Bi, hài chuyện dân biết, nhưng cơ quan chức năng… không biết!?

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: việc một góc bán đảo Sơn Trà bị xới tung lên nhưng cơ quan chức năng không biết, khi biết, mức xử phạt mỗi móng biệt thự không phép chỉ có 1 triệu đồng/ 1 móng, không bằng mức phạt một anh tài xế đã uống rượu nhưng vẫn cầm vô lăng (từ 2- 18 triệu đồng)?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Từ hai biệt phủ ở đèo Hải Vân đến…

Nhìn lại cách thức phát hiện và xử phạt ở Đà Nẵng thời gian qua, dư luận băn khoăn vì sao ở đây nhiều dự án khủng xây không phép cứ lặp đi lặp lại.

Trước đó, cũng ở Đà Nẵng, 2 biệt phủ hoành tráng vẫn vô tư hoàn thiện trên đèo Hải Vân, dù xây dựng trên mảnh đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, không giấy phép xây dựng. Chỉ đến khi các cơ quan truyền thông vào cuộc quyết liệt, các cơ quan chức năng mới bắt đầu nhúc nhích. Nếu một biệt phủ được chủ nhân tự giác phá dỡ, thì ngược lại, với biệt phủ của đại gia Ngô Văn Quang, các cơ quan chức năng phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần việc phá dỡ trước với lý do quyết định thời gian phá dỡ lần trước chỉ “gây sức ép” với thân chủ là chính!? Thậm chí, lần gia hạn được cho là “cuối cùng” của thành phố cho đại gia này là ngày 30.11.2015. Nhưng gần đến hạn, ngày 28.11, lãnh đạo ở đây lại ra văn bản tạm dừng phá dỡ để chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ!!

Vậy đâu là căn nguyên thực sự của các lần “tạm hoãn” này? Đây là câu hỏi vẫn chưa có lời giải

Còn chuyện kỷ luật những cán bộ để “con voi chui lọt lỗ kim”, chỉ là những cán bộ thừa hành nho nhỏ: đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận, phó chủ tịch phường, họ cùng chịu độ kỷ luật…khiển trách!? Còn lực lượng kiểm lâm, một số cán bộ từ kiểm lâm viên tới hạt trưởng kiểm lâm cũng bị kỷ luật với mức …không xét thi đua khen thưởng!

Nếu chỉ xét về tài sản, chỉ việc phải phá dỡ hai biệt phủ này, hàng trăm tỷ đồng của xã hội đã bị phá hủy. Nhưng tệ hại hơn, đó là niềm tin của người dân vào sự công minh của các cơ quan chức năng tiếp tục bị xói mòn. Vậy mà, đến lúc kỷ luật lại chỉ xem xét với người thừa hành công vụ be bé, liệu dư luận có thể đồng tình? Bởi lẽ, liệu những cái “ô” của ông hạt trưởng hay đội trưởng đội quy tắc có đủ che chắn cho hai công trình đồ sộ này không? Chắc chắn là không! Chính vì kiểu kỷ luật như vậy, cũng dễ hiểu vì sao vụ 2 biệt phủ chưa nguôi, nay thêm chuyện doanh nghiệp có thể dễ dàng đổ móng 40 biệt thự dù chưa có phép. Bởi, cán bộ bị kỷ luật kiểu ấy (khiển trách hoặc không xét thi đua khen thưởng) chỉ là muỗi so với những “lộc” mà họ được hưởng. Nhưng tiếp theo, một lần nữa cơ quan chức năng ở đây làm cho công luận sửng sốt khi xử phạt việc đổ móng không phép của 40 biệt thự đó chỉ là 40 triệu đồng!? Chính quyền liệu có cách lý giải nào để thuyết phục người dân về kiểu phạt này?

Chính quyền ở đây cho rằng: Đây là vùng đã được quy hoạch, chỉ là chủ đầu tư “nóng vội”. Liệu lý sự này có thể thuyết phục được ai? Chắc chắn là không. Bởi, quy hoạch là một chuyện, nhưng xây ở đâu, mật độ thế nào… lại là chuyện hoàn toàn khác, rất khác. Chính vì vậy mới có việc, từ quy hoạch đến bản vẽ xây dựng được chấp thuận có khi kéo dài từ vài tháng đến vài năm là chuyện… bình thường.

Đấy là, trong phạm vi bài này chưa đề cập đến vị trí nhậy cảm về an ninh quốc phòng của các biệt thự này nếu nó tiếp tục được xây dựng

Do đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu có mối quan hệ gì không giữa việc một góc bán đảo Sơn Trà bị xới tung lên nhưng cơ quan chức năng không biết với việc, khi buộc phải biết, mức xử phạt mỗi móng biệt thự không phép chỉ có 1 triệu đồng/ 1 móng, không bằng một anh tài xế đã uống rượu nhưng vẫn cầm vô lăng (mức phạt từ 2 – 18 triệu đồng và tước bằng lái có thời hạn)? Còn gì bi hài hơn?

Vương Hà