Bạn đọc viết:

Cần làm gì để tránh thất thoát đầu tư công?

(Dân trí) - Hàng trăm triệu USD được đầu tư cho những con đường vừa mới làm xong đã hỏng, hàng nghìn tỷ đồng bị ném xuống sông xuống biển bởi một số người là lãnh đạo Vinashin, PMU 18 ... Tình trạng đó do đâu?

Đáng tiếc là tình trạng thất thoát ghê gớm này xảy ra khá phổ biến ở những tập đoàn, tổng công ty, những đơn vị núp bóng “doanh nghiệp nhà nước”. Trong khi  người dân lao động đang ngày ngày phải oằn mình kiếm từng đồng lẻ mưu sinh và để đóng góp cho nguồn ngân sách của nhà nước. Cuộc sống của đại đa số tầng lớp nhân dân lao động, trí thức, tiểu thương đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, nhất là trong thời buổi lạm phát, giá cả sinh hoạt leo thang và còn bao nhiêu loại phí dự kiến sẽ ban hành theo “sáng kiến” của Bộ GTVT. 
 
Những bữa cơm của người dân lao động vốn đã đạm bạc giờ đây lại càng đạm bạc hơn. Những hộp sữa hằng ngày cho con nhỏ  ít dần đi theo từng tuần, từng tháng… Chúng tôi thực sự sót xa cho những đồng tiền mồ hôi công sức khó nhọc mà người dân kiếm được lại bị sử dụng lãng phí, bị thất thoát do tình trạng tham nhũng phổ biến. Người dân sẽ đỡ khổ biết bao, xã hội sẽ tốt đẹp biết bao nếu những số tiền thất thoát khổng lồ ấy được ngăn chặn kịp thời và được sử dụng đúng chỗ.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Nhưng điều thật đáng buồn  là tệ nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng và phổ biến hơn. Nếu có ai đó nắm được số tiền thất thoát hàng nghìn tỷ đồng hằng năm và thử làm một phép tính đơn giản, để có thể biết  bao nhiêu người dân lao động phải làm việc vất vả trong bao nhiêu thời gian mới có thể mang về cho ngân sách nhà nước chừng ấy tiền.

 

Không biết ngày mai, ngày kia còn có bao nhiêu vụ tham nhũng, rửa tiền, sử dụng ngân sách nhà nước sai mục đích nữa. Nhiều người biết sai nhưng vẫn cố tình làm nhằm trục lợi cho cá nhân.  Lòng tham của con người là vô đáy và nó luôn luôn tồn tại.

 

Để kiềm chế được tình trạng tham nhũng thật không dễ, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và mọi người phải tự đấu tranh với chính bản thân mình. Điều này thật không dễ vì đã có bao nhiêu phong trào đấu tranh phê bình và tự phê bình được tiến hành cả trong hàng ngũ của Đảng cũng như bộ máy lãnh đạo chính quyền các cấp, nhưng kết quả cuối cùng vẫn như các bạn đã thấy hiện nay.

 

Còn có một cách khác để hạn chế lòng tham của con người đó là biện pháp răn đe. Pháp luật chính là công cụ để chúng ta thực hiện điều này. Ai đó dù có tham lam đến mấy nhưng khi nghĩ đến hình phạt nghiêm khắc mà mình sẽ phải chuốc lấy, tất nhiên sẽ phải nghĩ  lại và chùn bước.
 
Cần làm gì để tránh thất thoát đầu tư công?
Các bị cáo trong vụ Vinashin tại phiên tòa xét xử vừa qua (ảnh Internet)

 

Tôi nghĩ, đã đến lúc Chính phủ cần phải thực sự nghiêm túc và mạnh tay với tệ nạn tham nhũng mới mong cải tạo được xã hội. Hãy cứ nhìn vào những người sai phạm nghiêm trọng, tham nhũng hàng triệu USD, làm thất thoát của ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Đấy là những con sâu khổng lồ đục ruỗng xã hội, cần bị trừng trị đích đáng.

     

Khi trình độ nhận thức của con người trong xã hội chưa đạt đến mức tự giác thì càng cần tăng cường các biện pháp quản lý. Mọi cơ chế đều phải tạo điều kiện cho sư công khai, minh bạch. Mmặt khác pháp luật phải nghiêm minh, xử lý đúng người đúng tội, dù họ là ai và ở cương vị nào, để có đủ sức răn đe với mọi người.

 

Phải xử lý thật nghiêm minh mới đẩy lùi và ngăn chặn được vấn nạn tham nhũng đã trở thành phổ biến. Không chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt như hiện nay, cần phải xử nặng hơn, phạt tù nhiều năm, thậm chí là tử hình nếu mức độ vi phạm cực kỳ nghiêm trọng. Nếu không làm được điều này thì dù đầu tư công có cắt giảm đến mức nào, thất thoát ngân sách nhà nước vẫn sẽ vô cùng lớn.

 

Điều thứ hai có thể giúp kinh tế đất nước đi lên là hạn chế sự độc quyền của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước như hiện nay. Hãy tạo ra một môi trường kinh tế cạnh tranh lành mạnh để phát triển. Vì các doanh nghiệp nhà nước phần lớn là hoạt động không có hiệu quả. Chẳng hạn ai cũng có thể nhìn thấy Vietel khuyến mại 100% mà vẫn có lãi, tại sao các tập đoàn viễn thông khác  không làm được như vậy mà phải cấm khuyến mại. Điều này làm cho giá cước viễn thông của Việt Nam gấp 3 lần Thái Lan và 2 lần Trung Quốc.

 

Và còn rất nhiều ví dụ khác nữa mà chắc hẳn ai ai cũng biết. Vậy kính mong các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng như Quốc hội hãy theo sát tình hình thực tế và đề ra các biện pháp chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư công, sử dụng có hiệu quả hơn nguồn ngân sách của nhà nước. Từ đó tìm cách tháo gỡ bớt khó khăn cho người dân, để họ có thể sống ngày một tốt hơn và thêm tin tưởng vào Đảng,  vào bộ máy lãnh đạo của Nhà nước.
 
Xin chân thành cảm ơn!
 

                                                                                                                                                                                           Tô Văn Khang

 

LTS Dân trí-Nếu để tình trạng tham nhũng còn diễn ra phổ biến như hiện nay thì sự đầu tư của nhà nước cho mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế-xã hội  chẳng khác nào rót tiền của vào những cái thùng không đáy. Nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các tập kinh tế nhà nước và còn để xảy ra tình trạng tiêu tiền “của chùa” và “canh chung không ai bỏ muối” diễn ra như nhiều năm qua, thì thật khó thu được kết quả khả quan trong khu vực kinh tế quan trọng này.

 

Khắc phục được hai điều nói trên chính là biện pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả của đầu tư công, cũng như góp phần tích cực vào việc đẩy lùi tình trạng lạm phát đến mức hai con số mà chúng ta đang phải ra sức kiềm chế.