“Cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng”

(Dân trí) - Những nội dung mới trong quy định về Đảng trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi theo ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là làm sao cho những quy định mới này thực sự đi vào cuộc sống.

Bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến nhân dân đang thu hút nhiều sự quan tâm việc bổ sung một nội dung trong Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng. Cụ thể, Điều 4 được thiết kế thêm khoản 2, quy định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Ông có ý kiến gì về điểm mới này?

Trong các cuộc Hội thảo về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thời gian vừa qua, đa số ý kiến đề nghị giữ Điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng; tuy nhiên cũng có ý kiến chưa đồng tình. Ý kiến của tôi phát biểu ở các cuộc Hội thảo ấy là cần giữ Điều 4 và có những bổ sung cần thiết.

Bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, ở Điều 4, với việc bổ sung thêm nội dung mới là cần thiết. Điều đó, thể hiện sự nghiêm túc và tính khiêm tốn của Đảng ta. Tuy nhiên, để khắc phục những nhược điểm trong Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 cũng như Điều 4 mới được bổ sung, tôi đề nghị 2 phương án sau:

Phương án 1: Việc bổ sung nội dung mới vào Điều 4, qua nghiên cứu thấy rằng, thực chất đã nằm trong nội dung của khoản 2 Điều 4 của Hiến pháp năm 1992. Việc đưa nội dung mới này nên bổ sung vào khoản 2 Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 và điều 4 nên được viết lại như sau:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”
“Cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng”
Ông Vũ Mão: "'Nnội dung mới trong Điều 4 là một trong những chốt quan trọng nhất của Hiến pháp sửa đổi lần này" 

Phương án 2: Việc bổ sung nội dung mới là cần thiết, nhưng cần làm rõ cơ chế nào để nhân dân giám sát các hoạt đông của Đảng; cơ chế nào để Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình? Đây là vấn đề rất quan trọng, có làm rõ được vấn đề này thì mới khắc phục được những thiếu sót vừa qua. Vậy cần thiết bổ sung vào khoản 2 Điều 4 như sau:

2. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân; việc giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, do luật định.”

Vậy theo quan điểm cá nhân ông, bước tiếp theo phải làm như thế nào để những quy định mới này có thể đi vào thực tiễn?

Theo tôi, việc Đảng ta chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình cần được luật hóa. Luật này quy định rõ nội dung, cách thức Đảng lãnh đạo và chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Khi tôi nêu ý kiến này cũng có người không đồng ý vì cho rằng sẽ ràng buộc Đảng hoặc hạ thấp uy tín của Đảng. Nhưng theo tôi, cần có luật này vì nội dung mới trong Điều 4 là một trong những chốt quan trọng nhất của Hiến pháp sửa đổi lần này và thể hiện tư duy đổi mới của chúng ta trong hoàn cảnh hiện nay, Đảng phải thực sự là của dân, vì cuộc sống của dân, là đầy tớ của dân chứ không phải là loại người như Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”

Thế đấy, một bộ phận không nhỏ này là vô đạo đức, họ đứng trên dân, tham nhũng và vơ vét của dân. Đó là điều không thể chấp nhận được. Trong khi đó ta lại chưa có một chế tài cụ thể nào về sự lãnh đạo của Đảng, về cơ chế giám sát của nhân dân và sự chịu trách nhiệm của Đảng trước nhân dân về quyết định của mình. Vì thế rất cần có Luật về sự lãnh đạo của Đảng.

Cũng nhằm tăng cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực giữa các cơ quan lãnh đạo đất nước, bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng sửa đổi bổ sung một số vấn đề liên quan đến chế định Chủ tịch nước. Chủ tịch nước được tăng thêm một số quyền như phong hàm sỹ quan cấp tướng, quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ, trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu triệu tập Chính phủ họp về những vấn đề thuộc trách nhiệm quyền hạn của Chủ tịch nước… Ông đánh giá thế nào về hướng thay đổi này?

