Cần có văn hóa khi đến đền, chùa

Những ngày đầu năm mới cũng là thời điểm khắp mọi miền đất nước bước vào mùa lễ hội. Điều đáng mừng là những năm gần đây, ban quản lí các khu di tích lịch sử đã vào cuộc và xử lí một cách kiên quyết những hành vi phản cảm. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, mỗi mùa lễ hội qua đi, vẫn để lại những “hạt sạn" văn hóa.


Đến đền, chùa, mỗi người cần có tâm trong sáng và giữ chuẩn mực văn hóa.

Đến đền, chùa, mỗi người cần có tâm trong sáng và giữ chuẩn mực văn hóa.

Chuẩn mực trong phát ngôn, trong cách ăn mặc và ứng xử khi đến khu di tích, đền chùa miếu mạo là nét văn hóa cần có ở mỗi du khách, nhất là đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, dù các phương tiện thông tin đại chúng có nói nhiều về vấn đề này, ban quản lí các khu di tích có quy định rõ ràng nhưng nhiều người, nhất là giới trẻ vẫn ngang nhiên vi phạm.

Sự lệch lạc trong chuẩn mực về văn hóa trước di tích xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận du khách khi không xác định được những chuẩn mực về văn hóa khi bước chân vào chốn thanh tịnh, linh thiêng; do sự cố tình vi phạm của nhiều du khách, coi đền chùa chỉ là nơi đến vãn cảnh mà không hề nhận thức được sự tôn nghiêm trong văn hóa ứng xử.

Bên cạnh đó, một số khu di tích chưa quản lí chặt chẽ vì thế không kịp thời xử lí và uốn nắn những hành vi gây phản cảm trước cửa phật. Tình trạng du khách thả tiền lẻ xuống giếng thiêng ở một số di tích, đặt tiền lẻ trước bàn thờ Phật, trang phục thiếu nghiêm túc, chen lấn, xả rác tùy tiện, viết vẽ, khắc chữ bừa bãi trong khu di tích; rồi hàng quán "chặt chém", trông xe giá cao, hàng rong đeo bám du khách… vẫn diễn ra.

Trên thực tế, phần đông người dân đến đền, chùa để lễ phật, tri ân công đức người đã có công với làng với xã, quê hương cầu may cầu phúc cho gia đình, con cháu…Tuy nhiên, điều đáng buồn là vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân lại đến đền, chùa nhằm “giãi bày” những điều phàm trong cuộc sống để mong thần phật linh thiêng yểm trợ cho qua khỏi. Người thì do cho vay tiền hay hợp đồng mua bán gì đó lâu không đòi được nợ bèn “chắp lễ chắp bái” lên đền cầu cúng thần thánh, mong được giúp đỡ để đòi được nợ. Rồi có người đến đền chùa để vái lạy, kể lể rằng ở cơ quan mình có tên những người này người kia thường hay ghen ghét, đố kị, để ý, ngầm hại mình, rồi mình đang phấn đấu lên chức này chức nọ, muốn tăng lương trước thời hạn, rồi bản thân đang phấn đấu để được ngồi chỗ này chỗ kia…

Thiết nghĩ, đền, chùa, miếu, phủ là nơi thờ cúng phật và thần thánh, thành hoàng, là nơi linh thiêng. Lên chùa, đền để tìm đến nơi thanh tịnh, làm cho tâm hồn thư thái, cầu mong được khỏe mạnh và bình an.

Trong những năm gần đây, điều đáng mừng ở chỗ, ban quản lí các khu di tích đã thật sự kiên quyết khi xử lí kịp thời những hành vi lệch chuẩn về văn hóa ở chốn linh thiêng. Điều đó đã góp phần quan trọng để trả lại đúng tính chất vốn có của lễ hội và nâng cao nét đẹp văn hóa trong ứng xử của người dân đối với di sản.

Điều quan trọng để đảm bảo được nét đẹp trong văn hóa của du khách khi đến đền, chùa thuộc trách nhiệm ở cả hai phía. Thứ nhất, đó là công tác tổ chức, quản lí và sát sao của ban quản lí các khu di tích. Thứ hai là sự nhận thức của người dân về những chuẩn mực văn hóa khi đến vãn cảnh, cầu may nơi thanh tịnh.

Du khách cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về điều này trước khi đến di tích như sự tuyên truyền, nhắc nhở của các địa phương, khu dân cư và ngay cả các công ty du lịch. Các nhà trường cũng cần đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản và ứng xử văn hóa trước di sản cho học sinh để mỗi em có sự nhận thức đúng đắn khi đến các điểm di tích, đền, chùa.

Mùa lễ hội đang diễn ra khắp mọi miền trên đất nước ta, du khách thập phương nô nức đi lễ hội, du xuân. Song, dù ở thời nào, ở đâu, người đến lễ đền, chùa cần nhất là cái tâm trong trái tim mỗi con người. Có tâm, có đức thì dù khó khăn gì trong cuộc sống chúng ta cũng có thể vượt qua được./.

Theo Nguyễn Thế Lượng

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam