Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động

(Dân trí) - Biểu hiện thường thấy của bất kỳ nền kinh tế nào khi gặp khó khăn là nạn thất nghiệp do các doanh nghiệp cắt giảm nhân công. Trong tình hình suy thoái kinh tế nói chung, nước ta không tránh khỏi tình trạng đó.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ của cơ quan quản lý lao động về số lượng người mất việc làm trên phạm vi toàn quốc, nhưng quan sát bằng “mắt thường” cũng có thể thấy được hàng vạn người lao động đang đứng  trước nguy cơ mất việc làm do doanh nghiệp đang phải phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh, lùi về cố thủ “tránh bão”.

 

Đang có xu hướng người lao động ở thành phố quay ngược trở về quê. Nông thôn Việt Nam bao giờ cũng vậy thường là nơi dễ bị người ta quên khi sung sướng, lại là nơi trú ngụ mỗi khi người ta sa cơ lỡ vận. Theo dự báo, tình trạng khó  khăn về công ăn việc làm sẽ trầm trọng hơn trong năm 2012 khi nhiều hợp đồng bị đánh tháo, nhiều ông chủ phải giãn thợ. Hơn lúc nào hết việc bảo vệ quyền lợi của người lao động bị mất việc làm trong lúc này càng trở nên cấp thiết.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

 

Bộ luật lao động, luật bảo hiểm xã hội và một rừng  các văn bản hướng dẫn thi hành nó  cũng không làm người ta yên tâm khi quyền lợi của người lao động vẫn không được đảm bảo trên thực tế. Người sử dụng lao động ở nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình lờ đi những quyền lợi chính đáng của người lao động.

 

Đó có thể là việc giới chủ cố tình không ký kết hợp đồng lao động để có thể sa thải nhân viên bất cứ lúc nào. Đó còn là việc họ trốn tránh không đóng, hoặc đóng không đúng mức BHXH cho người lao động.

 

Ví dụ như có thông tin về việc “đại gia” Nguyễn Thị Diệu Hiền của công ty Bianfishco nợ bảo hiểm xã hội của công nhân lên tới hàng tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp ở các địa phương nợ đóng bảo hiểm cho công nhân ở những mức độ khác nhau.

 

Nếu không có khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nếu mọi việc đều suôn sẻ thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng khi buộc phải cắt giảm nhân công - điều mà không ai mong muốn, thì mọi rắc rối và thiệt thòi sẽ xảy ra đối với người lao động.

 

Không hợp đồng, không BHXH đồng nghĩa với những quyền lợi của họ bị tước bỏ như: trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm thất nghiệp. Lác đác đã có cảnh chủ doanh nghiệp phải trốn chui trốn lủi vì nợ lương công nhân. Xảy ra cơ sự này mới thấy nhận thức pháp luật của người lao động còn quá sơ sài, cho dù sức ép cần việc làm có thể làm cho người ta dễ dàng chấp nhận những điều khoản bất lợi cho mình khi đặt bút ký hợp đồng lao động.     

 
Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động
Đầu năm, công nhân tập trung xin việc tại cổng các công ty ở Đà Nẵng (ảnh: tienphong.vn)
 

Tuy vẫn còn đó những công đoàn cơ sở, hệ thống hùng hậu các cơ quan thanh tra lao động, thế nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về lao động phải nói là phổ biến hiện nay, kể cả các doanh nghiệp quốc doanh. Bên cạnh đó, trong nhiều doanh nghiệp, chính cán bộ công đoàn còn đứng trước nguy cơ mất việc làm, tức là bản thân họ còn không lo nổi thì quan tâm và giúp được ai?

 

Luật pháp và toà án luôn là những nơi cuối cùng mà người lao động có thể nhờ cậy để bảo vệ quyền lợi  của mình, nhưng không phải ai cũng biết và còn không biết ai phải chỉ ra cho họ con đường bảo vệ quyền lợi của mình trước toà trong bối cảnh thủ tục khởi kiện vụ án lao động còn nhiều vòng vo và phức tạp như hiện nay. Mặt khác doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, biết kiện ai bây giờ?

 

Khủng hoảng, thất nghiệp là một trong những yếu tố thường xảy ra trong nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh này thật cảm động khi ở đâu đó vẫn có những doanh nghiệp trăn trở với bài toán công ăn việc làm cho người lao động. Hơn lúc nào hết, người ta nói nhiều đến vấn đề chia sẻ khó khăn, liên kết cùng vượt khó giữa giới chủ và thợ. Tuy nhiên, để giải quyết gốc rễ câu chuyện bảo vệ  quyền lợi của người lao động, có lẽ các cơ quan quản lý và tổ chức công đoàn không thể đứng ngoài cuộc.

 

                                                                  TS. Đinh Thế Hưng

 

LTS Dân trí - Bản chất tốt đẹp của chế độ ta là luôn coi trọng quyền lợi chính đáng của người lao động. Điều đó không chỉ thể hiện ở đường lối, quan điểm của những văn kiện của Đảng và Nhà nước mà còn được thể chế hóa thành chính sách, chế độ và hệ thống pháp luật.

 

Nhưng trên thực tế, vẫn xảy ra không ít trường hợp quyền lợi chính đáng của người lao động bị vi phạm, bị kéo dài thời gian làm việc theo quy định mà không được hưởng tiền làm thêm giờ, môi trường làm việc thiếu vệ sinh, không có đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động. Thậm chí không có hợp đồng lao động, hoặc có hợp đồng nhưng chủ không thực hiện đầy đủ các điều khoản, nhất là không đóng đầy đủ các loại bảo hiểm…

 

Vì vậy khi lâm sự như xảy ra tai nạn lao động, người lao động bị mắc những căn bệnh nghề nghiệp, bị mất sức lao động. Hoặc do tình hình suy thoái kinh tế, chủ phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản, nhiều công nhân bị thất nghiệp như tình hình đã và  đang diễn ra…đều dẫn đến những hậu quả mà người công nhân phải chịu thiệt đơn thiệt kép.  

 

Vì vậy, các cấp chính quyền và các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước cũng như hệ thống tổ chức Công đoàn cần quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ, tư vấn pháp lý và và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được hưởng  quyền lợi hợp pháp đã được ghi trong hệ thống pháp luật.