh Đức:  detuma12a@yahoo.com

 

"Nói về nhận định xe cũ, xe quá niên hạn lưu hành là “tội đồ” gây TNGT và tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên đường phố...-  Thú thật,  xe cũ hay mới, quá niên hạn hay còn niên hạn… theo tôi đều không  phải là tội đồ. Mà tội đồ chính là những người điều khiển xe bất chấp luật giao thông.  Thực tế cũng cho thấy rằng người nghèo không có tiền mua xe mới, xe xịn… Do đó tôi tin người nghèo cũng thường không dám, không có khả năng chạy xe tốc độ nhanh, đua xe tốc độ... đâu. Vì vậy, tôi cho rằng nếu chủ trương này được thực thi thì sẽ không công bằng vì có vẻ như lại đứng về phía những người có thu nhập cao hơn trong XH, chứ không  phải nghĩ cho người dân nghèo…” – Trfgeefg:  trfgeefg@gmail.com

 

Cái khó bó cái khôn

 

Đã là con người có ai chọn được cảnh nhà để sinh ra, mà trong xã hội nào thì cũng có người giàu và người nghèo, khoảng cách giàu – nghèo trên thế giới ở đâu chẳng có.

 

Dân gian có câu "Có bột mới gột nên hồ", người nghèo đâu phải ai cũng cứ đành nhẫn nhục cam chịu mãi với số phận, nhưng nhiều khi cái khó bó cái khôn. Phải rất vất vả mưu sinh, nên với nhiều người dù chỉ sắm được chiếc xe máy cũ cũng đã là cả một bước phát triển giúp họ tiết kiệm được cả thời gian và sức sực bỏ ra, đồng tiền kiếm được cũng rủng rỉnh hơn.

 

“Tôi là một dân lao động tự do. Vì cuộc sống khó khăn, không có công ăn việc làm ở quê nhà nên chúng tôi mới phải kiếm kế mưu sinh nơi đất khách quê người. Phải thuê nhà trọ, chi phí ăn ở, sinh hoạt cái gì cũng đắt đỏ nên chúng tôi đã khổ lắm rồi. Có cái xe cũ để làm phương tiện đi  lại, vận chuyển hàng hóa thì nay nếu lãnh đạo TP định cấm, chúng tôi biết tính sao? Mong các vị cán bộ đặt mình vào hoàn cảnh của chúng tôi thì mới thấu hiểu được tình cảnh… Cũng là con người, chẳng ai muốn kham khổ cả đời đâu, ai chẳng muốn được hưởng thụ những tiện nghi của cuộc sống đàng hoàng… Nhưng cái  khó bó cái khôn các vị ạ” - Tran Phong:  tranphong@yahoom.com

 

“Theo tôi không nên cấm xe máy cũ, vì những người nghèo chủ yếu là nông dân từ các vùng quê lên thành phố mưu sinh. Mà họ phải ra đi cái chính là vì đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, không có công ăn việc làm… Vấn đề ở đây, theo tôi là phải đánh vào ý thức người tham gia giao thông. Chứ chở cồng kềnh, lạng lách đánh võng hoặc có nguy cơ cao gây tai nạn đâu phải chỉ xe cũ mà cả xe mới nữa cũng thế đó thôi. Theo tôi, đăng kiểm cả với xe máy cũng là một vấn đề quan trọng cần được xem xét thực hiện” – Hoang Nam:  ktvhuuphong@yahoo.com

 

“Người nghèo hay người giàu đều phải tuân thủ luật giao thông. Tôi thấy như bên Đài Loan thu nhập bình quân năm 2011 là  24 ngàn đôla Mỹ/ người, họ vẫn đi xe máy như ta. Có người vẫn dùng xe 15 năm đến 20 năm, miễn xe đủ tiêu chuẩn tham gia giao thông là được lưu hành. Vì thế tôi cho rằng việc VN mình định cấm xe máy cũ là không tiết kiệm khi ta còn nghèo (liệu có phải chăng phía sản xuất xe máy đang có động thái nào đó để thúc đẩy bán xe, như bên ô tô đã từng làm???) Ở các nước phát triển, tôi vẫn thấy họ sản xuất được ô tô không có thời hạn, kiểm định đủ tiêu chuẩn là chạy” - Văn Biển:  vbien2011@gmail.com

