Bàn tiếp về văn hóa tiêu dùng

(Dân trí) - “Bài viết phê phán lối “xài sang” chỉ là ý kiến của một cá nhân mà thôi. Giờ là thời đại nào rồi mà còn giữ quan điểm như vậy? Tôi tiêu tiền trong túi của tôi lại chịu sự soi mói, công kích của người khác sao?”- Bảo Nhi nhận xét.

Bảo Nhi viết tiếp: “Thời bao cấp đến ăn một con gà người ta cũng phải giấu giếm như ngày nay giấu đồ phi pháp trong nhà. Biết bao vui mừng khi thời kỳ đó đã qua, giờ chẳng qua người ta có điều kiện, dám chi mạnh tay hơn mình thì sao lại phê phán? Thử hỏi nếu trong túi bạn không có tiền thì liệu có dám xài sang không? Tôi nghĩ dám xài tiền như thế cũng đòi hỏi phải có bản lĩnh.
 

 Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Đối với những người có tiền, thu nhập của họ toàn tính bằng USD thì bát phở Kobe có là gì, xài hàng hiệu thì có sá chi. Miễn là họ thấy vui vẻ. Cá nhân tôi toàn thấy những người giàu có họ cũng tham gia  nhiều công tác xã hội và làm từ thiện. Không có tiền cúa những người mà bạn đang chê trách đó lấy đâu mà cứu giúp những trẻ em khuyết tật, các cháu bị bệnh tim, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn?
 
Tất nhiên xã hội bao giờ cũng có những người nọ kẻ kia. Đáng lên án nên chăng là những người giàu có chỉ sành hưởng thụ mà thờ ơ trước đồng loại, anh em của mình còn quá nghèo khổ hoặc gặp lúc hoạn nạn. Và ban ạ, thay vì chỉ trích người khác, bạn hãy làm gì đó có ích hơn để xã hội công bằng, văn minh hơn. Đừng dùng thời gian rảnh rỗi nhàn hạ của mình để lên án một cách thiếu căn cứ những người “tiêu xài mạnh tay”.

 

Bạn đọc Tư Huấn:

 

“Đọc bài này, có người đồng tình nhưng cũng có những người không đồng tình. Bởi ai chẳng biết là tiền mình làm ra thì mình tiêu thế nào là quyền của mình. Riêng với bản thân tôi thì tôi thấy mình rất nghèo và lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ phải làm thế nào để có nhiều tiền lo cho gia đình. Tôi chỉ là một nhân viên văn phòng trong cơ quan nhà nước, còn chồng tôi là bộ đội. Tôi phải đi thuê nhà, nuôi con nhỏ và nuôi thêm 1 người trông trẻ nữa. Chỉ nghe thế thôi thì mọi người cũng đã hình dung ra cuộc sống của chúng tôi vất vả như thế nào, phải không ạ? Người ta có thể ăn với 750.000đ/người cho một bữa sáng, nhưng với gia đình tôi thì số tiền đó dùng cho cả ngày.
 

Nhiều lúc để mua cho con bộ quần áo mới thì phải tiết kiệm lại tiền đi chợ mấy hôm. Nhiều lúc buồn lắm nhưng lại được ông chồng an ủi: “Thôi em ạ, người ta có nhiều thì ăn nhiều, mình có ít thì ăn ít, ngoài xã hội còn bao nhiêu người khó khăn hơn mình cơ mà”. Nghe chồng nói thế tôi lại thấy ấm lòng hơn một chút. Nhưng  thật lòng tôi vẫn thích “giàu” để đỡ phải chắt bóp trong cuộc sống, chứ chưa dám mơ đến dùng hàng hiệu hay chiếc xe máy loại xịn”.      

  

Bạn đọc Hương Thủy:

 

“Kinh tế thị trường đáp ứng đầy đủ các thang bậc nhu cầu của con người. Việc trong XH hiện nay, không chỉ ở nước ta mà còn ở tất cả các nước khác, có những người tiêu xài những món đồ đắt tiền trong khi còn có rất nhiều người  khó khăn là một điều bình thường. Họ có thu nhập cao chính đáng thì hoàn toàn có quyền hưởng thụ, tất nhiên là họ đã làm tròn trách nhiệm của 1 công dân đối với XH, không thể bắt họ chịu trách nhiệm trước những người còn đang khó khăn. Tất nhiên có những người " vung tay quá trán", tiêu xài hoang phí trong tình trạng DN của họ thua lỗ, nợ nần, đó là điều đáng chê. Nhưng cũng có một số người nghèo do lười lao động, sa vào tệ nạn XH, trông chờ, ỷ lại - có nên bênh vực không? Do vậy khi đề cập tới một vấn đề XH nào đó, chúng ta nên có cái nhìn khách quan, toàn diện, không nên suy nghĩ một cách chủ quan và phiến diện.”

