Bàn thêm về đổi mới phương pháp giảng dạy

(Dân trí) - Đổi mới phương pháp giảng dạy là một vấn đề có liên quan mật thiết với mục tiêu, nội dung chương trình, cách thức kiểm tra thi cử, đào tạo đội ngũ giáo viên, cũng như trang bị cơ sở vật chất của nhà trường thuộc hệ thống giáo dục.

LTS Dân trí- Sau khi nhận được những phản hồi của độc giả về bài viết “Nên “đổi mới” hay “cập nhật” phương pháp giảng dạy”, tác giả viết tiếp bài thứ 2 để nói rõ hơn quan điểm và kinh nghiệm của mình.

Xin trân trọng cảm ơn tác giả về những ý kiến đóng góp tâm huyết nhằm góp phần xây dựng nền giáo dục nước nhà trên cơ sở biết kế thừa những giá trị truyền thống, đồng thời coi trọng việc cập nhật kịp thời những nội dung cũng như phương pháp giảng dạy tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.

 

Với nhiều năm giảng dạy ở nước ngoài, tác giả đã nghiên cứu và ứng dụng nhiều phương pháp giảng dạy giúp cho học sinh chủ động và hào hứng tham gia vào quá trình dạy và học. Có thể coi đó là những gợi ý cho việc đổi mới phương pháp dạy học đang được thầy cô giáo trong nước quan tâm.


Chúng tôi xin đăng tải bài viết của tác giả Nguyễn Huỳnh Mai để bạn đọc cùng tham khảo:

 

Đó cũng là vấn đề không chỉ thuần túy giáo dục mà còn là cơ chế, chính sách, tâm lý xã hội...

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ngay cả chỉ trên phương diện thuần tâm lý xã hội, cho người trong cuộc, đổi mới rất khó khăn: nhiều nhà xã hội học đã viết về những kháng cự trước đổi mới   phải từ bỏ thói quen cũ, tập tành thói quen mới ... Đó là hai thao tác khác nhau, chẳng những cần thống nhất trong ý tưởng, tin cậy trước những cái mới, sẵn sàng từ bỏ thói quen cũ, có khả năng thực hiện cái mới, ... mà còn cần thời gian nữa.

 

Chúng ta đã suốt đời sống trong văn hóa “đọc-chép” từ khi còn ở trường, đến khi đi dạy, chung quanh ta ai cũng làm thế cả. Không thể một ngày hai ngày mà thay đổi được. Vấn đề đã được bàn từ lâu mà chưa có gì biến chuyển thì phải tiếp tục bàn thôi.

 

Với hi vọng là ánh sáng của khoa học, dân chủ và bình đẳng một ngày nào đó sẽ rạng rỡ các thế hệ trẻ cần được giáo dục, thì ta phải làm sao để quyền đi học của các em được tôn trọng và được thực hiện tốt chừng nào hay chừng ấy.

 

Đổi mới phương pháp giảng dạy và thi cử thì một trong những điều cần làm là “đả thông tư tưởng” cho phụ huynh học sinh, để họ chấp nhận những thay đổi, để họ không đòi hỏi con cháu mình phải đạt điểm tốt hay đỗ bằng cao...

 

Bàn thêm về đổi mới phương pháp giảng dạy - 1

Đổi mới phương pháp giảng dạy và thi cử thì một trong những điều cần làm là “đả thông tư tưởng” cho phụ huynh học sinh
 (ảnh minh họa từ internet)

 

Phải làm xã hội cùng thay đổi : giá trị của một cá nhân (hay của một ứng viên) không phải ở mảnh bằng thôi mà còn ở  giá trị nhân bản, những khả năng sống và làm việc, khả năng giao tiếp và chung sống,... của người ấy nữa. Như thế gián tiếp ta sẽ bớt đi những trò sùng bái bằng cấp dẫn đến việc mua bằng, rồi loại bằng dởm, bằng giả...

 

Đổi mới không phải là bỏ hết cái cũ và chuyển dạy kỹ năng sống?

