Bạn đọc viết

Chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động

(Dân trí) - Ngày nay, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động chính là tiêu chí hoạt động của tổ chức công đoàn Việt Nam. Tổ chức công đoàn của người lao động trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp…cần quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng với người lao động trên toàn thế giới, ở Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh vì tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người lao động. Với người lao động Việt Nam, đây cũng là ngày biểu dương sức mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, quyết tâm xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Giai cấp công nhân Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo (năm 1930) đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập tự do dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội.

Ngày nay, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động chính là tiêu chí hoạt động của tổ chức công đoàn Việt Nam. Tổ chức công đoàn của người lao động trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp…cần quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ:

Đảm bảo đời sống vật chất:

Đảm bảo lương và thu nhập hàng tháng: Với công chức Nhà nước hưởng lương ngân sách, để đảm bảo đời sống của người lao động trong thời kỳ ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã nâng mức lương tối thiểu cho người lao động. Từ ngày 1-5-2010, lương tháng tối thiểu của cán bộ công chức, lao động làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ sẽ tăng từ mức 650.000 lên 730.000 đồng/tháng. Gần đây nhất, quyết định tăng lương tối thiểu chung lên 1.050.000 đồng/tháng; phụ cấp công vụ là 25%; chế độ với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế là chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2012. Quyết định tăng mức lương tối thiểu thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người lao động. Quyết định này không chỉ giúp người lao động bớt lo về những khó khăn của cuộc sống mà còn giúp họ gắn bó hơn với nơi mình công tác.

Công đoàn các đơn vị còn biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, thành tích cao hàng năm. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà CNVCLĐ nghèo, hoàn cảnh thực sự khó khăn, CNLĐ bị tai nạn lao động, trao tặng mái ấm công đoàn; phối hợp với các cấp chính quyền bảo đảm việc làm, các chế độ chính sách đối với CNVCLĐ, cải thiện môi trường điều kiện làm việc, kiểm tra việc thực hiện và chấp hành chính sách pháp luật của người sử dụng lao động. Rất nhiều chương trình như: Xoá nhà tạm; tổ chức ăn giữa ca; Đóng bảo hiểm cho lao động hợp đ ồng… cũng đã được triển khai và phát huy hiệu quả tốt. Đặc biệt ngành giáo dục còn thực hiện thường xuyên cuộc vận động “xây dựng mái ấm công đoàn” giúp đỡ những giáo viên chưa có nhà ở đang phải đi ở thuê; chương trình “Xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu vùng xa” cũng được triển khai thường xuyên và có hiệu quả.

Bên cạnh đó, còn chăm lo đến đời sống tinh thần cho người lao động bằng chương trình “Tết cho người nghèo” tặng cho cán bộ công chức có hoàn cảnh khó khăn những suất quà gồm gạo nếp, mứt, rượu… đảm bảo nhà nào cũng có Tết. Các công đoàn cơ sở vẫn duy trì việc thăm hỏi công đoàn viên lúc ốm đau, sinh nở…Chia sẻ với công đoàn viên những vui buồn của gia đình. Tổ chức Ngày hội văn hoá thể thao tạo sân chơi cho người lao động. Với lao động nữ, đảm bảo chế độ nghỉ thai sản, duy trì nghỉ giữa ca cho chị em có con nhỏ dưới 12 tháng. Đảm bảo chế độ tham quan nghỉ mát cho người lao động hàng năm.