 

Bạn đọc Mười Hai:

 

“Tôi nghĩ bài viết này thể hiện  quan điểm  bảo thủ. Trong cơ chế thị trường dẫn tới phân hóa xã hội, người thì quá giàu, người thì quá nghèo. Nhưng họ có tiền thì họ xài đúng "đẳng cấp" của họ. Cái đó cũng là cách kích thích tính cạnh tranh làm giàu mà. Hổng lẽ có tiền vẫn bắt người ta đi xe đạp, ăn đạm bạc thì tiền dùng để làm gì? Đã làm ra tiền thì dùng tiền để phục vụ lại nhu cầu của mình. Như bản thân mình hạng trung, sáng ăn tô phở 50 ngàn, có bao giờ nghĩ người nghèo hơn mà nhịn ăn, dành 50 ngàn đó làm từ thiện chưa? Mà đòi hỏi người ăn tô phở 750k phải nhìn xuống ?”

 

Bạn đọc Quốc Anh:

 

“Nói Việt Nam mình là 1 nước nghèo.Chúng ta phải nhìn nhận lại mình, tại sao mình nghèo. Đúng là cần tinh thần lá lành đùm lá rách, nhưng các bạn thử nhìn nhận xem. Hàng năm bao nhiêu tiền của nhà nước dành cho việc xóa đói giảm nghèo, rồi còn nhiều quỹ phi chính phủ cũng dành cho mục tiêu này, tại sao năm này qua năm khác tình hình không biến chuyển được nhiều. Phải chăng những người nghèo thiếu ý chí vươn lên, chỉ chờ những sự tương thân tương ái. Bản thân tác giả đánh giá tình hình còn có phần chủ quan. Tôi thấy những người giàu (không kể những người được thừa hưởng của cải từ gia đình) thì hầu hết họ phải làm lụng vất vả, bỏ ra nhiều sức lao động, tại sao không để người ta hưởng thụ thành quả của mình làm ra. Chẳng nhẽ họ làm lụng vất vả, ăn uống bình thường rồi dành tiền để đi quyên góp ủng hộ những người lười nhác? Nếu đúng như vậy thì có bất công hay không?”

 

Bạn đọc Lê Minh Thái:

 

“Cuộc sống luôn có nhịp song hành của cầu và cung. Có người chi tiêu thì mới có công việc cho người lao động. Nếu như không có những người chi “mạnh tay” để mua các vật dụng siêu đắt hay siêu xe, thì thử hỏi các công nhân trong các công ty sản xuất ô tô, thiết bị nội thất… lấy đâu ra việc làm, lấy gì ra để nuôi sống gia đình của hàng trăm nghìn công nhân. Nếu phung phí dùng nguồn  tiền từ tham ô tham nhũng thì đáng lên án. Còn khi người ta mua những mặt hàng cao cấp thì họ đã đóng đầy đủ thuế cho nhà nước rồi. Người ta có trí tuệ, có đầu óc mới làm nên của cải thì người ta có quyền tiêu dùng. Còn nếu nói vấn đề từ thiện. Có ai dám chắc là những người trên đây không tham gia các hoạt động từ thiện. Có thể có những việc làm rất thầm lặng mà không ai biết được. Từ thiện mà phô trương, băng rôn quảng cáo thì còn tệ hại hơn là tiêu xài thế này nữa.”
 
Bàn tiếp về văn hóa tiêu dùng
Đoàn “siêu xe” trong đám cưới của một “hot girl” tại TP Hồ Chí Minh

 

Bạn đọc Nam Khánh:

 

“ Tôi muốn chúng ta cùng thử làm 1 ví dụ nhỏ sau nhé:
 