 

“Còn nhiều việc quan trọng cần làm hơn là cái việc thiếu tính nhân văn này. Mặc dù nói thì nghe có có vẻ thuyết phục lắm, nhưng tôi đang chờ xem các vị sẽ làm ra sao và đến đâu? Chẳng đi đâu xa, ngay trên trang này có bài viết "Hầm vượt sông Saigon tiếp tục thấm, nứt". Đọc các comment  rồi nghe người ta nói về đạo đức và uy tín của ngành giao thông vận tải, tôi càng nhận thấy rõ: Khi mình chưa xây dựng được "lợi ích" giao thông cho cộng đồng thì xin hãy khoan hãy bàn về "tác hại"...Tôi đồng tình với ông Toản là chẳng ai muốn đi xe cũ cả, việc cấm sử dụng lưu hành xe cũ là 1 biện pháp không hề có tính khả thi!” - Út gà:  utga71@yahoo.com

 

“Dân nghèo chúng ta có khi lại trở về thời "buôn gánh bán bưng" rồi đây, thưa bà con? Đường thì hẹp, để vận chuyển được hàng hóa vào đường hẻm của thành phố thì dân nghèo chúng ta vận chuyển bằng gì khi xe ba gác bị cấm, đến xe máy nếu cũng cấm chở hàng nữa thì tính sao? (Hiện nay trên địa bạn Tp.HCM, người dân chở 1 cái thùng hoặc bao tải hàng  lưu thông mà gặp CSGT không bị phạt mới là lạ). Vậy chúng ta lưu thông bằng gì khi muốn vận chuyển hàng hóa vào những nơi ngóc ngách như vậy??? Xin cứu dân nghèo chúng tôi! Trong thời buổi kinh tế khó khăn thế này, mong trước khi ra lệnh cấm, phạt dân nghèo chúng tôi thì rất tha thiết cầu mong các cấp ban ngành có giải pháp và phương tiện thay thế phù hợp, để dân nghèo chúng tôi có phương tiện mần ăn” - Hoàn Long Nguyễn:  buuxaydung@yahoo.com

 

“Nếu cấm xe máy cũ thì coi như người nghèo VN "được" đi xe đạp hoặc là đi bộ rồi. Đất nước ta đang còn nghèo mà đòi cấm xe cũ thì không xong rồi, mấy bác ơi. Nếu cấm thì các nhà máy sản xuất xe cần cho ra đời các dòng xe giá rẻ và chất lượng đi, để người nghèo họ còn có thể mua được. Còn nói đến vấn đề tai nạn giao thông thì theo mình, rõ ràng các xe mới nhưng người điều khiển xe chạy ẩu còn gây tai nạn giao thông nhiều hơn đó. Nhiều ông có tiền mua xe mới rồi cứ “bắn” cho hết ga… Còn xe cũ mấy ai dám chạy nhanh quá đâu. Về vấn đề đăng kiểm xe máy thì… than ôi, mong đừng có bày biện ra thêm nữa các vị ạ. Xe lớn, ô tô, xe tải đó các ông đăng kiểm cũng chỉ làm cho qua loa thôi để “nhận lót tay" thêm ít đồng rồi cho xong chuyện, chứ kiểm định kiểm điếc gì chứ. Đừng có kiểm định xe máy nữa trời ạ, dân nghèo họ không có tiền để “lót tay” cho các ổng đâu. Hãy tha cho họ đi!” - Hai Tran:  hasa.tran@gmail.com

 

