Cân đức, đo tài cán bộ phải dựa trên thực tiễn

Tại Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng đang diễn ra, trong 6 vấn đề thảo luận và quyết định, có một việc rất hệ trọng, đó là cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược của đất nước.

Ngày 20.5 tới, kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu ý kiến của một số cán bộ đã từng có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tổ chức cán bộ cũng như các cán bộ đang làm nhiệm vụ này hiện nay về công tác đánh giá, lựa chọn cán bộ…

 

Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó ban Tổ chức TƯ Đảng: “Bỏ phiếu tín nhiệm nếu làm không tốt sẽ cho kết quả ngược”

 

Phóng viên Lao Động có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó ban Tổ chức TƯ, người có bề dày kinh nghiệm trong công tác tổ chức của Đảng, đặc biệt đã tham gia làm công tác nhân sự của Đảng qua nhiều khoá.
 
Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó ban Tổ chức TƯ Đảng.
Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó ban Tổ chức TƯ Đảng.

 (?) Dựa vào đâu để “cân đo” đánh giá đức tài của một lãnh đạo, thưa ông?

 

- Tôi thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong BCHTƯ  Đảng, trong Quốc hội (QH) là rất tiến bộ. Đảng viên nói riêng và nhân dân nói chung rất trông chờ vào kết quả thiết thực của chủ trương này.

 

Thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chúng tôi đã bàn rất nhiều về đánh giá cán bộ thế nào cho chính xác, khi đó lãnh đạo Đảng bàn luận nhiều về đánh giá cán bộ dựa trên tiêu chí đức và tài. Sau đó, qua mấy kỳ đại hội Đảng, vấn đề được khẳng định là đánh giá cán bộ qua đức và tài, nhưng nhấn mạnh đức là quan trọng, đức là gốc và đức - tài phải được đánh giá qua hiệu quả công việc, lấy công việc làm thước đo chuẩn, chứ không phải cứ nói đức - tài chung chung.

 

Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó ban Tổ chức TƯ Đảng, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng nhiều khoá, tham gia làm công tác nhân sự Đảng từ khóa III đến khóa X.

(?) Được biết thời kỳ đương chức, ông từng là người đề xuất, đề bạt một cán bộ vào vị trí bộ trưởng; nhưng chỉ sau đó một năm, chính ông lại đề nghị phải cách chức vị bộ trưởng này. Vậy phải chăng việc đánh giá nhân sự cũng dễ bị nhầm lẫn?

 

- Đúng là có chuyện đó! Lúc đó Bộ Chính trị- mà trực tiếp là đồng chí Đào Duy Tùng- hỏi tôi: Tại sao năm trước anh là người giới thiệu đề bạt nhân sự nói tốt thế, mà nay anh đề nghị cách chức lại nói xấu thế? Tôi nói với anh Tùng, con người ta không phải khúc gỗ, con người thay đổi có khi chỉ sau một đêm. Ông này làm vụ trưởng, thứ trưởng thì tốt, nhưng khi ông ấy lên chức bộ trưởng thì ông ấy lại suy nghĩ về quyền lợi, chức tước của ông ấy. Vậy nên tôi cho rằng, nói đức - tài chung chung là không được!

 

Thời kỳ còn Bác Hồ, công tác lựa chọn cán bộ lãnh đạo rất chặt chẽ, Bác chọn ít thôi nhưng chất lượng. Trước mỗi lựa chọn, Bác nghe nhiều ý kiến cán bộ trong Nam - ngoài Bắc. Trong Di chúc của Bác, có 3 vấn đề chính yếu Bác dặn dò về công tác cán bộ, đó là: Đoàn kết trong Đảng; hết lòng thương yêu nhau trên tình đồng chí, đồng đội; phải là người đầy tớ của nhân dân. Bây giờ có thể lấy 3 điều này để soi chiếu đánh giá cán bộ.

 

(?) Quan tâm đến công tác tổ chức nhân sự của Đảng, nhiều người tâm đắc với ý kiến cho rằng nếu đề bạt, bổ nhiệm nhân sự sai, hãy cách chức “anh tổ chức” trước?

 

- Đúng vậy! Công tác cán bộ là nguyên nhân của nguyên nhân. Làm công tác tổ chức phải trung thực, không được quan liêu. Công tác tổ chức không được trở thành độc quyền, phải dân chủ, lắng nghe nhiều ý kiến. Để xảy ra tình trạng cán bộ tha hoá, biến chất thì nên cách chức, kỷ luật “anh tổ chức” trước. Những cán bộ làm công tác kiểm tra, tổ chức rất dễ bị mua chuộc, bị đưa vào guồng tiêu cực, vậy nên chuyện tâm - đức với các cán bộ ở đây phải rất được chú trọng.

 

-          Xin cảm ơn ông.

 

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng: Không phải nhận được 100% phiếu ủng hộ là xuất sắc
 
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng.

 

"Chẳng ai mất đến 100% phiếu ủng hộ và cũng không phải cứ nhận được 100% phiếu ủng hộ là xuất sắc. Chỉ cần đạt trên 50% là trúng quy hoạch. Tuy nhiên, đã làm người quản lý- ngoài đạo đức, năng lực và nỗ lực phấn đấu- thì phải có khả năng thu phục lòng người, để mọi người hiểu và ủng hộ cho những quyết định đúng đắn, hợp lòng người của mình. Tôi nghĩ đây cũng là một tố chất quan trọng của người làm quản lý".   

 

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP. Đà Nẵng - ông Bùi Văn Tiếng: “Việc lấy phiếu tín nhiệm lẽ ra phải làm từ lâu”
 
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.Đà Nẵng - ông Bùi Văn Tiếng
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.Đà Nẵng - ông Bùi Văn Tiếng

 

Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, đây là việc lẽ ra đã phải thực hiện từ lâu. Các nước trên thế giới xem triển khai việc lấy ý kiến, thăm dò, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với cán bộ... là cần thiết và họ đã làm từ lâu. Bây giờ chúng ta mới triển khai, nhưng cũng không thấy có gì mới, riêng. Vấn đề quan trọng là làm sao để việc lấy ý kiến không bị rơi vào hình thức.

Theo ông Tiếng, việc lấy phiếu tín nhiệm, bước đầu phân đối tượng nhân sự ra làm nhiều cấp. Trong đó, lấy phiếu để thăm dò, đánh giá 3 cấp độ là tín nhiệm cao; tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Nhân sự có tín nhiệm thấp thì mới đưa ra bỏ phiếu (tức là lấy ý kiến bất tín nhiệm). Đến bước đó thì mới có nhiều vấn đề để cho ý kiến.
 
Việc bỏ phiếu tín nhiệm trở thành hoạt động bình thường tại nhiều quốc gia. Tại Mỹ, hình thức bỏ phiếu này thường chỉ là một hành động mang tính biểu trưng, dù rằng các hành động mạnh có thể được thực thi sau đó. Tại Thái Lan, Thủ tướng Yingluck Shinawatra hồi tháng 11.2012 đã vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do những đối thủ của bà trong quốc hội khởi xướng, với 308 phiếu ủng hộ, 159 phiếu chống. Tại Italia hôm 29.4, chính phủ liên minh tả - hữu mới do Thủ tướng Enrico Letta đứng đầu đã phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại hạ viện với tỉ lệ ủng hộ áp đảo.     A.P
 
Theo Minh Tâm, Nguyễn Hùng, Thanh Hải
Lao Động