Vói các doanh nghiệp tư nhân, đã chú trọng để đời sống người lao động được cải thiện, đảm bảo mức thu nhập bình quân người lao động được nâng cao. Ngoài tiền lương, các DN còn có các chế độ tiền thưởng khác như thưởng năng suất, tiết kiệm vật tư, làm việc chuyên cần để khuyến khích người lao động; hỗ trợ tiền tàu xe cho công nhân về nghỉ Tết; thưởng tiền cho các cháu học sinh học giỏi, tặng quà 1/6, Trung thu. Nhiều doanh nghiệp đã làm nhà cho công nhân ở. Một số doanh nghiệp còn có xe ôtô đưa đón công nhân từ nhà đến nơi làm việc. Không chỉ đảm bảo mức thu nhập cho người lao động nhằm giảm bớt khó khăn khi giá sinh hoạt điện nước tăng, lãnh đạo các doanh nghiệp đều lo bữa ăn công nghiệp cho người lao động với mỗi suất ăn 15.000 đồng/bữa ăn đủ chất, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm. Cùng với đó, vẫn chú trọng đến cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Hiện nay, một số doanh nghiệp các xưởng sản xuất đều có hệ thống điều hoà không khí, nhà vệ sinh sạch sẽ, môi trường làm việc thân thiện, có Trung Tâm Y tế để chăm sóc điều dưỡng chữa trị bệnh cho người lao động, có trạm y tế để theo dõi cấp phát thuốc cho người lao động. Mỗi đơn vị đều chú ý lo tiền thưởng Tết cho công nhân.

Trong cơ chế thị trường, nhiều công ty tư nhân, liên doanh hoặc vốn đầu tư nước ngoài đã được mở trên đất nước ta, thu hút nhiều lao động trong nước. Tuy nhiên vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp tư nhân còn chưa chăm lo đến đời sống người lao động, cá biệt còn ngược đãi người lao động. Nhưng tổ chức công đoàn Việt Nam đã vào cuộc bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm cho người lao động Việt Nam. Đơn cử sự việc xảy ra vào khoảng 11 giờ trưa ngày 26-11-2011 tại Công ty giày Hong Fu Việt Nam ở khu công nghiệp Hoàng Long, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Khi viên chủ quảntên là A Vương (người Trung Quốc) phát hiện 1 công nhân Nguyễn Thị Phương dùng keo Con Voi 502 mua ở ngoài vào để dán giày, A Vương liền quát tháo, dùng keo 502 đổ lên tay, sau đó bắt phải ép hai bàn tay lại với nhau, khiến chị Phương hoảng sợ nên ngất lịm, phải nhập viện cấp cứu. Sau khi sự việc xảy ra, LĐLĐ huyện Hoằng Hóa đã vào cuộc nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Theo ông Hà Xuân Thành, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), LĐLĐ huyện Hoằng Hóa đã đề nghị công ty: đình chỉ công tác với vị chủ quản A Vương; chịu mọi chi phí điều trị cho công nhân Nguyễn Thị Phương và 2 công nhân khác chứng kiến cảnh này bị ngất phải cấp cứu tại bệnh viện. LĐLĐ huyện cũng yêu cầu sau khi có kết quả điều tra của cơ quan chức năng công ty phải có hình thức kỷ luật đúng mức và phải thông báo cho toàn bộ công nhân biết kết quả xử lý. Được biết, lãnh đạo công ty giày Hong Fu Việt Nam đã thừa nhận việc làm của chủ quản A Vương là sai. Công ty cũng đã đồng ý đình chỉ công tác của chủ quản A Vương để phục vụ điều tra và hiện lực lượng công an đã vào cuộc để điều tra và sẽ sớm có những kết luận cuối cùng. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của tổ chức công đoàn và Liên đoàn lao động, sự việc đã kết thúc “có hậu”. Đó chính là thể hiện vai trò của tổ chức công đoàn và liên đoàn lao động các cấp đối với việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động trên đất nước Việt Nam.

Đã hơn 100 năm trôi qua, ngày quốc tế lao động 1.5 hàng năm vẫn là ngày hội biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Với người lao động Việt Nam, được chăm lo đời sống vật chất tinh thần thường xuyên là thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN. Không chỉ như thế, liên đoàn lao động các cấp còn bảo vệ quyền lợi cho người lao động, là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho người lao động trong các công ty tư nhân. Đáp lại sự quan tâm đặc biệt ấy, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn lãnh thổ Việt Nam nguyện làm việc và cống hiến hết sức mình, phát huy khả năng của mình để chung tay xây dựng đất nước, hoàn thành sự nghiệp CNH – HĐH.

Diễm Nguyệt