Bàn về nghệ thuật… chê và sự tiếp thu cầu thị trong giới Showbiz Việt

(Dân trí) - “Cuộc chiến ngôn từ” (có lẽ nên dùng mấy từ đó thì đúng hơn) giữa khán giả với nhau dường như vẫn chưa hạ nhiệt, dù những chuyện được cho là “đối đầu ồn ào”giữa một vài gương mặt nổi trội trong giới Showbiz Việt hiện nay cũng chẳng có gì là mới cho lắm.

Đẹp và Hoàn hảo - những giá trị tương đối

 

Đẹp và Hoàn hảo - những giá trị tương đối

 

Sở dĩ như vậy cũng chỉ vì đó là chuyện liên quan tới những người của công chúng. Họ càng được yêu mến, ngưỡng mộ hay tới mức thần tượng bao nhiêu thì cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận bị “săm soi”, “mổ xẻ” và thậm chí cả… đay nghiến nhiều bấy nhiêu với gần như nhất cử nhất động (lẽ ra phải được tôn trọng theo quyền riêng tư) của mình.

 

Nghịch lý là vậy, nhưng đời là thế mà! Nếu không thế thì chúng tôi cũng như hàng triệu người VN khác có đôi khi không kiềm chế nổi bản thân mà lỡ lời qua tiếng lại với ai đó, khiến người ấy nổi đóa đốp chát lại… cũng “chẳng ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới”. Ngay cả khi nếu những người bình thường chúng ta muốn tạo ra 1 sự cố (scandal) nào đó, chắc cũng chẳng có ai thèm để ý đâu ngoài đôi ba người thân quen. Vậy đó.

 

Là những con người sống trong cộng đồng xã hội, một trong những việc quan trọng hàng đầu mà ai có lẽ cũng phải học (có khi suốt đời) đó là học cách ứng xử sao cho có văn hóa, xứng đáng với tư cách của con người văn minh - lịch sự - có tri thức… Cách ứng xử giữa các nghệ sĩ – những người của công chúng – với nhau, càng thu hút sự quan tâm lớn hơn từ người dân nói chung và các fan hâm  mộ nói riêng.

 

Đặc biệt khi các nghệ sĩ góp ý cho nhau, những lời nói đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thì không còn là của riêng giữa họ với nhau nữa, mà đã bị “cộng đồng hóa” để ai quan tâm cũng có thể đưa là  lời bình luận, nhận xét của riêng mình.

 

Nói về cái lý của mỗi bên, Nguyễn Diên nguyendien39@yahoo.com dẫn lại kinh nghiệm của người xưa:

 

“Các cụ ta thường có câu: "Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Và còn những căn dặn khác như: "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", hoặc "Sự thật mất lòng" ngụ ý tới những người dám nói thẳng, nói thật. Nhưng đã là con người thì ai mà chẳng thích được khen, được ca ngợi, được trở thành người hoàn hảo và lẽ dĩ nhiên là không muốn mình bị chê (bị chê tức là mình đã làm việc gì đó không được hoàn hảo, dù đã có ai dám khẳng định và định nghĩa thế nào là hoàn hảo đâu?)

 

Về vấn này tôi nghĩ cũng giống như hai người cãi nhau, ai cũng cho là mình đúng. Mong mọi người cùng suy ngẫm. Đây là suy nghĩ cá nhân của tôi thôi. Đôi khi mình muốn góp ý thì nên suy nghĩ kỹ xem mình nên nói thế nào, để người nghe có thể hiểu được một cách dễ dàng nhất và từ đó rút ra được kinh nghiệm cần thiết. Tôi cũng mong tất cả chúng ta nên suy nghĩ kỹ để có thể lường trước được cả hậu quả (nếu có) từ những gì mình nói ra. Còn về các nghệ sĩ, ai cũng đều là người của công chúng cả. Tôi chỉ muốn dẫn lại mấy câu thành ngữ đã được các thế hệ trước đúc kết và truyền lại cho thế hệ sau, mong mọi người cùng suy ngẫm”.

 

Toàn toannguyen@yahoo.com nêu rõ vai trò của người nghệ sĩ là đem lại những cái ĐẸP cho đời, bởi vậy cần luôn thể hiện được những gì là đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của bản thân trước công chúng:

 

“Người nghệ sĩ có sứ mệnh mang cái ĐẸP tới cho đời, làm cho xã hội giàu có về mặt tinh thần thông qua các sản phẩm giải trí chất lượng. Mang cái ĐẸP nghệ thuật đến cho xã hội, thì bản thân cũng phải ĐẸP trong lời nói, trong văn hóa ứng xử (nhân cách). Vì thế, tôi thấy TL có thể tạo ra cái đẹp về nghệ thuật nhưng cách nói lại dễ làm tổn thương người khác. Không thể lấy bất cứ lí do nào (cho dù nói là có ý tốt), để biện hộ cho cách thể hiện mà tôi cho là còn chưa hay về nhân cách như thế”.