“Nên xem xét để đề ra thật rõ quy định về xe lưu thông trên đường. Xe cũ là như thế nào…. Nếu như gia đình người ta chỉ có duy nhất chiếc xe là phương tiện kiếm sống, thì các anh các chị nói xem họ sẽ phải làm gì? Muốn đất nước phát triển, muốn khoảng cách giàu - nghèo ngắn lại, nhưng nếu cứ hết không cho xe 3 gác, xích lô vào khu vực nội ô thành phố, cấm hàng rong...vv.. và v.v... rồi bây giờ lại đến cấm đi xe cũ thì chắc những người dân nghèo khổ phải lên rừng mới sống nổi quá... Nói vậy là các vị chỉ biết nghĩ tới lợi ích của mình, mà có bao giờ nhìn xuống những người dân nghèo khổ hay chưa???” - Phong:  phongthuy021211@gmail.com

 

“Xe cũ hay mới đều là vật bất động 'không biết suy nghĩ, nên đừng đổ lỗi cho xe. Có trách, có phạt thì cứ người sử dụng xe mà thực thi. Đã có luật đường bộ ban hành, nếu xe không đảm bảo an toàn khi vận hành trên đường thì cứ phạt hoặc thu giữ. Chứ người lao động đã quá khổ rồi, đừng nên gây xáo trộn thêm cuộc sống của họ nữa, mà nên tập trung giáo dục ý thức con người mới là quan trọng…” – Nguyen Cong Binh:  nguyencongbinh55@gmail.com

 
Xe máy cũ là phương tiện mưu sinh của nhiều người nghèo (ảnh minh họa)
Xe máy cũ là phương tiện mưu sinh của nhiều người nghèo (ảnh minh họa)
 
Lộ trình và quy chuẩn

 

Số người tỏ quan điểm dung hòa cả hai luồng ý kiến, hoặc nghiêng về ủng hộ giải pháp mạnh tay với xe máy cà tàng đưa ra những luận giải xem ra cũng rất có lý. Trong đó nêu rõ cần có những biện pháp mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, dù đôi khi cũng phải chấp nhận hy sinh. Vấn đề là cũng cần có sự tham khảo ý kiến người dân, từ đó đề ra lộ trình từng bước sao cho phù hợp với cả tình thế hiện tại và tương lai lâu dài.

 

“Tiêu chí để đưa ra khái niệm "xe máy cũ" và việc dự định cấm lưu hành, theo tôi là không mang tính khách quan. Có thể các ngành chức năng như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Thanh tra Giao thông cần căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ hiện hành để kiểm tra, xử phạt nghiêm những vi phạm mà người sử dụng phương tiện "xe máy cũ" tham gia giao thông không đảm bảo an toàn là hợp lý và đúng luật. Nếu như bắt buộc phải thu hồi và cấm sử dụng "xe máy cũ" thì cũng cần phải lấy ý kiến của người dân để rồi từ đó đề ra văn bản cho hợp lý, vì mọi người dân đều phải sống và làm theo Hiến pháp và Pháp luật” - Phạm Văn Hà:  kiemhapham@gmail.com

 

“Theo tôi thì không nên vì mưu sinh cho người nghèo mà cho lưu hành những phương tiện không đảm bảo an toàn như vậy, vì nó gây nguy hiểm cho bản thân người sử dụng phương tiện cũng như những người tham gia giao thông trên đường. Nếu vì mưu sinh cho người nghèo thì chính quyền nên có chính sách khác, chứ không thể để tình trạng phương tiện giao thông không đạt chuẩn vẫn cứ được lưu thông trên đường” - Lê Đông:  ledongklkd@yahoo.com.vn

 

“Phải giải quyết dứt điểm những xe không đạt chất lượng lưu hành, chứ cứ cho rằng cấm xe cũ là cấm người nghèo mưu sinh là không đúng. Nếu cho lưu hành mà xảy ra tai nạn thì không những khổ cho họ mà còn liên lụy tới những người khác do những chiếc xe quá date này gây ra” – Khai Nguyen:  khainpt@gmail.com

 

