Cần có chế độ thỏa đáng đối với giáo viên chủ nhiệm

(Dân trí) - Qua gần 10 năm gắn bó với “nghiệp trồng người”, cũng chừng đó thời gian tôi được giao trách làm nhiệm chủ nhiệm lớp. Vì vậy, có thể hiểu mọi công việc mà giáo viên chủ nhiệm lớp phải hoàn thành.

Nếu căn cứ vào nội dung Điều lệ trường trung học phổ thông hiện hành, ta có thể hình dung công việc của một giáo viên chủ nhiệm (GVCN) chỉ đếm được đầu ngón tay, chứ không quá nặng nề như bài viết của tác giả Thái Công Trường Giang đăng trên Báo Giáo dục & thời đại Online. Tuy nhiên, nếu ai đó đi sâu tìm hiểu và nhất là đã kinh qua làm công tác chủ nhiệm mới biết được tường tận mọi công việc của giáo viên chủ nhiệm phải làm.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Qua gần 10 năm liên tục làm giáo viên chủ nhiệm, tôi có thể tự hào về những thế hệ học sinh mà tôi từng dìu dắt với vai trò là thầy chủ nhiệm. Quả thật điều đó không đơn giản, không phải một sớm, một chiều là có thể đạt tới điều đó. Muốn vậy, GVCN phải chấp nhận sự vất vả, nhất là phải có tấm lòng thật sự thương yêu học sinh, thậm chí có cả sự hi sinh ít nhiều quyền lợi của mình. Ai đã từng làm GVCN với đầy đủ ý thức trách nhiệm mới biết được công việc của họ diễn ra nhiều khi âm thầm mà chỉ có người trong cuộc mới biết được, mới có sự đồng cảm, và hiểu hết mọi khó khăn. Nhất là đối với giáo dục vùng sâu, vùng xa, các vùng miền hẻo lánh, công việc này càng vất vả hơn gấp bội khi chính GVCN phải đi đến tận từng thôn bản, đến tận từng gia đình để vận động các em, vận động gia đình để các em tiếp tục đến trường; trong khi đó điều kiện đời sống vật chất và tinh thần đều thiếu thốn, eo hẹp, làm sao vừa chăm lo cho học sinh, lại còn lo cho đời sống cá nhân và gia đình mình ?

Thực tế, một khi đã xác định chọn vào con đường dạy học để lập nghiệp, hẳn không ai có thể “thoát” được việc “phải làm” GVCN, dù đó không phải là công việc suốt đời. Tuy nhiên, công tác chủ nhiệm cũng đem lại cho thầy giáo


, cô giáo nhiều niềm vui trong cuộc sống, chính những thế hệ học trò yêu quý đã tiếp thêm sức mạnh cho thầy cô trong công tác, chính các em là những “đứa con” tinh thần để mỗi người thầy, người cô, đồng thời là những người cha, người mẹ ở trường có thêm nhiều lí do để phấn đấu, để quyết tâm, có thêm sức mạnh để vượt qua được những khó khăn vướng mắc trong nghề. Nhiều thế hệ học sinh dù đã ra trường hàng chục năm nhưng mỗi dịp lễ tết hay nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 hàng năm vẫn không quên công ơn đối với thầy cô giáo đã từng làm chủ nhiệm lớp mình. Đó là sự động viên và là niềm vui rất lớn mà không phải ai cũng có được. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sự thay đổi của tâm sinh lý các em, cùng với điều kiên kinh tế xã hội phát triển đã và đang tác động rất lớn đến suy nghĩ, tính cách và hành động của các em như đua đòi, ăn chơi, quậy phá, và nhất là trước yêu cầu của nhiệm vụ mới của giáo dục, công việc GVCN đang đặt ra cho đội ngũ thầy cô không ít khó khăn, nhiều áp lực trong công việc khiến nhiều giáo viên rất ngại làm công tác chủ nhiệm, thậm chí còn có người sợ phải làm giáo viên chủ nhiệm.

Nếu may mắn, nhận được lớp học khá, giỏi thì công việc chủ nhiệm thuận lợi hơn, cũng dễ thành công, ít khi bị lãnh đạo phê bình nhắc nhở. Phụ huynh các lớp đó cũng thường quan tâm đến việc phối hợp giáo dục con cái. Ngược lại, nếu không may gặp phải lớp học không đồng đều thì sao? Chỉ cần trong lớp có vài ba em học sinh cá biệt là GVCV

Cần có chế độ thỏa đáng đối với giáo viên chủ nhiệm  - 1

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)