Tôi tán thành việc lập Hội đồng Hiến pháp, nhưng cần làm rõ hơn về thành phần của Hội đồng, không nên chỉ toàn đại biểu QH. Đại biểu QH chiếm 1 tỷ lệ hợp lý. Ngoài ra, Hội đồng cần gồm những người có nhiều kinh nghiệm về chính trị, luật pháp và tư duy đổi mới.
Tôi ủng hộ việc quy định Chủ tịch nước phong hàm sỹ quan cấp tướng thay vì quy định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân như hiện hành. Tôi cũng tán thành việc quy định Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ và khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Nhưng viết như dự thảo thì nội dung điều luật này không rõ. Nếu Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp nhưng ai chủ trì cuộc họp này? Ở đây cần nêu rõ là Chủ tịch nước chủ trì phiên họp.

Còn quy định nữa về quyền hạn của Chủ tịch nước, căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương thì sao thưa ông?

Trong các nội dung mới của chương về Chủ tịch nước duy điểm này tôi không đồng ý. Quy định như vậy không hợp lý vì hiện nay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã hoạt động chuyên trách, số thành viên cũng chỉ có hơn mười lăm người, thường xuyên có mặt ở Thủ đô Hà Nội, cớ gì không tổ chức họp được.
 
Một hướng sửa đổi khác hiện đang nhận nhiều tranh luận là việc bỏ quy định “thành phần kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”. Quan điểm của cá nhân ông về vấn đề này?

Tôi rất hoan nghênh. Việc thay đổi này là thể hiện quan điểm, tư duy mới về kinh tế đã đề cập trong Nghị quyết Trung ương 6. Nếu Hiến pháp lần này thực hiện được thì sẽ tạo những thay đổi mang tính đột phá, thậm chí hơn cả cương lĩnh Đại hội 11 đưa ra. Quy định này làm cho tất cả các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau và cùng phát triển.

Liệu có phải việc xác định thành phần kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế trước đây đã tạo ra hệ quả thực trạng hoạt động của khối DNNN với nhiều tồn tại và cả nhức nhối như hiện nay?

Thực ra, nói cho công bằng, cũng không nên đổ dồn toàn bộ cho quy định như thế. Những tồn tại quá nặng nề như hiện nay, một phần không nhỏ là còn do điều hành. Nếu cứ làm thẳng thắn, làm một cách trong sáng, khách quan, không vụ lợi thì cũng không đến mức làm “đứa con cưng” hư hỏng, gây thiệt hại cho nền kinh tế đến mức như vừa rồi.

Tôi muốn nhắc lại: Chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là một quá trình gian khổ đau đớn. Tôi mừng vì có nhận thức mới và mong rằng ở nhiều nội dung quan trọng khác trong Hiến pháp cũng có những đổi mới về tư duy.

Thời điểm làm Hiến pháp 1980, tôi đang là Bí thư huyện ủy Tiên Yên (Quảng Ninh). Theo kế hoạch chung, tôi chỉ đạo nhân dân trong huyện đóng góp rất nhiều ý kiến. Nhưng sau đó không nhận được phản hồi gì, không biết được tiếp thu đến đâu. Xây dựng Hiến pháp 1992, là thành viên Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp, tôi biết rất rõ việc tiếp thu ý kiến của nhân dân không được bao nhiêu. Nhân dân thì rất tâm huyết và công phu đóng góp ý kiến. Nhưng cũng không vui bởi sự tiếp thu có là bao nhiêu! Nguyên nhân là do nhân thức và dẫn đến cách làm vẫn còn mang tính hình thức. Vậy lần này phải tính tới việc đổi mới phương thức lấy ý kiến người dân. Sau bước lấy ý kiến này phải tổng hợp một cách rất công phu. Đồng thời Ủy ban sửa đổi Hiến pháp phải thảo luận về kỹ những nội dung mà người dân tham gia ý kiến, nên làm từng chương một và phải thảo luận một cách công khai, tường thuật trực tiếp cho người dân theo dõi.
 
Xin cảm ơn ông!

Phương Thảo – Cấn Cường (thực hiện)