“Tôi ủng hộ phương án cấm xe máy cũ, nát lưu thông trong thành phố, kể cả tiến tới cấm hẳn xe máy ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Myanmar cũng là nước nghèo, nhưng tuyệt nhiên không có một chiếc xe máy nào xuất hiện trên các đường phố ở Yangon. Như vậy đâu phải họ cư xử không nhân văn với người nghèo? Mong hãy mạnh dạn từ bỏ cách suy nghĩ và tư duy "nhân văn" theo kiểu đã quá cũ, không còn hợp thời nữa đi thì mới thúc đẩy phát triển được” - Thanh:  thanhlv1963@yahoo.com
 

“Nếu đứng trên phương diện các nhà quản lý, các bạn sẽ làm gì ? Bạn muốn giảm ùn tắc giao thông, tất nhiên bạn phải nâng cấp cơ sở hạ tầng. Nhưng ở các thành phố hiện nay, nâng cấp hạ tầng rất khó, giá đất quá cao, quỹ đất có hạn…. Vậy cách thứ 2 là bạn phải giảm lưu lượng xe tham gia giao thông. Thế thì cấm xe máy cũ là việc đúng và nên làm, nhưng cũng phải làm sao để vừa có tình vừa có lý mới được. Các bạn không thể vừa muốn xe cũ vẫn được lưu hành, vừa muốn giảm được ách tắc giao thông!” - : tutran1987@gmail.com

 

“Việc cấm hay không cấm xe cũ lưu hành là việc lớn của đất nước, của dân. Vậy khi đưa ra quyết định thì cần có cơ sở hợp lý, dựa trên cách nhìn nhận khách quan và kĩ lưỡng…. Làm gì cũng phải có lộ trình cho phù hợp với hiện tại. Theo tôi nghĩ, trước tiên ta nên cấm xe không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trước, sau đó mới tính đến cấm xe theo niên hạn. Làm vậy là đúng với tình hình kinh tế đất nước hiện nay…” - Cao Nam:  caohuynam@gmail.com

 

“1/. Nếu có cấm thì cũng cần có văn bản qui định rõ ràng bằng bộ tiêu chuẩn, để người dân căn cứ vào đó cũng tự đánh giá được xe của mình còn đủ tiêu chuẩn lưu hành hay không.

 

2/ Có bộ tiêu chuẩn để đánh giá đó rồi thì việc xe cũ hay mới không phải là tiêu chí đánh giá nữa. Xe cũ nhưng được bảo dưỡng thay thế phụ tùng chính hãng định kỳ, đương nhiên sẽ đạt tiêu chuẩn và có độ an toàn tốt hơn xe mới mà chất lượng tồi.

 

Nhìn ra đường cũng đủ hiểu có rất nhiều loại xe đang lưu hành tuy là mới, nhưng chất lượng thực ra lại rất kém. Vậy vấn đề cũ/mới được đề cập ra ở đây, theo tôi thấy, là còn rất mơ hồ, nếu áp dụng quy định này thì tôi tin chắc sẽ gây hậu quả chứ không có kết quả đâu. Việc quản lý chất lượng xe ngay từ khâu sản xuất là điều ngành chức năng nên làm, tức là quản lý từ gốc” - :  hht_965@yahoo.com.vn

 

“Quan trọng là nếu cấm  thì với những loại xe nào? Cũ là bao nhiêu năm? Trong thực tế có nhiều xe như Honda 67 có từ trước năm 1975, nhưng do được chủ sử dụng cẩn thận và duy tu bảo dưỡng tốt thì vẫn sử dụng tốt. Ngược lại có rất nhiều xe tuy là ra đời sau như những xe cúp cánh én, cup 78, cup 79 hiện nay được nhiều chủ cửa hàng sử dụng để chở hàng, đang chạy đầy đường, nhưng lại rất nguy hiểm vì không có bất kỳ thiết bị an toàn nào cả. Nếu ai từng đi lại trên những con đường của TPHCM thì sẽ thấy thôi. Loại này thì nên cấm, tịch thu và tiêu hủy. Vậy theo tôi, nên có 2 tiêu chí: - Năm sản xuất sao cho phù hợp. - Tiêu chuẩn xe để được lưu hành” - Dung Ngã:  cngocdung@gmail.com

 