đã vất vả lắm rồi. Hơn nữa, công việc của GVCN không dừng lại việc chăm lo giáo dục những những học sinh cá biệt, mà còn phải giải quyết những công việc phát sinh trong quá trình giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm. Ngoài hàng chục các loại hồ sơ, sổ sách phải hoàn thành, GVCN còn phải tham gia rất nhiều công việc: chào cờ đầu tuần; sinh hoạt cuối tuần; sinh hoạt 15 phút đầu buổi học; hoạt động hướng nghiệp; hoạt động ngoài giờ lên lớp, chưa kể đến việc phải tham gia tổ chức các hoạt động, các phong trào thi đua của Đoàn phát động, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc họp của Họi đồng chủ nhiệm… Nếu là chủ nhiệm lớp 12, GVCN còn phải làm nốt công tác tư vấn tuyển sinh Đại học cao đẳng, hướng dẫn làm hồ sơ sao cho đảm bảo chỉ tiêu, nếu không sẽ bị phê bình. Ngoài ra, GVCN cũng là người chịu trách nhiệm chính về quản lí nề nếp, thi đua, quản lí lao động vệ sinh, trực nhật, quản lí cơ sở vật chất của lớp học do mình chủ nhiệm; nếu thực hiện không tốt cũng khó được xếp hạng thi đua… Rồi áp lực của tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, tỷ lễ đỗ Đại học, Cao đẳng cũng là do GVCN đảm nhiệm và nhận phần lớn trách nhiệm. Và có lẽ khó khăn nhất đối với GVCN là công tác thu hàng chục các khoản đóng nạp trong năm với tổng số tiền cả lớp lên đến ba bốn chục triệu đồng/lớp/năm học. Trong điều kiện thời buổi kinh tế khó khăn, bão giá leo thang như hiện nay, đây quả là sức ép lớn nhất đối với GVCN. Bởi nhiều lí do, nếu thu không kịp thời theo định mức đề ra lại bị phê bình nhắc nhở, cuối năm trong xếp loại thi đua cho lớp cho GVCN sẽ “được” cân nhắc. Ngược lại, nếu muốn thu đủ, thu kịp để lấy thành tích thì sức ép với học sinh là quá lớn, vô hình chung, GVCN phải chịu “một cổ hai tròng”, “trên đe, dưới búa”.

Chưa dừng lại ở đó, nỗi khổ của GVCN còn do sức ép thành tích cuối năm, nhất là đối với các lớp chuyên, chọn; đầu năm GVCN phải đăng ký số lượng bao nhiêu HSG Quốc gia, bao nhiêu HSG tỉnh, bao nhiêu HSG trường, thành tích và danh hiệu tập thể lớp cuối năm??? Thế là vô tình, chỉ tiêu trở thành sức ép cho GVCN lại càng lớn. Đồng ý rằng chỉ tiêu là để phấn đấu, nhưng nhiều khi chỉ tiêu cao quá lại làm khổ cả thầy lẫn trò. Tác dụng phụ của chỉ tiêu chính là bệnh thành tích tái phát mà không dễ điều trị. Thậm chí, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một số đơn vị trường học còn tổ chức cho trường mình một đội cờ đỏ của trường, mà nòng cốt là học sinh làm công tác theo dõi, chấm điểm các lớp và GVCN từng tuần, từng tháng để tổng hợp xét thi đua cuối năm. Đây là điều mà chúng tôi cảm thấy rất vô lí, khi mà lẽ ra những người đang được giáo dục, dạy dỗ, uốn nắn thì các em lại đi làm điều ngược lại – Chấm điểm thầy cô. Nhiều thầy cô giáo cuối năm mất danh hiệu thi đua cũng chỉ vì lớp chủ nhiệm của mình không tốt, không đảm bảo được nề nếp.

Công việc vất vả là thế, tuy nhiên điều đáng nói là mỗi tuần như vậy, theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, mỗi GVCN chỉ được quy đổi để giảm bằng 4 tiết dạy, ngoài ra không có một chế độ phụ cấp, hay hỗ trợ nào về vật chất cho GVCN. Thế nên có ý kiến cho rằng, nếu đổi công tác chủ nhiệm bằng việc dạy thêm 10 tiết họ cũng sẵn sàng.

Thiết nghĩ, công việc chủ nhiệm hết sức vất vả, đòi hỏi không chỉ ở sự tâm huyết, lương tâm nghề nghiệp của người thầy mà còn đòi hỏi họ phải đầu tư nhiều công sức thời gian, thậm chí còn có sự hi sinh của nhà giáo. Do đó để động viên khuyến khích nhà giáo phát huy khả năng và có nhiều đóng góp hơn nữa cho giáo dục, ngoài công việc dạy chữ, hơn bao giờ hết Bộ GD&ĐT cần có sự điều chỉnh hợp lý, hoặc là tăng số tiết định mức cho công tác chủ nhiệm, hoặc là có một phần phụ cấp nhất định cho công việc hết sức vất vả nhưng có nhiều ý nghĩa này.

Phan Anh Tú

Trường THPT Hà Huy Tập – Cẩm Sơn – Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh

LTS Dân trí- Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phấn đấu cũng như chăm lo mọi mặt hoạt động giáo dục của lớp học để đạt được những mục tiêu đề ra cho cả năm học.

Rất nhiều công việc mà GVCN phải làm như bài viết trên đây đã phản ánh, nhưng chế độ trừ giờ dạy chưa tương xứng với thời gian và công sức của GVCN bỏ ra. Điều này là không công bằng và chưa động viên được giáo viên hăng hái tham gia công tác chủ nhiệm.

Mong rằng Bộ GD-ĐT cũng như các cấp quản lý giáo dục nên xây dựng và thực hiện chế độ đối xử thỏa đáng đối với GVCN, vừa đem lại sự công bằng cho những giáo viên được phân công làm chủ nhiệm, vừa tạo ra động lực để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác chủ nhiệm lớp.