 

Lê Vũ Quỳnh Nga levuquynhnga84@yahoo.co.uk nhấn mạnh vai trò định hướng thẩm mỹ nghệ thuật mà người nghệ sĩ cần lưu tâm thể hiện qua cả lời nói và việc làm của mình.

 

“Tôi cho là những người nổi tiếng ấy càng nên nói ra những suy nghĩ của mình, ít nhất là đối với những lĩnh vực mà họ am hiểu. Bởi những gì họ nói có thể mang tính định hướng cho thẩm mỹ nghệ thuật của phần đông khán giả VN, mà theo tôi thấy vốn chỉ đang dừng lại ở mức độ "thưởng thức".  Mỗi người có một cách nhận xét khác nhau và chắc chắn không lúc này thì lúc khác sẽ có những ý kiến trái chiều nhau. Lúc ấy chúng ta có thể suy nghĩ và xem xét cái nào có lí, cái nào không… Ở đời xem ra quan trọng nhất đôi khi lại là sự CẦU THỊ nhỉ!”

 

Được vậy thì chắc chắn đã không có nhiều phản hồi với rất nhiều “dấu chấm than” như của Yen Ngoc maingocpl6868@gmail.com:

 

“Tôi thật sự thấy thất vọng về cách ứng xử của những nghệ sĩ trong Showbiz VN hiện nay? Và mong báo chí có lẽ nên thôi đưa tin về những cuộc ‘khẩu chiến’ như thế này, vì càng đọc càng thấy buồn!!! Mỗi người 1 cách suy nghĩ khác nhau, làm sao để đừng làm tổn thương nhau thêm nữa. Trong sự việc này theo tôi thấy thì có lẽ chẳng có ai đúng cả, mà chỉ khiến nhiều khán giả chúng tôi thấy thất vọng về cách ứng xử của những người  được gọi là nghệ sỹ như thế….”
 
Chê sao cho ngọt…
 
 

Chê sao cho ngọt…

 

Câu “sự thật mất lòng” được dẫn ra trong rất nhiều phản hồi của bạn đọc. Song có vẻ như điều có lý đó phù hợp hơn khi mình áp dụng hoặc tư vấn cho người khác, còn ngược lại thì… mấy ai sớm tôi luyện được cho mình cái bản lĩnh vẫn tươi cười khi bị chê bai, chỉ trích?

 

Vì thế vẫn tiếp tục có thêm rất nhiều ý kiến góp ý với cách diễn đạt, ý tứ, lựa lời…trong phát biểu của giới nghệ sĩ. Sao cho người bị cho là chê cũng có được nghệ thuật chê, để người bị chê có được cách tiếp thu thật sự cầu thị.

 

“Trong xã hội ngày nay sự thành thật là đáng quý, nhưng lựa lời để diễn đạt lại là điều cần thiết. Trong lời nói của chị Thanh Lam tôi thấy có chút cao ngạo, chút coi thường. Không phải bất cứ ai bắt  buộc phải qua trường lớp mới thành danh, đặc biệt trong nghệ thuật, điều chủ chốt vẫn là năng khiếu và tài năng thiên phú. Cũng có thể ĐVH và HNH không đủ trình độ về nhạc lý, nhưng họ lại có được kinh nghiệm về làm chủ sân khấu, cũng như có kỹ thuật riêng để làm cho khán giả tiếp nhận và hâm mộ họ. Bằng chứng là anh ĐVH đã có số lượng fan rất lớn. Là người đi trước, điều khó nhất là hãy giữ được vị trí của mình trong lòng thế hệ sau. ‘Sợ’ thì dễ nhưng ‘Nể’ thì khó” - Oanh:  oanhtracy@gmail.com

 

“Tôi cũng là một khán giả, cũng từng yêu thích ca khúc và giọng hát của ai đó... Trong cuộc sống cũng vậy, tôi thấy mọi người phân tích theo từng khía cạnh của âm nhạc hay cách cư xử đều có phần đúng, phần chưa đúng theo cảm nhận và 'dữ liệu' riêng của từng người. Tôi muốn nói khá nhiều bởi không muốn bàng quan trước sự việc, nhưng cũng không muốn mình bị cuốn hút vào những chuyện gây mất thời gian, vô ích.... Tôi chỉ muốn nhắn gửi ngắn gọn: chị Thanh Lam cư xử có phần không khéo và có phần hơi… nam tính. Còn Mr. Đàm cũng không nên cư xử như kiểu người được cưng chiều quá như vậy...” - Binh:  timraroiii@yahoo.com

 