“Nếu làm cái gì cũng ngại đụng chạm thì làm sao đất nước có thể tiến lên được. Ví dụ như cấm đốt pháo đó, hồi đầu cũng kêu ca rất nhiều, sau người dân vẫn chuyển đổi sang nghề khác được và ổn cả. Cấm xích lô nhân dân cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Vậy nên tôi thấy cấm xe máy cũ là chủ trương đúng đắn, những xe máy cũ kỹ thiếu an toàn gây nguy hiểm cho người tham gia lưu thông. Đã thế họ còn thường chở hàng cồng kềnh, phóng nhanh vượt ẩu, khi bị CSGT tuýt còi có người còn chấp nhận bỏ xe. Có cả trường hợp CSGT nhìn thấy cũng chán và bỏ qua, khi họ cứ thản nhiên vượt đèn đỏ và chở cồng kềnh. Cứ đổ cho nghèo thì bao giờ mới khá được?” - Nguyễn Huy:  huy141268@yahoo.com.vn

 

Hàng đổi hàng

 

Đồng thời có một biện pháp được khá nhiều bạn đọc nhắc tới, dù biết rằng tính khả thi không cao. Nhưng trên quan điểm nghĩ cho người dân, nhất là người dân nghèo, họ vẫn muốn nêu ra để ngành chức năng có cơ sở cân nhắc thêm. Đó là quy tắc “hàng đổi hàng”:

 

Cấm là đúng. vì cấm để tránh những tai nạn thương tâm xảy ra. Còn vấn đề mưu sinh thì tôi hy vọng Đảng và Nhà nước sẽ có phương án giải quyết cho những hộ nghèo tiếp cận những công việc mới, hoặc hỗ trợ kinh phí mua xe mới để giúp họ đảm bảo cuộc sống” -  Trương Như:  truongnhuitc@gmail.com

 

“Sao không làm như các nước phát triển bằng cách đổi xe cũ lấy xe mới, vì những người nghèo nên có chính sách hỗ trợ họ” – Nguyen Hoang Nam:  Nguyenhoangnam@yahoo.com

 

“Theo tôi thì ngành chức năng nên có quy định đổi xe máy mới lấy xe máy cũ cho dân. Vừa giữ được vệ sinh môi trường, vừa tiêu thụ ít xăng dầu,  vừa an toàn cho dân. Đó là lợi ích rất lớn, còn mỗi người phải bù bao nhiêu thì do cơ quan chức năng xem xét cho vay, vì cũng là nhằm mục tiêu ích nước lợi nhà. Còn cứ hô hào cấm thì với xe máy cũ là phương tiện mưu sinh, cấm sẽ gây thêm khó khăn cho dân. Hơn nữa chắc chắn cũng không khả thi, vì dân nghèo chỉ có thể kiếm sống bằng những phương tiện cũ kỹ rẻ tiền ấy chứ làm gì có xe đẹp mà đi lại” - Ngô Văn Lộc:  locngovan1955@gmail.com

 

“Nếu cấm xe cũ cũng cần có hình thức hỗ trợ người nghèo. Chẳng hạn như thay vì hỗ trợ tiền hãy lấy những chiếc xe mà CSGT phạt giữ xe mà chủ không tới nhận lại, hoặc những chiếc xe vô chủ giữ đã quá lâu…  trao lại cho người nghèo để họ có thể an tâm mưu sinh và đổi lại cho ngành chức năng những chiếc đã hết hạn sử dụng của họ. Hình thức Hàng đổi Hàng tôi thấy cũng phù hợp mà” - Kun:  wendy_nhoban@yahoo.com
 
Cách thức xử lý với ôtô vừa qua vẫn còn nóng hổi trong dư luận người dân với bao điều "ấm ức" chưa được giải tỏa, lại tới chuyện xe máy cũ chưa có lệnh cấm đã gây xôn xao. Chẳng vậy mà có bạn đọc đã phải than thở: Việc cần làm ngay thì mãi chẳng thấy đâu, trong khi việc chưa gấp thì ngược lại...

 

Khánh Tùng