1. Bạn thu nhập 100k /ngày. Bạn chi xài 50%, và tích lũy 50% của số tiền đó, tức là: xài 50k/ngày, tiết kiệm 50k, bạn cho là hợp lý. Tương tự, 1 người khác, cùng quan điểm với bạn, cũng chi tiêu, tích lũy 50:50 thu nhập/ngày; nhưng người ta thu nhập 10tr/ngày, tức là người ta được xài 5tr, tích lũy 5tr. Còn người làm ra 100tr/ngày, thì mức chi tiêu hợp lý của người ta là 50tr, tích lũy 50tr. Như vậy thì tô phở giá 750 ngàn đ sẽ quá phí - nói khác là ngoài tầm với - đối với người thu nhập 100k/ngày. Nhưng là chuyện bình thường với người kiếm ra 10tr/ngày, và "là chuyện nhỏ" với người kiếm ra 100tr/ngày. Vì thế, chi tiêu "bạo tay" hay hợp lý thì phải dựa trên khả năng, điều kiện tài chính của từng người. Chứ như quan điểm của bạn, chẳng khác nào 2 sự việc: "tôi làm ra 1đ tôi ăn 5đ, tôi tích lũy 5đ - TÔI LÀ NGƯỜI ĐƯỢC GIÁO DỤC ĐÀNG HOÀNG" và "tôi làm ra 100đ, tôi cũng ăn 5đ, tôi mua vàng 95đ - TÔI CŨNG MỚI LÀ NGƯỜI ĐƯỢC GIÁO DỤC TỬ TẾ". Còn lại là hạng "chi bạo" và "chịu chơi" hết? Thế thì làm sao kinh tế phát triển nổi vì không có đồng tiền lưu thông. Nói thật, lúc đó những người làm ra 100k/ngày sẽ còn "lợi bất cập hại" vì sẽ không có đủ công ăn việc làm để lo cuộc sống hằng ngày.
 
2. Tôi muốn gửi tác giả và bạn pqctfc@yahoo.com.vn: Có câu, đại ý là "không biết thì nói rất hăng", vì thế để thuyết phục được người ta thì bạn nên dựa trên những thống kê, căn cứ cụ thể hãy phát biểu. Đừng đưa ra những nhận định chủ quan, áp đặt. Không hiểu bạn lấy ở đâu con số 40% những người "đem những đồng tiền không tốn giọt mồ hôi ra mua sắm" là con ông cháu cha và chủ doanh nghiệp. Ở đây tôi không nói đến những đồng tiền bất chính. Nhưng tôi nghĩ cái gì cũng có giá của nó. Để tạo ra được những đồng tiền thặng dư ấy, ai cũng phải làm việc, lao động vật mặt ra và phải trả giá bằng chính thời gian, sức khỏe và những thứ khác nữa.”

 

Bạn đọc Nguyễn Vũ:

 

“Có câu, cái gì dễ đến thì dễ đi. Đồng tiền mà những vị tiêu xài phung phí hẳn là kiếm ra quá dễ. Đất nước còn nghèo mà có những người như thế, không tham ô, không móc ngoặc, thậm chí lừa đảo, mánh mung, rồi mang tài nguyên khoáng sản ra mà bán cho nước ngoài, thì lấy đâu ra tiền mà hoang phí thế. Đồng ý là có tiền thì cứ tiêu, nhưng với tình trạng thế này thì chả có gì là đáng để vui mừng cả. Như thế này gọi là : Dân giàu nhưng nước không mạnh.”

 

Bạn đọc Nguyễn Hoa:

 

“Mình không biết có lạc đề không, nhưng mình đọc bài viết này, rồi đọc nhận xét của một số người trên đây mình thấy hơi buồn. Đa số người dân Việt Nam còn có suy nghĩ và lối sống hưởng thụ, nghĩ là mình làm ra tiền thì mình có quyền được chi tiêu theo ý thích. Đồng ý là vất vả kiếm được đồng tiền thì bạn chi tiêu nó ra sao, không ai có quyền phán xét. Thế còn những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình nghèo khó thì sao, chúng làm gì có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra. Kiếm được nhiều tiền đó là phúc của mỗi người được hưởng, thế thì cũng nên sẻ chia cho những người kém may mắn hơn mình. Bill Gate, hay một số nhà tỷ phú của thế giới họ chỉ dành một phần nhỏ tài sản lại cho con thôi, còn phần lớn tài sản của họ là để làm từ thiện.”