“Tôi thì nghĩ âm nhạc là đa màu sắc, mỗi một nhạc sĩ cũng như ca sĩ đều có gu riêng của mình và họ đều có một lượng fan riêng. Chẳng nên so sánh vì không thể so sánh được. Nó cũng như món ăn, mỗi người một khẩu vị, một cách chế biến khác nhau. Mong các nghệ sĩ đừng nên chê bai nhau như thế, để chúng tôi có thể hiểu là họ ‘dìm hàng’ nhau theo kiểu vậy mà đó không phải là văn hóa. Mọi người nên chấm dứt ở đây... hãy thể hiện bằng hành động. Hãy tiếp tục cống hiến và để khán giả đánh giá, giá trị của mỗi người là ở lượng fan của mình. Đó cũng là 1 sự khẳng định” - Lê Hiền:  Lthien2001vn@yahoo.com

 

“Tôi thì không thích nói nhiều. Nhưng tôi thấy là Thanh Lam nói như vậy cũng không hay lắm. Tốt hơn hết là nên góp ý để cùng nhau tiến bộ vì nền âm nhạc Việt Nam, không nên chê người khác theo cách đó. Hãy làm cách nào khéo léo hơn để danh hiệu Diva của chị luôn được coi trọng. Mỗi người có một biệt tài riêng, không ai hơn hẳn ai về mọi mặt. Tôi nghĩ người hoạt động trong lĩnh vực VHNT nên có văn hóa giao tiếp, xử sự khôn khéo hơn. Chê cũng phải có nghệ thuật thì đó mới là người có văn hóa thực thụ. Mr Đàm hay Hà Hồ có những điều mà tôi nghĩ có lẽ chị Thanh Lam không có. Thanh Lam chắc cũng chưa phải là một người hoàn hảo, vậy nên hãy biết nhìn lại mình để có cách làm cho tên tuổi của mình luôn đẹp trong lòng công chúng một cách "tự nhiên" nhất” - Nguyễn Đông Giang:  nguyengiangvta@gmail.com

 

“Tôi đã trên 50 tuổi, lại không có kiến thức âm nhạc nên có thể làm người đọc không đồng tình. Nhưng tôi thấy bây giờ mọi người hay góp ý cho nhau theo kiểu thành kiến thì phải? Những người học rộng tài cao sao không làm gì được để thay đổi thị hiếu âm nhạc đi? Hay các anh chị coi làm vậy với khán giả hiện nay khác gì ‘đàn gảy tai trâu’? … Mỗi người có gu riêng về âm nhạc, tôi chỉ thích Anh Thơ, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Mỹ Linh, Hồng Nhung. Chưa bao giờ thích Thanh Lam vì nhìn thấy Thanh Lam là thấy nhăn nhó, gân guốc… Giọng hát cũng như vậy, ứng xử cũng vậy… Cho nên cũng chỉ là góp ý, sao không chọn cách nói cho dễ lọt tai, mà dù sao đây cũng là ý kiến của cá nhân thôi mà…. Tôi nghĩ học rộng tài cao trong âm nhạc đâu chỉ có Thanh Lam, nếu Thanh Lam để chương trình kết thúc sau đó nêu chính kiến để rút kinh nghiệm cho chương trình khác, thì tôi tin là hiệu quả sẽ tốt hơn” -  Do Quyen:  quyend26@gmail.com

 

“Thanh Lam đúng hay sai?! Xin hãy cứ đọc và cảm nhận trình độ viết các nhận xét xem những ai là người ủng hộ nhận xét của Thanh Lam và ngược lại, thì chúng ta có thể hiểu. Cá nhân tôi cho rằng, âm nhạc nói riêng và các lĩnh vực nghệ thuật khác dù có muốn nói gì thì vẫn phải có chiều sâu và thực sự phải có định hướng hướng người thụ hưởng tới những giá trị đích thực, lâu bền của nghệ thuật. Chứ đừng nói tôi làm thế vì thiên hạ thích thế và tôi đang thành công đấy (???) Bởi người nghệ sĩ phải hiểu giá trị của bản thân mỗi người nghệ sĩ thực thụ là truyền đạt được cảm hứng nghệ thuật tới mọi người, khơi gợi được khả năng tiềm tàng của mọi người (VD: không phải ai cũng biết hát, nhưng nghe 1 bài hát hay do nghệ sĩ thực thụ trình bày sẽ có những rung cảm tuyệt vời tuy không đủ trình độ diễn tả vì sao hay). Cũng như người thầy giáo dạy học trò thì phải chỉ được cho các em cái nền tảng của tri thức, giúp các em phát huy hết được nội lực bản thân mới là khó và  xã hội luôn coi đó mới là  người thầy đích thực…” - Lê Ngọc Anh:  ngoccanhbds138@gmail.com

 