 

Một số nhà giáo quan niệm rằng “kinh nghiệm là mẹ của thành công”. Tôi lại nghĩ “hiểu biết rút ngắn con đường đi đến thành công”. Nếu người đứng trên bục giảng am hiểu hết “diễn tiến nguyên nhân hậu quả” của một phương pháp nào đó (nhờ những nghiên cứu mà mình đã đọc hay học qua) thì sẽ chọn và thực hành các bài giảng của mình một cách khoa học chứ không theo cách “dò dẫm”

Tôi đồng ý hoàn toàn với quan điểm này. Chữ “đổi mới” không sai. Nhưng tôi vẫn đề nghị chữ “cập nhật” có lẽ hợp lý hơn.

 

Vì có những cái cũ  thuộc về của cải tinh thần, chỉ cần cập nhật thêm cái mới cần thiết thôi. Mỗi chúng ta có quá khứ, đang sống với hiện tại và hướng đến tương lai. Có những “truyền thống” quí giá vô cùng mà ta phải tiếp tục kế thừa cùng với những thay đổi cần thiết cho hợp thời.

 

Tôi xin nêu lên một thí dụ  về “cái cũ” mà tôi yêu thích.

 

Tôi thuộc thế hệ của sách Quốc văn giáo khoa thư của Trần trọng Kim, học vỡ lòng bắt đầu với các chữ cái là  “i đi học, u đánh đu, ư cái lư”, hay bài tập đọc đầu tiên:

 

“Năm nay tôi lên bẩy tuổi. Tôi không chơi đùa lêu lổng như mấy năm còn bé. Tôi đi học. Tôi học đọc, học viết, học tính, học vẽ và nhiều khoa học khác nữa.

 

Tôi cố tôi học. Tôi chăm tôi học, học sao cho mau tấn tới, cho “văn hay chữ tốt”, cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng.”

 

Từ ngay bài đầu, trẻ em thời ấy đã được dạy nhiều “bổn phận” : phải cố học, phải chăm học, phải làm cho cha mẹ và thầy giáo vui lòng. Rõ ràng là lễ với văn cuộn vào nhau, người có học phải là người thấm nhuần đạo đức. Những bài tiếp theo cũng thế cả, không nói láo, không khoe khoang, trọng chữ tín, yêu quê hương, tránh các tật xấu như rượu chè, thuốc lá, ...

 

Rốt cuộc, những câu như :
 
Thấy người hoạn nạn thì thương ,
Thấy người tàn tật lại càng
trông nom.
 
Hay :
 

Con ơi, muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.

 

Chúng tôi đã thuộc nằm lòng và một số trong chúng tôi dùng chúng như những ngọn đèn soi cả cho quãng đường đời mình đi sau này. Nhà văn Sơn Nam đã viết “Tình nghĩa giáo khoa thư” về chủ đề này nữa mà !

 

Văn hóa đạo đức của quyển sách dạy vỡ lòng ấy, bây giờ nhìn lại, với con mắt của một người lớn tuổi, tôi vẫn thấy hay, dù cách tiêm nhiễm hay “nhồi sọ” có phần võ đoán. Đạo đức để giữ liên hệ giữa người với người trong xã hội, để bảo vệ sinh hoạt và cả sự sống còn của xã hội nữa. Nước nghèo thì đoàn kết và tương trợ nhau lại càng cần thiết.

 

Chắc chắn còn có những cái đẹp khác trong chương trình giáo khoa, mà ta cần phải giữ. Nhưng ta phải đi cùng với trào lưu, không thể “bế quan tỏa cảng” với những mặc cảm tự tôn. Có những tiến bộ mà ta cần học hỏi. Nhất là về phương pháp và kỹ thuật giáo dục. Đó là chuyện ... cập nhật.

 

Hiện thời, trong tình trạng kinh tế thị trường, trọng tiền bạc, ... tôi không dám đòi hỏi trường phải dạy kỹ năng sống mà cả xã hội phải để ý đến đạo đức sống. Nếu không, trường không thể một mình đưa các em đi lội ngược dòng sông.

 

Đổi mới của trường học cần được thực hiện trong một môi trường xã hội thuận lợi ... cùng đi song song để hướng tới mục tiêu ngày càng tốt đẹp.

 

Những thí dụ cụ thể về phương pháp giáo dục áp dụng được?