 

Bạn đọc Nguyễn Hiếu:

 

“Tôi xin hỏi tác giả bài báo này 1 năm đóng cho nhà nước bao nhiêu tiền thuế? Thứ nữa là những người mua "siêu xe", "siêu điện thoại" như tác giả nói, có biết họ đóng bao tiền thuế cho 1 chiếc siêu xe biển trắng không ? Số tiền họ đóng góp cho Nhà nước có khi còn nhiều hơn cả đời bạn đóng đấy, tác giả ạ. Tôi cũng chỉ là 1 người thuộc diện bình dân nhưng tôi nghĩ ai tiêu gì là quyền của người ta, miễn không ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, lợi ích của những người khác. Một điểm nữa là, khi muốn phê phán thói xấu tiêu hoang thì tác giả cần đưa ra dẫn chứng và lập luận cụ thể về tác hại của nó, ví dụ "ăn bát phở 750.000 đ thì gây hại gì, hại cho bao nhiêu người ?" Còn viết chung chung theo kiểu cảm tính thế này không có tích thuyết phục.”

 

Bạn đọc Mai Anh:

 

“Nhà nghèo nhưng "chơi ngông" càng đáng sợ! Ngày nay không ít người "nghèo" chơi ngông mới đáng sợ và đáng trách! Một số người không có tiền nộp học phí cho con, khất nợ nhưng mỗi năm "đổi xe máy" đời mới một lần, điện thoại toàn xài Smartphone cảm ứng, "không thèm chơi" đồ bấm phím. Hãy thử dạo một vòng quanh các khu "phố nhậu" của Đà Nẵng sẽ thấy mức độ "ăn chơi" ngột thở đến mức các gia đình công chức không dám "bén mảng" dù có khách nơi xa đến. Không ít người dân lao động binh thường, thu nhập không cao, chỉ ba bốn triệu/ tháng, con còn phải đi học nhưng "chiều chiều" lại kéo nhau ra quán, mỗi người "tu" hết chục BIA là chuyện nhỏ. "Mồi" thì phải đặc sản, nổi hứng còn "bao" tiếp thị dăm chục, một trăm. Về nhà cơm đạm bạc, con cái bỏ bê không đủ sữa uống.

 

Nghịch lý càng khủng khiếp khi về các vùng quê, cha mẹ xài điện thoại cảm ứng, đi xe ga đời mới, tuần vài ba bữa nhậu hay Karaoke ầm ĩ làng xóm. Con cái thất học vì "thiếu tiền". Thói a dua và "con gà tức nhau tiếng gáy" khi thấy nhà bên cạnh đổ tầng, mua sắm vật dung đắt tiền cũng thế chấp cả sổ đổ vay mượn cho "bằng chị, bằng anh", hậu quả nợ nần chồng chất. Cổ nhân dạy "liệu cơm mà gắp mắm" nhưng câu đó hình như đã quá "lạc hậu" với không ít gia đình nghèo. Nhiều nhất là các cặp vợ chồng trẻ vốn khi làm đám cưới đã "nợ đầm đìa" do đua đòi nhà hàng sang, mời cả ngàn khách dự tiệc, nay vẫn "thói nào tật nấy".

 

Hậu quả một thế hệ trẻ thơ sinh ra sống trong gia đình "ảo" về kinh tế, chỉ có vật dụng đắt tiền, không có sữa uống, bữa cơm thiếu cá, thịt. Như vậy, trẻ em vẫn có thể bị suy dinh dưỡng trong môi trường sống vật chất đầy đủ, sang trọng. Hầu hết con cái trong các gia đình này đều "èo ọt", chậm lớn, thất học hay bị các căn bệnh tinh thần vì bị cha mẹ bỏ bê chăm sóc, chỉ có quần áo, đồ dùng, phương tiện là 'sang trọng". Đáng buồn thay không ít gia đình các bạn trẻ có học, là công chức cũng bị thói xấu này xâm nhiễm. Hậu quả của lối sống gấp, đua đòi, không cơ bản và thiếu giáo dục gây ra”.

 

LTS Dân trí-Trong một xã hội còn có sự phân hóa giàu nghèo, thì tất nhiên hình thành những quan niệm tiêu dùng khác nhau theo yêu cầu của mức sống cao hay thấp. Nhưng nhìn chung, người có “văn hóa tiêu dùng” là người biết lượng sức mình để có mức tiêu dùng hợp lý, không quá sức mình và cũng không quá xa hoa so với mức sống chung của xã hội.

 

Giá trị đích thực của một con người chính là ở tầm trí tuệ, đạo đức và nhân cách chứ không phảỉ ở lối tiêu xài “sành điệu”, càng không phải là thói “đua đòi” không thích hợp với hoàn cảnh và khả năng kinh tế của mình.  Có đúng vậy không? Xin bạn đọc tiếp tục tham gia ý kiến.