“Theo tôi, Thanh Lam,Quốc Trung, Quang Dũng đều là những người nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam, họ có những đóng góp nhất định cho nền âm nhạc và giải trí nước nhà. Nhưng Đàm Vĩnh Hưng cũng đã đem đến những cái mới, những cái hay, rất cá tính... để phục vụ cho công chúng yêu nghệ thuật. Những phát ngôn của 3 nghệ sĩ nêu trên có ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng mà họ đề cập đến, hơn nữa đối với những người làm nghệ thuật giải trí như Đàm Vĩnh Hưng thì đó là một vấn đề có tính nhạy cảm cao. Theo tôi thì cứ nên để cho khán giả đánh giá sẽ là khách quan nhất. Mỗi người có được những điểm mạnh và những điểm yếu khác nhau, chúng ta không nên khoét sâu vào điểm yếu của ai vì có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến công việc của họ. Hãy nhìn lại chính mình trước khi nhận xét và đánh giá người khác thì sẽ tốt hơn” - Tuấn Lộc: locgia92@gmail.com

 

Nói gần, nói xa...

 

Cùng với những góp ý từ cự ly gần, có không ít nhận xét, đóng góp và sẻ chia đến từ những cự ly xa hơn, có khi xa VN tới cả nửa vòng Trái Đất. Điều đó cũng tạo thêm những kênh khác làm phong phú hơn diễn đàn dư luận, và đó cũng là cơ sở để lâu nay nhiều bạn đọc vẫn thường ví von “trông người lại ngẫm đến ta”…

 

“Tôi là người đang sống ở nước ngoài, nhưng luôn quan tâm tới nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà. Và như tôi nghĩ, phóng viên khi phỏng vấn các nghệ sĩ đều muốn có được những lời sẻ chia chân thật hay những lời góp ý chân thành. Theo quan điểm của tôi thì tôi thấy rằng chị TL, nhạc sĩ QT hay đạo diễn QD nhận xét về ĐVH như vậy đều là những lời chân thật. Còn ĐVH thì rất mong anh đừng nghĩ điều đó có gì quá to tát để phải đáp trả như vậy. Nếu tự tin ở tài năng và cách ứng xử của mình thì cứ im lặng tiếp thu có phải hay hơn không, chứ nói ra như vậy dễ bị cho là hiếu thắng và cả… ngạo mạn nữa đấy” - Truong Nguyen:  kakanguyen80@yahoo.com

 

“Tôi xin nhắc lại ý kiến của một nhà phê bình Mỹ về lĩnh vực âm nhạc Mỹ như sau để các bạn cùng ngẫm nghĩ xem sao nhé: Có những người hát thì hay di chuyển và nhảy múa trên sân khấu, nhưng ca sĩ Adele thì không làm thế, vì Adele dùng giọng hát làm công cụ di chuyển và nhảy múa thay cho đôi chân….  Với tôi thì chỉ cần nhắm mắt lắng nghe những giọng ca vàng như NSND Lê Dung, Thu Hiền, Ngọc Tân, Quang Thọ ... hát thì cũng thấy sướng tai quá đi rồi!” - Tuy Can:  tuycan@hotmail.com

 

“Tuy có một sự nghiệp thành công nhưng khi nhớ về tuổi thiếu niên cơ cực, vất vả và không được học hành đến nơi đến chốn, Bryan vẫn luôn có một niềm đồng cảm lớn đối với những trẻ em nghèo không có cơ hội đến trường hoặc không nhận được một nền giáo dục đầy đủ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đó chính là nguyên nhân khiến quỹ khuyến học “The Bryan Adams Foundation” ra đời.

 

Tháng 3/2011, Adams đã góp mặt trên Đại lộ Danh vọng của Hollywood. Anh là ngôi sao thứ 2.435 trên đại lộ. Anh cũng vinh dự xuất hiện trong Bảo tàng Âm nhạc quốc gia Canada và được nhắc đến là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn đối với nền âm nhạc Canada. Năm 2008, Bryan được đưa vào danh sách một trong những nghệ sĩ xuất sắc nhất mọi thời đại theo thống kê của Billboard Hot 100 của Mĩ. Ngày 13/1/2010, anh nhận giải Allan Waters Humanitarian vì những hoạt động âm nhạc với mục đích từ thiện đã thực hiện trong suốt sự nghiệp ca hát của mình” - Genti:  gnoutys_vnn@yahoo.com

 

Nói gần, nói xa chẳng qua quan trọng nhất vẫn là có nói thật lòng để có được tác dụng tích cực hay không mà thôi, đúng không các bạn? Nhưng ranh giới giữa những khái niệm đó xem ra cũng mong manh và rất tương đối thôi, không dễ xác định ngay đâu. Câu trả lời chắc vẫn phải chờ thời gian mới là thước đo thẩm định đáng tin cậy nhất.

 

Kiều Anh