Cảnh giác với chiêu trò mạo danh, chia rẽ nội bộ

Những năm gần đây, xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch và đối tượng xấu sử dụng để chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội, chia rẽ nội bộ và quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân. Trong đó, có cả những thủ đoạn “ném đá giấu tay” dù chỉ là thứ bóng tối nhanh chóng bị xua tan trước ánh sáng sự thật nhưng vẫn được chúng sử dụng nhiều lần.

Công phá vào chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân

Hiện tượng này đã diễn ra nhiều lần, nhiều năm, dư luận xã hội đã quen thuộc đến mức ít bận tâm tới chúng nhưng chúng ta vẫn cần khái quát, nhận diện để đấu tranh và đẩy lùi thứ “vi rút độc” này ra khỏi đời sống xã hội.

Hiện nay, để thực hiện Chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch tiến hành rất nhiều thủ đoạn chống phá. Một trong những mũi nhọn mà chúng tập trung công kích gần đây chính là chia rẽ quân đội và nhân dân. Sự gia tăng tần suất chống phá ấy vì Quân đội nhân dân luôn là lực lượng trung thành, tin cậy tuyệt đối, là chỗ dựa của chính quyền và nhân dân, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định gần đây: Quân đội dù trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào cũng luôn một lòng, một dạ trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, xứng đáng với lòng yêu mến, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân


 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tấn công, hạ thấp uy tín của quân đội chính là âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ máu thịt quân đội và nhân dân, phá hoại sức mạnh, chỗ dựa của Đảng, Nhà nước và nhân dân, công phá vào “thành trì của niềm tin”.

Chiêu trò “nói dối vụ lớn”, ném đá giấu tay

Gơ-ben (Paul Joseph Gôbbels), Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã, từng nêu một lý thuyết: “Một điều lừa dối bịa đặt khó tin nhất, nếu được nhắc đi nhắc lại trăm ngàn lần sẽ được mọi người tin là thật”. Trùm phát-xít Hít-le (Hitler) cũng từng phổ biến đòn hiểm độc mang tên “nói dối vụ lớn” vì “Đối với tâm hồn giản dị đơn sơ của quần chúng, nói dối vụ lớn rất có hiệu lực vì quần chúng thường chỉ dám nói dối những việc nhỏ bé. Nói dối càng lớn bao nhiêu càng khiến quần chúng dễ dàng tin bấy nhiêu”.

Những chiêu thức ấy đang được các thế lực thù địch sử dụng triệt để ngày hôm nay bằng các thủ đoạn xuyên tạc, bịa đặt những thông tin xấu về nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Chúng không từ một thủ đoạn gì, từ lợi dụng các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình đến cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Chúng xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, gây bất lợi, phá hoại quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia. Ngay cả những điều thiêng liêng nhất như lịch sử dân tộc, cội nguồn con Rồng cháu Tiên, lãnh tụ, từ các thế hệ lãnh đạo tiền bối đi trước cho đến các đồng chí lãnh đạo hiện nay cũng đều bị chúng xuyên tạc cũng là điều dễ hiểu. Điều này đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gần đây nhìn nhận, chỉ rõ thủ đoạn: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Khi mà dư luận xã hội đã quá quen thuộc và không còn để ý nhiều tới các loại thông tin “hậu trường chính trị”, lá cải bịa đặt, gần đây, chúng tìm cách câu kéo, đánh lừa xã hội bằng chiêu bài đê hèn hơn, mạo danh cán bộ có uy tín, nhất là một số tướng lĩnh đã nghỉ hưu và người nổi tiếng đứng đơn thư tố cáo bịa đặt, thỉnh nguyện theo kiểu “cáo mượn oai hùm”.

Thủ đoạn đê hèn này không chỉ tạo ra thông tin giả gây bất an trong xã hội mà còn ảnh hưởng, xúc phạm tới chính uy tín, danh dự của những cán bộ bị mạo danh. Các tướng lĩnh và cán bộ lão thành cách mạng với bề dày kinh nghiệm được tôi luyện qua chiến đấu, công tác, luôn là “cây cao bóng cả”, là niềm tin, là chỗ dựa cho thế hệ trẻ và toàn xã hội. Những đơn thư mạo danh đó có thể làm tổn hại cả thanh danh của những cán bộ, tướng lĩnh trung kiên, cả một đời hy sinh, cống hiến nay bị mang tiếng “đổi màu”, “trở cờ”, “tự diễn biến” trong mắt đồng chí, đồng đội và nhân dân. Với thủ đoạn đó, chúng đồng thời đạt được mục đích vừa tấn công vào những cán bộ lãnh đạo đương chức, vừa hạ thấp uy tín các vị lãnh đạo lão thành, nghỉ hưu; vừa gây nghi kỵ, mâu thuẫn trong nội bộ, giữa đội ngũ cán bộ đi trước và lớp trẻ, giữa cấp trên và cấp dưới...

