“Chạy” việc - kiểu kinh doanh siêu lợi nhuận thời nay

(Dân trí) - Hàng năm các tân cử nhân sau khi tốt nghiệp, bố mẹ các ông cử bà cử lại phải thở dài ngao ngán. Điệp khúc thành lệ: “Tháng 7 khởi động, tháng 8 chào sân, tháng chín giao hàng”. Vẫn còn may rủi nữa đấy, vì xin việc thời nay…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Tháng 9 thường là tháng mà nỗi lo âu của các tân cử nhân mới ra trường tăng lên rõ rệt vì nghĩ tới đoạn trường “chạy việc” đem lại siêu lợi nhuận cho người này, đồng thời gây bệnh “viêm màng túi” nghiêm trọng cho bao người khác.

 

1/. Quy hoạch đào tạo vô tội vạ: Với một ngành bị cho “bệ rạc” nhất vẫn thường là khó khăn nhất, đó là với các cử nhân Sư phạm. Từ ngành sư phạm Mầm non, Tiểu học đến Trung học đều phải kén chọn vì biên chế quá ít. Ít đến mức cả một huyện rộng đến 17 xã và 1 thị trấn mà chỉ có 4 suất nhận mới cho giáo viên Tiểu học. Cả tỉnh có đến 900 ngàn dân, 32 trường THPT mà chỉ nhận mới 34 giáo viên tổng các môn. Nhiều môn như Lịch sử, Chính trị, Anh văn...  không có suất biên chế nào mới. Vậy mà đầu vào mỗi năm cả tỉnh có đến vài trăm sinh viên học Sư phạm ra trường.

 

2/. Đã theo thì phải theo cho đến cùng: Các bậc cha mẹ thường rỉ tai nhau: “Con anh chị đã có chỗ nào chưa? Có đường đi nước bước nào chỉ giúp cho cháu nhà tôi chút”! Vậy rồi tháng 8 dạm hỏi, cò cuốc, mai mối, xầm xì rỉ tai nhau ... “Cháu nhà tôi được việc nhờ người ta ơn nghĩa đã hứa “50 chai” anh ạ!” Trời đất “50 chai”! Đó là giọng của các mai mối là bằng 50 triệu đồng, còn “hai gậy” chính là 2 cây vàng. Hoảng hốt quá!

 

Tôi có hai người bạn, có hai cháu: một tốt nghiệp ĐH Sư phạm Trung học, một tốt nghiệp ĐHSP Tiểu học, đã chờ một năm rồi, giờ đây chuẩn bị chung trọn gói “60 chai” mỗi suất và nhờ có ‘quen biết’.

 

Tôi hỏi: - Chung ai vậy? Các cô bạn tôi nói: - Thôi anh ạ, chuyện có thật đấy! Mình cũng đánh liều luôn, chứ 4 năm rưỡi học đã mất gần 100 triệu rồi. Giờ này chịu thêm “một đấm” nữa cho xong trách nhiệm làm cha mẹ với con.

 

Vừa ngạc nhiên, vừa tức giận. Sao lại có sự đóng góp kiểu kỳ cục vậy hè? Thôi thì chi phí cho con học để có được cái nghề, cái vốn kiến thức, bố mẹ phải đóng góp đã đành. Đằng này đi làm việc công, lương mỗi tháng trọn gói 3 triệu đồng mà phụ huynh phải chịu đóng thêm một khoản “60 chai” tức là lao động không công 2 năm còn gì.

 

- Các sếp thu phí gì mà… ác vậy? – Phí “cạnh tranh”, phí “thành lệ” như câu vè:“Nhất thân, nhì thế, ba tiền tệ, bốn mới đến trí tuệ”. Anh chưa nghe sao?

 

Tôi ngậm ngùi nghe và không phản ứng gì thêm! Đúng là: quy hoạch cán bộ, quy hoạch đào tạo, chạy việc, chạy chức là một kiểu kinh doanh siêu lợi nhuận thời nay.  

Văn Nguyễn