Góc nhìn chuyên gia

Báo chí có nên đi quá sâu vào đời thường

Lái cộng đồng theo đường hướng quên chuyện lớn, quốc gia đại sự, để chỉ chú trọng đến chuyện đời tư của những người nổi tiếng – dù người đó là một chính khách hay một diễn viên, ca sĩ. Điều đó không nên.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Cuộc bầu cử Tổng Thống Pháp vừa xong. Tất cả mọi người theo triết lý dân chủ, dù cho họ đã theo đường lối của một ứng viên nào khác đều chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử, bởi đó là ý dân.

Chủ đích của bài này không phải là bàn chuyện chính trị mà bàn chuyện báo chí và xã hội.

Thật vậy, trong suốt cuộc bầu cử, và sau khi kết quả đã được tuyên bố, nhiều nhà báo trong nước và thế giới nói về đường lối chính trị của các ứng viên, bởi đó là một vấn đề có liên quan đến tất cả mọi người trên quả đất này: Chuyện chính trị của cường quốc thứ năm trên thế giới không chỉ giới hạn trong chuyện nội bộ của cường quốc đó. Các quốc gia khác không ít thì nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, ta sống cùng trên một quả đất, môi trường là môi trường chung của mọi người, tiếp tục những đối ngoại trên căng thẳng chiến tranh chính sách về môi trường của một nước lớn như nước Pháp thế nào cũng liên quan đến mái nhà chung.

Ông Macron thắng cử. Tức là Pháp sẽ theo một chính sách đặt quyền lợi của tầng lớp nào trong xã hội lên hàng đầu, có tiếp tục chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm hay không, có đặt mục tiêu bảo vệ môi trường như mục tiêu sống còn hay không v.v...

Quan trọng như vậy mà cuộc bầu cử Pháp, báo chí ít nói về đường lối của ông Macron mà nở rộ nhiều bài về mối tình “đũa lệch” giữa ông và bà vợ ơn ông 24 tuổi, về tiếng sét ái tình của cậu thiếu niên Macron lúc 15 tuổi, về phản ứng của cha mẹ ông Macron trước mối tình ấy, và sáng nay về sở thích thời trang của bà Macron hay những bí quyết của bà để giữ sắc đẹp dù đã là U70.

Tất cả mọi người đều có quyền có cuộc sống riêng tư và có quyền bảo vệ chuyện đời của mình. Ông Macron có dùng chuyện tình của ông như một trong muôn ngàn phương tiện truyền thông tiếp thị để đi đến thắng cử là quyền của ông ấy. Nhưng mọi người có bổn phận dừng cái nhìn tò mò của mình trước hàng rào “privacy”.

Chỉ có cái là chuyện “privacy” thì lôi cuốn người đọc. Một số báo ở nước ngoài chuyên khai thác các chủ đề đó để “bán”. Nhưng đó là những báo người đọc có thể chọn lựa mua hay không mua, đọc hay không đọc.

Trong khi các báo Việt Nam là các báo cho đại đồng, cho tất cả mọi người đọc. tờ báo nào đăng nhiều về chuyện ấy là từ từ lái cộng đồng theo đường hướng quên chuyện lớn, quốc gia đại sự, để chỉ chú trọng đến chuyện đời tư của những người nổi tiếng – dù người đó là một chính khách hay một diễn viên, ca sĩ. Điều đó không nên.

Nguyễn Huỳnh Mai