Cảnh giác, “miễn dịch” và xử lý

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, đại ý: Khi bạn khen thì mình vui nhưng khi kẻ địch khen thì mình phải cảnh giác. Lời dạy của Người đã toát lên phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong hành xử với các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch. Ngay cả khi chúng khen ngợi còn phải cảnh giác thì trước những “mưu hèn kế bẩn” chống phá, chúng ta không chỉ cảnh giác mà còn phải có được “hệ miễn dịch”, và phải chủ động kiên quyết đấu tranh với chúng như trong đời thường giữa ruộng lúa có cỏ dại, lúa lên xanh thì cỏ dại bị đẩy lùi.

Cha ông ta có câu “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Thông tin xuyên tạc, bịa đặt dù nguy hiểm khôn lường nhưng trong thời đại bùng nổ thông tin, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ quân đội cần xây dựng cho mình tư tưởng vững vàng trước thông tin xấu độc, luôn kiên định, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội. Kẻ địch coi đây là trận tuyến không khói súng, là cuộc chiến giành giật niềm tin thì chúng ta chỉ có thể chiến thắng bằng chính niềm tin không có gì lay chuyển được.

Lẽ dĩ nhiên, niềm tin ấy không tự nhiên có được mà phải được hun đúc bằng quá trình rèn luyện, trau dồi nhận thức, nhân sinh quan, thế giới quan, lý luận cách mạng và cả những trải nghiệm thực tiễn trong cuộc sống và công tác. Niềm tin cũng được khẳng định qua “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, qua những biến động phức tạp của thời cuộc sẽ minh chứng rất rõ vì sao Quân đội nhân dân Việt Nam luôn giành được lòng yêu mến, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân? Niềm tin ấy sẽ được khẳng định bằng kết quả hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của Quân đội ta, bằng những hành động mưu lược và chiến lược, kế sách bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong bối cảnh đầy phức tạp và thách thức, bằng hình ảnh của chính những người cán bộ quân đội trong đời thường, trong cơ chế thị trường.

Trong mấy năm qua, toàn quân ta sôi nổi, quyết tâm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Trong những giá trị phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ có sự bình tĩnh, sáng suốt trước những đòn chiến tranh tâm lý, tư tưởng của kẻ thù. Những xuyên tạc, bịa đặt, “nói dối vụ lớn” dù tinh vi đến đâu cũng không dễ dàng làm người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hoang mang, dao động.

Hành xử với loại thông tin bịa đặt trên, rất cần chúng ta là những người tỉnh táo trên mọi xa lộ thông tin, không sa đà, mất thời gian vô bổ cho những chia sẻ, bình luận không cần thiết, thậm chí lợi bất cập hại. Nhưng khi cần, chúng ta sẽ lên tiếng đấu tranh, phản bác bằng những thông tin chính thống, công khai, minh bạch để ánh sáng sự thật đẩy lùi bóng tối thông tin lừa dối. Trong những người chia sẻ, tán phát thông tin xấu, phần nhiều là những người nhẹ dạ cả tin, thiếu thông tin mà nhận thức lệch lạc, chúng ta cần giúp họ nhận thức đúng, sửa sai trên tinh thần coi trọng giáo dục thuyết phục như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đạp cho tơi bời”...

Song đối với những kẻ cố tình tán phát thông tin với mục tiêu phá hoại Đảng, Nhà nước, quân đội, phá hoại an ninh quốc gia, rất cần phải xử lý nghiêm minh vì theo pháp luật hiện hành, nhiều hành vi tung tin sai sự thật đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn từng phát biểu, hành vi tung tin bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được một số nước xếp ngang với những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước. Chính phủ Anh xếp loại tội phạm này ngang hàng với tấn công khủng bố, tấn công bằng vũ khí hóa học. Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2.000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube và cho đến nay đã có hơn 1.000 clip đã bị xóa và đã xử phạt 10 trường hợp, tính từ đầu năm 2017. Đó là những chuyển biến rất tốt để làm trong sạch, lành mạnh môi trường thông tin trên internet. Nhưng trên thực tế hiện nay, trên internet vẫn còn rất nhiều trang, clip bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội mà chưa bị xử lý triệt để.

Các cơ quan pháp luật, dù đề cao giáo dục thuyết phục nhưng phải chủ động trong đấu tranh, phòng ngừa và đẩy lùi tội phạm trên mặt trận thông tin, tư tưởng, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục với tiến hành biện pháp hành chính, xử lý theo pháp luật, kể cả pháp luật hình sự. Với những kẻ cố tình xuyên tạc, bôi xấu, xúc phạm danh dự của tập thể, cá nhân vì động cơ chính trị đen tối, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cần được xử lý một cách kiên quyết, triệt để, nghiêm minh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, đại ý: Khi bạn khen thì mình vui nhưng khi kẻ địch khen thì mình phải cảnh giác. Lời dạy của Người đã toát lên phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong hành xử với các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch. Ngay cả khi chúng khen ngợi còn phải cảnh giác thì trước những “mưu hèn kế bẩn” chống phá, chúng ta không chỉ cảnh giác mà còn phải có được “hệ miễn dịch” và phải chủ động kiên quyết đấu tranh với chúng như trong đời thường giữa ruộng lúa có cỏ dại, lúa lên xanh thì cỏ dại bị đẩy lùi.

NGUYỄN VĂN MINH

Theo báo Quân đội nhân dân