 

Nhiều đọc giả đề nghị tôi đưa ra những thí dụ cụ thể đã thực hành có kết quả tốt, để diễn đàn sống động hơn và thiết thực hơn.

 

Dĩ nhiên, phải đi từ những chuyện cụ thể. Nếu không, ta đều biết đấy, “đường vào địa ngục lót đầy những ý tưởng đẹp”. Lý thuyết thì tốt lắm, nhưng thực hành ra sao ? Trong khuôn khổ một bài báo nhỏ tôi không thể trình bày hết những cụ thể. Vả lại, phân khoa sư phạm bên nhà chuyên môn về lĩnh vực ấy (sư phạm so sánh – pédagogie comparée) và “kể chuyện” chắc thú vị hơn tôi nhiều. Tôi chỉ xin trình bày đôi ba kinh nghiệm nghề nghiệp:

 

Bàn thêm về đổi mới phương pháp giảng dạy - 2

(ảnh từ internet)

 

Trong khuôn khổ giáo dục cưỡng bách ở Bỉ, giới trẻ tính tới 18 tuổi phải đi học. Nhưng các em chỉ học một cách hữu hiệu những gì có ý nghĩa đối với các em. Còn những chuyện “trên trời dưới đất” của cái mà ta gọi là khoa học thì các em hoàn toàn hờ hững, không để ý. Đó là một điểm tâm lý. Giáo viên phải làm sao gây tò mò, hứng thú, bằng cách đi từ cụ thể, phương pháp qui nạp, bắt đầu bằng những áp dụng trước khi trình bày lý thuyết. Làm “ngược đời”, phá hết ra rồi xây dựng lại (déconstruire pour reconstruire). Cách làm này có thể áp dụng chẳng những cho các khoa học xã hội-lịch sử, mà cả cho vật lý và toán nữa. Ta không thể đổ lỗi cho cái khô khan của chương trình bó buộc, mà phải biến chương trính thành những bài học hấp dẫn. 

 

Từ lúc còn là trẻ em, lớp 1, lớp 2 cho đến lớp 11, 12, dạy học bằng dự án làm cho các em thích thú. Nhỏ thì trồng rau, nuôi gà... trong một góc của sân trường chẳng hạn. Lớn thì lập một cơ sở kinh doanh có cổ phần đàng hoàng hay một toà án, một quốc hội lập pháp... Từ đó lồng vào các môn học như sinh học, văn học, toán, kinh tế, sử, chính trị, tin học, ngoại ngữ...Cả năm các em sẽ có trách nhiệm đến trường để góp phần cho chính dự án của mình. Chương trình học vẫn xong, nhưng cách thực hiện chương trình hoàn toàn ...mới và sinh động.

 

Trình bày và thống nhất với các em về chương trình của một tuần, một tháng và  mỗi ngày và cả chủ đích, phương pháp của mỗi bài học... để các em có thể theo dõi dễ dàng, và nắm trước được diễn tiến. Thầy và trò cùng đi như hai người bạn đồng hành, trò làm chủ sự học của mình, biết trước  “tại sao”,  “làm thế nào”, ”đi đến đâu”... tự kiểm soát được chỗ nào theo kịp, chỗ nào hụt chân...

 

Không chấm điểm chế tài, xếp hạng cao thấp. Không phạt, nhưng lúc nào cũng khuyến khích. Phương pháp này rất cũ (Skinner, 1957) nhưng vẫn còn giá trị. Ở Bỉ, chúng tôi còn chấm điểm và cho ở lại lớp. Xếp hạng đã bị bỏ từ hơn 20 năm nay. Hiện một số trường đã bắt đầu bãi bỏ việc chấm điểm. Giáo dục ở Phần Lan không có chấm điểm và không ở lại lớp từ 50 năm nay. Tôi cho sinh viên tôi “thi” (vì trường đòi điểm cuối học trình) với sách/ tài liệu mở và tất cả đều đậu. Khi ra trường, khả năng vận dụng kiến thức của các em giỏi tương đương với các sinh viên khác đã qua quá trình đánh giá cổ điển (nghiên cứu trên 600 sinh viên, 300 trong mỗi nhóm, qua một bảng khảo sát quốc tế).  

