Chậm công khai các kết luận thanh kiểm tra là vô tình dung dưỡng cho sai phạm?

(Dân trí) - Nhằm hạn chế tối đa nạn tiêu cực, các cơ quan cao nhất của Đảng đã, đang làm gương công khai nhiều nội dung quan trọng, thì đáng tiếc, một số cơ quan quản lý vẫn không hoặc chần chừ công khai những nội dung được phép công khai.


Nếu minh bạch thông tin, chắc chắn sẽ không có hậu quả nặng nề như một số trạm thu phí BOT hiện nay

Nếu minh bạch thông tin, chắc chắn sẽ không có hậu quả nặng nề như một số trạm thu phí BOT hiện nay

Việc thất hẹn hết lần này đến lần khác công bố kết luận thanh tra đối với Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái của Thanh tra Nhà nước khiến dư luận không đồng tình. Đây cũng là một ví dụ điển hình được một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH (UBTV QH) dẫn ra tại buổi UBTVQH (ngày 18.9) cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, trong đó có công tác phòng chống tham nhũng. Ông Đỗ Văn Đương - Phó Trưởng Ban Dân nguyện – cho rằng, “với vụ việc lớn qua thanh tra phải công khai rộng rãi cho đúng thời gian quy định, bởi nhiều việc thanh tra xong cứ để đấy.” Tại sao “cứ để đấy” và tại sao cứ khất lần việc công bố kết luận thanh tra? Đây là những câu hỏi thực sự gây nhức nhối dư luận. Bởi với những gì công luận đã đăng tải về biệt thư hoành tráng của ông Giám đốc sở TN& MT Yên Bái một cách tổng quan và chi tiết, nhưng thanh tra vẫn chưa thể công bố kết luận là điều dư luận khó có thể chấp nhận.

Và, những nhà báo thấm thía hơn những khó khăn (nhiều khi là vô vọng) khi muốn tiếp cận một kết luận thanh tra. Dù rằng, theo luật, các kết luận thanh tra đều phải được công khai (trừ một số trường hợp đặc biệt). Nếu hiện nay, các kết luận thanh tra Nhà nước đều được đưa lên cổng thông tin điện tử của mình (dạng thông báo kết luận), thì tại sao ở một số địa phương, một số bộ, ngành, các kết luận thanh tra vẫn chưa thể công khai?

Tương tự, công cuộc chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu Kiểm toán Nhà nước sớm công khai kết quả kiểm toán từng vụ việc, thay vì để cuối năm mới công bố một lần. Chẳng hạn, trong mục công khai kết quả kiểm toán mới nhất trên cổng kiemtoannn.gov.vn là “Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2016” đăng tải ngày 10.7.2017. Trong báo cáo này, năm 2016 đã kiểm toán tại 204 đơn vị (đầu mối, chủ đề) từ năm 2015, được thống kê, tổng hợp lại thành một số chuyên mục. Điều đó khiến dư luận có góc nhìn tổng quan (của mãi năm 2015), tuy nhiên, nếu từng kết quả kiểm toán được công khai kịp thời và sớm nhất thì không chỉ hiệu quả phòng chống tham nhũng cao hơn rất nhiều mà còn lấy lại được lòng tin của người dân với các cơ quan công quyền. Vậy lý do gì chúng ta không sớm triển khai?

Hiện, trên cổng thông tin điện tử của TAND TC, các bản án từ cấp huyện đến các bản án giám đốc thẩm với số lượng rất lớn đều được cập nhật hàng ngày. Điều đó cho thấy, việc công khai từng kết quả kiểm toán không hề khó về mặt kỹ thuật, chỉ có điều, các vị lãnh đạo ở các đơn vị này có muốn công khai theo luật hay không mà thôi. Tất nhiên, dư luận cũng rất biết và không đòi hỏi công khai với những kết luận thuộc dạng mật. Còn vì sao không hoặc chậm công khai đa số các kết luận có thể công khai thì trong dân sẽ có người này người kía suy diễn, không có lợi cho đinh hướng suy luận.

Đáng nói là, trong khi đó, Bộ chính trị đã công khai toàn bộ tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Và vấn đề rất “nhậy cảm” (theo cách suy nghĩ trước đây) là, các kết luận về những sai phạm của tất cả các cán bộ cao cấp đều được Ủy ban Kiểm tra Trung ương sớm công khai toàn bộ trên cổng thông tin của mình. Vậy lẽ gì, các kết luận thanh tra, kiểm toán còn không hoặc chần chừ công khai hoặc chỉ cho báo chí biết dưới dạng thông báo kết luận?

Minh bạch thông tin là một trong những giải pháp hữu chống các loại tệ nạn, đặc biệt nạn tham nhũng - điều mà ai cũng biết. Vậỵ, vì lý do gì mà một số quan chức, một số cơ quan lại không muốn minh bạch thông tin?

Vương Hà