 

Vấn đề ở đây là câu hỏi về những chủ đích của trường học : “để dạy kiến thức cho trẻ” hay “để dạy kiến thức và cho trẻ sống hạnh phúc”. Một phần tư đời người ở trường, cả 20  năm, nếu không hạnh phúc thì quả là một cực hình.

 

Xin thưa một lần nữa là những điều tôi đang trình đây không khác nào “múa rìu qua mắt thợ”, phân khoa Sư Phạm bên nhà chuyên môn hơn tôi (tôi chỉ là người nghiên cứu về giáo dục, chứ không là nhà nghiên cứu về phương pháp sư phạm).

 

Chất lượng người thầy quyết định chất lượng giáo dục?

 

Trăm sự không đè nặng trên vai của người thầy. Thầy chỉ là một trong ba “diễn viên” ở trường. Ba diễn viên ấy là trò, sự hiểu biết và thầy trong một tam giác đều, ba cạnh bằng nhau. Ngoài ra còn gia đình, còn ban giám hiệu, bộ giáo dục và cả xã hội vây quanh. Một mình, không có cố gắng của trò, không có tín nhiệm của xã hội thì thầy không làm được gì nhiều.

 

(Ở Phần Lan, các em không có chế độ nội trú là vì lý do ấy . Các em cần có sự tiếp sức của gia đình và xã hội).

 

Bàn thêm về đổi mới phương pháp giảng dạy - 3

Đổi mới của trường học cần được thực hiện trong một môi trường xã hội thuận lợi ... cùng đi song song để hướng tới mục tiêu ngày càng tốt đẹp. (ảnh từ internet)

(

Nhưng tôi đồng ý : thầy là một nhà giáo dục. Chữ này bao gồm : một nhà khoa học tổ chức cho trò học, một nhà tâm lý dìu dắt các em, một nhà đạo đức truyền luân lý, một nghệ sĩ co giãn với “thiên thời địa lợi nhân hoà” để sáng tác ra những tác phẩm tuyệt vời : một em bé thành người sống tốt trong xã hội là một công trình vô giá.

 

Một số nhà giáo quan niệm rằng “kinh nghiệm là mẹ của thành công”. Tôi lại nghĩ “hiểu biết rút ngắn con đường đi đến thành công”. Nếu người đứng trên bục giảng am hiểu hết “diễn tiến nguyên nhân hậu quả” của một phương pháp nào đó (nhờ những nghiên cứu mà mình đã đọc hay học qua), thì sẽ chọn và thực hành các bài giảng của mình một cách khoa học chứ không theo cách “dò dẫm”.

 

Chính vì vậy mà phải đào tạo cẩn thận những người có trọng trách giáo dục trẻ. Trẻ càng nhỏ (tiểu học, mẫu giáo) thì công việc càng khó vì các em còn non nớt, cần được bảo vệ và khai tâm. Những kết quả học tập ở giai đoạn này là cơ sở cho những thu thập sau đó. Trường mẫu giáo và tiểu học còn có thể là một công cụ chống bất bình đẳng : chuẩn bị sớm cho các em (về cấu trúc tiếng mẹ đẻ, về thói quen đọc sách, về ngoại ngữ ...) để các em thành công sau đó, dù là các em sinh ra ở những gia đình cao hay thấp trong xã hội. 6 năm đào tạo cho giáo viên và giáo sư ở Phần Lan, chương trình và phương pháp đào tạo của họ, ... là một điểm cần nghiên cứu và suy nghĩ.

 

Còn một chi tiết, rất nhỏ, nhưng quan trọng: sự hăng say là một “bệnh hay lây” -  thầy mà hăng say giảng dạy thì nhiều trò sẽ hăng say học tập. Dĩ nhiên phải đền bù thỏa đáng công việc của người đi dạy. Quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm và bổn phận. Trong dấu ngoặc: ngoài đền bù vật chất, nghề gõ đầu trẻ cho chúng ta nhiều đền bù tinh thần nữa .

 

                                          Nguyễn Huỳnh Mai

                                                Liège, Bỉ